Thả cá chép phóng sinh ngày đưa ông Táo về trời là nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Thế nhưng ngày nay, một bộ phận không nhỏ đã hiểu sai ý nghĩa này và biến thành bộ mặt xấu xí của văn hóa Việt.
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân Việt đều làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời, trình báo Ngọc Đế những điều phải trái tại nhân gian. Vào ngày này người ta thường cúng cùng con cá chép được xem như là phương tiện chính của Táo để lên trời. Sau khi cúng xong, người ta sẽ thả cả chép tại các sông, hồ như một cách phóng sinh.
Ý nghĩa của việc thả cá chép
Theo các nhà sư tại Việt Nam cho rằng phóng sinh là khơi dậy lòng hiếu sinh, sự thiện lương của con người. Phóng sinh tức là nhìn thấy những sinh vật bị giam cầm, bắt nhốt, ảnh hưởng đến đời sống và tính mạng liền khởi phát lòng từ bi, tìm cách cứu chuộc mạng sống cho chúng.
Ngoài ra trong quan niệm người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, kiên trì, bền chí, sẵn sàng chinh phục thành công.
Thế nên phóng sinh cá chép ngày ông Công ông Táo không chỉ là nét đẹp văn hóa thể hiện sự kính trọng của người dân với ông Táo mà còn là thể hiện sự từ bi quý báu của con người.
Thả cá kiểu triệt hạ
Dù ý nghĩa tốt đẹp đến thế nhưng nhiều người hiểu sai ý nghĩa này hoặc “cố tình không biết” khiến cho nét đẹp văn hóa trở nên xấu đi.
Bạn có thể để ý thấy tại các cây cầu bắt ngang sông hồ, người dân bắt đầu đến thả cá chép vào ngày 23 tháng Chạp. Thế nhưng điều chúng ta không ngờ rằng những con cá ấy không hề được thả ra mà vẫn còn nguyên trong bọc nilon. Mà nếu có thì với độ cao của cây cầu, cá sẽ khó sống tốt được khi thả xuống.
Hành động này trái ngược với ý nghĩa linh thiên thể hiện lòng từ bi của con người. Vì với cách thả cá như vậy chẳng những trực tiếp làm cá mất đi sự sống mà còn gây ô nhiễm môi trường khiến các sinh vật khác cũng gặp ảnh hưởng không kém.
Thả cá chép đúng cách
Theo quan niệm dân gian, cá chép được thả trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp thì mới kịp lên Thiên Đình. Do vậy ngay từ sáng sớm 23 tháng Chạp, người dẫn đã bắt đầu cúng và thả cá ra sông gần nhà.
Để thả cá chép đúng cách bạn cần lưu ý những điều sau:
– Tuyệt đối không thả ở các thành cầu hay các điểm trên cao. Hành động này rất xấu xí mà có khi cá không thể sống được sau khi thả xuống.
– Khi thả cá, dùng tay từ từ nghiêng miệng bao nilon hoặc đồ đựng cá xuống dưới mặt nước để cá tự bơi ra. Nếu không ta đặt cá vào lòng bàn tay rồi thả nhẹ nhàng xuống. Tránh tình trạng đổ, ném, quăng cá vì như vậy có thể khiến cá chết và quan trọng là không dục luôn bao nilon xuống hồ.
– Không phóng sinh cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội để sống sót.
– Khi phóng sinh cần chọn nơi ít người câu cá để tránh lòng tham của những người săn bắt.
– Sau khi thả cá nên lưu lại một chút xem cá đã bơi khuất đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị xô dạt lại vào bờ.
Thả cá chép ngày cúng ông Công ông Táo được xem như là nét đẹp văn hóa, thể hiện lòng từ bi, thiện chí của người dân Việt thế nên đừng đánh mất vẻ đẹp này của dân tộc bằng những hành động không đúng mà thay vào đó là những việc làm ý nghĩa hơn như hỗ trợ người dân thả cá đúng cách, tuyên truyền về văn hóa cho người xung quanh và con trẻ để mai sau không còn cảnh như thế nữa.
truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn