Cúng thôi nôi được xem là biểu hiện mong ước tốt đẹp dành cho con khi lớn lên. Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu cách chuẩn bị mâm cơm cúng thôi nôi nhé!
Tiệc thôi nôi, đầy tháng vốn là phong tục truyền thống ở Việt Nam. Đây cũng là 2 trong số các mốc thời gian quan trọng của cuộc đời mỗi con người. Vậy mâm cơm cúng thôi nôi có ý nghĩa như thế nào với các bé? Hãy cùng Bách hoá XANH tìm hiểu nhé!
Ý nghĩa của mâm cơm cúng thôi nôi
Khi con vừa tròn 1 tuổi, gia đình thường tổ chức tiệc thôi nôi vào ngày sinh nhật đầu tiên của bé. Đây là một phong tục đặc biệt ở Việt Nam để kỷ niệm một năm bé chào đời suôn sẻ. Ngoài ra, khoảnh khắc này còn đánh dấu sự thay đổi, lớn lên của bé.
Theo quan niệm dân gian, mỗi em bé sinh ra đều có sự phù hộ độ trì của Tổ tiên và sự đỡ đầu của vị Đại Tiên (Bà chúa Đầu Thai), 12 Bà Mụ (12 Tiên Nương), 1 Đức Ông, 3 Đức Thầy. Những vị thần này góp phần tạo nên hình hài cho bé thông minh, cũng như giúp việc sinh nở được diễn ra thuận lợi hơn. Do đó, lễ cúng thôi nôi như một lời cảm tạ đến với các thần linh đã thầm phù hộ cho các bé.
Cần chuẩn bị những gì cho mâm cơm cúng thôi nôi?
Bình hoa và trái cây
Bình hoa và trái cây là vật dụng không thể thiếu khi cúng kiếng. Không chỉ giúp mâm cúng trở nên hài hoà mà còn tạo ra sự đầy đủ với nhiều ý nghĩa khác nhau. Với hoa cúng, bạn nên chọn những loại hoa có màu sắc rực rỡ, vui tươi.
Tuỳ vào mỗi vùng miền mà gia đình chọn các loại trái cây thích hợp. Ở miền Bắc, người ta thường chọn chuối, bưởi, đào, hồng, quýt để mong trẻ khoẻ mạnh, bình an và gặp nhiều may mắn. Với người miền Nam, họ thường chọn trái cây dựa theo sở thích. Một số loại trái cây được cho là mang lại may mắn gồm mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài,…
Gà luộc cánh tiên
Gà luộc cánh tiên mang dáng vẻ dũng mãnh và mạnh mẽ. Điều này tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc và thành công. Do đó, các mâm cúng truyền thống ở Việt Nam đều dùng món này để dâng lên Tổ tiên, Thần linh. Tuy nhiên, lễ vật này có sự khác nhau giữa các vùng miền. Một số gia đình có thể chọn cúng chay thay vì cúng mặn.
Bộ xôi chè
Đây là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng thôi nôi. Từng món trong bộ xôi chè đều mang ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn như:
- Xôi nếp dẻo: Tượng trưng cho sự khỏe mạnh, dẻo dai của bé em trong từng giai đoạn phát triển.
- Chè đậu đỏ, chè đậu xanh, chè đậu trắng: Tượng trưng cho sự đỗ đạt và thành công trên đường đời của trẻ.
- Chè trôi nước: Tượng trưng cho sự tròn đầy, suôn sẻ khi con lớn lên.
Bộ trầu cau đã têm, kết
Bộ trầu cau thể hiện sự viên mãn trong cuộc sống và sự nghiệp. Việc chuẩn bị trầu cau đã têm, kết vào ngày cúng thôi nôi tượng trưng cho mong ước cuộc sống của các bé sẽ tốt đẹp hơn. Lễ vật này còn nhắc nhở con sống chan hòa, yêu thương mọi người xung quanh.
Nhang, nến thơm và rượu lễ
Theo quan niệm dân gian, nhang và nến thơm là cách truyền lời cầu đến các vị thần. Ứng với mỗi lời cầu nguyện tốt lành, người dân thường cúng thêm rượu để tạ lễ. Do đó, những vật lễ này rất quan trọng và không thể thiếu trong mâm cúng truyền thống.
Bộ quần áo mã, bộ hài xanh, tiền vàng
Bộ quần áo mã và hài xanh sẽ dành cho 12 Bà Mụ và Bà Chúa. Còn tiền vàng sẽ dành cho Đức Ông và 3 Đức Thầy. Bên cạnh đó, bạn nên chuẩn bị thêm chén, đũa, muỗng. Đặc biệt nên có 1 đôi đũa hoa bởi theo quan niệm dân gian, Bà Mụ thích dùng loại đũa này.
Trên đây là ý nghĩa của mâm cơm cúng thôi nôi mà cha mẹ cần biết để chuẩn bị cho con. Bạn có thể tìm mua những nguyên liệu trên ở siêu thị hoặc các cửa hàng thực phẩm tại địa phương. Hãy tham khảo để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các lễ vật cúng kiếng nhé! Cảm ơn bạn đã theo dõi!
truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn