Nếu bạn đang có ý định vứt những bộ phận này của cá trong lúc sơ chế thì dừng lại ngay nhé, bạn đang bỏ đi những phần nhiều chất dinh dưỡng nhất đấy.
Thông thường, chúng ta có thói quen chỉ ăn phần thịt nạc của cá hoặc thêm phần đầu, còn lại những bộ phận khác sẽ bỏ đi vì cho rằng nó không ngon mà cũng chẳng có chất gì. Bộ phận nào có thể bỏ, nhưng đừng bỏ đi 5 bộ phận này của cá nhé, vì đây là phần chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể bạn đấy.
Bong bóng cá
Theo Đông Y, bong bóng cá có rất nhiều dưỡng chất, giá trị dinh dưỡng rất cao, là một món ăn quý, tương tự với tổ yến.
Trong bong bóng cá chứa rất nhiều protein cung cấp các thành phần axit amin thiết yếu cho cơ thể, rất ít mỡ và giàu axit béo chuyển hoá, tốt cho việc điều hoà lipit trong máu. Hơn nữa, đây cũng là nguồn collagen dồi dào, giúp nuôi dưỡng và trẻ hoá làn da, đẩy lùi quá trình lão hoá.
Các món ăn nấu chung với bong bóng cá công thức cũng rất đơn giản như bong bóng cá xào rau củ, canh tôm bóng cá,..
Xương cá
Xương cá ngoài thành phần chính là canxi, trong này còn chứa phosphorus, collagen biển, khoáng chất tự nhiên và nguyên tố vi lượng như sắt, kẽm, magie,… Đặc biệt, tỷ lệ các thành phần hoá học trong xương cá đúng với tỷ lệ các thành phần này trong xương người.
Chính vì vậy, các nhà khoa học cho rằng xương cá chính là dạng tương thích sinh học của con người, khi hấp thu vào cơ thể, chúng sẽ kết hợp với xương non, kích thích tái tạo xương một cách nhanh chóng.
Bạn có thể hầm xương cá cho nhừ giống như hầm các loại xương động vật khác để lấy nước ngọt nấu các món ăn như canh cá, súp cá… Hoặc có một mẹo nhỏ là bạn thêm giấm vào nước hầm, thì xương sẽ mềm ra và bạn có thể ăn được.
Lòng cá (gan, mật, ruột cá)
PGS Lê Bạch Mai – Viện phó Viện Quốc gia, cho biết trong lòng cá, đặc biệt là phần gan và mỡ, chứa rất nhiều axit béo omega 3 và omega 6, là những chất béo chuyển hoá tốt, tham gia vào cấu tạo nên não bộ ở trẻ nhỏ và giúp giảm tình trạng mất trí nhớ ở người cao tuổi.
Ngoài ra, axit béo omega 3 còn có khả năng chống lại AMD, một chất dẫn đến mù loà.
Vì vậy, lòng cá thực sự là món ăn vừa tốt cho mắt, vừa tốt cho não bộ.
Lòng cá có thể chế biến thành các món như lòng cá chưng mẻ, lòng cá xào dưa chua,…
Vảy cá
Tiến sĩ Nguyễn Thuý Chinh – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã có thể tách chiết thành công collagen và 18 loại axit amin có lợi khác nhau, từ vảy cá.
Điều đó chứng minh, vảy cá là một nguồn cung cấp collagen cùng nhiều dưỡng chất khác như axit amin, chất xơ,…cho cơ thể con người.
Để có thể ăn được vảy cá, bạn chế biến như sau:
Cho vảy cá vào nồi nước sôi thêm một chút giấm, sau đó đun cho chúng dần chảy ra thành canh đặc sệt. Sau đó, múc canh ra để nguội rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản, khi nào ăn thì chỉ cần lấy ra nêm thêm gia vị là dùng được.
Da cá
Theo các nghiên cứu khoa học, da cá chứa rất nhiều dưỡng chất tốt, không chỉ nguồn cung cấp collagen giúp tăng độ đàn hồi và trẻ hoá làn da, nó còn chứa các khoáng chất như vitamin A, vitamin E, vitamin D không chỉ tốt cho da, mà còn có lợi về mặt duy trì và phát triển cơ thể.
Đặc biệt, hàm lượng omega 3 trong da cá cũng rất cao, nên đây cũng là nguồn chất béo tốt cho cơ thể hấp thụ.
Để da cá trở nên ngon và hấp dẫn hơn, thì trong khi nướng cá, bạn nên quay phần da về hướng nhiệt độ để nó giòn hơn. Tránh luộc hoặc hấp sẽ làm da cá trở nên nhầy nhụa, khó ăn.
Hy vọng, với bài viết này, bạn đọc đã có thêm các kiến thức và mẹo nhỏ để chế biến cá hợp lý hơn, không bỏ đi những bộ phận chứa nhiều dưỡng chất nữa.