Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu là cuốn sách được chấp bút bởi tác giả David McRaney, xuất bản lần đầu vào năm 2011. Nội dung cuốn sách vạch trần những ngộ nhận của chúng ta về bản thân, giải thích những tình huống tâm lý, đồng thời đưa ra lời khuyên để độc giả ứng dụng vào các mối quan hệ hay trường hợp thực tế của chính mình
Giới thiệu sơ lược sách Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu
Thể loại: Học tập – Hướng nghiệp
Tác giả: David McRaney
Nhà xuất bản: NXB Thế Giới
“Bạn không thông minh lắm đâu” là một quyển sách được tổng hợp từ blog cùng tên của nhà báo, chuyên gia tâm lý học người Mỹ – David McRaney. Quyển sách là một bản tóm tắt sơ lược về hành vi tự dối mình của con người và đào sâu vào điểm mù tâm trí của bộ não. Cuốn sách được tái bản bởi AZ, dịch giả Voldy.
Qua mỗi chủ đề trong cuốn sách, độc giả sẽ có được những cách nhìn nhận mới về bản thân, rồi dần thấy rằng mình không thông minh như mình vẫn tưởng. Thực ra, mọi người chẳng hiểu rõ mấy về quy luật vận hành của cuộc sống, mà chỉ đang tự đánh lừa bản thân bằng những thiên kiến nhận thức lệch lạc, những phương pháp tự nghiệm cẩu thả và những lập luận ngụy biện vụng về.
Bạn vẫn tưởng bạn có thể dự đoán được chính xác khả năng của mình ở mọi tình huống. Tuy nhiên sự thật là về cơ bản thì bạn khá kém trong việc đánh giá khả năng của bản thân và độ khó của những công việc phức tạp.
Tác giả: David McRaney là một nhà báo, yêu thích tâm lý học, công nghệ và internet. Trước khi thành công với cuốn sách, ông đã làm rất nhiều công việc khác nhau như: biên tập viên, nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ lồng tiếng, người dẫn chương trình truyền hình, diễn giả công cộng và là người sống sót sau cơn lốc xoáy Katrina. Hiện ông đang sống cùng vợ ở Hattiesburg, tiểu bang Mississippi, Hoa Kỳ.
David McRaney từng viết quảng cáo cho Heineken, Duck Tape, Reebok và một số hãng khác. Ông từng là trưởng bộ phận truyền thông kỹ thuật số của WDAM-TV, nơi ông sản xuất một chương trình truyền hình về âm nhạc của miền Nam sâu lắng. McRaney thậm chí còn sở hữu hai cửa hàng thú cưng trong vài năm sau đó có lời nhắn nhủ “Đừng nên làm như vậy”.
McRaney thích thuyết trình về những gì mình viết. Ông đã từng bay đến Úc để giảng hai bài giảng kéo dài một giờ, diễn thuyết với một công ty quảng cáo nhỏ trong một căn hộ áp mái ở NYC và nói chuyện với vài nghìn nhà khoa học dữ liệu và chuyên gia công nghệ trong một trung tâm hội nghị khổng lồ ở San Jose. Gần đây nhất, ông đã thuyết trình tại SXSW về sự giao thoa giữa khoa học ra quyết định và thiết kế.
Review cuốn sách Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu chi tiết
Bạn Vẫn Tưởng Bạn có thể dự đoán được chính xác khả năng của mình ở mọi tình huống.
Sự Thật Là Về cơ bản thì bạn khá kém trong việc đánh giá khả năng của bản thân và độ khó của những công việc phức tạp.
Hãy tưởng tượng rằng bạn chơi rất giỏi một trò nào đó. Trò nào cũng được – cờ vua, Street Fighter1, bài poker – không quan trọng. Bạn thường xuyên chơi trò này với lũ bạn và lúc nào cũng thắng. Bạn cảm thấy mình thật giỏi, và bạn tin rằng mình có thể giành chiến thắng ở một giải đấu nếu có cơ hội. Vậy là bạn lên mạng tìm xem giải đấu khu vực sẽ diễn ra ở đâu và khi nào.
Bạn trả phí tham gia và rồi bị hạ đo ván ngay trong hiệp đầu tiên. Hóa ra là bạn không giỏi lắm đâu. Bạn cứ nghĩ rằng mình thuộc dạng đỉnh của đỉnh, nhưng mà thực chất bạn chỉ là một tay ngang thôi. Đây được gọi là hiệu ứng Dunning-Kruger, và nó là một phần cơ bản trong bản chất của con người.
Hãy thử nghĩ về những ngôi sao Youtube mới nổi trong mấy năm gần đây – những người múa máy một cách vụng về với các loại vũ khí, hoặc là hát chẳng bao giờ đúng tông cả. Những màn trình diễn này thường rất tệ. Không phải họ cố tình dùng bản thân để mua vui cho người khác đâu. Trình độ của họ thực sự tệ, và chắc hẳn bạn cũng thắc mắc là tại sao lại có người có thể tự đặt mình lên một sân khấu toàn cầu với những màn trình diễn đáng xấu hổ như vậy.
Vấn đề nằm ở chỗ họ không tưởng tượng được là công chúng toàn cầu có thể khắt khe và đòi hỏi cao hơn so với lượng khán giả nhỏ bé họ vốn đã quen thuộc là bạn bè, gia đình và những người đồng cấp. Như nhà triết học Bertrand Russell đã từng phải than thở: “Trong thế giới hiện đại ngày nay thì những kẻ khờ khạo luôn tự tin hết mức trong khi những người khôn ngoan thì lại luôn nghi ngờ.”
Hiệu ứng Dunning-Kruger là lý do tại sao mà những chương trình như America’s Got Talent1 hay American Idol2 có thể diễn ra. Ở trong phòng karaoke với lũ bạn, bạn có thể là người hát hay nhất. Nhưng để đối chọi với các thí sinh trong cả một quốc gia? Khó lắm.