Tình hình kinh tế, chính trị nước Anh cuối thế kỉ 19 đầu 20

Tình hình kinh tế, chính trị nước Anh cuối thế kỉ 19 đầu 20
Bạn đang xem: Tình hình kinh tế, chính trị nước Anh cuối thế kỉ 19 đầu 20 tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Đế quốc Anh được xem là đế quốc có diện tích lãnh thổ lớn nhất trong lịch sử nhân loại và là thế lực đứng đầu toàn cầu trong hơn một thế kỷ. Để tìm hiểu kĩ hơn mời bạn đọc tham khảo bài viết Tình hình kinh tế, chính trị nước Anh cuối thế kỉ 19 đầu 20

1. Bối cảnh nước Anh cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20:

Từ năm 1815 đến 1914 là quãng thời gian được các sử gia gọi là “thế kỷ đế quốc” của Anh, họ mở rộng lãnh thổ của mình lên 10.000.000 dặm vuông Anh (26.000.000 km2) tương đương với khoảng 400 triệu người. Chiến thắng trước Napoléon giúp Anh không có bất cứ đối thủ quân sự đáng sợ nào, trừ với Nga tại Trung Á. Không gặp thử thách trên biển, Anh đóng vai trò là cảnh sát quốc tế, mà sau này thường được gọi là Pax Britannica (” Thái bình Anh quốc “), và chính sách ngoại giao “cô lập quang vinh”. Cùng với việc áp đặt kiểm soát chính thức đối với các thuộc địa của Anh, vị thế thống trị của Anh trong thương mại quốc tế có nghĩa rằng họ kiểm soát được nền kinh tế của nhiều nước, bao gồm Argentina và Xiêm La, là thứ được một số nhà sử học gọi là “đế quốc phi chính thức”. Sức mạnh đế quốc của Anh được tăng cường bởi đầu máy hơi nước và điện báo, những công nghệ mới được phát triển trong nửa cuối của thế kỷ XIX, giúp họ kiểm soát và bảo vệ đế quốc. Đến năm 1902, Đế quốc Anh được kết nối với châu Âu bằng một mạng lưới cáp liên lạc, được gọi là Toàn Hồng Tuyến.

1.1. Đối lập với nước Nga:

Trong thế kỷ XIX, Đế quốc Anh và Đế quốc Nga, vốn đang cố bành trướng lãnh thổ đến khu vực Trung Á, ganh đua với nhau nhằm lấp đầy những khoảng trống quyền lực xuất phát từ việc Đế quốc Ottoman, vương triều Qajar và Đại Thanh suy sụp. Tình trạng kình địch tại Âu-Á có thể được mô tả là “Ván cờ Lớn”. Như Anh lo ngại, những chiến thắng của Nga trước Ba Tư và Ottoman chứng tỏ tham vọng đế quốc và kinh tế của họ, làm dấy lên lo ngại tại Anh về một cuộc xâm chiếm bằng đường bộ tại Ấn Độ. Năm 1839, vì muốn chiếm thế chủ động trước nguy cơ này nước Anh đã xâm chiếm Afghanistan, nhưng cuộc Chiến tranh Afghanistan-Anh thứ nhất thực sự là một thảm hoạ với nước Anh. Đây là một trong những thất bại tồi tệ nhất trong thời đại Victoria, khi mà quân Anh bị bộ tộc Pashtun, vốn được trang bị bởi vũ khí do Nga sản xuất, bao vây gần như hoàn toàn trên đường rút lui khỏi Kabul.

Chiến tranh Afghanistan-Anh thứ hai vào năm 1880 dẫn đến thất bại nhục nhã của người Anh tại Maiwand, cũng như thành Kabul bị người Afghan vây hãm và người Anh bị ép phải rút lui khỏi Ấn Độ. Thất bại trong Chiến tranh Afghanistan-Anh thứ ba vào năm 1919 buộc người Anh phải rời khỏi Afghanistan vĩnh viễn. Sau khi người Nga xâm chiếm khu vực Balkan của đế chế Ottoman vào năm 1853, lo ngại về lợi thế của Nga tại Địa Trung Hải và Trung Đông đã khiến Anh và Pháp xâm chiếm bán đảo Krym nhằm phá huỷ sức mạnh quân sự của Nga. Cuộc Chiến tranh Krym (1854 – 56) diễn ra sau đó đã sử dụng những công nghệ mới của chiến tranh hiện đại, đây cũng là cuộc chiến tranh tổng lực duy nhất giữa Anh và thế lực đế quốc khác trong thời kỳ Pax Britannica, kết quả của cuộc chiến đã là một thất bại nặng nề đối với Nga. Tình hình tại Trung Á cũng không thể được xử lý một cách êm thấm trong hai thập niên tới, trừ khi Anh sát nhập Baluchistan vào năm 1876 và Nga sát nhập Kirghizia, Kazakhstan và Turkmenistan.

Vào năm 1878, Đế quốc Ottoman đã bàn giao đảo Síp cho Anh và đổi lại họ sẽ nhận được hỗ trợ nếu bị người Nga tấn công. Trong cùng năm, Nga và Anh đạt được một hiệp định mở rộng tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực và trên tất cả các lĩnh vực còn tồn tại vào năm 1907 khi  Hiệp ước thân thiện Nga-Anh. Cố gắng cuối cùng nhằm tăng cường ảnh hưởng của Nga ở Trung Á đã được người Anh sử dụng trong cuộc Viễn chinh Tây Tạng từ năm 1903-04. Sự kiện Hải quân Nga bị người Nhật phá huỷ trong Hải chiến cảng Lữ Thuận thuộc khuôn khổ Chiến tranh Nga-Nhật 1904 – 05 cũng hạn chế mối đe doạ của Nga đối với Anh

Năm 1869, kênh đào Suez được hoàn thành dưới quyền Napoléon III, kết nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương. Ban đầu, Anh phản đối Kênh đào; nhưng khi nó được hoàn thành, giá trị chiến lược của kênh đào được thừa nhận và trở thành “tĩnh mạch cổ của Đế quốc”. Năm 1875, chính phủ Bảo thủ của Benjamin Disraeli mua từ quân chủ Ai Cập đang mắc nợ là Isma ‘ il Pasha 44% cổ phần của Kênh đào Suez với giá £4 triệu. Mặc dù điều này không trao cho Anh quyền kiểm soát trực tiếp đường thuỷ chiến lược, nhưng cung cấp cho Anh đòn bẩy. Kiểm soát tài chính chung Anh-Pháp với Ai Cập kết thúc khi Anh chiếm hoàn toàn Ai Cập vào năm 1882. Pháp tiếp tục là đại cổ đông và cố gắng làm suy yếu ảnh hưởng của Anh, nhưng đã có một thoả hiệp đạt được theo Hiệp định Constantinopolis 1888, chính vì vậy Kênh đào đã trở thành một lãnh thổ trung lập chính thức.

Với sự chiếm đóng của Pháp, Bỉ và Bồ Đào Nha ở hạ lưu khu vực sông Congo đã phá hoại sự thuộc địa hoá một cách có hệ thống ở vùng châu Phi nhiệt đới, Hội nghị Berlin 1884 đã được tiến hành nhằm ngăn chặn sự đối đầu của những thế lực châu Âu trong cái được gọi là “Tranh giành châu Phi” theo khái niệm “chiếm đóng hữu hiệu” với tư cách là tiêu chuẩn được thừa nhận rộng rãi đối với những yêu sách lãnh thổ. Sự cạnh tranh vẫn tiếp tục đến thập niên 1890 và làm cho Anh phải xem xét lại việc rút khỏi Sudan vào năm 1885. Một lực lượng liên quân gồm quân Anh và Ai Cập đã đánh bại quân Mahdi vào năm 1896 và đẩy lui một cuộc xâm lược của Pháp tại Fashoda vào năm 1898. Sudan trên danh nghĩa nằm dưới chế độ đồng trị Anh-Ai Cập, nhưng trên thực tế nó là một thuộc địa của Anh.

Những thâu tóm của Anh tại miền nam và miền đông châu Phi đã thúc đẩy Cecil Rhodes, người dẫn đầu của công cuộc chiếm đóng của Anh tại châu Phi, đề nghị thiết lập một tuyến đường sắt từ “Cape đến Cairo” thông qua Kênh đào Suez có ý nghĩa sống còn về mặt địa chính trị với miền Nam giàu khoáng sản. Trong thập niên 1880 và 1890, Rhodes hợp tác với Công ty Nam Phi thuộc Anh mà ông kiểm soát chiếm đóng và sát nhập những vùng đất mà sau đó được gọi là Rhodesia theo họ của ông.

1.2. Cải biến địa vị của các thuộc địa da trắng:

Con đường đưa đến độc lập cho những thuộc địa da trắng của Đế quốc Anh bắt đầu với Báo cáo Durham năm 1839, trong đó khuyến nghị rằng chính phủ cần trao quyền hợp nhất và tự quản tại Thượng và Hạ Canada, như một giải pháp đối với những xung đột vũ trang tại Canada vào năm 1837. Điều này bắt đầu với việc ban hành Đạo luật Liên minh năm 1840, theo đó thành lập Tỉnh Canada. Hệ thống nhà nước không chuyên chế ban đầu được thiết lập tại Nova Scotia vào năm 1848 và nhanh chóng được mở rộng sang các thuộc địa khác của Anh tại Bắc Mỹ. Sau khi Quốc hội Anh phê chuẩn Đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh năm 1867, Canada, New Brunswick và Nova Scotia đã hợp nhất trở thành Quốc gia tự trị Canada, một liên bang được hưởng quyền tự trị tuyệt đối với ngoại lệ là các hiệp ước quốc tế. Australia và New Zealand giành được quyền tự trị tương tự sau năm 1900, khi các thuộc địa Australia được thành lập năm 1901. Thuật ngữ “tình trạng quốc gia tự trị” đã được sử dụng tại Hội nghị Thuộc địa năm 1907.

Những thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX chứng kiến những nỗ lực chính trị có yếu tố hợp tác giành quyền tự trị ở Ireland. Ireland đã được hợp nhất với nước Anh theo Đạo luật Liên minh năm 1800 sau cuộc nổi dậy Ireland năm 1798 và nó đã phải trải qua một nạn đói khắc nghiệt từ năm 1845 đến năm 1852. Quyền tự trị dành cho Ireland đã được Thủ tướng Anh William Gladstone tán thành, ông ta hi vọng rằng Ireland sẽ theo bước Canada để trở thành một quốc gia tự trị trong tương lai, tuy nhiên Dự luật Tự trị năm 1886 của ông ta đã vấp phải thất bại tại Quốc hội. Mặc dù nếu dự luật này được phê chuẩn Ireland sẽ nhận được mức tự trị thấp hơn đáng kể so với các khu vực của Canada trong lãnh thổ của họ, nhưng nhiều nghị viên quan ngại rằng nếu đất nước Ireland có được một sự độc lập tương đối, điều này sẽ gây ra một mối đe doạ về mặt chính trị đối với nước Anh hoặc đánh dấu điểm bắt đầu cho việc sụp đổ của Đế chế. Một dự luật tự trị thứ nhì cũng thất bại bởi những lý do tương tự. Một dự luật thứ ba được Quốc hội phê chuẩn vào năm 1914, nhưng không được thực thi khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, dẫn đến cuộc khởi nghĩa Phục Sinh vào năm 1916.

2. Tình hình kinh tế nước Anh cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20:

Đầu thập niên 70 của thế kỉ XIX, nền công nghiệp Anh luôn đứng hàng đầu thế giới. Sản lượng thép của Anh gấp 3 lần Mĩ và Đức; sản lượng gang gấp 4 lần Mĩ và gần 5 lần Đức. Về xuất khẩu hàng hoá, sản lượng của ba nước: Pháp, Đức, Mĩ gộp lại cũng không bằng Anh. Từ cuối thập niên 70, Anh mất dần địa vị độc quyền công nghiệp, do đó, vai trò thao túng thị trường thế giới cũng suy giảm. Mĩ và Đức là các nước tư bản đi sau nhưng cũng vượt Anh.

Nguyên nhân chính của tình trạng giảm sút của công nghiệp Anh so với Đức, Mĩ là vì ở Anh máy móc đã xuất hiện sớm hơn những nước khác tới mấy chục năm, nhiều thiết bị lỗi thời được giữ nguyên và việc sửa chữa rất tốn kém. Tình trạng trên gắn liền với sự ra đời của một đế quốc thuộc địa to lớn. Một số lớn tư bản được đầu tư vào thuộc địa, đầu tư ở Anh thu về nhiều lợi nhuận hơn đầu tư ở trong nước. Khi ấy, cướp đoạt thuộc địa có lợi hơn nhiều so với đầu tư phát triển công nghiệp ở Anh.

Tuy vai trò bá chủ thế giới về công nghiệp bị suy giảm, Anh vẫn có lợi thế phát triển kinh tế, xuất khẩu tư bản, ngoại thương, vận tải biển và thuộc địa. Trong thời kỳ này, nhiều công ti độc quyền xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực công nghiệp: khai thác than đá, dệt may, luyện kim, hoá chất, đóng tàu, vận tải biển và cả trong ngành ngân hàng. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918), 12 nhà ngân hàng lớn nhất ở Anh, mà nòng cốt là 5 ngân hàng ở khu Xi-ti Luân Đôn, đã nắm 70% số tư bản trong cả nước và giữ địa vị thống trị về kinh tế, tiền tệ.

Nền nông nghiệp Anh cũng lâm vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Vào cuối thế kỉ XIX, giá lúa mỳ nhập khẩu từ châu Âu và Mĩ khá rẻ trong khi giá lương thực sản xuất trong nước thì quá cao vì chính sách thuế. Vì thế, giai cấp tư sản Anh lao vào buôn lương thực hơn là đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Trong những năm 60 của thế kỉ XIX, nước Anh tự cấp khoảng 3/4 số lúa mì hàng năm; từ thập niên 70 trở đi, cắt giảm xuống còn 1/3, tức là lương thực của Anh mới tự cung tự cấp được 4 tháng.

3. Tình hình chính trị nước Anh cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20:

Về hình thức, nước Anh là một vương quốc nhưng thực chất theo chế độ đại nghị với thượng viện và hạ viện. Hai đảng (Đảng Tự do và Đảng Bảo thủ) thay nhau cầm quyền. Sự khác biệt giữa hai đảng là không nhiều, cả về cách thức hoạt động và chính sách cụ thể nhưng lại thống nhất với nhau trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản, đàn áp phong trào quần chúng và thúc đẩy xâm chiếm thuộc địa. Đây cũng là thời kì giai cấp tư sản Anh ra sức bành trướng hệ thống thuộc địa, nhất là ở châu Á và châu Phi. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, thuộc địa của Anh đã rải hầu khắp địa cầu, bao phủ 1/4 diện tích lục địa (33 triệu km2) và 1/4 dân số thế giới (400 triệu người). Nhấn mạnh tầm quan trọng của công cuộc khai thác thuộc địa của đế quốc Anh mà “Mặt Trời không bao giờ lặn”, Lê-nin đã nhận xét: chủ nghĩa đế quốc Anh là chủ nghĩa đế quốc tư sản. .