Đặc điểm phân bố dân cư trên thế giới? Nhân tố ảnh hưởng?

Bạn đang xem: Đặc điểm phân bố dân cư trên thế giới? Nhân tố ảnh hưởng? tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

1. Khái niệm của dân cư:

Dân cư là một khái niệm của một tập hợp người gồm những con người được đặc trưng bởi những mối liên hệ về mặt xã hội và những mối quan hệ về mặt kinh tế, họ cùng sống trên một lãnh thổ, trong đó có việc phân công lao động và cư trú theo lãnh thổ. Dân cư là tập hợp những người dân sinh sống, cư trú, làm việc, sinh hoạt trên một lãnh thổ nhất định và chịu sự ảnh hưởng, điều chỉnh của pháp luật của quốc gia đó. Dân cư vừa là những người sản xuất ra của cải, vật chất, tinh thần, vừa là những người tiêu thụ của cải, vật chất, tinh thần do quá trình lao động của mình làm ra. Chính vì vậy dân cư sinh sống với hai tư cách là người sản xuất hay còn gọi là người lao động và người tiêu dùng, tiêu thụ.

 Dân cư là một bộ phận quan trọng cấu thành nên quốc gia, dân số chính là nhân tố tạo ra giá trị vật chất, tinh thần cần thiết cho xã hội đồng thời dân cư là thành phần năng động nhất gắn bó giữa tự nhiên và kinh tế, do đó dân cư còn là chủ thể của nền sản xuất xã hội.

Việc phân loại dân cư được diễn ra dựa vào yếu tố quốc tịch:

Công dân: Là những người mang quốc tịch của quốc gia nước sở tại, được bảo hộ, được sinh sống dưới việc tuân thủ pháp luật của quốc gia đó.

– Người mang quốc tịch nước ngoài, gồm những người mang quốc tịch nước khác hoặc là những người mang hai quốc tịch cùng một lúc. 

– Người không quốc tịch: Là những người không có bằng chứng pháp lý nào để chứng minh họ là công dân của bất kỳ quốc gia thực nào.

2. Đặc điểm phân bố dân cư trên thế giới hiện nay:

-Tình trạng phân bố dân cư không đồng đều trong không gian: Theo thống kê dân số năm 2005, trên trái đất có gần 6500 triệu người với mật độ trung bình về mặt dân số là 48 người/km2. Tuy nhiên việc phân bố dân cư rất không đồng đều, có những vùng dân số tập trung rất nhiều, rất đông dân nhưng có những vùng dân cư thưa thớt, ít ỏi, thậm chí có một số vùng còn không có sự sinh sống của con người. Đây là một tình trạng đáng báo động về việc phân bố dân cư không được đồng đều trên thế giới hiện nay.

+Dân cư tập trung đông ở Tây Âu, Nam Âu, Đông Á, Đông Nam Á

+Dân cư tập trung thưa thớt ở Trung Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Đại Dương, Bắc Á, Trung Á, Trung Nam Mỹ.

– Mật độ phân bố dân cư biến động theo thời gian:

+Mật độ phân bố dân cư có tình trạng giảm dần ở châu Âu và châu Á.

+Mật độ phân bố dân cư có tình trạng tăng lên ở châu Đại Dương, châu Phi và châu Mỹ .

– Quy mô dân số đông và tăng liên tục: mức dân số đạt khoảng 7795 triệu người ( số liệu vào năm 2020), tăng lên 5259 triệu người so với năm 1950.

– Tốc độ gia tăng dân số có sự khác nhau giữa các giai đoạn:

+ Giữa thế kỉ XX là giai đoạn có tốc độ gia tăng dân số nhanh nhất, đó là giai đoạn dẫn đến hiện tượng bùng nổ dân số.

+ Hiện nay, tốc độ gia tăng dân số đã có xu hướng giảm, minh chứng cụ thể cho điều đó thể hiện ở chỗ vào khoảng giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ gia tăng dân số chỉ tăng trung bình 1,1%/năm.

– Giữa các nhóm nước, giữa các quốc gia, giữa các khu vực và giữa các châu lục có quy mô dân số không giống nhau:

+ Nhóm các nước đang phát triển chiếm 84%, nhóm các nước ở khu vực châu Á chiếm 60%, nhóm 14 quốc gia đông dân chiếm 64% dân số thế giới, đây là những số liệu được thống kê vào năm 2020.

+ Trong số đó, căn cứ vào số liệu cụ thể, người ta có thể xác định Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có mức độ dân số đông nhất thế giới (chiếm khoảng 36%).

3. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc phân bố dân cư trên thế giới hiện nay: 

3.1. Các nhân tố tự nhiên ảnh hưởng đến việc phân bố dân cư trên thế giới hiện nay:

Một bộ phận của tự nhiên là con người, đồng thời con người lại là một thực thể của xã hội nên chịu sự điều tiết của các nhân tố tự nhiên và có mức ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư:

– Trước hết là yếu tố khí hậu: Khí hậu được coi là một trong những nhân tố tự nhiên có ảnh hưởng rõ nét nhất đến sự phân bố dân cư. Sự ảnh hưởng này được thể hiện rõ ràng ở chỗ những nơi nào có khí hậu ấm áp, ôn hòa thì sẽ là cái nôi thu hút sự đông đúc dân cư, còn những nơi, khu vực có khí hậu quá khắc nghiệt (nóng quá hoặc lạnh quá) thì dân cư thường thưa thớt, thậm chí là không có dân cư sinh sống. Nhìn vào thực tại, chúng ta có thể thấy dân số tập trung đông nhất thường là ở khu vực ôn đới, sau đó đến khu vực nhiệt đới.

– Nguồn nước: Nguồn nước cũng là một nhân tố quan trọng tác động đến việc phân bố dân cư. Mọi hoạt động sản xuất và đời sống đều cần đến nước, đồng thời các hoạt động công nghiệp cũng tiêu thụ rất nhiều nước. Chính vì vậy ở những khu vực nào có nguồn nước thì ở đó sẽ tập trung con người sinh sống. Thông thường, người dân thường tập trung ở đồng bằng, nơi ven các dòng sông lớn, nhỏ, thậm chí bên trong các hoang mạc, dân cư chỉ tập trung quanh các ốc đảo, nơi có nguồn nước xuất hiện.

– Địa hình và đất đai: Địa hình và đất đai cũng là nhân tố quan trọng có tầm ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư. Những châu thổ màu mỡ -những vùng đông dân nhất thế giới là các vùng châu thổ của các sông lớn như Ấn, Hằng, Trường Giang, Mê Kông…Còn ở các hoang mạc và thảo nguyên là những vùng đất khô cằn nên có rất ít cư dân sinh sống ở những vùng như vậy. Hay như các vùng núi cao, đất trồng trọt rất ít thì việc thu hút dân cư cũng trở nên khó khăn, ít cư dân sinh sống. Ngược lại, dân cư thường tập trung đông đúc ở các vùng đồng bằng có địa hình thấp, đất đai màu mỡ.  

– Tài nguyên khoáng sản: Nơi nào có nhiều nguồn tài nguyên màu mỡ, nơi đó thường là nơi tập trung nhiều cư dân sinh sống. Tuy nhiên, việc đó cũng gây ra các hệ luỵ như những vùng ít hoặc không có tài nguyên thì sẽ có ít hoặc thậm chí không có người sinh sống, đồng thời hiện nay nhen nhói lên một tình trạng cạn kiệt tài nguyên môi trường- hậu quả của việc do sự khai thác quá mức nguyên thiên nhiên của con người.

3.2. Các nhân tố kinh tế – xã hội, lịch sử ảnh hưởng đến việc phân bố dân cư trên thế giới hiện nay:

– Trình độ phát triển lực lượng sản xuất: Theo thực trạng hiện nay, việc phân bố dân cư thường có xu hướng tập trung ở những nơi có trình độ phát triển lực lượng sản xuất như những thành phố lớn, những thành phố công nghiệp,…. Xu hướng đó giúp đáp ứng được các yêu cầu cần thiết và cấp bách của con người về việc làm, vật chất, cơ sở hạ tầng, sự tiện nghi, sự thoải mái về măt tinh thần,….

– Đặc điểm và tính chất của vùng địa lý kinh tế: Căn cứ vào hiện thực, có thể thấy rõ một điều rằng những thành phố lớn, những khu đô thị thường là những nơi thu hút nhiều cư dân đổ dồn đến sinh sống và làm việc. Bởi lẽ ở đây- những thành phố lớn, những khu đô thị là những nơi phát triển mạnh mẽ, đồng thời đây là nơi cung cấp đầy đủ những điều kiện về cơ sở vật chất, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí,… phục vụ con người về mọi nhu cầu cần thiết trong cuộc sống.

– Sự trỗi dậy và phát triển một cách mạnh mẽ và nhanh chóng của các xí nghiệp, khu công nghiệp: Theo bước tiến của thời gian cùng những bước chuyển dần nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp đã có những tác động mạnh mẽ đến việc phân bố dân số hiện nay. Thường thường những nơi có khu công nghiệp hoặc các xí nghiệp sẽ thu hút dân cư đến sinh sống với nhu cầu tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập cá nhân nhằm phục vụ các nhu cầu cần thiết của con người.

– Chính sách dân số của các quốc gia có sự tác động đến dân số thế giới : Sự tác động của nhà nước và chính phủ đến sự phân bố dân cư có thể xem là một nhân tố cực kỳ quan trọng. Sự gia tăng dân số thường bị hạn chế do các xu hướng của Nhà nước ở những khu đô thị lớn dẫn đến sự ùn tắc, thiếu hụt về các điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng phục vụ người dân. Bên cạnh đó, khuyến khích sự gia tăng ở những nơi thưa thớt, như đồi núi, cao nguyên, nhằm khai thác một cách triệt để những tài nguyên đất.