*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Lưu Nhã Lan, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Tôi họ Lưu, năm nay 69 tuổi, chồng tôi 70 tuổi. Cuộc sống về già của chúng tôi rất an nhàn, vừa được con cháu chăm lo chu đáo, vừa có “của ăn, của để”. Trước khi nghỉ hưu, vợ chồng tôi đã tích góp được một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 1,2 triệu NDT (gần 4 tỷ đồng). Số tiền này tôi dự tính được dùng cho những lúc ốm đau bệnh tật sau này. Còn chi tiêu hàng ngày sẽ dùng tới số lương hưu 7.000 NDT (gần 23 triệu đồng) của cả hai vợ chồng để chi trả.
Trên thực tế, cuộc sống về già của vợ chồng tôi khá giản dị nên không cần tiêu quá nhiều tiền. Bởi vậy mỗi tháng, tôi và chồng trích ra 4000 NDT (hơn 13 triệu đồng) gửi con dâu trưởng để phụ giúp chi tiêu trong gia đình. Tôi có 2 cậu con trai, con út cũng đã lập gia đình và có cuộc sống riêng ở nước ngoài. Hiện tại, vợ chồng tôi sống cùng gia đình con trưởng. Cũng nhờ có con dâu cả lo toan mà mọi việc trong nhà đều được chu toàn, yên ổn.
Trích lương hưu phụ con cái chi phí sinh hoạt
Thực ra trước đây, tôi luôn có ý định dành phần lớn số lương hưu hàng tháng của hai vợ chồng để gửi tiết kiệm, từ đó có thể tự chủ khi về già. Tuy nhiên, sau sự ra đi của một người bạn thân, tôi đã vội thay đổi quyết định của mình.
Bạn tôi là Lâm Quốc Đạt, cũng có 2 người con nhưng về già lại chọn sống một mình với chủ nghĩa “không cần con cái phụng dưỡng”. Gia tài mà bạn tôi có được là khoản tiết kiệm 800.000 NDT (khoảng 2,6 tỷ đồng). Ông ấy dự định vài năm nữa sẽ dùng số tiền này để tìm một viện dưỡng lão và vui vẻ sống ở đó đến cuối đời mà không cần phiền tới con cháu.
Với khoản lương hưu 4000 NDT/tháng (hơn 13 triệu đồng), lão Lâm sống chắt bóp và chi tiêu dè sẻn hết mức có thể để tăng khoản tiết kiệm lên 1,3 triệu NDT (khoảng 4,2 tỷ đồng). Bởi với số tiền đó, ông ấy mới có thể vào sống tại một viện dưỡng lão tốt mà chẳng cần phải lo nghĩ gì thêm. Hơn nữa, cũng vì chọn cuộc sống riêng tư theo một lối suy nghĩ khá cực đoan, không muốn trở thành gánh nặng của con cái nên mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình lão Lâm cũng nhạt đi dần..
Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, khi lão Lâm chưa kịp kiếm đủ tiền để vào viện dưỡng lão an hưởng tuổi già thì cơn đột quỵ ập đến. Vì không được phát hiện và cứu chữa kịp thời nên sau đó, ông ấy đã qua đời. Đến cuối cùng, dù có trong tay một số tiền lớn, ông Lâm cũng chẳng kịp thực hiện được mục tiêu của tuổi già. Không những thế, lối suy nghĩ cố chấp khi sống cũng đã khiến ông ấy nhiều lần lâm vào tình cảnh khốn khó. Như những lúc sức khỏe yếu đi mà không có ai kề bên chăm sóc, đổ bệnh cũng chẳng ai hay nên mới mất một cách đột ngột như vậy.
Có cuộc sống lý tưởng khi về già
Câu chuyện của ông Lâm ảnh hưởng đến tôi rất nhiều, nó khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ trước đây. Tôi nhận ra rằng rốt cuộc khi về già, việc tích góp thật nhiều tiền bạc cho mình cũng chẳng có ý nghĩa gì khi mà cuộc sống mình chọn không những chẳng tốt lên mà còn tệ đi.
Quả thực trước đây, tôi luôn nghĩ rằng nếu mình có nhiều tiền thì có thể toàn quyền làm chủ cuộc sống lúc về hưu, thế nhưng chuyện không đơn giản như vậy. Tuổi già sẽ có những biến cố bất ngờ mà chúng ta không thể nào biết và kiểm soát được. Lúc đó, dù có cả “núi tiền” trong tay thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Đến cuối cùng dù muốn hay không, có lẽ vợ chồng tôi vẫn phải sống dựa vào con cháu những năm tháng cuối đời.
Do đó, sau khi suy nghĩ cẩn thận, tôi và chồng cũng đưa ra quyết định là không “giữ tiền riêng” để dưỡng già nữa mà trích ra một khoản để phụ các con một số chi phí sinh hoạt. Thực ra kể từ khi về hưu, con trai và con dâu trưởng cũng chưa bao giờ tỏ ý muốn chúng tôi phụ tiền sinh hoạt. Tuy nhiên, dù tiềm lực kinh tế của 2 con khá tốt nhưng vợ chồng tôi cũng không muốn các con có thêm áp lực về vấn đề tài chính. Do đó, khi đề xuất phụ tiền sinh hoạt của tôi bị con dâu từ chối, chúng tôi vẫn nhất quyết đưa các con tiền.
Cũng từ ngày đó, tôi nhận thấy cuộc sống trong gia đình vui vẻ hơn trước. Có lẽ, khi những vấn đề về kinh tế trong gia đình được giải tỏa đi ít nhiều, con trai và con dâu cũng đỡ căng thẳng hơn, không khí trong nhà cũng tự nhiên được cởi mở hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, thay vì phải sống dè sẻn và tiết kiệm quá mức như trước, việc chi tiêu trong gia đình cũng thoải mái hơn, các thành viên trong gia đình được tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn. Nhờ đó mà ai cũng rạng rỡ hẳn lên, tình thân càng được gắn kết.
Khi đời sống tinh thần được nâng cao thì thể chất cũng tốt hơn hẳn. Tôi và chồng cùng nhau tận hưởng từng ngày hưu trí vô cùng mãn nguyện bên con cháu. Từ bao giờ, cuộc sống của chúng tôi trở thành hình mẫu cuộc sống lý tưởng khi về hưu của nhiều người, được bạn bè và những người trong làng ngưỡng mộ. Ngẫm lại, tôi cũng thấy bản thân là người may mắn nhất làng.
Về già, cha mẹ có thể tự chủ tài chính là điều tốt, tuy nhiên, nếu chỉ vì muốn tiết kiệm tiền dưỡng già mà vô tình khiến cuộc sống của mình trở nên tệ đi thì có lẽ đó là cách làm sai. Mỗi người đều có định nghĩa riêng về cuộc sống lý tưởng khi về hưu, tuy nhiên, cuộc sống đó chỉ lý tưởng khi họ thực sự sống vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc.
(Theo Toutiao)
Nguồn: https://cafef.vn/ve-huu-khong-giau-kin-tien-de-duong-gia-ma-cho-con-dau-13-trieu-thang-toi-song-ung-dung-vien-man-nhat-lang-188230814150216461.chn