Càng ngày, ta càng thấy Tết Trung Thu không còn giữ được vẻ đẹp truyền thống như trước kia nữa? Đâu rồi, những câu hát, những mẩu chuyện kể vào mỗi dịp Tết Trung Thu…
Tết Trung thu bây giờ đủ đầy hơn nhưng lại mất dần các giá trị truyền thống khi không còn là tết thiếu nhi, ngày lễ dành riêng cho các em được chơi trăng, phá cỗ nữa. Những nét đẹp truyền thống cũng theo đó mà dần dần bị quên lãng.
Nhớ về ngày Tết Trung Thu khi xưa…
Mỗi dịp rằng tháng 8 âm lịch hằng hằng năm, mọi người sẽ cùng nhau nô nức đón Tết Trung Thu, một cái Tết đặc biệt không kém gì so với các ngày lễ khác. Giữa tiết trời mát mẻ, ngày mà mặt trăng đẹp nhất, tròn nhất, ánh trăng sáng vằng vặc, đó là ngày lễ Trung thu mà trong quan niệm của người Việt, là khi con người có sự giao thoa kỳ diệu với đất trời vũ trụ. Cái ý nghĩa thuần khiết và vẹn toàn ấy giờ chỉ còn trong hoài niệm…
Khi ấy nhà nào có con nít là y như rằng nhộn nhịp không chịu nổi. Nào là làm lồng đèn thế nào, kiểu dáng ra sao bởi lẽ với trẻ em ngày ấy đèn Trung thu là thứ quan trọng và ý nghĩa nhất được lũ trẻ háo hức chuẩn bị từ trước cả tháng. Phải vót tre, làm khung, rồi cắt giấy dán sao cho chiếc đèn của mình đẹp và sáng bừng lên, đứa nào cũng thi nhau sáng tạo.
Đến đêm rằm thì đúng là một triển lãm các loại đèn sinh động vui mắt: đèn cá chép, đèn ông sao, đèn con gà, đèn mũ ông sư, đèn con thỏ, đèn xếp giấy, đèn lồng, đèn kéo quân, … Chỉ là một chiếc đèn bé nhỏ nhưng bao nhiêu là náo nức, vui vẻ, mong ngóng chiếc đèn mình hoàn thành đã khơi dậy trong các em bao nhiêu ý tưởng.
Rồi ông bà, bố mẹ, chuẩn bị cỗ bánh kẹo để các em phá cỗ, xem múa lân vô cùng náo nhiệt, nhiều đứa rủ rê nhau vừa đi vừa hát xung quanh mâm cỗ vui ơi là vui, đến tận khuya vẫn không đứa nào chịu về nhà.
Quà bánh trung thu ngày xưa đơn giản mà ngon đến kì lạ. Khi ấy đường phố chưa nhiều đèn điện như bây giờ, nên mặt trăng dường như cũng sáng hơn, không khí trong lành và ấm áp hơn, đèn trung thu cũng vì thế đẹp hơn hẳn, và tiếng hát của các em cũng đặc biệt trong trẻo hơn:
Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có nồi cơm nếp
Có nệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có khiếu đánh đu
Thằng cu vỗ chài
Bắt chai bỏ giỏ
…
Trung Thu của bây giờ…
Bây giờ mọi thứ đều hiện đại hơn nên không cần vất vả chuẩn bị đèn trung thu như xưa nữa. Do đó đèn trung thu chạy bằng điện, bằng pin ra đời, mẫu mã đa dạng, hình dáng kiểu nào cũng có. Nhưng cũng vì thế trẻ em bây giờ đã không biết đến thú vui làm lồng đèn chung với đám bạn như ngày xưa nữa. Cái cảm giác làm ra một chiếc lồng đèn thành tựu biết mấy.
Rồi ngày Trung Thu đến trẻ em cũng không còn nô nức ra đường xem trăng phá cỗ nhiều nữa, muốn xem thì mở điện thoại, máy tính lên là xem được rồi, muốn đi chơi với bạn bè thì ra quán trà sữa là được, muốn ăn bánh kẹo gì có thể vào siêu thị mua là có ngay. Vì quá tiện lợi như thế nên ý nghĩa về việc sum họp gia đình quây quần ngắm trăng phá cỗ dường như dần biến mất đi.
Vì thế, chúng không biết nhớ và mong chờ Trung thu. Cũng thật hiếm hoi cảnh rộn ràng lối ngõ tiếng trống múa lân, đám trẻ rước đèn rồi quây quần bên mâm cỗ, vừa rước đèn, vừa hát vang những bài hát Trung thu dưới vầng trăng rằm sáng vằng vặc, ngồi nghe người lớn kể câu chuyện cổ tích về chú Cuội, chị Hằng.
Những câu hát ngày xưa ấy liệu có ai còn nhớ, những bài đồng dao, những bài vè, câu hát ấy cũng dần mai một đi…
Nét đẹp Trung Thu ngày xưa đã dần chìm theo thời gian. Chính những nét đẹp văn hóa ấy đang lưu giữ những nét đặc sắc về văn hóa rất riêng của chúng ta. Liệu rằng một ngày nào đó chúng có trở về không đây…
Hoàn cảnh thay đổi, những giá trị cũ cũng thay đổi, niềm vui cũng chẳng còn giống nhau nữa. Hoài niệm bao nhiêu cũng chẳng thể nào khiến mọi thứ quay trở lại. Cứ mỗi lần đến mùa trung thu lại bao nhiêu xúc cảm lẫn lộn lại ùa về khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Đừng quên xem những thông tin thú vị tại chuyên mục Trung Thu