12 lỗi cần tránh khi phỏng vấn xin việc để tăng cơ hội trúng tuyển

12 lỗi cần tránh khi phỏng vấn xin việc để tăng cơ hội trúng tuyển

Buổi phỏng vấn rất quan trọng để bạn và nhà tuyển dụng tìm hiểu nhau, và những gì bạn thể hiện có thể sẽ là yếu tố quyết định trong việc trúng tuyển. Đừng để bản thân gặp phải 12 lỗi đáng tiếc dưới đây khi đi phỏng vấn nhé!

1Kỹ năng giao tiếp kém

Trong buổi phỏng vấn, bạn cần lưu tâm đến vấn đề giao tiếp một cách chuyên nghiệp và tích cực với nhà tuyển dụng. Bắt tay, giao tiếp bằng mắt (eye contact), ngôn ngữ cơ thể (body language),… là những yếu tố được để ý hàng đầu trong quá trình giao tiếp. Những điều này sẽ giúp họ đánh giá được bạn thế nào, thậm chí là khi bạn chưa bắt đầu buổi phỏng vấn.

Khi trò chuyện, bạn cần ngồi thẳng lưng, nhìn vào mắt của nhà tuyển dụng và tuyệt đối không bắt chéo chân, vì điều này có thể cho thấy sự không chắc chắn và lo sợ của bạn. Bạn cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc tắt chuông điện thoại trước khi đến buổi phỏng vấn nhé.

12 lỗi cần tránh khi phỏng vấn xin việc để tăng cơ hội trúng tuyển

2Không đặt câu hỏi hoặc đặt câu hỏi lệch trọng tâm

Hồ sơ của bạn có thể là một trong những hồ sơ sáng giá nhất. Tuy nhiên, luôn có một phần đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng ở cuối buổi phỏng vấn, việc không có câu hỏi hoặc đặt những câu hỏi không liên quan sẽ khiến bạn bị đánh giá là thiếu tính chuẩn bị.

Bạn có thể chuẩn bị trước tầm 2 – 3 câu hỏi về vị trí của mình, phúc lợi, công ty,… Ví dụ, bạn có thể hỏi như sau: “Công việc này có cơ hội luân chuyển công tác tại các quốc gia khác không?”. Điều này sẽ cho thấy bạn thực sự mong muốn gắn bó và nghiêm túc với công việc này.

3Nói quá nhiều

Nhiều ứng viên cho rằng phải tận dụng thời gian của buổi phỏng vấn một cách tối đa để thể hiện bản thân bằng việc nói quá nhiều. Điều này là hoàn toàn không nên bởi tính chất của buổi phỏng vấn là cuộc đối thoại hai chiều, đôi bên cùng tìm hiểu nhau. Và việc nói quá nhiều có thể cho thấy cái tôi của bạn quá lớn hoặc bạn đang cố che giấu sự sợ hãi.

Thay vì vậy, bạn cần bình tĩnh hơn, trả lời những câu hỏi của nhà tuyển dụng đúng trọng tâm, đủ ý.

không nên nói quá nhiều

4Nói không đủ

Việc bạn trả lời câu hỏi một cách quá ngắn gọn, thậm chí chỉ 1 – 2 từ, sẽ khiến đối phương cảnh thấy khó gần và khó để đặt các câu hỏi tiếp theo, khai thác sâu hơn về bạn. Vì thế, bạn có thể mở rộng các ý trả lời của mình ra như thêm các ví dụ hoặc chia sẻ thêm về các câu chuyện ngoài lề, lý do tại sao bạn làm như vậy. Điều này chắc hẳn sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ bạn hơn và buổi chia sẻ cũng trở nên thú vị, nhẹ nhàng hơn.

Nếu bạn không phải là một người hoạt ngôn, bạn chỉ cần cố gắng chia sẻ một cách cởi mở, đầy đủ ý đúng trọng tâm nhất trong khả năng mình là được.

5Trả lời câu hỏi sai trọng tâm

Khi bạn trả lời câu hỏi không đúng trọng tâm, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy khả năng phân tích vấn đề của bạn kém, khả năng diễn đạt ý chưa tốt hoặc bạn đã học thuộc các câu trả lời và cố chuyển dịch ý của câu hỏi đi.

Vì thế, khi được đặt một câu hỏi, bạn hãy lắng nghe câu hỏi thật kỹ, suy nghĩ câu trả lời phù hợp, đúng trọng tâm mà không khiến bản thân và người tuyển dụng rơi vào thế khó xử. Đồng thời, hãy đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng để làm rõ hơn vấn đề nếu cần. Đây chắc hẳn sẽ là một điểm cộng cho chính bạn.

nghiêm túc với buổi phỏng vấn

6Trang phục không thích hợp

Vẻ ngoài sẽ là ấn tượng đầu tiên về bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Vì thế, chọn một trang phục gọn gàng, lịch sự và chuyên nghiệp luôn là một lựa chọn thông minh. Đối với nam, bạn có thể lựa chọn một chiếc quần tây, áo sơ mi và đi kèm áo vest nếu có. Còn đối với nữ, bạn có nhiều lựa chọn hơn như áo sơ mi hoặc áo kiểu kín cổ, kết hợp với váy ôm hoặc quần dài tối màu đều hợp lý.

Nếu bạn biết được công ty đó không quan trọng trang phục khi đi làm, việc chọn một chiếc quần jean cho buổi phỏng vấn cũng sẽ không phải là lựa chọn sáng suốt. Bạn cũng cần tránh trang điểm quá đậm hoặc trang phục có thiết kế, màu sắc quá nổi bật.

trang phục phù hợp

7Quá khiêm tốn và nhún nhường

Đây sẽ là một yếu tố được đánh giá cao nhưng không phải là trong buổi phỏng vấn. Vì bạn cần thể hiện bản thân mình vừa đủ với nhà tuyển dụng về kiến thức, kỹ năng,… trong khoảng thời gian ngắn của buổi chia sẻ.

Việc quá khiêm tốn sẽ cho thấy bạn thiếu chính kiến, mờ nhạt so với các ứng viên khác và làm giảm cơ hội trúng tuyển của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá tự hào về bản thân, hoặc tỏ ra quá tự tin khi nói về các thành tích mình đạt được vì vô tình nó sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ bạn là một người kiêu ngạo, tự phụ.

8Không nắm vững thông tin công ty và chi tiết công việc (JD)

Đọc kỹ mô tả công việc (Job description – JD) vàtìm hiểu về thông tin công ty chắc chắn là việc bạn nên làm. Đặc biệt, bạn cần nắm rõ tên công ty, các chi nhánh hoặc công ty con trực thuộc hiện có, thị trường và lĩnh vực hoạt động, lịch sử công ty, tầm nhìn và sứ mệnh, các sản phẩm của công ty, đối thị cạnh tranh, xu hướng thị trường,…

Điều này cho thấy bạn là một người kỹ càng, chu đoán và thực sự nghiêm túc với công việc này của mình. Nếu không, nhà tuyển dụng rất dễ hiểu lầm rằng bạn đang chỉ “rải hồ sơ”, nộp đơn một cách thiếu chọn lọc cho các công ty.

Nắm vững thông tin

9Đón nhận cuộc phỏng vấn một cách thiếu nghiêm túc

Vòng phỏng vấn là một vòng cực kỳ quan trọng giúp ứng viên và nhà tuyển dụng hiểu hơn về nhau. Vì thế, bạn hãy đón nhận mọi tình huống xảy ra trong buổi phỏng vấn một cách tích cực nhất có thể, bởi vì điều đó có thể chỉ là một vài thử thách nhỏ của nhà tuyển dụng để đánh giá bạn toàn diện hơn.

Đừng bao giờ thể hiện thái độ thiếu nghiêm túc và kém chuyên nghiệp vì điều này sẽ khiến hình ảnh của bạn bị xấu đi khá nhiều. Đây cũng là lý do khiến bạn mất đi cơ hội làm việc tại công ty không chi lần này mà có thể là ở các lần tuyển dụng khác của công ty.

10Tập trung quá nhiều vào tiền bạc

Đừng đề cập quá sớm đến vấn đề tiền bạc trong cuộc phỏng vấn của mình. Việc này có thể khiến bạn mất điểm trong mắt phía nhà tuyển dụng bởi điều bạn ưu tiên không phải là cơ hội thăng tiến hoặc kinh nghiệm.

Bạn cần lưu ý rằng các chủ đề về lương bổng, phúc lợi chắc chắc sẽ được bàn bạc tới vào cuối buổi. Vì thế, bạn đừng vội vàng đề cập sớm mà hãy tập trung vào việc thể hiện sự phù hợp của bạn cho vị trí này nhé.

Tránh đề cập lương

11Phê phán quản lý ở công ty cũ

Thậm chí là khi bạn không có ấn tượng tốt về người sếp hay công ty cũ, điều đề cập một cách kém tích cực về họ cũng là một điều không nên. Chắc hẳn không nhà tuyển dụng nào sẽ mong muốn có một thành viên trong công ty sẽ nói xấu về mình khi nghỉ việc như thế.

Đây cũng là lý do vì sao bạn thường được hỏi về lý do tại sao nghỉ việc ở công ty cũ. Thay vì trình bày như trên, bạn hãy cho nhà tuyển dụng thấy mong muốn phát triển bản thân và sự hào hứng tiếp nhận những thử thách mới khi đến với công việc này.

12Đến quá sớm hoặc quá muộn

Việc đến muộn hoặc quá sớm sẽ cho thấy bạn là một người thiếu chuyên nghiệp bởi không quan tâm đến yếu tố thời gian. Bạn chỉ cần đến sớm hơn 5 – 10 phút so với lịch hẹn phỏng vấn là vừa đủ để bạn có thể sửa soạn lại trang phục và bình tĩnh lấy lại tinh thần cho cuộc nói chuyện.

Bạn cũng có thể tính thời gian đến sớm hơn giờ hẹn khoảng 30 phút để tránh các vấn đề ngoài ý muốn như tắc đường hoặc hư xe. Lúc này, nếu bạn ngại làm phiền người tuyển dụng vì tới quá sớm thì có một mẹo nhỏ cho bạn là hãy tìm một quán cà phê, trà sữa gần điểm hẹn để sửa sang quần áo, tác phong và thư giãn trước khi bước vào phỏng vấn.

Tránh trễ giờ hẹn

Xem thêm:

  • 4 bố cục CV xin việc đơn giản độc đáo, sáng tạo đáng học hỏi
  • 10 website hỗ trợ tạo CV xin việc đơn giản nhanh chóng và miễn phí
  • Top 14 câu hỏi phỏng vấn cực khó thường gặp kèm cách trả lời

Đừng quên để lại bình luận nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *