Christina và Jack là đôi vợ chồng có thu nhập cao ở Los Angeles. Thu nhập hàng năm hiện tại của Christina là 136.800 USD, của cả hai vợ chồng là 207.000 USD. Christina ước tính rằng khi cô trở thành bác sĩ được cấp phép đầy đủ vào cuối năm nay, thu nhập hàng năm của họ sẽ đạt khoảng 300.000 USD.
Thế nhưng, thói quen lối sống hoang phí khiến họ suýt rơi vào cảnh vô gia cư. Tất cả chỉ vì một biến cố ập đến, họ thậm chí không có đủ tiền tiết kiệm để đặt cọc hoặc mua một ngôi nhà mới.
Christina chia sẻ trong podcast I Will Teach You To Be Rich của chuyên gia tài chính Ramit Sethi rằng, cô thực lòng không biết chuyện gì đang xảy ra. Cặp đôi chỉ muốn tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp sau những giờ làm việc mệt nhoài, chẳng hạn như những kỳ nghỉ sang trọng và mua đồ nội thất cao cấp.
Dưới đây là 5 điều bạn có thể học được từ cặp đôi nàyđể tránh rơi vào “bẫy tài chính” giống như họ:
1. Trao đổi các vấn đề tài chính với nhau
Mặc dù Christina và Jack đã kết hôn được ba năm và có hai con nhỏ nhưng họ thừa nhận, cả hai chưa bao giờ thực sự ngồi xuống và trò chuyện thành thật về các vấn đề tài chính của mình.
Họ cũng có những cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau đối với thói quen quản lý tài chính. Christina đã làm việc 80 giờ một tuần trong ba năm, có xu hướng tiêu rất nhiều tiền, đặc biệt là vào các kỳ nghỉ phép của mình. Cô cho rằng, đây là cách giúp bản thân giải tỏa căng thẳng nên tốn kém cũng không sao.
2. Trả hết nợ thẻ tín dụng
Phát biểu trên podcast của Sethi, cặp đôi tiết lộ họ đang nợ thẻ tín dụng 87.500 USD và chỉ có thể thực hiện các khoản thanh toán tối thiểu. Họ nợ tiền trên nhiều thẻ tín dụng, chứ không chỉ một.
Seti khuyên mọi người nên thiết lập gói thanh toán tự động để không bị lỡ khoản thanh toán hàng tháng, không làm ảnh hưởng đến điểm tín dụng, không bị phạt khi thanh toán trễ hạn và giúp kiểm soát chi tiêu.
3. Lập quỹ khẩn cấp
Khi chủ nhà của Christina và Jack thông báo về dự định bán căn nhà mà cặp đôi đang thuê, hai vợ chồng này bỗng hoang mang, không biết nên sống ở đâu. Christina cho biết thu nhập của cả hai không quá tệ nhưng họ vẫn không có đủ tiền tiết kiệm để trả tiền đặt cọc và tiền thuê nhà 3 tháng đầu tiên.
Cuối cùng, cha của Christina đã phải giúp đỡ mới giúp cả gia đình thoát cảnh “vô gia cư”. Nhưng đó cũng là bài học lớn cho cả hai. Chuyên gia cũng khuyến nghị hai vợ chồng nên thành lập quỹ khẩn cấp ngay bây giờ, đề phòng trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.
4. Tiết kiệm cho mục tiêu cuộc sống
Cho dù bạn đang đi nghỉ dưỡng hay đi xem hòa nhạc, hãy đảm bảo rằng bạn không chi tiêu vượt quá mức dành cho vui chơi.
Seti đề nghị Jack và Christina bắt đầu lập kế hoạch và quy tắc cho bản thân, chẳng hạn như không đi nghỉ trừ khi họ có thể chi trả đầy đủ cho việc đó, chứ không chỉ quẹt thẻ tín dụng.
5. Đừng để cuộc sống xa hoa đánh lừa
Khi nghĩ về sự giàu có, nhiều người sẽ hình dung ra cảnh tượng những biệt thự nghỉ dưỡng đẹp nhất gần bãi biển, mẫu xe sang mới nhất hay bữa tiệc sinh nhật xa hoa…
Vợ chồng Christina cũng thường như vậy. Họ đã từng chi hàng nghìn đô la bằng thẻ tín dụng cho chuyến đi đến Hawaii và họ cũng lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ ở Singapore, điều này sẽ khiến họ phải trả thêm khoảng 25.000 đô la nữa.
Sethi khuyên mọi người nên hết sức chú ý đến mọi khoản chi tiêu để không phải chật vật kiếm tiền. Một trong những cách tốt nhất để làm điều này là lập ngân sách và quan trọng hơn, bạn nhất định phải bám sát ngân sách đã lập ra. Sethi cho biết, nếu bạn theo dõi chi tiêu hàng tháng của mình, nguy cơ chi tiêu vượt quá tầm kiểm soát sẽ giảm đi đáng kể hơn.
3 điều khiến mọi người cảm thấy giàu có
Khi Ramit Sethi hỏi mọi người về những dấu hiệu yêu thích của họ về sự giàu có, anh nhận được 3 câu trả lời phổ biến. Thứ nhất là hoá đơn được thanh toán tự động. Thứ hai là không hoảng loạn về tiền phạt xe cộ. Thứ ba là có thể mua hàng mà không cần nhìn giá sản phẩm.
Thực tế, mọi người không cần phải trở nên giàu có mới đạt được 3 điều kể trên. Tuy nhiên với nhiều người, những tiêu chí này là điều “xa xỉ”.
Một trong những lời khuyên của cố vấn tài chính để có sức khỏe tài chính tốt hơn là: Biết khi nào nên chi tiêu và khi nào nên cắt giảm chi phí.
Khi một người đã có định nghĩa về “cuộc sống giàu có” và hiểu điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với bạn, bạn nên cắt giảm chi tiêu chi tiêu cho những thứ không giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.
*Tổng hợp
Nguồn: https://cafef.vn/kiem-49-ty-nam-nhung-chop-mat-suyt-tro-thanh-nguoi-vo-gia-cu-5-bai-hoc-xuong-mau-ma-giau-hay-ngheo-cung-nen-biet-18823091020574909.chn