Cộng đồng sáng tạo vẫn còn nhiều tranh cãi về trí tuệ nhân tạo, khi mà ranh giới giữa sự tiện lợi và vi phạm bản quyền rất mong manh, khi sự phát triển của máy móc có thể phủ nhận nỗ lực sáng tạo của nghệ sĩ. truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn đã tìm đến chị Ướt Mi, một trong những nghệ sĩ chọn cùng phát triển với AI và lắng nghe những chia sẻ của chị về bản chất của sáng tạo.
Sự xuất hiện của các công cụ sáng tạo hình ảnh trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo ra nhiều thay đổi lớn cho ngành công nghiệp sáng tạo. Là một trong những nghệ sĩ mau chóng bắt kịp những thay đổi này, chị có thể chia sẻ những quan sát về sự thích ứng của giới sáng tạo Việt Nam với xu thế này không?
Tôi đã có kinh nghiệm 15 năm trong ngành sáng tạo hình ảnh và chỉ mới bắt đầu sử dụng các công cụ AI trong hơn một năm trở lại đây. Vậy nên, có thể nói, tôi đã nỗ lực xây dựng nền tảng kiến thức lẫn tay nghề khá vững vàng trước khi bước chân vào quá trình ứng dụng AI vào sáng tạo. Hiện nay, người dùng các ứng dụng phần mềm AI trong mảng tạo hình gồm có hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những người giống tôi, những người đã có kiến thức nền tảng và sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ cho công việc. Nhóm thứ hai là những người chưa có kiến thức nào và AI vẫn là một công cụ đắc lực, nhưng kết quả là những sản phẩm lỗi mà chính họ cũng không nhận ra để khắc phục do thiếu nền tảng trải nghiệm công việc thực tế của một người làm nghề.
Vậy chị đã bắt đầu quan tâm tới ứng dụng tạo hình trí tuệ nhân tạo vì lý do gì?
Tôi bắt đầu chú ý khi Midjourney – một sản phẩm tạo hình với nền tảng AI – xuất hiện. Tôi đã vô cùng kinh ngạc khi nền tảng này có thể dễ dàng tạo ra một sản phẩm chỉ trong vài giây – công việc mà con người phải mất khá nhiều thời gian để thực hiện. Tôi thấy được sức mạnh của nó và quyết định phải nghiên cứu công cụ này. Cho đến nay, tôi vẫn xem mình là một người nghiên cứu, việc học về trí tuệ nhân tạo vẫn diễn ra mỗi ngày.
Tôi thấy chị có mở ra một số lớp học hướng dẫn cách ứng dụng AI vào ngành sáng tạo. Cụ thể, chị muốn hướng dẫn những gì cho học viên ở các lớp học này?
Giữa cơn bão công nghệ với hàng loạt trí tuệ nhân tạo ra đời như: AI – Text to Image, Text to Music, Text to 3D… rất nhiều người dùng trong và ngoài ngành nghĩ rằng chỉ cần điền nội dung thông tin bằng vài chữ là sẽ tạo ra các sản phẩm chất lượng mà không cần kiến thức chuyên ngành. Đó là một suy nghĩ sai lầm, mang đến nhiều định kiến cho người dùng AI cũng như tạo ra hàng loạt sản phẩm đại trà, thiếu tư duy, thẩm mỹ. Các lớp học của tôi không đơn thuần chia sẻ kỹ thuật mà là nền tảng để người sử dụng AI có thể lên ý tưởng và đánh giá được chất lượng đầu ra của sản phẩm, biết cách khắc phục các ưu-khuyết điểm của máy móc. Tư duy và trải nghiệm của người dùng là nền tảng cốt lõi để làm chủ công cụ chứ không phải bị công cụ dẫn dắt; có thể truyền đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình vào sản phẩm chứ không chỉ phụ thuộc vào công cụ vô hồn. Để lựa chọn những từ khóa hay câu lệnh có thể tạo nên những sản phẩm khác biệt, người dùng cũng cần quá trình học chuyên sâu về gốc rễ của dữ liệu. Bên cạnh đó, nếu thiếu tư duy nền tảng về mỹ thuật, chúng ta sẽ chỉ tạo ra những sản phẩm thiếu tính cạnh tranh.
Một số nghệ sĩ phản ứng khá tiêu cực với sự xuất hiện của AI trong lĩnh vực sáng tạo và cho rằng nó vi phạm bản quyền, đồng thời hủy hoại đặc trưng sáng tạo cá nhân của nghệ thuật, chị nghĩ sao về điều này?
Đúng là có những băn khoăn về vấn đề bản quyền, khi mà nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ được sử dụng để phát triển trí tuệ nhân tạo. Tất nhiên, với tư cách là một nghệ sĩ, tôi cũng có cảm giác tức giận nhất định. Hiện nay, đang có đề xuất là nếu bạn chứng minh được sự sáng tạo cá nhân trong sản phẩm, còn quy trình làm việc với AI chỉ là một bước đệm hỗ trợ, thì bản quyền sáng tạo sẽ được công nhận. Bản thân tôi sử dụng AI như một “hành trình ở giữa” để thực hiện các công việc tạo mood board, tìm hướng phát triển và thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau, sau đó, tất cả quy trình sẽ được hiện thực hóa lại từ đội ngũ. Không cần phải phản ứng tiêu cực hay bài trừ trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo. Thực ra, một khi bạn có kiến thức vững vàng và phong cách nghệ thuật riêng, dù có sử dụng bất cứ công cụ nào, bạn cũng tái tạo được bản sắc của riêng mình. Sáng tạo là con người, và công cụ sẽ chỉ mãi là công cụ.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh của AI hiện nay, làm sao các nghệ sĩ trẻ có thể cạnh tranh trong cơ hội nghề nghiệp?
Với tôi, chỉ có một cách để cạnh tranh là không ngừng học tập. Nếu mình càng lo sợ thì mình càng phải hiểu rõ nguyên lý hoạt động của nó để có thể sử dụng hoặc bài trừ. Sáng tạo thực sự không nằm ở việc sử dụng công cụ mà ở trải nghiệm, kiến thức, khả năng tư duy về thế giới… Một nghệ sĩ thành công sẽ biết cách khai phá và kết hợp những điều cũ kỹ để tạo nên cái mới, việc vay mượn từ tự nhiên, tôn giáo, kiến trúc, văn chương… cũng là một quá trình trải nghiệm rất riêng tư. Và rồi, họ phải hòa trộn được những kiến thức đó vào chính trải nghiệm cuộc đời mình. Quan trọng là khi nhìn vào sản phẩm hoàn thiện, không còn ai có thể tìm thấy vết tích của sự vay mượn. Điều đó tùy thuộc hoàn toàn vào năng lực học tập của mỗi người. Không nên chỉ nhìn vào trí tuệ nhân tạo với định kiến. Chúng ta có thể học từ trí tuệ nhân tạo quá trình truy xuất thông tin. Nhu cầu tìm hiểu về gốc rễ dữ liệu sẽ kích thích nhiều người quan tâm đến gốc rễ kiến thức, và họ có thể tiến xa hơn thực tại.
Tất nhiên, tôi hiểu cảm giác lo lắng của nhiều nghệ sĩ. Ai cũng cần phải mưu sinh, và khách hàng đôi khi chỉ cần một sản phẩm nhìn được mắt, không phải ai cũng quan tâm đến phong cách, thông điệp riêng hay việc tôn trọng bản quyền. Khách hàng nào hiểu được giá trị của sáng tạo sẽ không bao giờ dễ dàng hài lòng với một sản phẩm thiếu cá tính, nhạt nhòa. Quan trọng nhất, chính kiến thức nền tảng, trải nghiệm trong công việc thực tế mới có thể thay đổi hay khắc phục những lỗi máy học do thiếu dữ liệu. Vậy nên, đừng lo sợ hay tẩy chay trí tuệ nhân tạo, trái lại, nên biến nó thành một phần sức mạnh của mình.
Cảm ơn chị Ướt Mi rất nhiều!