Ngược dòng thời gian, tại thành phố Phan Thiết, Liên Thành Thương Quán (Société de Lien Thanh) được thành lập bởi các sĩ phu yêu nước, trí thức Nho học, Tây học… đã chọn nghề làm nước mắm để phát triển kinh doanh vào năm 1906. Hơn 100 năm trôi qua, nước mắm Liên Thành đã đi vào lòng người tiêu dùng bằng hương vị hảo hạng của mình.
Thương hiệu xưa nhất, trường tồn nhất của Việt Nam
“Đó là thương hiệu xưa nhất, trường tồn nhất của Việt Nam” – nhận định của nhà sử học Dương Trung Quốc về công ty Liên Thành – hãng nước mắm trên 100 năm tuổi, khởi đầu sự nghiệp kinh tế của nước ta từ thời Pháp thuộc. Năm 1906, hưởng ứng phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, công ty Liên Thành hay Liên Thành Thương Quán, tiếng Pháp là Société de Lien Thanh được thành lập tại Phan Thiết bởi các sĩ phu yêu nước.
Thời ấy, các ngành nghề chính trong công nghiệp và thương mại đều bị tư bản Pháp và Hoa kiều nắm giữ, khó lòng tranh thương. Trong khi đó, nước mắm còn là ngành nghề kinh doanh nhỏ, chưa bị lũng đoạn, không ai cạnh tranh, lại còn là nghề truyền thống của người dân miền Trung với nguồn nguyên liệu chế biến đầy ắp biển Phan Thiết. Vừa “duy tân” được bằng những thứ vốn có của dân tộc, lại vừa có thể kinh doanh, Liên Thành chọn ngay mặt hàng này để phát triển.
Nước mắm là một nghề nhỏ nhưng không vì thế mà các sĩ phu thời đó không “làm thương hiệu”, ngược lại còn rất mực chú trọng. Logo “con voi đỏ” tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, tấm lòng son sắt trước sau như một của dân tộc Việt Nam.
Nghề tuy là truyền thống nhưng vẫn được nhìn xa trông rộng. Ngay từ đầu, thương hiệu này đã có sự đầu tư hẳn hoi cho việc quản lý chất lượng (lập phòng hoá nghiệm, huấn luyện kỹ thuật viên, quan hệ với hãng Kubota của Nhật để trang bị máy móc tân tiến), xây dựng thương hiệu và chống hàng giả, hàng nhái.
Những người sáng lập ra nước mắm Liên Thành đã vận dụng phương pháp kinh doanh cách tân: Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với việc mở rộng mạng lưới phân phối. Nhờ có sự ủng hộ của những người có cảm tình với phong trào Duy Tân, Liên Thành có điều kiện phát triển trong vài năm đầu tiên. Năm 1918, Liên Thành bước sang thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tham gia các hội chợ ở Hà Nội và dự cuộc đấu xảo ở Marseille, Pháp, tạo ra tiếng vang lớn. Từ sau đó, Liên Thành dần mở rộng mạng lưới các phân cuộc ở nhiều tỉnh miền Trung, miền Nam, phủ qua cả Campuchia và châu Âu.
Hương vị tinh túy hơn 100 năm
Để giữ lấy hương vị hảo hạng hơn 100 năm qua, Liên Thành vẫn giữ cách làm nước mắm truyền thống của người dân vùng biển miền Trung. Cá và muối được ướp với tỉ lệ 3 -1 (3 cá, 1 muối). Các thùng đựng được làm bằng gỗ giáng hương, sao, thông… có thể đựng từ 4 đến 6 tấn với tuổi thọ gần 100 năm. Đặc biệt, nguyên liệu được ướp từ 8 đến 12 tháng mới chắt lấy nước mắm cốt.
- Là thương hiệu uy tín có bề dày lịch sử trong ngành sản xuất nước mắm tại Việt Nam, Liên Thành hiện chú trọng vào chất lượng sản phẩm của mình bằng cách quản lý sản xuất đúng chuẩn mực, chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP (Hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm), Code EU.
- Mỗi năm, Liên Thành cho ra thị trường 4,5 triệu lít nước mắm tiêu thụ cả trong cả nước. Tùy theo nhu cầu của người tiêu dùng, Liên Thành có các dòng sản phẩm như loại nhãn Vàng, Bạc, Đồng, nước mắm chay, nước mắm nguyên chất, nước mắm chấm, nước mắm để nấu ăn…Tại thị trường trong nước, nước mắm Liên Thành có mặt ở hầu hết các tỉnh thông qua hệ thống siêu thị, các nhà phân phối, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
- Với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, hiện nay, các sản phẩm của Liên Thành đã có mặt tại các nước Mỹ, Nga, Philippines, Nhật… Đặc biệt, năm 2009, Liên Thành được cấp Code EU, giấy thông hành vào thị trường châu Âu đã mở ra nhiều cơ hội để Liên Thành đưa nước mắm “Quốc hồn Quốc túy” của Việt Nam ra với thế giới.
Hơn 100 năm trôi qua, sứ mệnh Duy Tân của Liên Thành đã hết, nhưng tinh thần dân tộc không bao giờ mất đi.
Những yếu tố mang lại thành công
Thành công của Liên Thành được đúc kết ở những yếu tố chính:
- Thứ nhất, đó là tinh thần duy tân, hướng về cái mới nên ngay từ khi thành lập đã nhanh chóng nghiên cứu đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nước mắm, phân cá, lập phòng hóa nghiệm, bảo quản chất lượng, chống hàng giả, hàng nhái, đào tạo nhân viên kỹ thuật, quan hệ với hãng Kubota (Nhật Bản) để được giúp đỡ trang bị máy móc, huấn luyện kỹ thuật viên, mở phân xưởng sửa chữa thủy động cơ, làm đại lý bán động cơ thuyền hộ ở Bình Thuận.
- Thứ hai, là năng động nắm bắt được cách thức marketing, tận dụng quảng bá thương hiệu, như gửi sản phẩm ra hội chợ Hà Nội năm 1918, tham dự cuộc đấu xảo thuộc địa tổ chức ở Marseille, Pháp vào năm 1922. Nhờ tạo ra tiếng vang lớn tại đây, sau đó Liên Thành dần mở rộng mạng lưới các phân cuộc ở nhiều tỉnh miền Trung, miền Nam, phủ qua cả Campuchia và châu Âu.
- Thứ ba, khác với tư duy “con buôn” làm ăn chụp giật, tủn mủn dễ gặp, với quan niệm chữ tín của những nhà Nho, Liên Thành đã luôn giữ uy tín của mình với khách hàng và cổ đông.
Dưới đây là một câu chuyện trong vô vàn câu chuyện về chữ tín của Liên Thành: Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, gia đình nhà sử học Dương Trung Quốc ở Hà Nội bất ngờ nhận được thư của hãng Liên Thành mời vào Sài Gòn nhận cổ tức và cổ phần mà ông nội của ông Quốc đã mua từ gần 70 năm trước, do chiến tranh thất lạc cổ đông và công ty phải giải thể để chuyển sở hữu sang nhà nước. Khi ông Quốc vào đến nơi thì đại hội cổ đông đã kết thúc ba ngày trước, dẫu vậy đại diện công ty vẫn ân cần mời ông ngồi lại để tính toán sổ sách. Dù cổ phần nhận lại chỉ đủ mua một chiếc tivi trắng đen và một chiếc màn tuyn nhưng ông Dương Trung Quốc vẫn đánh giá rất cao chữ tín mà Liên Thành giữ vững chừng ấy năm cho đến ngày giải thể. “Trong phong trào canh tân đất nước đầu thế kỷ 20, có rất nhiều doanh nhân Việt Nam thời bấy giờ với lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã giữ được chữ tín và điều này đã đưa nhiều nhà buôn Việt Nam trở thành các chủ tư bản dân tộc có sản phẩm, dịch vụ sánh ngang với các nhà buôn Hoa kiều, Ấn kiều, Pháp kiều đương thời” – ông Dương Trung Quốc nhận xét.