Một chút hoang sơ, bình lặng nơi biển trời Côn Đảo là điều tuyệt vời dành cho những ai muốn trốn sự ồn ào, tấp nập của phố thị. Những bãi tắm trong xanh, triền cát vàng óng mịn cùng hệ sinh thái đa dạng sẽ đem đến trải nghiệm mới mẻ cho bạn khi đến đây. Nếu bạn đang chuẩn bị lên lịch đi Côn Đảo, đây là những kinh nghiệm đắt giá để chuyến đi của bạn trở nên thuận lợi hơn.
1. Vài nét về Côn Đảo
1.1 Côn Đảo ở đâu?
Nằm ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ, Côn Đảo được biết đến là nơi từng giam giữ và lưu đày tù nhân lớn nhất tại Đông Dương. Chiến tranh đã qua đi, tưởng chừng những đau thương mất mát đó sẽ mãi hằn sâu lên mảnh đất này. Thế nhưng vượt lên tất cả, giờ đây Côn Đảo nổi tiếng là nơi tham quan, nghỉ dưỡng vô cùng hấp dẫn khách du lịch. Có lẽ nhiều bạn sẽ thắc mắc, không biết Côn Đảo thuộc tỉnh nào vì nó nằm tít tận ngoài khơi xa. Thật ra Côn Đảo là một đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Huyện đảo cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lí theo đường biển. Và nơi gần Côn Đảo nhất là xã Vĩnh Hải thuộc tỉnh Sóc Trăng, cách huyện đảo này 40 hải lí.
1.2 Thời gian lý tưởng để du lịch Côn Đảo
Khí hậu Côn Đảo mang đặc trưng của miền khí hậu nhiệt đới, được chia thành hai mùa:
- mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11
- mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau
Thời điểm đẹp nhất để du lịch Côn Đảo bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Mặc dù là mùa mưa nhưng mưa ở đây lại không lớn, chỉ bất chợt có vài cơn mưa rào và kéo dài không quá một giờ đồng hồ. Thời gian còn lại, huyện đảo luôn tràn ngập trong ánh nắng chan hòa, mặt biển lặng và êm, thích hợp tắm biển và lặn ngắm san hô. Các tour du lịch Côn Đảo lúc này cũng được nhiều du khách lựa chọn hơn.
Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thời tiết Côn Đảo chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên biển ở đây thường có sóng lớn. Thế nhưng bạn yên tâm là mùa này vẫn có thế đến đây du lịch bình thường nhé. Chịu ảnh hưởng của gió Đông Bắc nhưng mặt biển ở phía Tây và Tây Nam lại khá êm và lặng sóng.
Đặc biệt, Côn Đảo là nơi giao thoa giữa hai luồng hải lưu ấm nóng từ phía Nam và phía Bắc nên nước biển ấm quanh năm, thích hợp cho hoạt động vui chơi tắm biển.
1.3 Phương tiện di chuyển đến Côn Đảo
Di chuyển bằng tàu: Để phục vụ đi Côn Đảo tại Bà Rịa – Vũng Tàu có một bến cảng duy nhất là Cảng Cát Lở, địa chỉ số: 1007/34 đường 30 tháng 4, phường 11, Tp Vũng Tàu. Tại đây có 2 tàu phục vụ đi Côn Đảo là Côn Đảo 09 và Côn Đảo 10. Giá vé cho mỗi khách khứ hồi dao động từ 300.000 đến 400.000VND. Thời gian di chuyển mất đến 12 tiếng và lịch tàu đi cũng không cố định, thường phụ thuộc vào Ban Quản Lý Cảng.
Di chuyển bằng máy bay:
- Di chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đến sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo) bằng máy bay của hãng Vasco hoặc Aimekong, thời gian bay khoảng 45 phút.
- Di chuyển từ sân bay Nội Bài (Hà Nội), bạn bay đến Cần Thơ rồi tiếp tục bay từ Cần Thơ đến Côn Đảo bẵng máy bay của hãng Vietnam Airlines.
1.4 Phương tiện di chuyển tại Côn Đảo
Là một hòn đảo nhỏ, dân cư tương đối thưa thớt nên phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển. Ở đây không có xe buýt nên tham quan du lịch tại đây bạn có thể sử dụng một số phương tiện sau đây:
- Taxi: Dịch vụ taxi tại đây hoạt động chủ yếu là Taxi Dầu Khí và Taxi Côn Sơn, giá thành hơi cao so với Sài Gòn nhưng rất thuận tiện khi di chuyển quãng đường ngắn và đặc biệt là viếng nghĩa trang vào ban đêm.
- Xe đạp: Đây là phương tiện có chi phí thấp và rẻ so với nhiều phương tiện khác. Bạn có thể thuê tại resort, khách sạn hoặc homestay.
- Xe máy: Giá thuê một chiếc xe máy dao động từ 80.000 đến 100.000đ/ngày. Có rất nhiều địa điểm cho thuê xe máy, nhưng để thuận tiện bạn có thê thuê tại khách sạn, resort nơi lưu trú. Điểm thú vị ở hòn đảo này là dù bất cứ đâu, bạn cũng không cần khóa xe và có thể để hẳn chìa khóa trên xe mà không lo bị trộm mất.
- Đi bộ: Đây cũng là một lựa chọn hợp lí, hầu hết các dịch vụ vui chơi, giải trí đề tập trung tại thị trấn Côn Đảo. Tầm sáng sớm hoặc chiều tối, đi bộ vòng quanh thị trấn để tham quan, khám phá Côn Đảo vô cùng thú vị.
2. Những địa điểm tham quan tại Côn Đảo
2.1 Bãi Đầm Trầu
2.2 Vườn quốc gia Côn Đảo
2.3 Nghĩa trang Hàng Dương
Tại sân hành lễ có tượng đài cao 9m, nặng 25 tấn được khởi công xây dựng từ những năm 80 của thế kỉ XX. Dưới chân tượng đài được khắc dòng chữ “Vĩnh biệt đồng chí”, lời chào thiêng liêng, trân trọng nhất dành cho những anh hùng đã hi sinh thân mình, bảo vệ từng khoảng trời, mảnh đất của quê hương.
Trong khu nghĩa trang có tổng cộng 1.913 ngôi một. Trong số đó hơn 1000 ngôi mộ là vô danh, chỉ có khoảng 793 ngôi mộ có tên họ và địa chỉ đầy đủ. Nhớ nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết trong bài thơ Đất Nước “Có biết bao người con gái, con trai/Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi/Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”, dù có thể sẽ phải mất rất nhiều năm nữa mới trả về được cho anh cái tên nguyên vẹn, nhưng những hi sinh của anh sẽ mãi được ghi nhớ và tôn vinh.
2.4 Nhà tù Côn Đảo
Địa điểm được nhắc đến nhiều nhất trong khu nhà tù này chính là chuồng cọp, nơi biệt giam được xem là khắc nghiệt nhất. Phòng giam tại đây có vỏn vẹn 5 mét vuông, không có giường nằm. Những người chiến sĩ cách mạng bị bắt giam phải cùm chân, nằm dưới nền xi măng ẩm thấp, điều kiện sinh hoạt ăn uống tệ cực hạn và thường xuyên bị tra tấn dã man.
2.5 Miếu bà Phi Yến
Vào một đêm tháng 10 âm lịch, năm 1785, làng An Hải tổ chức hội làm chay tế lễ và rước bà đến tham dự để thêm phần long trọng. Nhưng ai ngờ rằng đêm hôm đó lại là cái đêm đầy oan nghiệt khi bà bị tên Biện Thi, một tên đồ tể lén vào phòng bà để giở trò sàm sỡ. Mặc dù chưa xảy ra chyện thì đã bị dân làng phát hiện và bắt giam, nhưng vì danh tiết và lòng tự trọng của một quý phi, bà đã chọn cái chết để kết liễu cuộc đời. Mộ bà được đặt tại làng An Hải và người dân nơi đây đã lập miếu thờ. Cứ vào ngày 18 tháng 10 âm lịch hằng năm, người dân Côn Đảo sẽ tổ chức lễ giỗ bà rất lớn và long trọng. Đây chính là một nét văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc khi du lịch tại Côn Đảo.
2.6 Chùa Núi Một
Tọa lạc trên núi Một huyện Côn Đảo, chùa Núi Một còn có tên gọi khác là Vân Sơn Tự. Đây là công trình văn hóa nằm trong quần thể khu di tích lịch sử, danh thắng của huyện Côn Đảo được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận vào năm 2009. Chùa do Mỹ – Ngụy xây dựng vào năm 1964 nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho những người làm việc trong bộ máy hành chính của chế độ đế quốc. Đến sau năm 1975, khi đất nước được giải phóng, chùa là nơi thờ Phật của người dân trên đảo.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngôi chùa cũng theo đó dẫn mai một và xuống cấp nghiêm trọng. Sau hơn một năm tôn tạo và trùng tu, tháng 12/2011, ngôi chùa đã được hoàn thành và trở nên khang trang hơn. Với diện tích 19.434 mét vuông, quần thể khu di tích bao gồm: cổng chùa, gác chuông, miếu Địa Tạng, miếu Sơn Thần, Nhà tổ, Nhà khách,…Vân Sơn Tự là nơi thể hiện rõ những nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo của người dân Côn Đảo. Chính vì vậy chùa không chỉ là điểm du lịch Côn Đảo mà còn là điểm tham quan Vũng Tàu yêu thích của du khách.
3. Trải nghiệm thú vị tại Côn Đảo
3.1 Lặn biển ngắm san hô
Theo nhiều nghiên cứu, san hô ở Côn Đảo có độ che phủ trung bình 42.6%, mật độ các rạn san hô trung bình 400 con/m2, cao hơn nhiều so với các vùng biển ven bờ khác ở Việt Nam. Chính vì vậy mà lặn biển ngắm san hô là hoạt động giải trí vô cùng hấp dẫn. Những rạn san hô đủ màu sắc và nguyên thủy nhất sẽ khiến bạn tan chảy bất cứ lúc nào. Quần đảo có rất nhiều điểm lặn ngắm san hô nhưng nơi có mật độ san hô dày nhất và đẹp nhất có thể kể đến hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Tre. Những điều bí ẩn trong lòng đại dương đang chờ bạn đến khám phá đấy nhé.
3.2 Xem rùa đẻ trứng
Đến nay, Côn Đảo được xem là mảnh đất có nhiều rùa biển nhất ở Việt Nam. Trong đó có hai loài thường gặp nhất là đồi mồi và tráng đông. Bạn sẽ vô cùng thích thú khi được chứng kiến những con rùa biển Vích thay nhau về đẻ trứng. Bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, thời gian biển êm và lặng sóng, cũng chính là thời điểm đẻ trứng của rùa Vích. Hoạt động đẻ trứng của rùa diễn ra vào ban đêm nên muốn xem bạn cần phải mang theo đèn pin và đặc biệt phải có sự hướng dẫn của những nhà bảo tồn rùa biển ở đây.
Tại Côn Đảo có 14 bãi để rùa đẻ trứng nhưng nơi có số lượng lớn nhất phải kể đến hòn Bảy Cạnh. Một đêm, rùa mẹ lên bãi đẻ trứng có thể lên đến con số 30. Tận mắt chứng kiến những rùa Vích mẹ làm ổ, đẻ trứng sẽ khiến bạn ngạc nhiên, thích thú. Tuyệt đối không được phát ra tiếng ồn và ánh sáng nhé, vì rùa rất nhạy cảm, chỉ cần có chút thay đổi rùa sẽ quay lại biển ngay.
4. Đặc sản Côn Đảo
4.1 Cá thu một nắng
Sở dĩ có tên gọi là cá thu một nắng là vì sau khi đánh bắt về, cá thu được ngư dân rửa sạch với nước muối rồi đem phơi nắng chỉ một lần, không tẩm ướp thêm bất kì gia vị hay chất bảo quản nào. Có lẽ vì thế mà mùi vị của món cá thu này cũng rất đặc biệt, vừa không có mùi tanh vừa không bị khô cứng như những loại cá phơi nắng nhiều lần khác. Cá thu một nắng được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như kho, rán đặc biệt là sốt cà chua. Vị ngọt béo của cá cùng vị chua đằm của cà, ăn kèm với cơm thì hết sảy.
4.2 Mứt hạt bàng
Mứt hạt bàng có giá từ 45.000 đến 55.000đ cho một lọ có trọng lượng khoảng 200 gam. Vào lúc trái mùa hoặc thời tiết khắc nghiệt, trái bàng thu hoạch không được nhiều thì giá bán mứt bàng có khi lên đến 500.000 – 600.000đ/ký. Mặc dù là như thế nhưng mứt bàng lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng, không đủ phục vụ cho du khách.
4.3 Cháo hàu
Nhiều du khách truyền tai nhau rằng, đến Côn Đảo mà không thưởng thức món cháo hàu thì xem như chưa trọn vẹn. Nguyên liệu để làm ra món ăn đặc sản này chủ yếu là từ hàu và gạo thơm. Những con hàu vừa được đánh bắt trong ngày còn tươi ngon, mang về làm sạch, sơ chế lấy phần thịt, tẩm ướp gia vị rồi mang xào trên bếp lửa. Sau đó, chờ cho cháo trắng chín nhừ, bỏ hàu vào và trộn đều, thêm một chút tiêu và hành tươi là xong. Nghe có vẻ đơn giản và dễ làm, song chỉ có hàu nơi đây mới mang lại đúng hương vị thơm ngon của món cháo hàu đặc sản Côn Đảo.
4.4 Cua mặt trăng
Côn Đảo nổi tiếng không chỉ có cháo hàu thơm ngon mà còn phải kể đến món cua mặt trăng vô cùng quý hiếm. Loại hải sản này thường sống ẩn náu trong các bãi đá san hô. Mặc dù là đặc sản của vùng đất Côn Đảo nhưng không phải đến nhà hàng nào cùng có, bạn phải đi vào đúng mùa và tìm đúng địa chỉ. Sở dĩ chúng có tên gọi là cua mặt trăng vì trên mai có rất nhiều hình tròn màu đỏ đậm pha chút hồng tươi.
Nếu vào mùa trăng mọc, những loại cua khác thịt thường xốp thì cua mặt trăng chính là thời kì có thịt ngon nhất. Loại hải sản này có rất nhiều cách để chế biến nhưng phổ biến nhất vẫn là luộc và hấp. Thịt cua săn chắc, nóng hổi, ăn kèm với muối tiêu chanh thì thơm ngon phải biết. Ngoài ra, ngư dân ở đây còn sử dụng mai cua để làm thành những món quà thật đẹp mắt. Khách du lịch đến đây có thể mua về làm quà cho bạn bè và người thân.
4.5 Tôm hùm đỏ
Được mệnh danh là ông vua hải sản trên vùng đất Côn Đảo, tôm hùm đỏ luôn nằm trong top những món ăn ngon mà khi đến Côn Đảo du khách không thể bỏ qua. Tôm hùm đỏ là loại hải sản có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, không chỉ giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, tiểu đường mà còn chẳng lo bị béo phì. Đặc biệt loài hải sản này chỉ sống hoàn toàn vào tự nhiên, không thể nuôi thả nên có giá cả rất cao. Tôm hùm đỏ có thể chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn như sushi, hấp, luộc, làm gỏi hoặc nấu cháo. Bên cạnh miếng thịt săn chắc, đỏ au thì dọc sóng lưng và đầu của tôm hùm đỏ còn có một lớp gạch vàng ươm. Mỗi khi đông tới, lớp gạch này còn trở nên dày hơn, vô cùng bổ dưỡng.
5. Nơi lưu trú tại Côn Đảo
5.1 Six Senses Côn Đảo Vũng Tàu
- Địa chỉ: biển Đất Dốc, Côn Đảo
Là resort chất lượng 5 sao quốc tế đầu tiên tại Côn Đảo, Six Senses luôn là nơi nghỉ dưỡng hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là khách quốc tế. Six Senses đã được vinh danh nhiều giải thưởng mang tầm vóc châu lục như: một trong 25 khu nghỉ dưỡng sinh thái tốt nhất thế giới (2013), Spa sinh thái tuyệt nhất thế giới trong khuôn khổ giải thưởng World Spa Awards (2015).
Resort có tất cả 50 biệt thự được làm hoàn toàn bằng gỗ. Đây có lẽ cũng chính là điểm độc đáo riêng biệt mà rất ít resort khác có được. Sự gần gũi, hòa mình tuyệt đối vào thiên nhiên làm cho Six Senses tựa như một ốc đảo xinh xắn, nằm biệt lập với những xô bồ, ồn ào của cuộc sống. Mỗi căn biệt thự đều có bể bơi riêng và không gian tắm ngoài trời, đem lại sự thoải mái và tiện nghi nhất dành cho du khách.
5.2 Khách sạn ATC Côn Đảo
- Địa chỉ: 8 Tôn Đức Thắng, thị trấn Côn Đảo, huyện Côn Đảo
Được xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển Pháp, khách sạn ATC là nơi nghỉ dưỡng vô cùng thu hút khách du lịch. Khách sạn Côn Đảo này có tổng cộng 60 phòng, mỗi phòng đều được trang bị đầy đủ các tiện nghi hiện đại như wifi, máy lạnh, tivi màn hình phẳng…đặc biệt các phòng còn có tầm nhìn hướng ra biển, khu vườn hoặc hồ bơi tuyệt đẹp. Nằm ở trung tâm thị trấn nên từ khách sạn du khách có thể dễ dàng di chuyển đến những điểm tham quan nổi tiếng như: nhà tù chuồng cọp, bảo tàng Côn Đảo…
5.3 Uyên’s House Côn Đảo
- Địa chỉ: Phạm Văn Đồng, huyện Côn Đảo, Vũng Tàu
Không quá rộng và nhiều phòng, thế nhưng Uyên’s House vẫn hấp dẫn khách du lịch bởi sự tinh tế trong từng đồ vật cách trang trí. Những chậu cảnh nhỏ xinh bên cạnh bức tường xanh dịu nhẹ mang lại bầu không khí vô cùng thoáng đãng và trong lành. Uyên’s House có tổng cộng 7 phòng, từ đây bạn có thể thấy được những dãy núi dài bất tận, ngọn đồi xanh mơn mởn. Các phòng tại Uyên’s House được bày trí đơn giản nhưng lại rất thu hút. Ở homestay Côn Đảo này bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi mà rất ít nơi lưu trú nào có được.
6. Lưu ý khi du lịch Côn Đảo
- Vì là một hòn đảo còn rất hoang sơ dịch vụ chưa phát triển, còn phục thuộc rất nhiều vào đất liền nên khá đắt đỏ và hạn chế.
- Khi tham quan du lịch, nếu muốn vào rừng khám phá bạn nhớ mang theo giày cao cổ, thuốc chống dị ứng, chống muỗi và một số đồ ăn thức uống.
- Nếu muốn thưởng thức hải sản tươi sống mà giá rẻ thì hãy đến cầu cảng tầm 6 giờ sáng hoặc 2 giờ nhé, đảm bảo bạn sẽ mua được những hải sản vừa ý.
Mỹ Lệ