Nước chấm là phần không thể thiếu trong các món ăn. Đặc biệt là các món ăn Việt Nam thì hầu như không thể thiếu nước mắm. Nước mắm không chỉ dùng để chấm gỏi cuốn, nem rán,… mà còn được pha chế để trộn cùng các món bún, mì,… Cùng chúng mình vào bếp học cách pha nước mắm sánh đặc theo tỷ lệ vàng nhé!
1. Cách làm nước chấm sền sệt
Cách pha nước mắm sánh đặc kiểu Thái này sẽ làm bạn “xỉu lòng” từ màu sắc cho đến mùi vị. Bát nước chấm có mùi hương đặc trưng từ nước mắm, tỏi và ớt, màu cam đậm sóng sánh bám vào từng miếng mực chiên hay thịt luộc, vị cay chua ngọt hài hòa. Chấm miếng nào là hết veo miếng đấy!
Chuẩn bị nguyên liệu
- 2 muỗng canh nước mắm
- 2 muỗng cà phê đường
- 1 muỗng cà phê bột bắp
- 1 muỗng cà phê muối
- 160ml nước lọc
- 60ml giấm
- 3 trái ớt sừng
- 3 trái ớt chỉ thiên (tạo độ cay)
- 1 củ tỏi
*1 muỗng canh = 15ml | 1 muỗng cà phê = 5ml
Cách làm
- Ớt sừng và ớt chỉ thiên rửa sạch rồi băm nhỏ. Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ. Lưu ý: tùy vào độ cay mong muốn mà bạn có thể tùy chỉnh lượng ớt. Nên băm tỏi, ớt chứ không đập dập vì tỏi sẽ khó nổi lên.
- Hòa tan bột bắp với nước lọc.
- Chuẩn bị 1 chiếc nồi, cho 160ml nước lọc, nước mắm, đường, giấm, muối, tỏi, ớt băm vào khuấy đều. Đun ở lửa lớn đến khi sôi thì cho từ từ bột bắp vào, vừa cho vừa khuấy cho tan. Đun sôi hỗn hợp nước mắm trở lại, đến khi sền sệt thì tắt bếp. Vậy là hoàn thành cách pha nước mắm sánh đặc rồi.
- Nước chấm nguội là dùng được luôn. Nếu chưa dùng đến bạn có thể cho vào hũ sạch, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Ảnh: Sưu tầm
2. Cách làm nước mắm chua ngọt sệt
Cách làm nước mắm chua ngọt sệt hội tụ đủ vị mặn, chua, ngọt hài hòa. Về cơ bản, bạn có thể tùy chọn nguyên liệu và tỷ lệ gia vị để tạo ra thành phẩm vừa miệng nhất. Dưới đây là một cách pha nước mắm sánh đặc có vị chua ngọt.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 200ml nước mắm ngon
- 200ml nước lọc
- 200 gram đường cát trắng
- 50 – 70ml nước cốt chanh (có thể thay thế bằng giấm)
- 2 trái ớt sừng
- 1 củ tỏi
- ½ thìa cà phê muối
Ảnh: Sưu tầm
Cách làm
- Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ. Ớt bỏ cuống, lọc hạt, băm nhỏ.
- Chuẩn bị nồi đặt lên bếp, cho nước lọc và đường vào, vừa đun vừa khuấy đều cho đường tan.
- Đun lửa lớn đến khi sôi nhẹ thì cho muối vào. Khi sôi thêm khoảng 2 phút thì hạ lửa nhỏ vừa, tiếp tục đun đến khi nước mắm có độ sệt như muốn.
- Để nước mắm còn ấm ấm thì cho nước cốt chanh vào, khuấy đều.
- Đợi nước mắm nguội hẳn thì cho ớt băm, tỏi băm vào rồi khuấy đều. Khi ăn, múc ra bát với lượng vừa phải để thưởng thức nhé. Với cách pha nước mắm sánh đặc này, bạn có thể làm nước mắm chua ngọt dùng cho các món trộn, bún khô, bún thịt nướng hay nước chấm bánh xèo đều ngon.
Ảnh: Sưu tầm
3. Cách làm nước mắm sánh đặc, ngọt vị nước dừa
Nếu cách pha nước mắm sánh đặc trên nổi bật với vị chua ngọt thì công thức này lại thiên về vị ngọt hơn (công thức cũng sẽ không sử dụng chanh hay giấm). Đặc biệt hơn, vị ngọt của món nước chấm này đến từ nước dừa nên vị ngọt rất thanh và tự nhiên dễ ăn chứ không hề ngọt sắc.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 200ml nước mắm
- 200ml nước dừa tươi
- 150 gram đường
- Tỏi, ớt bóc vỏ băm nhuyễn (bạn có thể kết hợp cả ớt sừng và ớt chỉ thiên để vừa tạo độ cay mà cũng tạo màu cho món nước chấm)
Cách làm
- Đặt một nồi nhỏ lên bếp, cho nước mắm cùng với đường vào và đun ở lửa lớn. Vừa đun vừa khuấy đều cho đường tan hết.
- Khi đường đã tan, cho thêm nước dừa vào, tiếp tục nấu sôi đến khi nước mắm keo và sệt lại thì tắt bếp. Nêm nếm lại cho hợp khẩu vị. Nếu muốn giảm ngọt thì cho thêm nước lọc, còn nếu muốn tăng độ ngọt có thể cho thêm nước dừa. Tuy nhiên không nên cho quá ngọt vì khi nước chấm nguội, độ ngọt sẽ đậm hơn.
- Múc nước mắm ra bát, cho phần tỏi, ớt băm vào và khuấy đều. Vậy là bạn đã hoàn thành cách pha nước mắm sánh đặc này rồi.
Ảnh: Sưu tầm
Yêu cầu thành phẩm
Nước chấm có màu sắc đẹp mặt và độ sánh sệt vừa phải. Tỏi và ớt giúp nước chấm tăng thêm độ thơm, cay hài hòa với vị ngọt.
4. Cách làm nước mắm chua ngọt để lâu, không cần bột bắp
Với nhiều gia đình thường có thói quen pha nước chấm với lượng nhiều để có thể dùng trong 3 – 4 ngày, vừa tiện một công pha mà cũng tiện để ăn cùng nhiều món. Blog chúng mình sẽ hướng dẫn bạn cách pha nước mắm sánh đặc chua ngọt để lâu, không bị hỏng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 250ml nước mắm ngon
- 500ml nước lọc
- 5 – 6 muỗng canh đường (tùy chỉnh)
- 1 trái dứa chín
- 1/2 thìa cà phê muối
- 1/2 khoang mía
- 3 thìa canh nước cốt chanh (hoặc giấm)
- Tỏi băm, ớt băm (nếu muốn giảm độ cay thì lọc bỏ hạt)
Cách làm
- Cho nước lọc và đường vào nồi nhỏ, khuấy tan đường và bật bếp đun sôi. Trong quá trình đun thì cho nước mắm, dứa cắt khoanh tròn và mía vào rồi tiếp tục đun với lửa nhỏ. Nhờ đó mà vị ngọt của mía và chua ngọt của dứa sẽ tiết ra và hòa vào hỗn hợp mắm.
- Mẹo để pha nước chấm sánh đặc để lâu chính là cho thêm chút muối vào. Nếu bạn có dùng giấm thì cũng cho luôn vào bước này.
- Lưu ý: Trong quá trình này bạn có thể nêm lại xem hỗn hợp đã vừa miệng chưa, cho thêm đường/nước mắm/nước lọc để cân bằng.
- Tiếp tục đun sôi khoảng 5 phút, sau đó tắt bếp, để nguội. Vớt bỏ bã mía và dứa. Cho tỏi băm, ớt băm và nước cốt chanh vào (nếu đã dùng giấm thì bỏ qua chanh).
- Lưu ý: Tỏi và ớt nên băm nhỏ chứ không đập dập quá mạnh tay bởi như thế tỏi ớt sẽ không nổi lên mặt nước chấm.
Ảnh: Sưu tầm
Yêu cầu thành phẩm:
Cách pha nước mắm sánh đặc này sẽ cho ra thành phẩm có màu sắc đẹp mắt với màu đỏ đặc trưng từ ớt. Vị nước chấm cũng rất độc lạ do có sử dụng dứa và mía mà trở nên ngọt thanh và cũng thơm hơn. Món nước chấm này thích hợp để dùng để chấm bún, phở, bánh cuốn,… Nếu bạn muốn nước chấm sệt hơn để dùng cho cơm tấm, chả ram thì tiếp tục đun sôi thêm cho đến khi vơi 1/2 lượng nước trong nồi để nước chấm có độ sánh.
5. Cách bảo quản nước mắm sánh đặc
- Nước mắm cần phải để nguội hoàn toàn trước khi cho vào lọ.
- Đảm bảo các lọ đựng phải thật sạch và khô ráo. Đậy nắp kín và bảo quản trong ngăn mát. Với cách làm này, bạn có thể giữ nước mắm chua ngọt sánh đặc trong khoảng 3 – 4 tuần.
- Nếu thấy nước chấm có hiện tượng lên men, có vị khác lạ hay xuất hiện nấm mốc thì bạn nên bỏ ngay bởi rất có thể nó đã bị oxy hóa.
Trên đây là 4 cách pha nước mắm sánh đặc mà bạn có thể áp dụng được cho mọi món. Nước mắm sánh đặc với vhị chua ngọt mặn hài hòa và màu sắc bắt mắt sẽ làm món ăn của bạn thêm phần hấp dẫn.
Đăng bởi: Bùi Hà Viễn Đông
Từ khoá: 4 cách pha nước mắm sánh đặc chua ngọt đậm đà, để được lâu