Sài Gòn không chỉ nổi tiếng là một Thành phố xa hoa, nhộn nhịp mà nơi đây còn là điểm du lịch tâm linh vô cùng đặc sắc. Pháp Viện Minh Đăng Quang được xem là ngôi chùa lớn với kiến trúc độc đáo và ấn tượng. Đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm một chốn thanh tịnh, an nhiên để lắng đọng tâm hồn hay đơn giản là nơi thể hiện nhiều ước vọng bình an.
1. Một số thông tin về Pháp Viện Minh Đăng Quang
- Địa chỉ: 505 đường Mai Chí Thọ, Xa Lộ Hà Nội, phường An Hòa, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: 028.3501.9988
- Giờ mở cửa: 8:00 – 20:00
2. Hướng dẫn đường đi
2.1 Ở các tỉnh
Bạn có thể di chuyển đến Thành phố bằng máy bay, xe lửa hoặc xe khách, tàu hỏa.
Từ Thành phố bạn có thể bắt taxi/ xe ôm hoặc xe bus để tới Pháp viện Minh Đăng Quang. Bao gồm 4 lộ trình xe bus cho bạn tham khảo:
- Từ RMIT Food Court hoặc Lygon Café: Bus 72 -> Bus 56
- Từ cơm tấm Tài: Bus 54 -> Bus 55
- Từ Thi La Quan: Bus 139 -> Bus 53 -> Bus 104
2.2 Ở Tp. Hồ Chí Minh
Đi bằng xe máy, bạn sẽ có 2 lộ trình:
- Đi qua hầm Thủ Thiêm -> ngã tư với Trần Não, quẹo trái, đi thẳng -> đường Song Hành (song song với Xa Lộ Hà Nội), đi thẳng -> cầu vượt sẽ thấy Pháp viện Minh Đăng Quang nằm phía tay phải.
- Đi qua cầu Sài Gòn. Khi qua cầu nhìn thẳng, lúc tới cầu vượt đi bên phải để vào đường Song Hành.
3. Sơ nét về Pháp Viện Minh Quang Đăng
Pháp viện Minh Đăng Quang hình thành năm 1968, tạo lạc trên diện tích 45.000 m2, thuộc hệ phái Khất Sĩ. Ban đầu nơi đây chỉ là ngôi chánh điện nhỏ và một số am cốc bằng tre. Đầu 2009, pháp viện được xây dựng lại quy mô với nhiều hạng mục. Hiện nay, công trình là một quần thể kiến trúc Phật giáo vô cùng đặc sắc và rộng lớn nằm ngay cửa ngõ vào trung tâm TP. HCM.
4. Những nét đặc sắc tại Pháp Viện Minh Quang Đăng
4.1 Kiến trúc độc đáo của Pháp Viện Minh Quang Đăng
Công trình chính tọa lạc ở giữa là một kiến trúc ngang 40 mét, dài 70 mét và cao 3 tầng. Tầng trên là ngôi chánh điện bát giác truyền thống đường kính 32 mét. Chính giữa thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tầng dưới là thiền đường rộng 24 mét và dài 50 mét. Phía sau thiền đường là một điện thờ Đức Phật trong tư thế Niết-bàn. Tầng dưới là giảng đường rộng 40 mét và dài 50 mét. Tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa và vô cùng ấn tượng.
Ngay khi đặt chân đến cổng tam quan, khách đến thăm sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành và mát mẻ dưới những tán cây cổ thụ lớn. Đó là thành quả của việc vận động trồng cây xanh tạo cảnh quan do Pháp viện chủ trương năm 1989. Du khách sẽ có những phút giây thoải mái và an nhiên khi dạo bước tham quan tại đây.
Đến chánh điện, du khách có cơ hội chiêm bái tôn tượng đức Bồ Tát Quan Thế Âm, Đức Bồ Tát Di Lặc và Tổ Sư Minh Đăng Quang. Không gian nơi đây vô cùng tôn nghiêm và thanh tĩnh với những hàng cây tỏa bóng mát. Xung quanh khuôn viên là những biệt thất tịnh tu của Chư Tăng cùng với thư viện, dãy Tăng Đường, khu sinh hoạt của Phật Tử,…Kiến trúc kết hợp hài hòa và độc đáo tạo nên nét đặc trưng của văn hóa Phật Giáo.
Phía sau có một sảnh lớn đa chức năng. Ngoài ra, còn có tầng hầm dùng làm nhà bếp và trai đường. Phía sau ngôi chùa là tòa nhà “Tây Phương Cực Lạc” cao 5 tầng, dài 36 mét và rộng 12 mét, thờ chư vị lịch đại Tổ sư và Cửu Huyền Thất Tổ. Sau cùng là khu vực Tuệ Tĩnh Đường và những hạng mục Từ thiện xã hội. Bao quanh kiến trúc chính là 4 ngôi tháp. Tháp bên trái, phía trước có tên là Ca-diếp, nơi thờ 7 đức Phật quá khứ và lịch đại Tổ sư. Tháp bên phải, phía trước có tên là Xá-lợi-phất. Tầng trệt là phòng đọc sách dành cho tất cả mọi người. Hai tháp phía sau là nơi thờ linh cốt của chư Tăng và Phật tử.
Nối giữa các tháp là dãy hành lang 2 tầng, tạo khoảng không gian thoáng đãng cho Phật tử thiền hành trong các khóa tu. Phía trên hành lang có 4 tháp 1 cột thờ 4 vị Bồ-tát theo truyền thống Phật giáo.
4.2 Cây bồ đề quý tại Pháp Viện Minh Đăng Quang
Ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (2014), nhân dịp Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ Sư vắng bóng, hòa thượng Phó Tăng Thống đại hiệu A.Wajirajothi Maha Thera kính tặng giáo hội Việt Nam cây bồ đề. Đặc biệt là nó được chiết từ cội bồ đề trên 2000 năm tuổi ở Sri Lanka và đem trồng tại Viện Pháp Minh Đăng Quang vào ngày 27 tháng giêng năm Giáp Ngọ
4.3 Vẻ đẹp lung linh về đêm tại Pháp Viện Minh Đăng Quang
Vào buổi tối, nếu có dịp đi ngang đường Xa Lộ Hà Nội, du khách sẽ rất ấn tượng với vẻ đẹp lung linh của chùa. Những ánh đèn màu lấp lánh phát sáng trên tầng tháp, mỗi tầng là một màu sắc riêng. Tất cả trộn lẫn với nhau tạo nên một mảng màu vô cùng đẹp mắt khiến cho những ai bắt gặp đều bị cuốn hút và khó mà quên được.
4.4 Đại lễ tưởng niệm Tổ Sư
Ngày mùng 1 tháng 2 năm 2014, Pháp Viện Minh Đăng Quang tổ chức Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ Sư vắng bóng. Đây được xem là một sự kiện trọng đại đối với tất cả các môn đồ, đệ tử. Đặc biệt, đánh dấu quá trình hình thành và phát triển hơn 70 năm Đạo Phật Khất Sĩ có mặt tại Việt Nam.
4.5 Thời giảng pháp tại Pháp Viện Minh Đăng Quang
Hiện nay, Pháp Viện Minh Quang Đăng có 60 vị tăng đang cư trú và tu học. Hàng ngày, sau giờ tụng kinh, các phật tử và chư tăng tổ chức ngồi thiền trong vòng 1 giờ đồng hồ. Cứ mỗi tháng có 4 ngày chủ nhật và 4 ngày sám hối. Hòa thượng Thích Giác Toàn và tăng chúng tại Pháp viện sẽ có một thời giảng pháp đến toàn thể hội chúng.
5. Thưởng thức những món ăn chay hấp dẫn tại khuôn viên Pháp Viện
Thiện Duyên nằm ở góc phải mặt trước của Pháp Viện Minh Đăng Quang. Đây là nhà hàng có kiến trúc 2 tầng tựa như một ngôi chùa Việt Nam rất đổi bình yên và hiền hòa. Các phật tử đã bỏ cả tiền bạc và công sức của mình để xây dựng nên nhà hàng này. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hệ thống nội thất vô cùng hiện đại cùng với không gian thiền.
Thiện Duyên phục vụ trên 60 món chay thơm ngon, hấp dẫn và tuyệt đối an toàn. Ngoài ra, nơi đây còn có không gian cà phê rất độc đáo với nhiều loại nước bổ dưỡng được pha chế bởi những bartender chuyên nghiệp. Nhà hàng có sức chứa lên đến 500 người. Vì thế, du khách có thể đặt tiệc chay, đám cưới hằng thuận,….tại đây. Đặc biệt, hàng tháng vào ngày rằm, mùng 1 hay lễ Phật Đản, nhà hàng còn tổ chức những tiệc buffet chay để phục vụ du khách.
Du khách gần xa đến với Pháp Viện Minh Đăng Quang không chỉ ngắm nhìn một ngôi chùa lớn, mà còn đến để gửi gắm những ước vọng bình an và trải lòng mình giữa không gian yên tĩnh, đầy linh thiêng.
Kim Ngân