Ngủ ngáy không nguy hiểm nhưng lại gây ra không ít phiền phức trong cuộc sống. Với 5 bài tập miệng và cổ họng sau đây, chứng ngủ ngáy sẽ giảm đi đáng kể!
Ngủ ngáy xảy ra khi chúng ta thở sai cách trong khi ngủ, khiến cơ lưỡi và cổ họng tạo áp lực lên ống thở làm ống thở bị hẹp. “Khi ống thở bị hẹp, không khí đi qua các vị trí này sẽ tạo ra tiếng ngáy” – Ths. Bs Nguyễn Hoàng Hải, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội cho biết. Tiếng ngáy chẳng những khiến giấc ngủ của bản thân không sâu, mà còn gây ồn ào cho những người xung quanh.
Bài tập bằng lưỡi
Mỗi động tác trên bạn lặp lại khoảng 5 lần. Bài tập lưỡi trên giúp điều chỉnh vị trí đặt lưỡi đúng, tránh để lưỡi gây ra áp lực cho ống thở, từ đó cải thiện hiện tượng ngáy ngủ.
Để thực hiện bài tập bằng lưỡi, bạn hãy làm theo các bước sau:
Bước 1 Bạn đặt đầu lưỡi chạm vào vòm miệng ngay phía sau răng cửa, rồi di chuyển đầu lưỡi dọc theo vòm miệng về phía sau khoảng 10 lần.
Bước 2 Ngửa đầu ra phía sau, bạn thè lưỡi ra khỏi miệng hết mức và giữ nguyên khoảng 10 giây.
Bước 3 Tiếp theo, bạn áp toàn bộ lưỡi lên sát vòm miệng và ấn vào, giữ nguyên trong 10 giây.
Tập thở bằng mũi
Trong quá trình trưởng thành con người hình thành nhiều thói quen khác nhau, trong đó có cả cách thở. Thay vì thở bằng mũi, có nhiều người thở bằng đường miệng, lâu dần tạo thành thói quen mở miệng khi ngủ, dẫn đến ngủ ngáy. Theo Tổ chức giấc ngủ của Mỹ, cách giảm ngủ ngáy hiệu quả là tập thở bằng mũi.
Để tập cách thở bằng mũi, bạn có thể dùng cách sau: Che một bên mũi lại, chỉ thở bằng một bên mũi, từ từ cảm nhận luồng không khí đi vào cơ thể qua đường mũi. Đổi bên và lặp lại cách thở này khoảng 10 lần trong ngày cho tới khi quen với cách thở bằng mũi.
Bài tập bằng miệng
Bài tập miệng giúp cơ mặt được vận động nhiều hơn thay vì chỉ có những biểu cảm quen thuộc thông thường, nhờ đó tăng khả năng điều khiển cơ mặt, góp phần cải thiện tình trạng ngáy do vô thức mở miệng khi ngủ.
Bước 1 Bạn thả lỏng hàm răng, mím môi để siết chặt cơ miệng
Bước 2 Sau đó, bạn há miệng để thả lỏng hàm và môi
Bước 3 Lặp lại quá trình trên khoảng 10 lần mỗi ngày để tăng cường sức mạnh của cơ mặt, hàm và cổ họng.
Nói các nguyên âm
Các nguyên âm như a, o, u, i, e,… được tạo ra bằng cách bật âm từ cổ họng, vì vậy tập nói các nguyên âm thường xuyên cũng là một cách để luyện cơ miệng linh hoạt hơn, dần dần bỏ được thói quen há miệng khi ngủ.
Để thực hiện phương pháp giảm ngủ ngáy này, hãy cố gắng phát âm từng nguyên âm và giữ hơi trong khoảng 10 đến 20 giây, lặp lại mỗi âm từ 10 hoặc 20 lần liên tiếp, sau đó chuyển sang nguyên âm khác.
Ca hát
Ca hát là một phương pháp hoàn hảo có thể rèn luyện cả cơ miệng và cổ họng lại không hề nhàm chán.
Chỉ đơn giản là chọn một hoặc nhiều bài hát mà bạn thích để tập hát vài lần mỗi ngày, chú ý tập trung vào việc lặp lại, phát âm rành mạch, rõ ràng hơn trong khi hát.
Trên đây là 5 bài tập miệng và cổ họng đơn giản, dễ thực hiện có thể giúp giảm tình trạng ngủ ngáy hiệu quả. Nếu bạn bè, người thân của bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy giới thiệu đến họ các phương pháp trên nhé!
Nguồn: Báo VnExpress, National Sleep Foundation
Chọn mua trái cây chất lượng tại Bách hoá XANH để bồi bổ sức khỏe:
truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn