Mỗi người lại có thói quen uống cà phê vào nhiều khoảng thời gian khác nhau trong ngày nhưng không phải thời điểm nào thưởng thức cũng phù hợp. Chính vì thế, nhiều người chẳng những không tìm được sự tỉnh táo, nạp năng lượng và gia tăng hiệu suất công việc, mà còn bị giảm chất lượng giấc ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi hơn.
Như vậy, đâu mới là “giờ vàng” trong ngày để uống cà phê? Để tìm hiểu đáp án cho vấn đề này, bạn cần biết những điều sau đây.
Video: Uống cà phê vào buổi sáng mỗi ngày mà không cần ăn thì có tốt hay không?
Uống cà phê vào buổi sáng mỗi ngày mà không cần ăn thì có tốt hay không?
Nhiều người thường có thói quen dậy sớm lúc 5-6 giờ sáng và thưởng thức cà phê ngay sau đó, thậm chí chưa ăn uống gì. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, uống cà phê vào thời điểm này sẽ không mang lại lợi ích tối đa cho sức khỏe.
Theo BS Nguyễn Hải Đan, chuyên khoa Nội tổng quát, đây là việc hoàn toàn không tốt.
Nếu uống cà phê trước khi ăn sáng, cơ thể bạn có thể sẽ gặp những vấn đề sau đây:
Làm tăng lượng đường trong máu: Cà phê chứa caffeine, một chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Caffeine có thể làm tăng lượng đường trong máu lên tới 50% khi uống vào buổi sáng khi cơ thể đang thiếu glucose. Điều này có thể gây nguy hiểm cho những người bị đái tháo đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh này.
Làm khô da, mất nước: Cà phê là một chất lợi tiểu mạnh, khiến bạn đi vệ sinh thường xuyên hơn. Điều này làm cho cơ thể mất nước và ảnh hưởng đến làn da, khiến chúng trở nên khô ráp, thiếu sức sống.
Kích ứng làm tổn thương niêm mạc dạ dày: Cà phê có tính axit cao và có thể kích thích tiết dịch vị. Nếu uống cà phê trước khi ăn sáng, khi bụng đang trống rỗng, cà phê có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và làm tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày. Điều này có thể gây ra các chứng ợ nóng, khó tiêu hoặc đau bụng.
Làm căng thẳng: Khi chúng ta thức dậy, cortisol, còn được gọi là hormone căng thẳng đạt ở mức cao nhất. Nếu uống cà phê trước khi ăn sáng, khiến cơ thể bị căng thẳng nhiều hơn. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như lo lắng, rối loạn giấc ngủ, nhịp tim nhanh và huyết áp cao.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe và tận hưởng hương vị của cà phê, bạn nên uống cà phê sau khi đã ăn sáng.
Tốt nhất nên có khoảng cách 30 phút giữa bữa ăn và ly cà phê để giảm thiểu các tác dụng phụ của caffeine. Bạn cũng nên uống đủ nước trong ngày để bù đắp lượng chất lỏng bị mất do uống cà phê.
Đâu là giờ vàng để uống cà phê hiệu quả nhất?
Theo BS Hải Đan, kể từ lúc bắt đầu uống cà phê, sau 4-9 tiếng lượng cafein trong máu mới giảm đi một nửa. Vậy thì bạn có thể căn cứ vào khoảng thời gian này và chu kỳ ngủ của mình để có thể có thời điểm uống cà phê phù hợp.
Để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ, theo các nghiên cứu, hai thời điểm được cho là hợp lý nhất để uống cà phê trong ngày, đó là:
Từ 10 giờ đến 11h30 sáng
Vào buổi sáng sớm khi thức dậy, hormone căng thẳng cortisol của bạn đang ở mức cao nhất, nếu uống cà phê sẽ làm tăng thêm mức hormone này và gây ra các vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, bạn nên uống cà phê sau ăn sáng, khi mức cortisol giảm thấp và cơ thể cần năng lượng để làm việc hiệu quả.
Từ 13 giờ
Vào buổi chiều, bạn có thể bị mệt mỏi và buồn ngủ do quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra chậm lại. Uống cà phê vào lúc này sẽ giúp bạn tỉnh táo và tập trung hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể uống cà phê trước khi tập thể dục để tăng hiệu suất và đốt cháy nhiều calo hơn.
Như vậy, thời điểm tốt nhất để uống cà phê là giữa và cuối buổi sáng hoặc vào đầu buổi chiều khi cơ thể cần năng lượng và tỉnh táo. Bạn nên tránh uống cà phê quá sớm sau khi thức dậy hoặc quá muộn vào ban đêm để không ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ của bạn.
Bác sĩ chỉ ra 2 thời điểm được gọi là GIỜ VÀNG trong ngày để uống cà phê, vừa tỉnh táo nạp năng lượng, vừa không sợ mất ngủ.
Lưu ý khi uống cà phê để không bị mất ngủ
Bên cạnh việc lựa chọn thời uống phù hợp, mọi người cũng nên lưu ý lượng cà phê nạp vào cơ thể mỗi ngày. Nếu uống quá nhiều, dù là vào thời điểm nào, cơ thể cũng không thể dung nạp được hết, thậm chí còn gây tác dụng xấu.
BS Hải Đan cho biết, không thể cố định chính xác lượng cà phê tối đa có thể uống trong ngày là bao nhiêu vì còn tùy thuộc và nồng độ, loại cà phê, cách pha (pha máy hay pha phin).
Tuy nhiên, mọi người có thể tham khảo lượng cafein trung bình cho người lớn là khoảng 200-300 mg mỗi ngày. Ước tính 1 ly khoảng 200ml thì tương đương với khoảng 2 ly cà phê pha phin, 3 ly cà phê pha máy, 4 ly trà xanh.
Việc uống quá nhiều caffein có thể gây ra một số tác dụng phụ như lo âu, kích thích, đau đầu, mất ngủ, run tay chân và rối loạn nhịp tim. Do đó, nên hạn chế uống caffein vào buổi chiều tối để không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Ngoài ra, nên chú ý rằng caffein không chỉ có trong cà phê mà còn có trong trà, nước ngọt, sô-cô-la và một số loại thuốc. Vì vậy, nên tính toán tổng lượng caffein tiêu thụ từ tất cả các nguồn để tránh vượt quá giới hạn an toàn.
Nguồn: https://cafef.vn/day-moi-la-gio-vang-trong-ngay-de-uong-ca-phe-vua-tinh-tao-nap-nang-luong-vua-khong-so-mat-ngu-188231011092329303.chn