10 Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” (lớp 9) hay nhất

10 Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” (lớp 9) hay nhất
Bạn đang xem: 10 Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” (lớp 9) hay nhất
tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Khi đánh giá về một con người chúng ta thường có những nhận xét về dáng vẻ bên ngoài và tính nết, phẩm chất của người đó. Vậy mối quan hệ giữa hình thức bên ngoài với phẩm hạnh của một người được thể hiện như thế nào? Từ những suy nghĩ đó cộng với việc đúc rút kinh nghiệm qua nhiều thế hệ, ông cha ta đã đưa ra quan niệm: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Câu tục ngữ cô đọng, chỉ có sáu tiếng, nhưng đằng sau nó là một kinh nghiệm sống thực tế. Để trình bày tốt suy nghĩ của mình trong bài văn bình luận về câu tục ngữ trên, mời các bạn tham khảo một số bài văn hay nhất mà chúng mình đã tổng hợp trong bài viết dưới đây.

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 7

Khi nói về nhan sắc và đức hạnh trong mối quan hệ của con người, thì cha ông ta trước đã có câu tục ngữ đặc sắc và ngắn gọn đó chính là “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Chúng ta cũng phải cần hiểu và cũng như có những đánh giá những quan niệm thế nào cho đúng về câu tục ngữ này.

Đầu tiên ta phải hiểu được câu nói đó có ý nghĩa gì? “Cái nết” ở đây chính là tính nết cũng như đức hạnh hay còn là những tư tưởng tình cảm của con người. Còn trong câu tục ngữ này cái nết như chỉ về những điều thật tốt đẹp thì mới có thể “đánh chết cái đẹp” được. Ta phải hiểu linh hoạt “đánh chết” có nghĩa là hơn hẳn rất nhiều cái đẹp. Còn “cái đẹp” được hiểu là hình thức, vẻ bề ngoài của con người. Cả câu tục ngữ được hiểu đơn giản như sau: Con người chúng ta bao giờ tính nết cũng sẽ hơn hẳn vẻ bề ngoài, nên khi người ta đánh giá con người thường không chỉ dựa vào vẻ bề ngoài phán xét, quan trọng hơn đó phải là tính cách người đó như thế nào.

Qủa thật ta như thấy được câu tục ngữ bao hàm một nghĩa rộng, nó nêu lên một bài học, một nhận xét sấu sắc. Đạo đức được xem là cái gốc của con người. Một con người mà không có đạo đức thì chính là con người không có nhân cách. Còn cả đức hạnh được coi trọng hơn nhan sắc, vẻ bên ngoài rất nhiều.

Câu tục ngữ ông cha dạy rất đúng. Bởi con người luôn được đánh giá ở hai mặt đó chính là tâm hồn và vẻ bề ngoài. Khi một con người có vẻ đẹp tâm hồn tức là họ luôn luôn giúp đỡ những người xung quanh, học như luôn chia sẻ với mọi người xung quanh. Người có “cái nết” đó chính là người có cách ứng nhân xử thế tốt, họ cũng sẽ nhận được những sự quý mến của mọi người.

Ngược lại nếu như con người dù có đẹp về nhan sắc, áo quần có sang trọng, trang điểm son phấn xinh tươi nhưng cái nết lại xấu. Điều này cũng có nghĩa là lười biếng, thô lỗ, tục tằn trong giao tiếp, đó có cả những sự ích kỉ, tham lam, bất hiếu với cha mẹ, bất nghĩa với nhân dân,… thì dường như tất sẽ bị mọi người cười chê, xa lánh. Ta như thấy được chính sắc đẹp của người ấy như cũng chẳng mang lại danh giá gì cả, mọi người sẽ xa lánh những người có những đức tính không tốt.

Không chỉ nói về con người mà đồ vật cũng vậy, hình thức choáng lộn bên ngoài không thể nào che đậy được thực chất bên trong. Giá trị sử dụng của đồ vật là ở sự lâu bền, tiện lợi, tính hiệu quả của nó đối với cuộc sống của con người, đâu phải ở chỗ nước sơn, nước mạ bóng lộn. Qua đó mỗi người chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc của câu tục ngữ đặc sắc đó chính là “Cái nết đánh chết cái đẹp”.

Câu tục ngữ như chất chứa biết bao điều trên còn chứa đựng một triết lí sâu sắc đó chính là nội dung quyết định hình thức, nội dung quan trọng hơn hình thức. Vì thế nhân dân ta mới có câu tục ngữ tương tự:

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,

Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”

Hoặc là câu:

“Tốt danh hơn lành áo”

Tuy nhiên chúng ta cũng phải xem xét lại câu nói này trong thời đại hiện nay. Mặc dù nó là đúng đắn nhưng vẫn có nhiều điều cần phải được xem xét. Khi một người mà có ngoại hình không được đẹp thì dù lương thiện cũng như tài năng như thế nào cũng khó có thể tiến xa được. Cho nên con người ngày càng phải biết hoàn thiện mình hơn nữa, không chỉ đẹp về hình thức mà cũng phải học hỏi thêm nhiều kiến thức. Không thể nói được những người không may mắn có một diện mạo kém đẹp thì cũng đừng buồn vì chỉ khi bạn thực sự cố gắng học tập và hình thành cho mình lối sống đẹp thì những khiếm khuyết của bạn sẽ được bù đắp xứng đáng.

Có thể nhận thấy được cái nết, cái đẹp của người học sinh là vẻ đẹp hình thức và tâm hồn, nó dường như cũng chính là đức trí, thể, mĩ được biểu hiện ở gương mặt sáng ngời. Đó còn chính là thể lực tốt, chăm học, chăm làm ngoan ngoãn, Lễ phép, biết kính thầy mến bạn, giàu tình thương và nhiều mơ ước. Khi có được tâm hồn đẹp, trí tuệ đẹp, nhan sắc đẹp là cái đẹp hoàn thiện đáng yêu và trân trọng.

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 7

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 10

Khi nói về nhan sắc của một người phụ nữ ông bà ta thường có câu nói bất hủ rằng “Cái nết đánh chết cái đẹp” nhằm đề cao tới tính tình đức hạnh, nhân cách của người con gái hơn là vẻ đẹp hình thức bên ngoài. Câu nói “Cái nết đánh chết cái đẹp” được hiểu như thế nào cho đúng? Cái nết đó chính là phần tính cách, đạo đức nhân phẩm của con người. Nó chính là phần nội dung làm nên nhân cách giá trị của một con người đó có phải là một con người lương thiện, hiền lành tử tế hay không. Còn cái đẹp đó chính là phần hình thức bên ngoài, đó chính là tượng mạo mà người ta có thể nhìn thấy, cao thấp, béo gầy, xinh, xấu…

Trong câu nói “Cái nết đánh chết cái đẹp” ông cha ta đã có ý muốn đề cao phần nội dung bên trong hơn những gì được thể hiện ra bên ngoài. Cái phần tính cách của con người mới chính là phần mà mỗi chúng ta quan tâm, còn hình thức bên ngoài đẹp hay xấu không nói lên bản chất của một con người. Để sống lâu dài, có thể hòa hợp hay cùng nhau sẻ chia tâm sự vui buồn thì phần bên trong, tính nết mới là phần quan trọng và làm nên giá trị cốt lõi của một con người. Còn hình thức bên ngoài chỉ là một chút choáng ngập trước vẻ đẹp mà thôi.

Câu nói này khiến cho chúng ta hiểu rằng cái nết hơn hẳn cái đẹp. Một con người dù đẹp tới mấy những bản chất tâm địa xấu xa, hẹp hòi, ích kỷ lười biếng.. thì không thể nào sánh bằng một con người chăm chỉ, hiền lành, nhân hậu, biết ứng xử, biết đối nhân xử thế chia sẻ vui buồn với những người xung quanh mình. Một con người tốt hay xấu, đều không thể phán xét qua vẻ bề ngoài của họ mà cần có thời gian, cần phải tiếp xúc và tìm hiểu đời sống nội tâm bên trong họ thì mới rõ được xấu tốt ra sao. Câu tục ngữ này chính là một bài học bổ ích, một cách nhìn người đúc kết qua nhiều kinh nghiệm của thế hệ trước để lại. Đó là một kết luận vô cùng sâu sắc, đáng để cho chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều nhất là trong thời kỳ hiện đại khi mà những hoa hậu, những người đẹp được lên ngôi được người ta tôn sùng, ái mộ, thì cái nết lại càng cần hơn bao giờ hết.

Một cô hoa hậu rất đẹp nhưng lại sống thực dụng luôn tìm cách giật chồng người khác để kiếm lợi cho mình, sống dựa giẫm vào người khác, ích kỷ, hẹp hòi từ bỏ cả cha mẹ ruột của mình vì họ quá nghèo khổ. Một cô hoa hậu như vậy có đáng để chúng ta tôn trọng ngưỡng mộ hay không. Trong khi đó biết bao nhiêu người bình thường thầm lặng làm những việc tốt giúp đỡ cho những trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, thương yêu hiếu kính với cha mẹ người thân, làm được nhiều hoạt động tốt cho xã hội, có tấm lòng nhân ái. Một người như vậy dù không là hoa hậu không nổi tiếng vì sắc đẹp nghiên nước nghiêng thành của mình thì cũng đáng để chúng ta tôn trọng, kính nể.

Một người đẹp nhưng lại sống không có nhân cách đạo đức suy đồi, thì thật không đáng một chút nào một con người như vậy dù nhan sắc có chim sa cá lặn thì cũng chỉ đáng vứt đi mà thôi. Trong xã hội hiện đại ngày nay dường như có nhiều cô gái như vậy họ lợi dụng mình co nhan sắc mà làm những việc thật đáng lên án. Những người đó dường như đã quên đi giá trị sống mà ông cha ta truyền dạy một câu nói bất hủ không bao giờ cũ “Cái nết đánh chết cái đẹp”

Giá trị của một con người đó chính là khi họ có một tâm hồn lương thiện, họ tích lũy được tri thức tự lập trên đôi chân của mình. Họ sống có ích cống hiến cho gia đình và xã hội không sống như một cây tầm gửi bám vào người khác không tạo nên những thị phi ở đời. Một người như vậy thật đáng quý biết bao.

Câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” cho chúng ta thấy được ý nghĩa vô cùng nhân văn sâu sắc của câu nói này, con người ta chỉ đẹp khi họ có một trái tim nhân hậu, khi họ biết hoàn thiện mình vươn lên trong cuộc sống để trở thành người có ích sống tốt đẹp biết ứng xử với người xung quanh. Dù vẻ đẹp hình thức càng ngày càng được coi trọng được đánh giá cao trong cuộc sống hiện đại. Nhưng mỗi chúng ta cần phải nhớ kỹ câu nói này để hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn, nếu ta có vẻ đẹp hình thức rồi thì hãy hoàn thiện phần tâm hồn, tính cách, tri thức của mình để vừa đẹp nết vừa đẹp người.

Nếu chúng ta có học thức, tính nết hiền hòa tốt đẹp rồi thì hãy hoàn thiện phần hình thức của mình, bởi trong cuộc sống không có người phụ nữ xấu chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp mà thôi. Mỗi chúng ta hãy tự hoàn thiện mình để trở thành một con người hoàn hảo hơn.

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 10

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 6

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

Đó là một trong những kinh nghiệm sống thực tế mà người đời truyền lại cho con cháu đời sau. Khi đánh giá sự vật, chúng ta chú ý đến chất liệu tạo ra đồ vật. Còn khi nhận xét một con người, ông cha ta cho rằng: Cái nết đánh chết cái đẹp.

Chúng ta nhìn nhận lời nhắn nhủ này như thế nào và có ý kiến ra sao, giữa hai vấn đề “cái nết” và “cái đẹp”? Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của câu tục ngữ qua hai hình ảnh mang nội dung đối lập: “Cái nết” là nết na, phẩm cách, đức hạnh của con người, là nét đẹp về nhân cách, về tâm hồn. Nét đẹp đó không phơi bày một cách hào nhoáng, mà ẩn kín bên trong. Còn “cái đẹp” là vẻ rực rỡ hấp dẫn quyến rũ bề ngoài. Chúng ta có thể hiếu đó là vẻ bóng bẩy bên ngoài.

Câu tục ngữ cho rằng: tư cách, phẩm chất đạo đức có sức mạnh “đánh chết”, tiêu diệt hình thức lòe loẹt phô trương bên ngoài. Tư cách của con người có giá trị bền vững, dài lâu hơn vẻ đẹp son phấn, màu mè bên ngoài. Cũng như chất liệu tạo ra đồ vật có giá trị cao hơn lớp nước sơn, bao bì che bọc bên ngoài. Như vậy, lời tục ngữ ấy đề cao, coi trọng tư cách, phẩm chất hơn dáng vẻ bảnh bao bên ngoài. Cũng ca ngợi đức độ con người, ca dao xưa có câu:

Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây đức để dời về sau.

Người xưa khuyên chúng ta “trồng cây đức” có nghĩa là ra công, cố sức rèn luyện tư cách luôn đàng hoàng, đứng đắn. Trở lại vấn đề, câu tục ngữ khẳng định phẩm giá con người tồn tại vĩnh viễn còn vẻ hào nhoáng bóng bẩy bề ngoài sẽ bị tiêu diệt. Đó là suy nghĩ đúng. Bởi vì con người được quý mến là do họ có tư cách. Họ quan hệ đối xử hòa nhã với người chung quanh. Họ không làm điều gì có hại đến tính mạng, tài sản của kẻ khác. Ngược lại, những kẻ mất tư cách, kém đạo đức, thường gây tai họa cho người lân cận.

Khi câu tục ngữ khẳng định “cái nết đánh chết cái đẹp” thì cái đẹp đang hấp hối kia chính là cái xấu đội lốt cái đẹp. Cái đẹp giả tạo phù du không thề tồn tại mãi với thời gian. Cái đẹp hình thức đó không thể chống chọi lại cái nết cao cả, vĩnh cửu. Vì muốn có được cái nết cao đẹp, con người phải khổ luyện, tập tành bền lâu, dai dẳng, kiên trì mới có được. Còn cái đẹp bề ngoài chỉ cần vật chất, tiền tài, trong phút chốc có thể tạo nên. Muốn có mái tốc uốn cong, trang sức đẹp dẽ phục vụ dạ hội, người ta vào tiệm uốn tóc trong thời gian ngắn. Nhưng muôn có được mái tóc dài óng ả mượt mà, ta phải dưỡng mái tóc mấy năm trời. Bảo vệ cái nết, tôn vinh đạo đức, tục ngữ có câu:

Có đức mặc sức mà ăn.

Cái đức vĩnh viễn “ăn” mãi vẫn còn, đó là cái “nết” quý báu cua con người. Tuy nhiên, coi trọng cái nết mà loại trừ, lánh xa cái đẹp là điều làm chúng ta cảm thấy băn khoăn, vì chưa thỏa đáng. Một người hoàn thiện phải hội đủ hai phần: phẩm chất, tư cách, đạo đức và dáng vẻ hình thức bên ngoài. Cái đẹp bên trong và dáng dấp bề ngoài phải hài hòa, gắn bó nhau. Người có tư cách đàng hoàng không thể ăn mặc xốc xếch, nói năng cộc cằn. Cũng như một món hàng chất lượng cao thì phải được chế tạo bởi chất liệu tốt và được đóng gói trong bao bì có màu sắc đẹp, kiểu dáng tinh tế. Vì vậy, con người mới dùng kem, phấn làm đẹp dung nhan, trang trí nội thất làm đẹp phòng họp, phòng khách. Những chậu hoa, bức màn màu sắc rực rở để làm đẹp mỏi trường sống.

Như vậy con người cũng nên để cho “cái đẹp” được sống mãi với thời gian. Khi người đời nói: “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” thì họ cũng công nhận cái đẹp cũng cần thiết cho con người lắm. Hình thức cũng góp phần làm hoàn chinh nội dung. Cái đẹp cũng làm cho cái nết tồn tại dài lâu, lại có giá trị cao.

Câu tục ngữ có tác dụng giáo dục người đời cố công rèn luyện tư cách phẩm chất. Đó là căn bản, nguồn gốc hình thành con người toàn diện. Do vậy, khi còn nhỏ được cắp sách đến trường lớp, được ở bên cạnh mẹ cha, chúng ta kiên trì rèn luyện tư cách phẩm chất. Trước hết chúng ta phải là trò ngoan, con thảo hiền, bạn thân thiết hòa nhã. Trong lớp, chúng ta chăm chỉ học tập, sẵn sàng giúp bạn, đoàn kết trong học tập, công tác. Quan hệ chân thành với các bạn trong lớp, trong trường. Ở nhà, chúng ta luôn vâng lời dạy bảo của mẹ cha, anh, chị. Đối với hàng xóm, láng giềng thì thật thà, trung thực. Chúng ta có ý thức và thực hiện đúng câu:

Tiên học lễ, hậu học văn.

Nghĩa là chúng ta luôn lắng nghe lời khuyên dạy về đạo đức, nhân cách của các bậc thầy cô. Mai sau trưởng thành được gia nhập cuộc sống cộng đồng, chúng ta sẽ là người có phẩm chất đạo đức tốt. Chúng ta sẽ được xã hội phân công công việc hợp khả năng, góp phần làm giàu cuộc sống chung. Bác Hồ có nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”. Để không bị rơi vào loại người “vô dụng”, chúng ta cần bồi dưỡng, rèn luyện tư cách đạo đức đế trở thành con người vừa có tài, vừa có đức. Con người là vậy. Còn đồ vật cũng thế. Nếu một món hàng được chế tạo bằng chất liệu tốt thì phải được dặt trong bao bì đẹp mới đủ sức hấp dẫn khách hàng.

Câu tục ngữ cô đọng, chỉ có sáu tiếng, nhưng đằng sau nó là một kinh nghiệm sống thực tế. Phẩm chất tư cách là cái gốc hình thành một con người, và dáng vẻ bề ngoài cũng góp phần cấu tạo hoàn chỉnh một con người. Người xưa nói “cái nết na” tiêu diệt “cái đẹp” khi cái đẹp đó là cái đẹp phù phiếm, giả tạo. Cái đẹp chân chính, cái đẹp đích thực hỗ trợ cho cái nết được hoàn chỉnh, thì cái đẹp ấy rất đáng nâng niu, gìn giữ. Tuy nhiên, con người cũng đừng bao giờ để cái vẻ hào nhoáng rực rỡ bên ngoài cám dỗ rồi đánh mất cái giá trị đạo đức làm người.

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 6

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 9

Thời phong hầu và kiến quốc, phải chăng cái đẹp luôn bị cái nết đánh chết? Vì một nụ cười của Bao Tự, vua nhà Chu mất nước. Vì một cái nhăn mặt của Tây Thi, Ngô Phù Sai mất cả giang sơn. Cái nết được tôn sùng, còn cái đẹp thì cứ luôn bị “hăm he” bởi cái nết. Nhưng rốt cuộc, cái đẹp vẫn cứ làm… khuynh đảo lòng người và gây mưa tạo gió trong suốt chiều dài lịch sử. Vậy thì, cái đẹp, đang đứng ở đâu trong lịch sử hiện đại? Phải chăng nó đã và đang làm cuộc cách mạng quay sang “đánh chết cái nết” và… tự thủ tiêu mình?

Cái nết và cái đẹp, dù đặt trong thời đại nào, cũng chỉ là hai trong số rất nhiều những nhân tố chính tạo nên bức tranh toàn cảnh về một con người. Nói theo phong cách… triết học, thì với vai trò là những nhân tố cấu thành nên một “tác phẩm”, cái nết – vẻ đẹp bên trong, và cái đẹp – vẻ đẹp bên ngoài, luôn tương tác qua lại lẫn nhau, tạo nên sự biến đổi và phát triển. Tuy nhiên, nhiều thế kỷ qua, con người – chủ thể, và cũng là đối tượng của những biến đổi, phát triển trên – dường như luôn thích phủ định cực đoan mối quan hệ tương tác “hữu hảo” đó. Lấy câu tục ngữ: “Cái nết đánh chết cái đẹp”, hay nhẹ hơn là “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” làm ví dụ.

Tất nhiên, hầu hết chúng ta đều hiểu, những câu tục ngữ này được đặt ra với mục đích khuyên răn người phụ nữ nên tập trung “sức người, sức của” vào việc trau chuốt vẻ đẹp bên trong. Mà vẻ đẹp bên trong này, căn cứ theo logic và tư duy lịch sử, thì không nằm ngoài những “công – dung – ngôn – hạnh”, những “chính chuyên trinh tiết” và “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”. Khuyên răn như vậy, để rồi cuối cùng các cụ vẫn buông một câu nhẹ nhàng như không, rằng: “trai tài, gái sắc”!!!

Nhưng đó là chuyện của những gì xưa cũ, gia trưởng và độc đoán, chuyên quyền. Ngày nay, trong xu thế mà cả nhân loại đang cùng cố gắng tìm kiếm một tiếng nói chung nhằm tạo ra những giá trị gia tăng cho cả cộng đồng, thì “loại hình” xung đột để thôn tính, triệt tiêu nhau, khinh khi rẻ rúng sự tồn tại của nhau như kiểu… đánh chết đối phương là không còn phù hợp nữa.

“Cái nết” ngày nay không còn là kim chỉ nam trong cuộc sống của người phụ nữ. Tự tin, mạnh mẽ, họ bước ra khỏi cái vòng kim tỏa dùng để nén giữ tài năng và sự lợi hại của mình. Họ dần nhận ra “sắc đẹp” của hình thể bên ngoài mà tạo hóa dày công hun đúc nên là cả một kho báu quý giá, một loại… vũ khí đặc biệt nguy hiểm, mạnh hơn bất cứ loại vũ khí nào đã và đang tồn tại (Anh hùng nan giải mỹ nhân quan là chính thế).

Đọc Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa, tôi rất thích nhân vật cô thợ may trong sáng nhưng mạnh mẽ và đầy tham vọng nơi núi rừng hẻo lánh. Cô rời bỏ cuộc sống giản dị nhưng đơn điệu của mình để tìm ra thế giới rộng lớn. Bằng một lời giải thích nhẹ nhàng, Balzac đã cho cô hiểu giá trị của sắc đẹp người phụ nữ là quí giá đến mức nào…

Phụ nữ ngày nay, cùng với sắc đẹp, đã và đang hăm hở tiến lên mở cửa kho tàng tri thức của nhân loại. Họ đọc sách, viết sách, và nghiên cứu. Họ sáng tạo, chế tạo, và bay vào vũ trụ. Họ tạo nên những huyền thoại, từ Audrey Hepburn – biểu tượng của vẻ đẹp hoàn mỹ vượt qua mọi thời đại, tới Angela Merkel hay Condoliza Rice – hai trong số các phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Có thể nói, trong rất nhiều trường hợp, chính sắc đẹp đã mở ra nhiều con đường hơn cho phụ nữ để họ có cơ hội thử thách, rèn luyện “cái nết” cũng như trau dồi, nâng cao tri thức mà mình có được. Thực tế cho thấy, ở mọi thời đại, không chỉ đàn ông mà cả xã hội, từ già trẻ tới lớn bé đều luôn đòi hỏi một “cái đẹp thuyết phục” trước khi cho “cái nết” cơ hội thực hiện “sứ mệnh chinh phục” của mình. Cả thế giới công nhận đẹp là cái cần phải có ở người phụ nữ. Không phải ngẫu nhiên khi hầu hết các nhân vật nữ chính từ văn học cho đến phim ảnh đều là những phụ nữ “đẹp”. Họ đẹp, tài năng và có một tư chất tốt. Từ Hoàng Dung đến Scarlett O’Hara, từ cô Tấm cho đến nàng Bạch Tuyết.

Ở một thời điểm, cái nết là điều kiện cần để cái cái đẹp có thể tỏa sáng. Nhưng trong một hoàn cảnh khác, cái đẹp lại là… chiến sĩ mở đường để cái nết đường hoàng tiến bước, để tri thức kiêu hãnh ngẩng cao đầu trước đối phương. Và đương nhiên, trong những trường hợp cụ thể khác, tri thức lại là lý do để cái đẹp và cái nết được dịp đem ra ca ngợi.

Cái nết, cái đẹp, tri thức giờ đây là bộ ba song hành cùng người phụ nữ trong thời đại mới. Người phụ nữ cần sắc đẹp để thu hút và gây thiện cảm tạo bước đệm ban đầu, cần tri thức để khẳng định mình và xây những nấc thang tiếp theo, và cuối cùng, cần cái nết -vẻ đẹp tâm hồn, để bảo vệ mình và để được tôn trọng. Vai trò của từng “thành tố” trong bộ ba đó là như nhau, bổ sung cho nhau, tương tác và nâng đỡ nhau… cùng phát triển. Thiếu một trong ba yếu tố đó, người phụ nữ sẽ mất đi một phần sức mạnh và rất nhiều cơ hội quan trọng để thành công cũng như tìm được hạnh phúc cho bản thân.

Lẽ tất nhiên, tri thức là yếu tố bên ngoài, do rèn luyện tích lũy mà có được. Cái nết một phần nhỏ do bản tính, còn thì do giáo dục và môi trường tạo nên. Vậy cái đẹp thì thế nào? 90% vẻ đẹp hình thể phụ thuộc vào tạo hóa, nghĩa là phụ thuộc vào may mắn. 10% còn lại là do chính bản thân người phụ nữ. 10% này tuy ít, nhưng lại có sức mạnh thay đổi, thậm chí còn tác động ngược đến 90% may mắn ban đầu. Đó là chưa kể đến, dù luôn tồn tại những chuẩn mực chung được cả cộng đồng công nhận, nhưng cái gọi là đẹp nhiều khi lại còn tùy nơi, tùy lúc, tùy người. Nói thế, không có nghĩa những người phụ nữ xấu vẫn có thể bỏ bê, không chăm sóc vẻ bề ngoài và chờ đợi sẽ đến lúc, đến nơi và có người công nhận vẻ đẹp… đặc biệt đó. Bởi nếu bản thân bạn không tôn trọng và nâng niu vẻ ngoài của chính bạn, thì còn ai khác có thể làm được điều này?

Một phụ nữ trời sinh đã đẹp, thì một trong những việc cần làm là bảo vệ và duy trì nhan sắc quý giá đó. Còn với một phụ nữ xấu? Một trong những việc bạn nên làm, là cải tổ tình hình theo hướng hiệu quả nhất có thể. Một mái tóc phù hợp, một màu son phù hợp, một cặp kính phù hợp, một chiếc áo phù hợp, một đôi giày phù hợp chắc chắn sẽ khiến bạn trở nên xinh hơn, duyên dáng hơn với tình trạng gốc ban đầu. Thậm chí, nếu sự hỗ trợ từ kỹ thuật y học là cần thiết, thì việc đi giải phẩu thẩm mỹ là một việc rất chính đáng, nếu không nói là mang tính nhân bản ở khía cạnh nhu cầu hướng đến cái đẹp. Bởi vì, nếu đã là một mảnh đất cằn cỗi, thì làm sao bạn có thể mang lại sự sống nếu không cần thêm nước tưới và cứ bướng bỉnh phơi mình trần ra dưới ánh mặt trời? Nhưng bên cạnh đó, người phụ nữ may mắn sẵn vốn trời ban thì không nên chỉ chăm chăm vào vẻ đẹp có lúc có thì mà cần hiểu rằng: bản thân họ rất cần tri thức và cái nết để duy trì sắc đẹp vốn rất mong manh và dễ tàn phai.

Tóm lại, trong thời đại mà khoa học đang đưa con người tiến đến những giới hạn có đơn vị đo nanomet, ranh giới phân chia lãnh thổ rạch ròi giữa cái nết – cái đẹp – tri thức, có thể nói, đã trở nên lỗi thời và khập khiễng. Ba yếu tố trên cần khuyếch tán vào nhau, cùng tồn tại hòa bình, cùng hợp tác và cùng có lợi để tạo nên sự hoàn hảo tốt nhất cho người phụ nữ thời nay. Và nếu có ai đó nói với tôi rằng: “Đẹp hay xấu không quan trọng”, thì tôi tin đó không phải là người phụ nữ đẹp, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 9

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 8

Ông cha ta xưa nay thường quan niệm “cái nết đánh chết cái đẹp”, và nhiều đời sau, quan niệm này đã như một lối mòn ăn sâu vào suy nghĩ của bao thế hệ Việt Nam. Thiết nghĩ đã là quan niệm được đúc kết từ ngàn đời, chắc hẳn phải có cái lý riêng của nó. Nhưng giờ đây, bước vào thập niên thứ hai của thế kỉ 21, quan niệm đó có còn đúng?

Hôm nay, tôi sẽ không nói đến những giá trị đúng đắn và trường tồn trong chân lý này, mà thay vào đó, tôi – với tư cách là một nữ sinh thế kỉ mới, sẽ đưa ra những mặt hạn chế, hay nói cách khác, là đã có phần lỗi thời của chân lý này: “Cái nết đánh chết cái đẹp”.

Đừng vội phản bác quan điểm của tôi, mà hãy xem những gì tôi nói trước đã. “Cái nết đánh chết cái đẹp”. “Cái nết” và “cái đẹp” mà ông cha ta nhắc đến trong câu nói này có lẽ đều có một điểm chung, đó là ám chỉ “vẻ đẹp”, chỉ có điều nếu như “cái nết” là vẻ đẹp bên trong thì “cái đẹp” là nói đến vẻ đẹp bên ngoài mà thôi. Vậy ra vẻ đẹp bên trong, với những giá trị tâm hồn, phẩm hạnh, đạo đức lại có sức mạnh lớn đến nỗi dễ dàng “đánh chết” được sắc đẹp ngoại hình ư?

Tất nhiên ý tứ trong chân lý ấy sâu xa hơn. Là muốn răn dạy con người đừng vì chăm chút hình thức mà bỏ quên giá trị đích thực bên trong, cũng đừng vì bản thân có ngoại hình không bắt mắt mà tự ti, mặc cảm với người khác. Hiểu một cách đơn giản là, ông cha ta muốn truyền đạt rằng: hãy dùng thời gian và công sức của mình đầu tư cho “cái nết”, quan tâm đến “cái nết” trước rồi hẵng chú ý đến “cái đẹp”… Nhưng như tôi đã nói ở trên, tôi sẽ không đào sâu mặt đúng đắn của câu nói này, mà thay vào đó là chỉ ra những điểm không hợp lý, có phần lỗi thời và không thực tế.

Bạn nghĩ xem, đã nói “Cái nết đánh chết cái đẹp”, sao còn hùng hồn nhắc nhở: “chọn mặt gửi vàng”, rồi cả “nam thanh nữ tú”, “trai tài gái sắc” hay “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”? Thế ra “cái nết” lớn lao như vậy mà “cái đẹp” vẫn là cái mang sức mạnh khuynh đảo hơn cả… Làm sao “chọn mặt gửi vàng”? Nếu một người có tính cách thật thà, chất phác nhưng gương mặt lại bặm trợn, đáng sợ hơn cả Chí Phèo, tôi không nghĩ là bạn sẽ đủ can đảm “gửi vàng” cho họ đâu, nhìn người ta giống xã hội đen thế cơ mà… Lại nói “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”, “mỹ nhân” ở đây chẳng phải chính là những cô gái có nhan sắc hay sao? Tất nhiên, tất nhiên, cũng không thiếu những cô gái nhan sắc bình thường vẫn khiến bao “anh hùng” phải chao đảo. Nhưng ngẫm mà xem, dù là trong lịch sử hay cuộc sống hiện đại, những mỹ nhân có nhan sắc tuyệt thế mới là nguyên nhân gây ra sóng to gió lớn, khuynh đảo chính trường. Còn các thục nữ đoan trang, dịu dàng yểu điệu, có bản lĩnh đó chăng?

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ rất đơn giản như thế này. Trong một ngày bạn gặp 2 cô gái. Một người thì giỏi giang, ngoan hiền nhưng nhan sắc bình thường còn một người ngược lại, ngoại hình xinh đẹp nhưng học vấn không bằng người kia. Và nếu chỉ được chọn 1, bạn sẽ làm quen và xin số điện thoại của ai? Ai là người gây ấn tượng đặc biệt đến bạn khi mới chỉ lần đầu gặp mặt? Chắc chắn là cô bạn có nhan sắc. Bởi vì ấn tượng đầu tiên tác động đến suy nghĩ của con người chính là bề ngoài. Nếu không thì tạo hóa đã không cho chúng ta thân thể cân đối này rồi… Vậy trong trường hợp này, là “Cái nết đánh chết cái đẹp”, hay “cái đẹp đè bẹp cái nết” đây?

Dĩ nhiên, sau ấn tượng đầu tiên, sẽ là gặp gỡ, nói chuyện, tìm hiểu nhau, và đến lúc này, “cái nết” mới chính thức chứng tỏ vị thế của mình. Cô gái dù có xinh đẹp đến đâu mà đầu óc rỗng tuếch, ăn nói bỗ bã lại không có nội tâm thì chắc hẳn ai đụng phải cũng lo chạy trối chết… Giờ đây có lẽ “cái nết đánh chết cái đẹp” thật nhỉ???

Vậy đến cuối cùng là nên ủng hộ “Cái nết đánh chết cái đẹp” hay là “Cái đẹp đè bẹp cái nết” đây? Câu trả lời là không gì cả! Trong thời đại hiện nay, cho dù là “cái nết” hay “cái đẹp” thì người phụ nữ đều phải có, không những thế, để có thể hội nhập vào cuộc sống và sánh vai với Eva các nước, phụ nữ Việt Nam còn phải trang bị cho mình tri thức cũng như rất nhiều những kỹ năng khác. Chẳng phải những cuộc thi nhan sắc lớn như Hoa Khôi, Hoa Hậu,v.v… tiêu chí để chọn ra người đứng đầu luôn là sự song hành của cả “cái nết” và “cái đẹp” đó sao? Nói đến đây sẽ có người than thở: “Tâm hồn, tri thức còn có thể rèn luyện, trau dồi được, chứ nhan sắc vốn là trời ban, nếu chẳng may sinh ra đã không được dễ nhìn thì phải làm sao?” Thưa đúng, nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay, thì đây cũng chỉ là lý thuyết mà thôi. Thế nào là “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”?

Thế nào là “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”? Chính là chỉ trường hợp này. Con người phải luôn luôn rèn luyện, hướng tới chân thiện mỹ, không ngừng làm đẹp cho bản thân, cả tâm hồn bên trong lẫn nhan sắc bên ngoài. Đây là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng và cần thiết, cho nên những ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu này như thời trang, mỹ phẩm, trang điểm, làm tóc, hay thậm chí là phẫu thuật thẩm mĩ ngày càng phát triển và chứng tỏ vị thế không thể đánh đổ của mình, làm đẹp cho bản thân cũng chính là làm đẹp cho gia đình và xã hội. Như vậy, việc cân bằng và chú ý đến cả vẻ đẹp tâm hồn – “cái nết” và vẻ đẹp nhan sắc – “cái đẹp” cũng như không ngừng gia tăng tri thức là điều cần thiết và tất yếu đối với người phụ nữ hiện đại.

Cuối cùng, có thể thấy quan niệm “Cái nết đánh chết cái đẹp” đã không còn “hợp thời” nữa, mà người phụ nữ nói riêng cũng như con người nói chung trong xã hội hiện nay cần phải không ngừng hoàn thiện bản thân, phấn đấu ở mọi mặt, cho dù là “cái nết”, “cái đẹp” hay kiến thức, kỹ năng,… đều cần có sự đầu tư và chăm sóc, hướng tới vẻ đẹp hoàn mĩ để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 8

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 5

Nói về nhan sắc và đức hạnh trong mối quan hệ của con người, nhân dân ta có câu tục ngữ: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Chúng ta cần hiểu và quan niệm thế nào cho đúng về câu tục ngữ trên?

Bằng hình thức nhân hóa, câu lục ngữ khẳng định “Cái nết đánh chết cái đẹp”. “Cái nết” là tính nết, đức hạnh, tư tưởng, tình cảm của con người. “Nết” ở đây là nết xấu, tính xấu cho nên có thể “đánh chết” làm hại đến nhan sắc, cái đẹp hình thức bên ngoài cửa mỗi người.

Câu tục ngữ bao hàm một nghĩa rộng, nó nêu lên một bài học, một nhận xét sấu sắc. Đạo đức là cái gốc của con người. Người vô đạo đức là con người không có nhân cách. Đức hạnh được coi trọng hơn nhan sắc. Nội dung là cơ bản, nội dung quyết định hình thức. Câu tục ngữ hoàn toàn đúng. Con người được biểu hiện ở hai mặt: tâm hồn và dung nhan. Dung nhan là ngoại hình, diện mạo, thể chất, nhan sắc,… Có người đẹp tâm hồn. Có người nhan sắc đẹp. Có người vừa đẹp nết vừa đẹp người.

Con người dù có đẹp về nhan sắc, áo quần có sang trọng, trang điểm son phấn xinh tươi nhưng cái nết lại xấu, nghĩa là lười biếng, thô lỗ, tục tằn trong giao tiếp, ích kỉ, tham lam, bất hiếu với cha mẹ, bất nghĩa với nhân dân, v.v… thì tất sẽ bị mọi người cười chê, xa lánh. Sắc đẹp của hạng người ấy chẳng mang lại danh giá vì ác thay “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Ngược lại, nếu một người không có sắc đẹp nhưng lại có đạo đức tốt, nhan cách đẹp tất sẽ được mọi người yêu mến, tin cậy.

Đồ vật cũng vậy, hình thức choáng lộn bên ngoài không thể nào che đậy được thực chất bên trong. Giá trị sử dụng của đồ vật là ở sự lâu bền, tiện lợi, tính hiệu quả của nó đối với cuộc sống của con người, đâu phải ở chỗ nước sơn, nước mạ bóng lộn. Qua đó ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc của câu tục ngữ: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Câu tục ngữ trên còn chứa đựng một triết lí sâu sắc: Nội dung quyết định hình thức, nội dung quan trọng hơn hình thức. Vì thế nhân dân ta mới có câu tục ngữ tương tự:

hoặc:

Điều đó nói lên đầu óc thực tế của con người Việt Nam. Nhân dân ta rất biết thưởng thức cái đẹp, nhưng nếu chỉ là cái đẹp bề ngoài mà nội dung không ra gì thì họ rất ghét, chẳng ưa chuộng gì.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu câu tục ngữ trên một cách biện chứng: trong “cái đẹp” đã bao hàm “cái nết”, bao hàm tư tưởng, tình cảm, trí tuệ “đẹp” của con người Các cuộc thi hoa hậu ở nước ta trong những năm qua, những hoa hậu, á hậu, những hoa khôi “nổi danh tài sắc” Bắc Nam là những cô gái có hình thể đẹp, nhan sắc đẹp, trí tuệ và đức hạnh đẹp, tiêu biểu cho sắc đẹp Việt Nam: kiều diễm, duyên dáng. Vì thế, một thanh niên điển trai đức độ, một thiếu nữ sắc nước hương trời nết na là mẫu người lí tưởng của xã hội.

Cái nết, cái đẹp của người học sinh là vẻ đẹp hình thức và tâm hồn, là đức trí, thể, mĩ được biểu hiện ở gương mặt sáng ngời, thể lực tốt, chăm học, chăm làm ngoan ngoãn, Lễ phép, biết kính thầy mến bạn, giàu tình thương và nhiều mơ ước. Tâm hồn đẹp, trí tuệ đẹp, nhan sắc đẹp là cái đẹp hoàn thiện đáng yêu và trân trọng.

Câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” cho ta một bài học sâu sắc về trau dồi đạo đức, nhân cách. Nó chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức. Gia đình ta, mái trường ta, đất nước ta cần có nhiều người đẹp như Bác Hồ đã nói: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Đất nước ta là cả một vườn hoa đẹp”.

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 5

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 2

Trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp bị cái xấu lấn át. Nhưng những giá trị đạo đức đẹp đẽ thì luôn là kim chỉ nam để con người hướng đến. Cái tinh hoa của mỗi chúng ta không phải ở vẻ bề ngoài hào nhoáng mà chính là nét đẹp phẩm giá, tâm hồn. Bởi vậy, ông cha ta đã có câu: Cái nết đánh chết cái đẹp.

Có thể hiểu cái nết ở đây là những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của mỗi con người. Còn cái đẹp là vẻ bề ngoài, hình thức mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy ở mỗi con người. Cả câu tục ngữ muốn khẳng định cái cốt lõi, cái đẹp nhất của con người là những phẩm chất đạo đức tốt đẹp: khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, vị tha, bao dung,… chứ không phải là những nét hào nhoáng bên ngoài. Những thứ bên ngoài chỉ tồn tài trong chốc lát, rồi sẽ lụi tàn, còn vẻ đẹp phẩm chất đạo đức sẽ được muôn người ngợi ca, muôn đời nhớ đến. Câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích, chia làm hai vế đối xưng nhau đã tóm gọn chân lí của cuộc sống.

Vậy tại sao cái nết, cái phẩm chất đạo đức của con người có thể “đánh chết” cái đẹp? Bởi phẩm chất đạo đức của con người là những thứ quý giá, được rèn luyện theo thời gian và nó sẽ còn trường tồn mãi. Người ta sẽ nhớ về một người con gái đảm đang, hiền thục, ứng xử có văn hóa, nhưng người ta sẽ quên ngay một cô gái xinh đẹp nhưng lại cộc cằn, thô lỗ, ứng xử kém tinh tế. Phẩm chất đạo đức tuy không thấy, không nắm bắt được nhưng nó luôn để lại ấn tượng đẹp và trường tồn với thời gian. Còn nhan sắc, ta có thể nhìn, thấy nó đẹp trong khoảnh khắc, nhưng cũng sẽ nhanh chóng bị thời gian làm cho tàn lụi, héo úa.

Câu tục ngữ trên cũng dạy chúng ta cách ứng xử trong cuộc sống. Đừng vội vàng nhìn vẻ bề ngoài của một con người mà đánh giá nội tâm của họ. Một người có vẻ xinh đẹp, nhưng chưa chắc đã là người ứng xử có văn hóa, lịch sự. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ đến cô á hậu Lady sẵn sàng giật bỏ vương niệm của cô hoa hậu, cay cú vì mình không phải là người chiến thắng. Đó chẳng phải là minh chứng rõ ràng nhất cho việc đẹp người mà chẳng hề đẹp nết đó sao. Còn một người có hình thức bình thường, nhưng lại luôn biết yêu thương và quan tâm chăm sóc cho người khác. Ví như anh Trần Việt Anh với vẻ ngoài bình thường, làn da ngăm đen, sạm đi vì nắng đã mang đến trung thu ấm áp cho trẻ em vùng Sơn La. Ẩn đằng sau vẻ ngoài xù xì, gai góc ấy là một tâm hồn trong sáng, lương thiện, luôn yêu thương, quan tâm, chia sẻ và biết suy nghĩ cho người khác. Bởi vậy, mỗi khi nhìn thấy một người bạn đừng vội vàng đánh giá, mà hãy xem cách họ ứng xử với những người xung quanh, đó chính là thời gian tốt nhất để bạn biết về một con người.

Nhưng khi xem xét câu nói này chúng ta cũng cần có cái nhìn biện chứng, không nên quy chụp, rằng cứ người có ngoại hình đẹp thì nết xấu và ngược lại. Trong xã hội hiện đại, chúng ta không ngừng hoàn thiện bản thân mình, không chỉ trau dồi, tu dưỡng để nhân cách ngày một hoàn thiện mà còn phải làm đẹp hình thức bề ngoài của mình. Làm đẹp ở đây không có nghĩa là bóng bẩy, điểm trang lòe loẹt, mà làm đẹp tức là ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, đứng đắn, lịch sử phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Chưa ra đường khi bản thân chưa ăn mặc chỉnh tề. Sự chỉn chu trong cách ăn mặc, đầu tóc, chính là một nét ứng xử có văn hóa với người đối diện.

Đối với mỗi học sinh chúng ta cái nết chính là sự chuyên cần, chăm ngoan học giỏi, nghe lời ông bà cha mẹ, sống có ý thức trách nhiệm với bản thân, không ngừng phấn đấu. Còn cái đẹp ở các bạn chính là gương mặt sáng, đôi mắt thông minh, mặc đúng đồng phục quy định. Mỗi chúng ta cần ý thức để luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, rèn luyện bây giờ cũng chính là để quyết định tương lai của các em sau này.

Câu tục ngữ trên đã đem đến cho mỗi chúng ta bài học sâu sắc về cách ứng xử. Mỗi chúng ta cần tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức để không chỉ đẹp về hình thức về ngoài mà còn giàu về nhân cách bên trong. Chỉ khi kết hợp hài hòa, đầy đủ hai yếu tố ấy ta mới có thể tự tin vững bước vào cuộc sống.

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 2

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 4

Từ thuở xa xưa, ông bà ta đã có những nhân thức nhất định về mối liên hệ giữa phẩm chất bên trong và vẻ đẹp bên ngoài của con người, điều ấy được đúc kết trong câu tục ngữ: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Trong xã hội hiện tại, khi cái đẹp dần trở nên quan trọng hơn tất cả liệu câu tục ngữ ấy có còn phù hợp và còn đúng nữa không, chúng ta hãy cùng bàn luận một chút về vấn đề này.

Với cách nhân hóa rất đỗi khéo léo và dân dã, câu tục ngữ đã nhấn mạnh về tầm quan trọng và sức nặng của “cái nết” so với “cái đẹp”. Ở đây, ta cần làm rõ hai khái niệm này, thứ nhất “cái nết” là từ để chỉ chung những phẩm chất, tính cách, và đạo đức của một con người, đó là những thứ thuộc về phần bên trong tâm hồn mỗi con người, là giá trị do học tập và giáo dục mà có được đó là phần cốt lõi. Còn “cái đẹp” thì trước hết là do trời sinh tự nhiên đã có, sau đó là do sự nỗ lực cải thiện của con người khiến cho vẻ bề ngoài của mình được ưa nhìn, nhưng dù thế nào nó cũng chỉ là phần bên ngoài là phần vỏ trang trí, là bình đựng những thứ bên trong tâm hồn con người.

Câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” có ý nghĩa rất sâu sắc, tương tự như câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Đây là lời khẳng định một chân lý vững bền rằng, dù thế nào cái nội hàm bên trong mỗi con người mới là quan trọng hơn cả, dù cái vỏ ngoài có đẹp đẽ, bắt mắt đến đâu thì cũng chẳng thể che giấu được cái nội tâm xấu xa, bẩn thỉu của một con người, và ngược lại nếu bạn không có một vẻ ngoài đẹp đẽ nhưng bạn có tâm hồn đẹp thì hơn tất cả, cái vỏ ngoài kia dù có xấu xí cũng không hề làm bạn mất đi những giá trị tốt đẹp. Câu tục ngữ cũng khuyên con người ta nên đầu tư cho thế giới nội tâm của mình, nuôi dưỡng và làm đẹp chúng, đừng chỉ cố gắng chăm chút vẻ bề ngoài. Hãy nhớ rằng con người tựa như một cái cột nhà vậy, phần lõi thép có cứng có vững chãi thì mới có thể chống đỡ cả căn nhà, còn phần vỏ dù có sơn son thiếp vàng đi chăng nữa mà thiếu đi phần cốt thép thì cũng chỉ là thứ vô dụng mà thôi.

Phải khẳng định rằng câu tục ngữ trên dù có là xưa hay nay thì đều còn nguyên vẹn những ý nghĩa kể trên. Tuy ngày nay xã hội phát triển, con người không còn quá chật vật về cái ăn, ở thì người ta bắt đầu quan tâm đến cái mặc, cái dáng vẻ bên ngoài sao cho chỉn chu, đẹp đẽ. Không phủ định rằng, phong cách ăn mặc, dáng vẻ bên ngoài cũng góp phần không nhỏ làm nên giá trị của con người, tuy nhiên đó chỉ là bề nổi. Bởi nếu bạn có đẹp đẽ sang trọng đến đâu, nhưng cách hành xử thô lỗ, thiếu văn hóa, đạo đức, nhân cách xấu xa thì thực sự cái dáng vẻ đẹp đẽ của bạn chỉ khiến người ta thêm khinh ghét và mỉa mai mà thôi. Còn ngược lại, một người có thể không có được một ngoại hình xinh đẹp, vì cha sinh mẹ đẻ đã như vậy, nhưng họ biết cố gắng chăm chút nuôi dưỡng tâm hồn, khiến tâm hồn họ tựa một bông hoa có mùi hương đằm thắm dịu dàng, nhân phẩm của họ tốt đẹp, họ sống chan hòa, thì mọi người xung quanh sẽ sớm thấu hiểu và nhìn nhận vẻ đẹp tâm hồn của họ hơn là kỳ thị ngoại hình. Chắc chắn rằng một người có đạo đức, phẩm cách và tâm hồn đẹp thì sẽ được mọi người kính trọng và yêu quý hơn cả.

Tuy vậy, đến ngày hôm nay chúng ta cũng cần có những nhìn nhận rõ hơn về vấn đề “cái nết” và “cái đẹp”, thực tế “cái đẹp” trong thời hiện đại không chỉ đơn thuần là vẻ bề ngoài mà nó là từ bao hàm cả hai vẻ đẹp đó là vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp ngoại hình. Chúng ta cần cố gắng chăm chút và dung hòa cả hai vẻ đẹp ấy, đừng nhất bên trọng, nhất bên khinh, bởi lẽ dù là vẻ đẹp nào cũng đều giúp ích cho cuộc sống của chúng ta rất nhiều. Con người phải luôn biết nỗ lực phấn đấu thay đổi bản thân, vẻ đẹp tâm hồn thì cải thiện bằng việc học tập, giáo dục, nhận thức về đúng sai phải trái. Còn vẻ đẹp ngoại hình chúng ta cũng có thể cải thiện bằng nhiều cách khác nhau, chớ nên đổ lỗi cho số phận, mà phải tìm cách khắc phục nhược điểm của bản thân để trở nên đẹp hơn, hoàn thiện cả về chất lẫn lượng. Bạn có một ngoại hình không cần xuất sắc, nhưng chỉn chu thì đã ghi điểm và tạo thiện cảm hơn là một người lôi thôi, ì ạch không chịu chăm chút cho bản thân, bởi đó chính là biểu hiện cho một tâm hồn lười biếng, lười vận động và thay đổi, đó chính là cái xấu đang tồn tại trong tâm hồn của họ. Thay đổi để tốt hơn, luôn là một quan niệm đúng đắn dù bạn ở thời đại nào.

Đối với lứa tuổi học sinh, đẹp nết, đẹp người biểu hiện ở việc các bạn chăm lo học hành, tư dưỡng đạo đức, đối xử chân thành với thầy cô, bạn bè, hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Tác phong nhanh nhẹn, đồng phục ngay ngắn khi đến trường, hành trang đi học tươm tất gọn gàng, khuôn mặt lúc nào cũng sáng láng, tỉnh táo luôn vui vẻ, hòa đồng. Đẹp cả về tâm hồn lẫn ngoại hình là một cái đẹp hoàn mỹ và tuyệt vời mà mỗi con người đều có thể phấn đấu và đạt được nếu thực sự nghiêm túc và cố gắng.

Cái nết đánh chết cái đẹp” là một câu tục ngữ có ý nghĩa sâu sắc, phản ánh mối quan hệ ràng buộc, biện chứng giữa vẻ đẹp nội tâm và ngoại hình của một con người. Trên tất cả thì cuối cùng nội tâm vẫn đóng vai trò cốt lõi quyết định và làm nên vẻ đẹp ngoại hình, cần chăm chút và chú ý đến nội tâm hơn cả, tuy nhiên cũng phải cố gắng hoàn thiện cả ngoại hình để trở thành một bông hoa vừa thơm vừa đẹp.

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 4

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 3

Từ bao giờ đến bây giờ, ca dao tục ngữ luôn có sức đồng cảm mãnh liệt và sâu sắc. Nó ra đời giữa những vui buồn trong cuộc sống của loài người và nó sẽ kết bạn với con người cho đến ngày tận thế. Bởi từ xưa đến nay, những câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ mà ông cha ta đã để lại cho thế hệ con cháu vẫn luôn là lời răn dạy giúp con người vươn tới cái chân, thiện, mỹ và tầm cao của giá trị sống. Trong số đó, những câu ca dao, tục ngữ nói về phẩm chất và đức hạnh luôn là thiết yếu nhất, bởi lẽ phẩm chất và đức hạnh là chuẩn mực cao nhất trong nhân cách của con người: “Cái nết đánh chết cái đẹp”.

Trong mỗi con người đều có cái ác, cái thiện; mặt xấu và mặt đẹp. Không ai là hoàn thiện cả – “Nhân vô thập toàn”. Có người cho rằng: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Nhưng câu nói ấy chỉ mang tính tương đối mà không hoàn toàn đúng. Một người có cái nết là một người lúc nào cũng hướng về người khác, có hành vi tốt và có đạo đức đẹp (theo quan niệm của Phật giáo). Còn đối với “cái đẹp” ta có thể hiểu rằng “cái đẹp” là hình thức, diện mạo bên ngoài; một người sẽ được cho là đẹp khi những đường nét của người ấy đạt đến sự tối cao của cái được gọi là “sắc đẹp hoàn hảo”.

Cũng như câu nói của Bác: “Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” thì “Cái nết đánh chết cái đẹp” cũng vậy! Người có nết nhưng không đẹp sẽ là người không được ưa nhìn nhưng luôn được mọi người yêu quý bởi cái nết của mình. Ngược lại, người được tạo hóa ưu ái phú cho nhan sắc kiều diễm nhưng lại không có nết cả bên ngoài lẫn bên trong tâm thức, thì con người này sẽ luôn là tâm điểm của mọi sự chú ý và cứ như thế họ sẽ chẳng đoái hoài gì đến cái nết – một trong những phẩm chất thiết yếu của con người. Với con người như vậy thì hẳn rằng ngoài sự chú ý của người khác đối với mình vì sắc đẹp vốn có của bản thân họ sẽ chẳng nhận được gì cả vì đã tự đánh mất cái nết vốn có của mình.

Theo quan niệm của phương Đông: “Nhân chi sơ tính bổn thiện” – con người từ khi sinh ra thì ai cũng có cái thiện ở trong tâm. Nhưng cái thiện đó có được phát huy trọn vẹn hay không thì còn phụ thuộc vào quá trình tôi rèn nhân phẩm của mỗi chúng ta. Tạo hóa đã tạo ra con người không thập toàn để con người đi theo hai trường phái đối lập: có nết và chẳng ưa nhìn; có sắc và luôn lún sâu vào những hoa mĩ về ngoài. Nhưng con người vẫn có thể bừng tỉnh khỏi những “hố sâu không đáy” và vươn lên với chính bản thân mình để hướng ý thức, đạo đức của mình vươn tới chân, thiện, mỹ.

Một người có nết và biết làm đẹp cho bản thân của mình thì sẽ là người hoàn hảo, bởi trên đời này, không có người nào là xấu, mà chỉ có người không biết làm đẹp. cũng như thế, một người đã có sẵn ưu thế về sắc đẹp thì chỉ cần bỏ thời gian ra và rèn luyện lại cái nết của mình một cách tự giác thì cũng sẽ trở thành một người thập toàn, thập mĩ và nhận được sự quý mến của nhiều người.

“Cái nết đánh chết cái đẹp” Câu nói như có vẻ mang tính khẳng định nhưng lại không hẳn là như vậy. Dường như nó chỉ đúng về một phương diện, khía cạnh nào đó. Nhưng nếu xét tổng thể thì có vẻ như câu nói ấy đã bị sai lệch về mặt bản chất. Mỗi con người đều có mặt tốt và mặt xấu ở trong lòng. Vậy ta phải biết làm cho phần tốt nảy nở như hoa mùa xuân và phẩn xấu bị mất dần đi.

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 3

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 1

Khi đánh giá về một con người chúng ta thường có những nhận xét về dáng vẻ bên ngoài và tính nết, phẩm chất của người đó. Vậy mối quan hệ giữa hình thức bên ngoài với phẩm hạnh của một người được thể hiện như thế nào? Từ những suy nghĩ đó và từ việc đúc rút từ kinh nghiệm qua nhiều thế hệ ông cha ta đã đưa ra quan niệm: “Cái nết đánh chết cái đẹp”.

Vẻ đẹp của con người được biểu hiện ở hai mặt: phẩm chất đạo đức hay còn gọi là cái nết và dung mạo bên ngoài. Trước kia câu tục ngữ này thường ứng với người phụ nữ. “Cái nết” của người phụ nữ phải là công, dung, ngôn, hạnh. Tuy nhiên ngày nay khi nam nữ bình đẳng thì “nết” còn để chỉ cả phẩm hạnh, phẩm chất của người đàn ông. “Nết” là cái bên trong còn “đẹp” là cái hình thức bên ngoài. Câu tục ngữ nhằm đề cao “cái nết” trong mối tương quan với cái đẹp bên ngoài. Con người đẹp không phải ở dáng vể bề ngoài xinh xắn, ưa nhìn mà là ở tâm hồn, nhân cách.

Cái đẹp có khi đã bao hàm luôn cái nết. Ở các cuộc thi hoa hậu, ngoài đòi hỏi về vóc dáng, nhan sắc thì tiêu chí để chọn ra một vị hoa hậu đại diện cho đất nước còn là cái đẹp ở trí tuệ, tư tưởng và tình cảm. Chính vì thế ngoài trình diễn những trang phục lộng lẫy thì các ứng viên còn phải thi những nội dung như trả lời vấn đáp, trả lời các tình huống ứng xử, cách xử lý tình huống khi gặp phải… Tất cả để kiểm nghiệm xem ai có đủ tài, đức và cả sắc đẹp để trở thành gương mặt đại diện cho quốc gia, trở thành hình mẫu lý tưởng.

Một người có dáng vẻ bề ngoài xinh đẹp như hoa hậu, quần áo sang trọng nhưng lại “xấu nết” thì liệu có đước mọi người yêu quý. Xấu ở đây là lười biếng, ăn nói, hành xử thô lỗ, tục tằn, sống ích kỉ, bất hiếu…và tất nhiên là sẽ bị mọi người chê cười, xa lánh. Ngược lại, có người mặc dù họ có thể hình thức không được đẹp, hay những người có những khiếm khuyết trên khuôn mặt thậm chí là bị mọi người khi nhìn thấy xa lánh. Tuy nhiên họ lại là người có những phẩm chất tốt đẹp, yêu thương, giúp đỡ người khác, có trình độ học vấn thì khi tiếp xúc lâu hơn họ sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng. Vì thế dân gian ta mới có câu:

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,

Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”

Cũng có nhiều người luôn đánh giá người khác chỉ qua bề ngoài. Họ cho rằng ai xinh đẹp, ăn mặc đẹp, hợp thời trang nghĩa là người làm việc cẩn thận, có học thức. Hay quan niệm về những người xăm trổ là người đầu gấu, đàn anh, đàn chị trong xã hội, phẩm chất đạo đức xấu. Đó là những cái nhìn nhận hoàn toàn sai lầm và dễ phải nhận những hậu quả không đáng có.

Là một học sinh thì “cái nết” được thể hiện qua vẻ đẹp tâm hồn, sự ngoan ngoãn, lễ phép, chăm ngoan, biết kính thầy yêu bạn và đoàn kết, giúp đỡ bạn bè. Những người như vậy sẽ được bạn bè xung quanh yêu mến, quý trọng. Có thể có những học sinh học kém nhưng có những phẩm chất đạo đức tốt thì sẽ vẫn được mọi người yêu mến. Có câu “Cần cù bù thông minh” nếu một bạn có sự tiếp thu chậm trong học tập, kết quả học tập không được cao nhưng ngược lại bạn rất chăm chỉ, cần cù học tập thì chắc chắn kết quả học tập sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, ở trường học còn tồn tại rất nhiều bạn đã học tập chưa tốt mà còn ngỗ nghịch, không lễ phép với người lớn, thường gây mất hòa với các bạn xung quanh. Hay có những bạn học giỏi nhưng lại kiêu căng, coi thường người khác… Những học sinh như vậy thường sẽ bị mọi người chán ghét, bị cách li giữa tập thể lớp.

Câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” đem lại cho ta một bài học sâu sắc về việc nhận định, đánh giá với một ai đó và trong quá trình học tập tiếp thu kiến thức phải luôn đi đôi với rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Có như vậy chúng ta mới có thể thành công trong cuộc sống, được mọi người yêu quý và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” số 1

Câu tục ngữ: “Cái nết đánh chết cái đẹp” là câu tục ngữ hay và ý nghĩa, như bài học nhắc nhở mỗi chúng ta ngoài việc chăm sóc bề ngoài thì cần tu dưỡng đạo đức bên trong để trở thành con người hoàn hảo.

Đăng bởi: Giáng Hương

Từ khoá: 10 Bài văn bình luận câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp” (lớp 9) hay nhất