Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyên Hồng

Bạn đang xem: Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyên Hồng tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Nguyên Hồng là một nhà văn viết cho những tầng lớp thấp bé trong xã hội lúc bấy giờ, qua những trang hồi ký ông thể hiện mình là ngày say mê với văn chương. Ở bài viết này chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu về tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyên Hồng.

1. Tiều sử của Nguyên Hồng:

1.1. Về cuộc đời:

Nguyên Hồng (1918–1982), tên thật của ông là Nguyễn Nguyên Hồng, là một nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Nguyên Hồng sống chủ yếu ở thành phố cảng Hải Phòng, trong một xóm lao động nghèo.

Ông sinh ngày 5 tháng 11 năm 1918 tại phố Hàng Cau, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Cha ông làm cai đề lao, sau thất nghiệp, cảnh nhà sa sút, lại nghiện ngập và mắc bệnh lao, phải sống nghèo túng trong tâm trạng kẻ bất đắc chí. Mẹ ông là người ngoan đạo, tần tảo, hiền hậu, giàu đức hy sinh nhưng sống không có hạnh phúc trong gia đình nhà chồng.

Năm lên bảy, tám tuổi, ở cái lứa tuổi hồn nhiên nhất thì Nguyên Hồng đã cảm nhận được và nhớ rất kỹ trong ký ức tuổi thơ của mình rằng “thầy mẹ tôi lấy nhau không phải vì thương yêu nhau” và bản thân ông là kết quả của cuộc hôn nhân gượng gạo ấy.

Ông có tuổi thơ thiếu thốn tình cảm và vật chất, sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh bất hạnh. Ông mồ côi cha từ năm 12 tuổi. Ngay từ khi còn bé, Nguyên Hồng đã phải lưu lạc, bôn ba cùng mẹ đi khắp nơi để bán hàng kiếm sống. Sau đó, mẹ ông lén lút đi bước nữa, bà bị gia đình nhà chồng ruồng bỏ, hắt hủi, không được tự do gần gũi, chăm sóc con. Nguyên Hồng phải sống nhờ bà nội cùng cô ruột trong sự rẻ rúng, khinh miệt của bà. Tuổi thơ Nguyên Hồng đã trải qua những ngày tháng nhiều cay đắng và tủi cực vì đói ăn, thiếu mặc, thiếu cả tình thương. Ông đã phải đi đánh đáo kiếm tiền ăn học và chung đụng với đủ mọi hạng trẻ hư hỏng của các lớp “cặn bã” nơi vườn hoa, cổng chợ, bến tàu, bến ô tô, bãi đá bóng. Nguyên Hồng đã đi xin việc nhiều nơi, mà trước sau vẫn thất nghiệp. Dừng lại ở xóm Cấm, Hải Phòng, Nguyên Hồng sống bằng nghề dạy học tư cho con em của những người lao động nghèo.

Nguyên Hồng ham đọc sách từ nhỏ. Ông thường dành tiền để thuê sách về đọc và dường như ông đã đọc hết những quyển sách mình thích ở cửa hàng cho thuê sách tại Nam Định. Loại sách Nguyên Hồng thích thuở nhỏ là truyện lịch sử Trung Hoa, trong đó những nhân vật có khí phách ngang tàng, trung dũng, những hảo hán chiếm cảm tình của ông nhiều nhất.

Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng. Tháng 9 năm 1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê (Hà Giang) năm 1940. Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng… Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 24 tuổi, nhà văn Nguyên Hồng kết hôn với bà Vũ Thị Mùi (SN 1919 – 1988), là một người yêu văn thơ, biết tiếng Pháp. Cho tới khi tuổi đã cao, hai vợ chồng nhà văn Nguyên Hồng vẫn hay đọc thơ cho nhau nghe.

Chị Nhã Nam – con gái Nguyên Hồng kể lại rằng: “Họ nên duyên từ một lần, bố thuê người ta đan cho một chiếc áo len. Tuy nhiên, người này bận nên giới thiệu cho mẹ tôi đan. Mẹ tôi từ trước đã rất ngưỡng mộ tác giả của tiểu thuyết Bỉ vỏ nên nhận lời ngay”.

Trong hồi ký của mình, Nguyên Hồng cũng từng viết: ‘Tiền tác giả của cuốn ‘Ngoài kia’ được hơn trăm đồng. Cộng với tiền tác giả của cuốn ‘Cuộc sống’ khoảng hơn trăm đồng nữa, tôi đã cưới nhà tôi’.

Khác với các văn nghệ sĩ dành phần nhiều thời gian sáng tác và để vợ lo toan việc cơm áo gạo tiền thì Nguyên Hồng lại đỡ đần vợ rất nhiều trong cuộc sống.

1.2. Về sự nghiệp sáng tác:

Nguyên Hồng bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn “Linh Hồn” đăng trên Tiểu thuyết thứ 7. Đến năm 1937, ông thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn với tiểu thuyết “Bỉ Vỏ”. Tiểu thuyết “Bỉ vỏ” là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những “con người nhỏ bé dưới đáy” như Tám Bính, Năm Sài Gòn…

Năm 1957, ông là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam

Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Nguyên Hồng là “Núi rừng Yên Thế” được viết năm 1980. Cuốn sách vẫn còn đang dang dở vì Nguyên Hồng bị đột tử qua đời trước khi nó được hoàn thành.

Hiện nay những tác phẩm của ông đã được in ấn và xuất bản và vẫn giữ vị trí nhất định trong lòng bạn đọc.

2. Phong cách sáng tác của Nguyên Hồng:

Vì có một tuổi thơ vô cùng bất hạnh, cay đắng nên ngay từ những tác phẩm đầu tay, Nguyên Hồng đã hướng ngòi bút về những người nghèo khó gần gũi mà ông yêu thương với một sự cảm thông sâu sắc, với tâm hồn của một người từng trải. Có lẽ vì vậy mà nhà văn Nguyên Hồng được mệnh danh là “nhà văn của phụ nữ và trẻ em”, “nhà văn của những người cùng khổ”  vì những đối tượng bất hạnh này xuất hiện nhiều trong các tác phẩm giống như hình ảnh của ông và người mẹ thuở nhỏ vậy, nên ông càng có tình cảm đặc biệt và sâu sắc với những người có tầng lao động nghèo, thấp bé.

Ông là nhà văn của niềm tin và ánh sáng, luôn đi tìm vẻ đẹp của con người trong khổ đau, khám phá chất thơ của đời sống cần lao. Nguyên Hồng từng cảm nhận rằng: “Tôi sẽ viết về những cảnh đói khổ, về những sự áp bức, về những nỗi trái ngược bất công. Tôi sẽ đứng về phía những con người lầm than bị đày đọa, bị lăng nhục. Tôi sẽ vạch trần ra những vết thương xã hội, những việc làm bạo ngược lộng hành của xã hội thời bấy giờ. Tôi sẽ gánh lấy mọi trách nhiệm, chống đối cũng như bào chữa, bảo vệ. Tôi sẽ chỉ có tiến bước, chỉ có đi thẳng. Tôi sẽ chỉ biết có ánh sáng. Và chính tôi là ánh sáng.”

Nguyên Hồng là được biết đến viết nhiều thể loại khác nhau. Tác phẩm truyện ngắn đầu tiên của ông được ra đời khi ông chỉ mới có 17 tuổi. Ở độ tuổi này, một cậu bé đến ăn còn không đủ no, mặc không đủ ấm, bị bủa vây bởi cái nghèo cái khổ, thế nhưng Nguyên Hồng vẫn viết. Cả cuộc đời của ông dành trọn cho những trang giấy cho đến những tháng năm cuối đời, khi sắp sửa phải đối diện với cái chết ông vẫn miệt mài viết. Bằng sự nhạy cảm của mình, từ những tháng năm còn nhỏ ông đã phần nào hiểu được sự thống khổ của người nông dân nghèo. Và khi được tiếp xúc với tri thức tiến bộ ông lại có thêm nhiều góc nhìn khác nhau về sự chèn ép, đầy đọa kinh khủng khiếp mà tầng lớp thấp cổ, bé họng phải chịu

Với Nguyên Hồng, ông có sự đồng cảm vô cùng lớn dành cho những đứa trẻ thiếu tình yêu thương từ một gia đình trọn vẹn, bởi tuổi thơ ông cũng đã từng khốn khổ như thế. Tiêu biểu có đoạn trích “Trong lòng mẹ” đã gây xúc động cho nhiều độc giả và tác phẩm cũng chính là cảm xúc của nhà văn. Một cậu bé sinh ra trong gia đình bất hạnh với một người cha nghiện ngập trong khói thuốc phiện còn người mẹ thì phải đi tha hương cầu thực khắp nơi, cậu bé Hồng đã phải nhận mọi cay đắng từ những người họ hàng. Diễn biến tâm trạng của bé Hồng đã được nhà văn khắc họa thành công về một tuổi thơ đầy những ám ảnh, đau khổ đồng thời nó còn thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng.

3. Tác phẩm tiêu biểu của Nguyên Hồng:

Nguyên Hồng viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, thơ. Những tác phẩm của ông có thể kể đến:

– Bỉ vỏ (tiểu thuyết, 1938)

– Bảy Hựu (truyện ngắn, 1941)

– Những ngày thơ ấu (hồi ký, đăng báo lần đầu năm 1938, xuất bản năm 1940)

– Qua những màn tối (truyện, 1942)

– Cuộc sống (tiểu thuyết, 1942)

– Quán nải (tiểu thuyết, 1943)

– Đàn chim non (tiểu thuyết, 1943)

– Hơi thở tàn (tiểu thuyết, 1943)

– Hai dòng sữa (truyện ngắn, 1943)

– Vực thẳm (truyện vừa, 1944)

– Miếng bánh (truyện ngắn, 1945)

– Ngọn lửa (truyện vừa, 1945)

– Địa ngục và lò lửa (truyện ngắn, 1946-1961)

– Đất nước yêu dấu (ký, 1949)

– Đêm giải phóng (truyện vừa, 1951)

– Dưới chân cầu Mây (tập truyện ngắn, 1951)

– Giữ thóc (truyện vừa, 1955)

– Giọt máu (truyện ngắn, 1956)

– Trời xanh (thơ, 1960)

– Sóng gầm (tiểu thuyết, 1961)

– Cửa biển (bộ tiểu thuyết 4 tập: 1961, 1967, 1973, 1976)

– Sức sống của ngòi bút (tạp văn, 1963)

– Cơn bão đã đến (tiểu thuyết, 1963)

– Bước đường viết văn của tôi (hồi ký, 1971)

– Cháu gái người mãi võ họ Hoa (truyện thiếu nhi, 1972)

– Thời kỳ đen tối (tiểu thuyết, 1973)

– Một tuổi thơ văn (hồi ký, 1973)

– Sông núi quê hương (thơ, 1973)

– Khi đứa con ra đời (tiểu thuyết, 1976)

– Những nhân vật ấy đã sống với tôi (hồi ký, 1978)

– Thù nhà nợ nước (tập I trong bộ tiểu thuyết về Khởi nghĩa Yên Thế, 1981)

– Núi rừng Yên Thế (tập II trong bộ tiểu thuyết về Khởi nghĩa Yên Thế, 1993)

– Tuyển tập Nguyên Hồng (3 tập Tập I: 1983, Tập II: 1984, Tập III: 1985)

Với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, năm 1996, Nhà văn Nguyên Hồng đã được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên.