Tại Hàng Châu, một số ô tô để lâu đến nỗi cây cối mọc lên từ cốp xe. Một số khác bị vứt bỏ vội vàng đến mức những món đồ chơi vẫn còn nằm trên bảng điều khiển.
Cảnh tượng này gợi nhớ lại sự việc vào năm 2018 khi hàng nghìn chiếc xe đạp bị bỏ không, sau khi xu hướng chia sẻ xe đạp thoái trào và các startup trong lĩnh vực này lần lượt tuyên bố phá sản.
Lần này, những chiếc ô tô bị bỏ hoang được cho là của các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thất bại hoặc bị đào thải khỏi dây chuyền sản xuất do lỗi thời.
Khoảng một thập kỷ trước, với việc nhận được các khoản trợ cấp từ chính phủ, hàng trăm nhà sản xuất ô tô trên khắp Trung Quốc lấn sân sang sản xuất ô tô điện. Họ tạo ra một số lượng lớn xe điện trong giai đoạn đầu để chạy theo xu hướng thị trường lúc bấy giờ. Những chiếc xe này tương đối đơn giản mà pin chỉ có thể chạy được khoảng 100 km (62 dặm) sau một lần sạc.
Những chiếc xe điện chủ yếu được các công ty dịch vụ mua về để phục vụ mục đích thương mại. Mục tiêu khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu tạo tiền đề để Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp xe điện tăng trưởng mạnh mẽ. Đất nước tỷ dân hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về xe xanh, chiếm 60% số xe điện hiện tại của thế giới và có cơ sở hạ tầng sạc xe điện rộng khắp nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của xe điện cũng dẫn đến nhiều hệ luỵ. Nhiều công ty dịch vụ gọi xe từng sử dụng xe điện sớm đã ngừng hoạt động. Hiện có khoảng 100 nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, giảm so với con số 500 vào năm 2019 .
Nguồn: https://cafef.vn/ben-trong-nghia-dia-o-to-dien-bo-hoang-chat-dong-o-trung-quoc-188230831213057113.chn