Kinh Bắc xưa và Bắc Ninh ngày nay được xem là một trong những cái nôi văn hóa của người Việt tại đồng bằng sông Hồng. Từ vùng quê này, những làn điệu dân ca Quan họ say đắm lòng người đã ra đời và truyền qua biết bao thế hệ. Hãy cùng theo chân Truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn khám phá những thông tin thú vị nhất về dân ca Quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Top 20 resort Hà Nội đẹp sang trọng gần trung tâm thành phố 2023
Top 20 villa Hà Nội chuẩn 3-4-5 sao tầm nhìn đẹp 2023
Top 20 khách sạn Hà Nội giá cả phù hợp tại trung tâm thành phố 2023
Top 20 homestay Hà Nội đẹp bắt mắt gần trung tâm thành phố 2023
1.Giới thiệu đôi nét về dân ca Quan họ Bắc Ninh
Quan họ là làn điệu dân ca tiêu biểu của người dân Kinh Bắc xưa (ngày nay là 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang). Lối hát thể hiện nét đẹp trong văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ sinh sống dọc đôi bờ con sông Cầu – “dòng sông Quan họ”.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là cụm danh từ để chỉ lối hát dân ca riêng của người dân Bắc Ninh, nhằm phân biệt với dân ca Quan họ Bắc Giang. Nghe hát Quan họ Bắc Ninh là lối hát đối đáp, giao duyên của các liền anh, liền chị. Lời ca tiếng hát ngọt ngào, duyên dáng kết hợp với trang phục truyền thống độc đáo đã làm say mê biết bao trái tim lữ khách.
Ngày 30/09/2009, dân ca Quan họ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
2. Nguồn gốc và lịch sử phát triển của Quan họ Bắc Ninh?
2.1. Nguồn gốc
Theo chia sẻ của các bậc cao niên trong vùng thì không ai biết rõ thời gian ra đời của Quan họ Bắc Ninh là từ khi nào? Chỉ biết rằng hành trăm năm qua, tại vùng đất Kinh Bắc? Những làn điệu Quan họ cứ vang lên quanh năm suốt tháng và ăn sâu vào trong máu của già trẻ gái trai ở mảnh đất này.
Hiện nay, còn tồn tại nhiều giả thuyết và nghi vấn về nguồn gốc ra đời của Quan họ Bắc Ninh:
Đầu tiên, một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng Quan họ là từ được ghép từ “quan” và “họ” về mặt ngữ nghĩa. Theo đó lối hát này bắt nguồn từ âm nhạc cung đình khi xưa. Tương truyền, có một vị quan nọ (“quan”) khi ghé ngang qua vùng đất Kinh Bắc đã bị thu hút bởi giọng hát đối đáp của các liền anh, liền chị (“họ”).
Lại có ý kiến cho rằng, Quan họ Bắc Ninh không phải là nhạc cung đình mà có gốc từ tín ngưỡng dân gian mang yếu tố phồn thực. Mặt khác có người còn đánh giá việc nghe hát Quan họ đi từ trong dân gian vào cung đình rồi về lại với dân gian.
Thậm chí có những ý kiến nhận định xét theo phương diện không gian diễn xướng và ngữ nghĩa lời ca, tiếng hát thì Quan họ là “quan hệ” giữa những nhóm người yêu thích các làn điệu dân ca ở vùng đất Kinh Bắc xưa.
2.2. Sự phát triển
Ngày nay, Quan họ Bắc Ninh không chỉ là lối hát đối đáp giữa các liền chị, liền anh mà còn biểu hiện tình cảm, sự tương tác với người nghe. Cũng chính từ sự kế thừa, phát huy làn điệu dân ca truyền thống mà các nghệ sĩ đã tạo ra hai trường phái cùng tồn tại song song với nhau là Quan họ truyền thống và Quan họ kiểu mới.
Quan họ truyền thống
Hình thức nghe hát Quan họ truyền thống chỉ tồn tại và được công nhận tại 44 làng Quan họ ở Bắc Ninh và 23 làng Quan họ tại Bắc Giang. Cách hát này thường được biểu diễn tại các sân đình, cửa chùa vào những dịp hội hè, du xuân, Lễ Tết,…
Khi ca hát Quan họ truyền thống sẽ không có khán giả, các liền anh, liền chị vừa là người biểu diễn những làn điệu dân ca đối đáp vừa là người thưởng thức. Cách hát này chú trọng đến quy trình hát, lời cách, trình diễn phải tuân theo một trình tự và quy tắc nhất định.
Một số bài hát Quan họ theo phong cách truyền thống nổi tiếng có thể kể đến như: Xe chỉ luồn kim, Mời nước mời trầu, Cây trúc xinh, Ngồi tựa mạn thuyền,..
Quan họ mới
Trái ngược với Quan họ truyền thống, cách hát Quan họ Bắc Ninh theo phong cách mới có sự cải tiến đáng kể trong lời ca, cách trình diễn và không gian diễn xướng.
Với cách hát này, các liền anh, liền chị thường biểu diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp với hệ thống âm thanh – ánh sáng hiện đại hoặc không gian cộng đồng tại đình, nhà văn hóa,… trong các dịp Lễ Tết, hội hè hay các buổi giao lưu văn nghệ.
Hình thức biểu diễn Quan họ kiểu mới có sự đa dạng về phong cách khi ngoài hát đối đáp còn có thể hát đơn, hát đôi, hát tốp ca, thậm chí có cả múa phụ họa. Đặc biệt, biểu diễn Quan họ Bắc Ninh mới thường có thêm phần nhạc đệm, lời bài hát gần gũi, dễ hiểu và gắn với nhiều khía cạnh trong cuộc sống.
Mục đích của hát Quan họ cách mới không chỉ thể hiện tình cảm giữa các liền anh liền chị mà xa hơn hướng đến quảng bá, tuyên truyền và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tốt đẹp của người dân Kinh Bắc.
3. Dân ca Quan họ Bắc Ninh có gì đặc biệt?
3.1. Các làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh
Trong cách hát dân ca Quan họ Bắc Ninh có nhiều làn điệu khác nhau như gió mát trăng thanh, xuồng song, la hới,… Thông thường, một bài hát Quan họ sẽ được hát thành 3 chặng:
Chặng đầu
Chặng đầu của bài hát thường được biểu diễn bằng giọng lề lối với tiết tấu chậm kết hợp thêm tiếng đệm và sử dụng luyến láy.
Chặng giữa
Đến phần giữa của bài hát thì chuyển qua sử dụng lối hát giọng vặt và giọng sổng:
- Giọng vặt: Lời ca trong các tiết mục Quan họ sử dụng giọng vặt được đánh giá rất phong phú. Phần âm nhạc trong bài được rút ngắn với bố cục cực kỳ chặt chẽ, tiết tấu bài hát khá nhanh và linh hoạt.
- Giọng sổng: Có chức năng kết nối giữa đoạn đầu và đoạn chính của bài hát, thường mang tính mực thước, cách hát khoan thai, dễ chịu.
Chặng cuối
Ở chặng cuối của nhạc Quan họ các liền anh, liền chị thường sử dụng lối hát giọng giã bạn. Ý nghĩa của đoạn này là mang hàm ý chia tay, thể hiện sự quyến luyến, bịn rịn. Điệu hát này mang hơi hướng buồn, nặng về mặt tình cảm.
Hiện nay, thực tế cho thấy những bài hát dân ca Quan họ sử dụng giọng giã bạn không nhiều.
3.2. Trang phục biểu diễn đặc trưng của Quan họ Bắc Ninh
Một trong những yếu tố làm nên sức hút và sự đặc trưng cho Quan họ Bắc Ninh chính là nằm ở trang phục biểu diễn. Nhìn chung trang phục Quan họ được khai thác từ các trang phục truyền thống của người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ khi xưa.
Trang phục của các liền anh
Các liền anh thường đội khăn xếp hoặc sử dụng khăn nhiễu để quấn tóc gọn gàng trên đầu. Trên người mặc áo dài 5 thân với phần gấu to, dài vượt quá đầu gối, thân áo rộng, viền tà và cổ đứng. Màu sắc chủ đạo thường là đen hoặc xám đen. Một số liền anh khá giả hơn thì có thể sử dụng vải may có màu vàng chanh hoặc xanh cốm.
Quần thường dùng là quần dài màu trắng, ống rộng và có phần thắt lưng nhỏ để có thể thắt chặt phần cạp quần. Đôi khi một số liền anh sẽ cầm theo một chiếc ô cán dài màu đen, khăn tay hay lược để làm phụ kiện trong các tiết mục biểu diễn.
Trang phục của các liền chị
Đối với các liền chị khi hát Quan họ Bắc Ninh thường mặc áo mớ 3 hoặc áo mớ 7 lồng vào nhau trong đó áo mớ 3 phổ biến hơn cả. Phía trong cùng thường là áo yếm đào với nhiều màu sắc như đỏ, hồng cánh sen, vàng, xanh,… Lớp kế tiếp là một chiếc áo cánh có màu sắc sáng hơn và ngoài cùng là lớp áo 5 thân có kèm một chiếc đai thắt ngang eo.
Váy của các liền chị thường mặc là váy lụa, váy sồi hoặc váy kép rộng rãi với phần chân váy phủ ngang xuống đất. Phía dưới chân đi dép có phần mũi uốn cong làm bằng da trâu.
Bên cạnh đó, các liền chị Quan họ đầu thường đội khăn mỏ quạ và một chiếc nón quai thao rộng vành trông vô cùng duyên dáng, thướt tha.
3.3. Cách hát dân ca Quan họ Bắc Ninh
Trước đây, cách hát dân ca Quan họ tuân theo lề lối, nguyên tắc dựa theo phong cách truyền thống, phổ biến nhất là hát đôi. Lúc này các liền anh, liền chị được sắp thành 2 bên với số lượng người bằng nhau và hát đối qua đáp lại.
Ngày nay, với cách hát cải tiến theo phong cách mới không yêu cầu phải tuân theo các quy tắc, kỹ thuật như lối hát truyền thống. Chỉ cần hát thể hiện lễ kết, thổ lộ tình cảm, hỏi thăm nhau hay đôi khi có thể mang hàm ý chọc ghẹo giữa đôi bên.
Tuy rằng những bài nhạc Quan họ Bắc Ninh thường đề cập phần nhiều đến tình yêu đôi lứa, tình yêu nam nữ nhưng khi biểu diễn các liền chị, liền anh đều thể hiện sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
3.4. Cách trình diễn Quan họ Bắc Ninh
Cách biểu diễn Quan họ Bắc Ninh khá đơn giản. Không gian diễn xướng có thể ở bất cứ đâu như sân đình, cửa chùa, bến thuyền, gốc đa hay trên các sân khấu lớn được setup âm thanh – ánh sáng hiện đại, có kịch bản được dựng sẵn.
Đối với các buổi diễn ngày thường hay hội hè thì số lượng các liền chị, liền anh tham gia biểu diễn không bị giới hạn, chỉ cần hai bên bằng nhau là được. Còn đối với các buổi trình diễn chuyên nghiệp thì số lượng liền chị, liền anh sẽ được sắp xếp và bố trí sẵn.
4. Ý nghĩa của dân ca Quan họ Bắc Ninh
4.1. Giá trị về âm nhạc – nghệ thuật
Mỗi loại hình nghệ thuật có một nét đặc trưng và giá trị riêng và Quan họ Bắc Ninh cũng không ngoại lệ. Giá trị về âm nhạc – nghệ thuật của dân ca Quan họ được thể hiện ở phần lời ca, giai điệu cũng như cách trình diễn của các liền anh liền chị.
Trong hát dân ca Quan họ có những làm điệu riêng, các quy tắc nhất định trong việc ca hát, diễn xướng để tạo nên cái chất riêng. Giai điệu trong Quan họ đôi khi rất linh hoạt và không tuân theo bất cứ một quy tắc nào để đảm bảo tính thống nhất về mặt ý nghĩa và cách trình bày trong bài hát.
Để hát Quan họ được hay, ra cái chất vốn có thì người hát phải có đam mê với nghệ thuật truyền thống của cha ông. Bên cạnh đó, cũng phải có năng khiếu và được tập luyện bài bản để giọng có độ rền, vang, luyến láy mượt mà, nền nảy.
Đồng thời, với xu hướng phát triển mới của thời đại, đòi hỏi các liền anh, liền chị phải không ngừng đổi mới, sáng tạo tìm tòi cách hát mới để giữ gìn và phát huy làn điệu dân ca thông qua việc đưa các giai điệu từ thơ ca vào trong Quan họ và ngược lại.
4.2. Giá trị về văn hóa – xã hội
Không chỉ mang giá trị về âm nhạc – nghệ thuật, Quan họ Bắc Ninh còn chứa đựng những tầng ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và giá trị văn hóa – xã hội lớn lao.
Quan họ bắt nguồn từ chính cuộc sống sinh hoạt văn hóa hàng ngày của người dân vùng Kinh Bắc, phản ánh những khía cạnh về tâm tư, tình cảm và khát vọng sống của con người nơi đây. Đó cũng chính là sợi dây vô hình gắn kết tình cảm giữa người với người, tạo nên một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh.
Không chỉ thế, Quan họ còn là nét đẹp cần được gìn giữ và bảo tồn qua nhiều thế hệ ở hiện tại và trong tương lai. Đây cũng là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch bậc nhất của tỉnh Bắc Ninh, góp phần quảng bá văn hóa và con người KInh Bắc đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
4.3. Giá trị về giáo dục
Quan họ Bắc Ninh còn mang trong mình giá trị giáo dục sâu sắc, Lời ca, tiếng hát trong Quan họ chưa đựng những bài học nhân sinh làm người. Nghe Quan họ Bắc Ninh để học cách đối nhân xử thế, học cách cư xử chuẩn mực cũng như thể hiện tình cảm yêu thương, đùm bọc giữa người với người trong xã hội.
Bên cạnh đó, ca nhạc Quan họ Bắc Ninh còn góp phần truyền tải những thông điệp, lưu truyền nét đẹp phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Việt cho các thế hệ mai sau.
5. Nghe hát dân ca Quan họ Bắc Ninh ở đâu?
5.1. Hội Lim
Dân ca Quan họ thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nếu bạn muốn tận mắt, tận tai thưởng thức những làn điệu Quan họ đặc trưng thì có thể du ngoạn Bắc Ninh vào các dịp hội hè và một trong những lễ hội lớn nhất chính là Hội Lim.
Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch hàng năm tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du. Trong dịp này, du khách sẽ được sống lại những nét văn hóa thân thuộc của xứ Kinh Bắc khi xưa với những hoạt động đặc trưng như rước kiệu, tế lễ hay các trò chơi dân gian hấp dẫn.
Đặc biệt, Hội Lim cũng là dịp để du khách gần xa thưởng thức những làn điệu dân ca Quan họ say đắm lòng người được biểu diễn bởi những nghệ sĩ gạo cội trong trang phục truyền thống. Lời ca, tiếng hát được vang vọng trước cửa đình, trên những con đường hay trên những chiếc thuyền rồng trôi bồng bềnh trên ao sen.
5.2. Hội làng Đình Bảng
Hội làng Đình Bảng là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn bậc nhất tại tỉnh Bắc Ninh. Hội được diễn ra vào hai ngày 14 và 15 tháng 2 Âm lịch tại đình làng Đình Bảng, thành phố Từ Sơn.
Trong không khí rộn ràng của hội làng, du khách có dịp được lắng nghe những làn điệu Quan họ Bắc Ninh mượt mà, thấm đượm tình quê. Các liền anh, liền chị trong trang phục truyền thống vừa hát đối đáp, giao duyên vừa mời trầu, tương tác cùng khán giả tái hiện lại nét văn hoá của vùng quê Kinh Bắc xưa.
5.3. Hội Đền Đô
Cũng được diễn ra tại làng Đình Bảng, lễ hội Đền Đô được tổ chức vào ba ngày 14, 15 và 16 tháng 3 Âm lịch hằng năm để kỷ niệm ngày đăng quang của vua Lý Công uẩn. Bên cạnh phần lễ trang nghiêm, long trọng thì phần hội cũng thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia.
Bên cạnh các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, bịt mắt bắt dê, chơi ô ăn quan, đánh đu,.. du khách còn có dịp thưởng thức các tiết mục hát Quan họ Bắc Ninh biểu diễn bởi các liền chị, liền anh trên thuyền rồng ngày trước cửa đình, dưới ao sen.
Trong giai điệu mượt mà, sâu lắng, bạn cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái và phần nào hiểu hơn về nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây,
6. Làng Quan họ Bắc Ninh ở đâu?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có tổng cộng 44 làng Quan họ truyền thống đã được vinh danh. Những ngôi làng này vẫn còn giữ được phong trào hát Quan họ được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Người lớn và trẻ em đều có dịp tham gia học hát, biểu diễn vào các sự kiện quan trọng như hội hè, lễ Tết, hội làng,..
Một số làng Quan họ tiêu biểu của Bắc Ninh có thể đến như:
- Thành phố Bắc Ninh: Cổ Mễ, Viêm Xá, Thượng Đồng, Thanh Sơn, Phúc Sơn,…
- Huyện Tiên Du: Lũng Sơn, Lũng Giang, Đình Cả,…
- Huyện Tiên Phong: Đông Mơi, Đông Yên.
- Thành phố Từ Sơn: Tam Sơn, Hồi Quan, Tiêu Sơn và Vĩnh Kiều.
7. Các bài hát dân ca Quan họ nổi tiếng
Một số bài hát dân ca Quan họ Bắc Ninh nổi tiếng được nhiều người mê đắm bao gồm:
- Cây trúc xinh
- Cò lả
- Người ơi người ở đừng về
- Bèo dạt mây trôi
- Lý cây đa
- Lý giao duyên
8. Những nghệ sĩ hát dân ca Quan họ gạo cội
Khi nói đến dân ca Quan họ Bắc Ninh không thể bỏ qua cái tên của những nghệ sĩ gạo cội như:
- NSND Thúy Hường
- NSND Thúy Cải
- NSƯT Trung Kiên
- NSƯT Lan Hương
- NSƯT Hồng Mạnh
Trên đây, Truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn đã cùng bạn khám phá những thông tin nổi bật về Quan họ Bắc Ninh. Hy vọng rằng với những thông tin chia sẻ ở trên, bạn đã hiểu rõ hơn về dân ca Quan họ một nét đẹp văn hóa ngàn đời của người dân Kinh Bắc. Nếu có dịp đến với Bắc Ninh đừng quên thưởng thức những buổi biểu diễn Quan họ ấn tượng và sâu lắng bạn nhé!
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Tam Đảo chi tiết nhất từ A – Z
Kinh nghiệm du lịch Ba Vì – Trốn khỏi ồn ào nơi phố thị
Kinh nghiệm du lịch Hạ Long chi tiết mới nhất 2023
Kinh nghiệm du lịch Cô Tô tự túc từ A-Z 2023