Bà Tôn, 71 tuổi, tên đầy đủ là Tôn Tiểu Lý, sống tại Quảng Đông, Trung Quốc. Chồng bà đã mất cách đây 10 năm, sau khi ông ra đi, bà phải sống những ngày tháng lủi thủi một mình.
Trước đó, bà Tôn từng đến sống cùng con trai 7 năm để trông nom cháu. Khoảng thời gian đó đã giúp bà nhận ra mình không thể trông chờ gì nhiều ở các con, bà thậm chí còn phải dùng khoản tiền lương ít ỏi để hỗ trợ họ. Việc sống cùng các con dưới một mái nhà là không thể, họ có những suy nghĩ và cách sống hoàn toàn khác nhau.
Bà Tôn nghỉ hưu sớm nên lương hưu không nhiều, chỉ 2.500 NDT một tháng (khoảng 8,3 triệu đồng), đó là điều khiến bà tiếc nuối nhất. Tất nhiên số tiền này là đủ cho những nhu cầu cơ bản của bà như thực phẩm, quần áo, điện nước và phương tiện đi lại. Nhưng nếu muốn thuê người giúp việc, khoản tiền này sẽ không còn lại bao nhiêu, lỡ chẳng may ốm đau, bệnh tật thì bà sẽ không có tiền chữa trị.
Một người bạn nói rằng bà có thể đến viện dưỡng lão, ở đây đầy đủ từ chỗ ở, đồ ăn cho tới người chăm sóc, chữa bệnh. Nhưng một vài người khác lại cho rằng sống ở đó chẳng khác gì ở tù, xung quanh đều là những người xa lạ, già yếu nên rất dễ xảy ra mâu thuẫn hoặc cảm giác ảm đạm, buồn chán. Vậy là bà Tôn cũng từ bỏ ý định vào viện dưỡng lão.
Bà Tôn vốn là một người khá quảng giao, thường xuyên ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Gần đây bà có cơ hội gặp lại người bạn cùng bàn thời trung học, hai người phụ nữ hội ngộ sau mấy chục năm, kể chuyện tâm sự không ngớt. Họ có sự đồng cảm với những vấn đề trong cuộc sống của nhau, và đều chung một nỗi lo về những năm tháng tuổi già không biết nương tựa vào ai.
Vậy là người bạn cũ dọn sang sống cùng bà Tôn, hai người cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau nấu ăn, chung sống rất thoải mái. Vì họ không phải trả tiền thuê người giúp việc hay vào viện dưỡng lão nên chi tiêu khá thoải mái, để dành được không ít tiền tiết kiệm.
Đến nay đã được 3 năm, nhưng giữa họ chưa hề xảy ra bất kỳ cuộc cãi vã nào. Cả hai đều đã đi gần hết một cuộc đời, họ biết chuyện gì nên nói ra, chuyện gì nên nhường nhịn nhau một chút để giữ được hòa khí.
Chất lượng cuộc sống của hai người bạn già đã được cải thiện rất nhiều, thậm chí bà Tôn còn tăng được vài cân. Họ chăm sóc lẫn nhau và cùng nhau đi du lịch, cùng đến quảng trường tham gia các buổi khiêu vũ, đi đâu cũng có nhau.
Ảnh minh họa: Bộ phim Tình bạn tuổi xế chiều.
Nếu người cao tuổi muốn sống một cuộc sống thoải mái, vui vẻ thì việc tìm được một người bạn cùng chí hướng để chung sống là một ý tưởng hoàn toàn có thể cân nhắc. Việc trải qua tuổi già cùng một người bạn tri kỷ mà họ thực sự có thể hòa hợp là điều hạnh phúc nhất.
Nguồn: https://cafef.vn/ke-hoach-nghi-huu-hoan-hao-cua-ba-lao-u80-khong-phien-con-cai-khong-vien-duong-lao-luong-huu-8-trieu-dong-la-du-188230922111952396.chn