Văn bản Ra-Ma buộc tội kể về sự kiện gì? Bối cảnh thế nào?

Văn bản Ra-Ma buộc tội kể về sự kiện gì? Bối cảnh thế nào?
Bạn đang xem: Văn bản Ra-Ma buộc tội kể về sự kiện gì? Bối cảnh thế nào? tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Văn bản Ra-Ma buộc tội kể về sự kiện gì? Bối cảnh thế nào? Đây là nội dung câu hỏi số 1 trang 32 sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 tập 1 bộ Cánh Diều. Sau đây là một số gợi ý của  giúp các em học sinh nắm rõ hơn về nội dung của đoạn trích Ra-Ma buộc tội trích sử thi Ra ma ya na trong SGK văn 10 Cánh Diều.

1. Tìm hiểu chung:

1.1. Về tác phẩm Ra-ma-ya-na và đoạn trích “Ra-Ma buộc tội”:

– Thể loại: Sử thi Ấn Độ xuất hiện sớm (khoảng 800 năm TCN) là bức tranh sinh động, phản ánh chân thực cuộc sống, tư tưởng của nhân dân Ấn Độ cổ đại. Ca ngợi những chiến công oanh liệt, khí phách hào hùng của các anh hùng, mẫu người lí tưởng của nhân dân Ấn Độ.

– Tác phẩm: Ra-ma-ya-na là một trong hai bộ sử thi nổi tiếng của Ấn Độ và thế giới, ra đời khoảng thế kỉ IV-III trước Công nguyên, được bổ sung, hoàn thiện qua nhiều thế hệ tu sĩ – nhà thơ và đạt đến mức độ hoàn chỉnh nhất bởi đạo sĩ Van – mi – ki, bao gồm 24000 câu thơ đôi. – Đoạn trích: Nằm ở khúc ca thứ 6, chương 79 của sử thi Ra-ma-ya-na

1.2. Tóm tắt nội dung:

– Tóm tắt nội dung sử thi Ra-ma-ya-na

Ra-ma-ya-na là câu chuyện về những kỳ tích của Ra-ma, hoàng tử đầu tiên của nhà vua Đa-xa-ra-tha. Khi Đa-xa-ra-tha định trao vương quyền cho Ra-ma, song vì lòng đố kỵ, thứ phi Ka-kê-i nhắc lại một ân huệ cũ, ép nhà vua đày Ra-ma vào rừng 14 năm, giao quyền lực cho con trai bà là Bha-ra-ta. Ra-ma tuân lệnh. Vợ chàng, Xi-ta và người em trai thân nhất của chàng, Lắc-ma-na, tình nguyện theo Ra-ma đi lưu đày. Khi thời hạn lưu đày sắp kết thúc thì xảy ra một tai biến lớn. Quỷ Ra-va-na đã dùng mưu bắt cóc Xi-ta, giấu cô trong vạt áo, bay đến đảo Lan-ka. Mất Xi-ta, Ra-ma đau đớn khôn xiết. Trên đường đi tìm kiếm Xi-ta, Ra-ma gặp và giúp sức vua khỉ Xu-gri-va đánh thắng tên anh trai độc ác, cứu được vợ và vương quốc. Do đó, chàng được vua khỉ Xu-gri-va, tướng khỉ Ha-nu-man và đạo quân khỉ giúp đỡ vượt đại dương, đến đảo Lan-ka. Sau cùng, Ra-ma đánh bại Ra-va-na khỏi vòng vây, giải thoát Xi-ta. Vợ chồng gặp lại nhau, nhưng ngờ vực Xi-ta không còn toàn vẹn trinh tiết sau bao tháng ngày trong tay ác quỷ, Ra-ma tuyên bố từ bỏ vợ. Xi-ta thanh minh không được, đành phải lên hoả thiêu. Chứng giám đức hạnh của Xi-ta quay trở về kinh đô, trị vì đất nước, làm cho muôn dân được sống trong thanh bình, thịnh vượng.

– Tóm tắt nội dung đoạn trích

Đoạn trích kể lại các tình tiết sau khi chiến thắng quỷ vương Ra-va-na, cứu mạng Xi-ta, tuy nhiên vì danh dự và lòng ghen, Ra-ma đã nghi ngờ sự trong trắng của Xita và tuyên bố ruồng bỏ nàng. Xi-ta đã bảo vệ danh dự bằng cách nhảy vào lửa (theo cách tự minh oan của người Ấn Độ cổ).

1.3. Bố cục đoạn trích:

– Phần 1 (Từ đầu…“Ra-va-na đâu có chịu được lâu”): Cơn giận dữ và diễn biến tâm trạng của Ra-ma.

– Phần 2 (Còn lại): Tự khẳng định mình và diễn biến tâm trạng của Xi-ta.

2. Văn bản Ra-Ma buộc tội kể về sự kiện gì? Bối cảnh thế nào?

Gợi ý 1:

– Văn bản Ra-ma buộc tội kể về sự kiện: Cuộc gặp lại của Ra-ma và Xi-ta, khi Xi-ta được Ra-ma cứu trở về sau khi bị quỷ vương Ra-va-na bắt cóc. Ra-ma nghi ngờ tư cách của Xi-ta, đã dùng những lời lẽ nhục mạ khiến Xi-ta đau đớn. Nàng lấy danh dự của mình để thề, nhưng giải thích, phân trần trong tiếng nức nở nghẹn ngào vẫn không lay chuyển được Ra-ma. Cuối cùng, nàng đã chứng tỏ đức hạnh, lòng chung thuỷ của mình trước mọi người qua việc can đảm bước lên giàn lửa. Tất thảy mọi người, thậm chí loài Rắc-sa-xa và Va-na-ra đều bật lên khóc vang trời vì cảnh tượng đau lòng đó.

– Bối cảnh: Trước mặt những người dự khán với không khí căng thẳng, nghiêm trang trong một phiên toà xét xử.

Gợi ý 2:

– Văn bản Ra-ma buộc tội kể về sự kiện: Hoàng tử Ra-ma sau khi chiến thắng quỷ vương Ra-va-na lấy lại được cô vợ yêu dấu là nàng Xi-ta xinh đẹp, yêu kiều. Vợ chồng gặp lại nhau, Xi-ta mừng rỡ khôn xiết. Nhưng hoàng tử Ra-ma lại nghi ngờ vợ mình không giữ gìn được toàn vẹn đức hạnh và trinh tiết trong lúc bị quỷ Ra-va-na giam giữ nên đã tuyên bố từ bỏ vợ. Xi-ta ra sức thanh minh nhưng không làm lay động Ra-ma, nàng đành bước lên giàn thiêu, cầu xin thần lửa A-nhi chứng giám về đức hạnh vẹn toàn của mình.

– Hoàn cảnh xảy ra sự việc ấy: Vợ chồng Ra-ma và Xi-ta gặp nhau trong không khí căng thẳng, ngột ngạt giống một phiên toà xét xử.

3. Tìm hiểu chi tiết:

3.1. Diễn biến tâm trạng của Ra-ma:

* Cuộc gặp gỡ giữa Ra-ma và Xi-ta:

+ Xi-ta phải đứng trước mọi người trong cộng đồng như một bị cáo

+ Ra-ma ngự trên ngôi như một vị thủ lĩnh, một viên quan tòa có quyền kết án

=> Đây không phải là một cuộc đoàn tụ mừng rỡ đầy yêu thương giữa hai vợ chồng sau những ngày gian khổ, xa cách; mà là một “phiên tòa” bị bao trùm bởi sự căng thẳng, gay gắt.

* Tâm trạng của Ra-ma

– Ra-ma nói với tất cả mọi người để:

+ Khẳng định chiến thắng và tài năng của mình

+ Tuyên dương công trạng những người đã giúp đỡ mình – những người bạn hảo hán

=> Lời lẽ rành mạch, trịnh trọng, tự hào, lạnh lùng

=> Nói trước mọi người –> thể hiện tính công khai của sử thi

– Xưng hô với Xi-ta: “ta” – “phu nhân cao quý” => cách xưng hô trịnh trọng, oai nghiêm của quân vương nhưng thiếu sự yêu thương, thân mật

– Nhấn mạnh mục đích chiến đấu:

+ “Kẻ nào bị quân thù lăng nhục mà không đem tài nghệ của mình ra để trả thù là kẻ tầm thường.”

+ “Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, xóa bỏ vết ô nhục để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lừng lẫy tiếng tăm.”

-> Mục đích: không phải vì Xi-ta mà vì danh dự, phẩm giá và nghĩa vụ-> Ra-ma là một hoàng tử, một quốc vương mẫu mực.

– Ra-ma còn bộc lộ nghi ngờ trinh tiết của Xi-ta vì:

+ “Nàng đã lưu lại lâu trong nhà một kẻ xa lạ”

+ “Nàng bị quấy nhiễu trong vạt áo của Ra-va-na”

+ “Đôi mắt tội lỗi… đã hau háu nhìn khắp người nàng”

=> Đó là thái độ của một người ghen tuông, ích kỉ

– Ra-ma đã lăng nhục Xi-ta trước mặt mọi người, không nhận nàng làm vợ, ruồng rẫy và đuổi nàng:

+ “Ta không cần đến nàng nữa”

+ “Nàng muốn đi đến đâu tùy ý”

=> Buông ra những lời tàn nhẫn, gay gắt, xúc phạm Xi-ta một cách thô bạo trước mặt mọi người.

– Vì uy tín, danh dự của gia đình, dòng họ quyền quý cao sang, vì vinh quang chiến thắng, vì niềm tự hào của cả cộng đồng,… tất cả không cho phép Ra-ma chấp nhận bất cứ một sự mờ ám nào có thể làm tổn hại đến danh dự.

– Đồng thời nó cũng thể hiện sự ghen tuông trong lòng chàng, đã làm cho một vị quân vương trở nên thiếu bình tĩnh và mất đi sự sáng suốt.

– Mặt khác: “Thấy người đẹp với gương mặt bông sen, với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như dao cắt” => Sự mâu thuẫn trong một con người (với tư cách là một người chồng, Ra-ma cảm thấy đau đớn và thương xót vợ mình; nhưng trên cương vị là một vị hoàng tử của một đất nước thì Ra-ma coi trọng danh dự)

=> Ra-ma tuy là một vị thần nhưng vẫn mang những đặc điểm của con người trần tục: yêu hết mình nhưng cũng ích kỉ, ghen tuông cực độ; có lúc oai phong lẫm liệt những cũng có lúc tầm thường, nhỏ nhen, ích kỉ; có lúc cương quyết, chính trực nhưng cũng có lúc mềm yếu. Bản chất thiện-ác; sáng-tối; tốt-xấu luôn luôn song hành trong tính cách của Ra-ma.

– Khi Xi-ta bước lên giàn hỏa thiêu:

+ Ra-ma: câm lặng, không nói “mắt dán xuống đất, lúc đó nom chàng khủng khiếp như thần chết vậy.”

-> Một tâm lý phức tạp, giằng xé trong con người Ra-ma: một mặt là anh hùng, thủ lĩnh cao thượng; còn lại là một con người nhỏ bé, tầm thường, mềm yếu.

-> Hoàn cảnh của Ra-ma thật ngặt nghèo, đòi hỏi chàng phải có sự lựa chọn quyết liệt: tình yêu hay danh dự-> chàng quyết định chọn danh dự

=> Như vậy, tác giả đã miêu tả một cách tinh tế, chân thực về thái độ ghen tuông, ngờ vực của Ra-ma – một vị thần thánh, một bậc quân vương, nhưng cũng có đủ mọi cung bậc tình cảm của một con người trần tục. Những nét tính cách đó đã làm cho Ra-ma dù là một nhân vật sử thi, nhưng vẫn không hề công thức, ước lệ mà tràn đầy tính sinh động, cụ thể, hấp dẫn.

3.2. Diễn biến tâm trạng của Xi-ta:

– Hoàn cảnh: xa chồng + quỷ vương dụ dỗ -> đấu tranh để giữ trinh tiết, lòng thủy chung

-> Được giải cứu, nàng rất vui và hạnh phúc

– Trước những lời buộc tội của Ra-ma, Xi-ta kinh ngạc, đau đớn, tủi nhục “như một cây leo bị vòi voi quật nát” -> đau khổ đến tột cùng vì danh dự bị xúc phạm.

– Xi-ta dùng lời lẽ, đúng mực để thanh minh cho mình, đem tình yêu làm bằng chứng thuyết phục:

+ Xi-ta lên án hành vi ứng xử tầm thường và nhận thức kiểu đánh đồng thiếu suy xét và thiếu cơ sở của Ra-ma: “Cớ sao chàng lại… đâu có phải.”

+ Đem tư cách, danh dự để đảm bảo

+ Khẳng định lòng chung thủy của mình và thái độ vô tình, lạnh lùng của Ra-ma

+ Nhấn mạnh nguồn gốc bản thân: dòng họ cao quý và gợi lại lý do Ra-ma cưới mình vì tự nguyện và vì tình yêu.

-> Tâm trạng Xi-ta biến chuyển từ mừng rỡ đến ngạc nhiên, tin yêu đến thất vọng.

– Trong nỗi đau khổ tuyệt vọng Xi-ta đã trở nên mạnh mẽ, bình tĩnh và chín chắn hơn: hành động bước vào giàn thiêu thể hiện sự dứt khoát “nếu con… cho con”, cầu khẩn thần Anhi chứng giám-> thể hiện lòng chung thủy và sự trinh tiết của mình.

-> Tác giả đã khắc họa một Xi-ta trong sáng, chân thực, toàn vẹn, đáng ngưỡng mộ, là mẫu người phụ nữ lý tưởng đáng ngưỡng mộ của thời đại

4. Giá trị nội dung và nghệ thuật:

Giá trị nội dung: Đoạn trích Ra-ma đã đặt các nhân vật vào tình huống thử thách ngặt nghèo đòi hỏi sự chọn lựa dứt khoát, thể hiện sâu sắc bản chất con người. Ra-ma vào sinh ra tử, đấu tranh với yêu ma nhằm cứu lấy người vợ thân yêu nhưng cũng sẵn sàng hy sinh tình yêu làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của một người anh hùng, một đức vua mẫu mực. Như một người vợ lý tưởng xứng đáng với Ra-ma, Xi-ta cũng sẵn sàng đem thân mình thử lửa để chứng tỏ tình yêu và sự chung thuỷ.

Giá trị nghệ thuật:

– Xây dựng nhân vật lí tưởng với tâm lý, tính cách, triết lý và hành động

– Sử dụng nhân hoá, điển tích, ngôn ngữ miêu tả kết hợp đối thoại, tình huống, xung đột gay cấn, giàu chất sử thi.