Nhưng nếu không để thành tích lên tiếng thì sẽ nói gì về nhà khoa học này? Một người phụ nữ xinh đẹp, nhẹ nhàng với tính cách tỉ mỉ và cẩn thận. Một nữ học giả say mê công việc nghiên cứu đến mức chọn nó làm sự nghiệp theo đuổi cả đời. Một người vợ, một người mẹ luôn tự hào nhắc đến gia đình nhỏ vì sự hỗ trợ tuyệt đối về mặt tinh thần. Đằng sau mỗi bảng thành tích của ai đó đều là những câu chuyện về một hành trình dài của sự nỗ lực. Và với Lê Thái Hà, câu chuyện ấy cũng không hề khác biệt.
Buổi trò chuyện dưới đây không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về chị Thái Hà, mà còn mang đến một góc nhìn gần gũi hơn về công việc nghiên cứu khoa học từ chính một người đã quyết tâm theo đuổi nó từ những ngày đầu của sự nghiệp.
Vì được trường cho phép học thẳng lên chương trình tiến sĩ, không học qua chương trình thạc sĩ nên thời điểm khó khăn nhất của tôi có lẽ là trong 2 tuần đầu học tiến sĩ, vì khoảng cách kiến thức của chương trình cử nhân (dù là các môn cao cấp) và chương trình tiến sĩ là khá lớn, đặc biệt là các môn toán kinh tế, toán cao cấp, kinh tế lượng. Nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực, cũng như sự động viên của gia đình, và cả… may mắn nữa, tôi đã hoàn thành chương trình học coursework với kết quả xuất sắc.
Song song, tôi cũng muốn mình phải viết được các bài báo nghiên cứu khoa học. Nên thay vì tập trung toàn lực vào việc học trên lớp như các bạn PhD năm một khác, tôi vừa học kiến thức qua bài giảng vừa tự tập cách viết bài báo khoa học, dù giáo sư hướng dẫn tôi thời điểm đó chưa kỳ vọng vào chuyện này.
Cuối cùng, khi đã có nhiều yếu tố hội tụ như điểm số tốt (cao nhất khóa), có 2 bài báo khoa học được chấp nhận đăng trên tạp chí uy tín, tôi đã được giáo sư hướng dẫn và hội đồng trường cho phép tốt nghiệp.
Theo tôi hiểu thì bảng xếp hạng này đến từ một nhóm GS của ĐH Stanford và họ có các cách tính toán dựa trên chỉ số trích dẫn của các công trình nghiên cứu, với dữ liệu các nhà khoa học toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực. Nên danh sách này sẽ không dựa trên một công trình cụ thể mà xem xét tính ảnh hưởng của tất cả các công bố khoa học của nhà nghiên cứu. Đấy là tôi hiểu sơ như vậy khi đọc lướt về nó. Chứ bạn tin không? Tôi cũng chưa xem cụ thể danh sách đó nữa. Theo tôi thì xếp hạng nào cũng chỉ có tính tương đối và tôi tin là những nhà khoa học đúng nghĩa sẽ không nghiên cứu với mục đích để mong chờ một ngày được công nhận. Dù đương nhiên, điều đó cũng mang lại niềm vui nhất định.
Khi còn nhỏ, trong các bữa cơm gia đình, bố tôi luôn bật chương trình thời sự và cả nhà tôi sẽ vừa ăn, vừa bàn luận, phân tích về các vấn đề kinh tế-xã hội. Bố mẹ tôi đều là những người làm việc trong lĩnh vực tài chính-kế toán. Có lẽ vì vậy mà từ việc ban đầu không hiểu gì, dần dần tôi cũng bị “hấp dẫn” vào những thảo luận như thế và bắt đầu yêu thích việc lắng nghe và tập phân tích tác động của các vấn đề kinh tế. Tôi thích thú khi nhận thấy rằng, trong một thế giới mà sự tương tác và hội nhập giữa các quốc gia ngày càng lớn, một cú shock bên ngoài, thậm chí ở một nơi xa xôi, có thể ảnh hưởng đến mình và đất nước của mình như thế nào. Chính điều này đã thôi thúc tôi theo học chuyên ngành kinh tế và sau này theo đuổi đam mê nghiên cứu. Tuy nhiên, thời điểm đó, đúng là tôi chưa từng tưởng tượng rằng mình sẽ đam mê và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học đến như vậy. Nhưng qua từng trải nghiệm, tôi đã nhận ra đây chính là lĩnh vực mà tôi muốn gắn bó.
Trong công việc nghiên cứu của mình, tôi quan tâm nhiều đến các vấn đề trong kinh tế năng lượng, kinh tế môi trường và kinh tế vĩ mô. Trong các nghiên cứu của mình, tôi thường tập trung vào phân tích dữ liệu kinh tế thông qua các mô hình định lượng và các phương pháp kinh tế lượng để ước lượng, đánh giá các mối quan hệ, tương tác phức tạp giữa các yếu tố kinh tế vĩ mô, từ đó thảo luận những hàm ý chính sách. Ngoài ra, tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề phát triển xanh và bền vững. Thông qua các nghiên cứu về ESG (môi trường, xã hội, quản trị), tôi mong muốn đóng góp thêm cho cơ sở lý thuyết, bằng chứng thực nghiệm và định hướng chính sách cho các nỗ lực xanh hóa của các doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia.
Kinh tế vĩ mô giống như bản đồ định hướng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế một quốc gia. Lĩnh vực nghiên cứu kinh tế vĩ mô không chỉ phân tích các yếu tố như tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát, mà còn giúp chúng ta hiểu được cách thức hoạt động của nền kinh tế và ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta.
Ở một mức độ nào đó, nhận định về sự “hàn lâm và xa rời” của lĩnh vực nghiên cứu cũng có phần đúng. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ của bức tranh lớn hơn.
Khoa học không chỉ là lý thuyết mà còn là việc áp dụng kiến thức vào thực tế. Tất nhiên, tùy vào đặc thù của lĩnh vực khoa học mà tính ứng dụng có thể khác nhau. Trong nhiều lĩnh vực khoa học có tính ứng dụng cao như y sinh hay khoa học máy tính, vật liệu, mỗi phát hiện, mỗi nghiên cứu đều có thể có tiềm năng ứng dụng rộng rãi, từ việc giải quyết các vấn đề cụ thể trong xã hội đến việc phát triển kiến thức để người khác tiếp tục tìm hiểu và phát minh thêm những công nghệ có thể ứng dụng. Hoặc ngay cả những đề tài hàn lâm cũng có thể ẩn chứa những giải pháp sáng tạo cho các vấn đề thực tế, từ y tế, môi trường, đến công nghệ và nhiều lĩnh vực khác.
Đứng ở vị trí một nhà khoa học, tôi không nghĩ rằng khoa học rời xa đời sống thực tế. Ngược lại, tôi cảm thấy nhờ sự kết nối của thế giới đã phát triển tốt hơn, nên nhà khoa học đang đóng vai trò cầu nối giữa thế giới hàn lâm và thực tiễn. Các nhà khoa học trở nên chủ động hơn trong việc hợp tác và làm việc với các doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức để mang những ý tưởng, ứng dụng kiến thức và chuyển giao công nghệ. Nhìn thấy những công nghệ được mang từ nhà trường, đại học, viện nghiên cứu được áp dụng vào đời sống – tôi cảm thấy đây là một tín hiệu rất đáng mừng.
Nhìn chung, nhà khoa học có cơ hội khám phá không gian sáng tạo không giới hạn. Mỗi ngày đều mang đến cơ hội để họ đối mặt và vượt qua thách thức, biến những vấn đề thực tế thành cơ hội để học hỏi và phát triển.
“Nếu các bạn trẻ đang cảm thấy băn khoăn về công việc của nhà khoa học, hãy nhìn nhận đó như là một quá trình phát triển bản thân.”
Tôi tin rằng khi người ta đam mê một công việc nào đó và cố gắng, nỗ lực để làm công việc đó thật tốt, cơ hội sẽ đến, đi cùng với tăng thu nhập.
Khoa học cũng vậy, có thể nhiều người thấy việc làm khoa học chưa tạo được ngay một mức thu nhập hấp dẫn. Nhịp sống hiện đại rất nhanh nên người ta có xu hướng chú trọng đến những công việc có thể kiếm được tiền ngay lập tức, hơn là những công việc mang đến tính bền vững và thu nhập lâu dài. Đó là lý do tại sao có thể nhiều bạn chưa thấy công việc khoa học hấp dẫn ngay.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đấy – tôi thấy rằng thế giới đã thay đổi sau đại dịch Covid. Chúng ta đang đi về hướng phát triển bền vững thay vì phát triển nhanh và ồ ạt. Vậy hãy coi đầu tư khoa học không phải là một khoản chi phí, mà là một sự đầu tư lâu dài cho một lợi ích xa hơn.
Việc làm khoa học không chỉ gắn với con đường nghiên cứu hàn lâm và học thuật, mà nghiên cứu còn mang đến nhiều lựa chọn nghề nghiệp đa dạng. Bên cạnh công việc tại các trường đại học và viện nghiên cứu, các nhà khoa học cũng có cơ hội làm việc trong doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận, và cơ quan chính phủ, nơi mà thu nhập và cơ hội phát triển sự nghiệp đều rất hấp dẫn.
Ngoài ra, có rất nhiều tài trợ và hỗ trợ tài chính dành cho công việc nghiên cứu và phát triển. Những nhà khoa học xuất sắc có thể nhận được sự hỗ trợ đáng kể để thực hiện công trình nghiên cứu của mình, đồng thời mang đến các cơ hội để chia sẻ và hợp tác quốc tế.
Sự nghiệp khoa học không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng, mà còn mang đến những cơ hội để phát triển kỹ năng mềm, tư duy phản biện, sự bền bỉ, và khả năng giải quyết vấn đề – những yếu tố quan trọng để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Trong nhận định chung của xã hội, làm khoa học thoạt nghe có vẻ hơi xa vời, ai đó cũng không nhìn thấy những tác động tức thời của khoa học tới cuộc sống. Làm khoa học có thể nghe cũng không “oai”, lại vất vả và có vẻ không có được thu nhập tốt. Đó cũng là một phần lý do trong việc nhiều bố mẹ chưa mong muốn cho con trở thành nhà khoa học. Nếu các bố mẹ muốn con mình có được một công việc không quá gian truân và nhận được sự ghi nhận từ xã hội một cách nhanh chóng thì đó cũng là một mong muốn hết sức bình thường. Nhưng về cơ bản – để xã hội được phát triển lâu dài – chúng ta buộc phải đầu tư cho nghiên cứu, và chỉ nhờ vậy, sự phát triển đó mới bền vững.
“Nếu các bố mẹ muốn con mình có được một công việc không quá gian truân và nhận được sự ghi nhận từ xã hội một cách nhanh chóng thì đó cũng là một mong muốn hết sức bình thường.”
Tôi nghĩ, khoa học không chỉ mang tính cố định đâu. Ngược lại, khoa học là một thế giới mang đến rất nhiều cơ hội để sáng tạo. Thế giới của khoa học tôn trọng quyền tự do khám phá và phản biện, tự do đưa ra các lập luận của mình, tự do bày tỏ chính kiến mà không gặp bất cứ rào cản nào. Điều này cho phép các bạn trẻ được thoải mái thử nghiệm và phát triển ý tưởng của mình.
Một điểm nữa mà tôi quan sát được, đó là nhiều bạn Gen Z – dù còn rất trẻ – nhưng cũng rất quan tâm đến việc tạo ra tác động xã hội tích cực và đóng góp cho cộng đồng. Đó là một điều rất đáng mừng và ở khía cạnh nào đấy, các bạn trẻ hoàn toàn có thể dấn thân vào con đường nghiên cứu và khoa học sẽ cho các bạn những tri thức, công cụ để tìm thấy những câu trả lời cho các vấn đề mà các bạn muốn giải quyết trong cuộc sống.
Ngoài ra, Gen Z là thế hệ số, và khoa học là nơi mà công nghệ và đổi mới thăng hoa. Sự kết hợp này không chỉ hứa hẹn những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mà còn tạo cơ hội cho các bạn trẻ để thể hiện và phát triển tài năng của mình.
Khoa học không chỉ đưa ra những câu hỏi mà còn mang đến cơ hội, kiến thức và công cụ để khám phá ra câu trả lời. Sự kết hợp của tự do sáng tạo, tác động thực tế, tri thức, công nghệ, và cộng đồng sẽ là điều khiến ngành khoa học trở nên hấp dẫn đối với thế hệ Gen Z.
“Sự kết hợp của tự do sáng tạo, tác động thực tế, tri thức, công nghệ, và cộng đồng sẽ là điều khiến ngành khoa học trở nên hấp dẫn đối với thế hệ Gen Z.”
Tôi thừa nhận điều này đúng ở nhiều trường hợp. Trong xã hội hiện đại, chúng ta thường tập trung nhiều vào những ngành nghề có lợi nhuận nhanh và dễ nhìn thấy, trong khi những nghiên cứu có thể hữu ích nhưng chưa nhìn thấy lợi nhuận ngay và mang tính dài hơi nên đôi khi bị lãng quên.
Có nghĩa là, tồn tại xu hướng xem xét học thuật và nghiên cứu qua góc độ lợi ích kinh tế ngắn hạn, thay vì nhìn nhận giá trị lâu dài và toàn diện mà chúng mang lại cho xã hội.
Đâu đấy chúng ta chưa đầu tư đủ cho việc nghiên cứu, cả về mặt tài chính lẫn nhân lực. Hệ quả là nhiều nhà nghiên cứu đôi khi phải đối mặt với áp lực về kinh phí…
Để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, chúng ta cần một sự chuyển đổi trong tư duy – từ việc xem nghiên cứu như một chi phí, sang việc xem nó như một đầu tư chiến lược cho tương lai. Điều này đòi hỏi sự cam kết từ phía chính phủ, doanh nghiệp và xã hội để cung cấp các nguồn lực cần thiết và tạo môi trường thuận lợi cho những người theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu.
Sự bất bình đẳng giới không chỉ tồn tại trong lĩnh vực khoa học và cũng không chỉ là vấn đề ở một quốc gia cụ thể mà là một thách thức toàn cầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này.
Thứ nhất là văn hóa và quan điểm chung của xã hội, nhận thức chung của cộng đồng: ở nhiều nơi, có những kỳ vọng và quan điểm truyền thống về vai trò của phụ nữ, đặc biệt là trong gia đình. Điều này có thể hạn chế cơ hội và động lực của phụ nữ để theo đuổi sự nghiệp nói chung và trong lĩnh vực khoa học nói riêng. Những định kiến này cũng tạo nên những rào cản, thách thức cho phụ nữ không chỉ trong việc tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp mà còn trong việc thăng tiến trong sự nghiệp.
Thứ hai là giáo dục và đào tạo ở trường từ bậc tiểu học và phổ thông: trong môi trường học tập ở nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực đang phát triển, chưa có sự tích cực khuyến khích cho nữ giới từ giai đoạn học ban đầu khi mới là các bé, học sinh nhỏ tuổi cho đến khi trưởng thành, trở thành sinh viên theo học ở hệ cao đẳng, đại học và sau đó. Việc động viên, cổ vũ học sinh, sinh viên nữ theo đuổi các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) chưa thực sự rõ nét ở các trường.
Thứ ba là mạng lưới hỗ trợ và nguồn lực cần thiết để phát triển sự nghiệp khoa học cho phụ nữ chưa đủ mạnh mẽ, từ việc định hình sự nghiệp đến việc xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà nghiên cứu khoa học là nữ ở các viện, trường cũng chưa được lưu tâm.
Để khắc phục sự bất bình đẳng giới, chúng ta cần một sự thay đổi hệ thống từ việc xây dựng, nuôi dưỡng nhận thức, thay đổi tư duy của xã hội, của cộng đồng, đến việc thiết lập các chính sách, cơ chế và quy định linh hoạt, đồng thời tăng cường giáo dục và đào tạo, cũng như mở rộng cơ hội để phụ nữ có thể tỏa sáng và đóng góp hết mình trong lĩnh vực khoa học. Cùng mục đích đó, Giải thưởng cho nhà khoa học nữ từ Quỹ VinFuture không chỉ nhằm mang đến cơ hội mà còn là sự khích lệ, thúc đẩy phụ nữ vươn xa hơn, tỏa sáng hơn trong lĩnh vực khoa học.
Điều này cũng đúng. Ví dụ, một số người có thể thiếu tự tin về khả năng của mình, đặc biệt là trong một môi trường đầy cạnh tranh. Họ có xu hướng tự đánh giá thấp khả năng của bản thân và coi những thất bại hoặc thử thách như là minh chứng về việc họ không phù hợp hoặc không đủ khả năng. Vô hình trung, những suy nghĩ như vậy sẽ khiến họ tự hạn chế mình trước những cơ hội và thách thức
Rào cản cũng đến từ những trách nhiệm với gia đình. Rất nhiều phụ nữ thường phải đối mặt với sự cân bằng giữa việc chăm lo cho gia đình và sự nghiệp. Những áp lực từ việc phải làm tốt cả hai cũng là thứ khiến họ cảm thấy mệt mỏi và không còn muốn dấn thân. Phụ nữ đôi khi tự hạn chế bản thân do những kỳ vọng và quan điểm xã hội truyền thống về vai trò và trách nhiệm của họ, dẫn đến việc họ tự giới hạn cơ hội và khả năng của mình.
Để vượt qua những rào cản “tự tạo” này, cần có sự thay đổi trong suy nghĩ mỗi người, cùng với sự hỗ trợ từ cộng đồng và tổ chức để tạo nên một môi trường hỗ trợ tích cực, giúp phụ nữ tự tin theo đuổi và phát huy tối đa tiềm năng của mình trong công việc hay lĩnh vực khoa học.
Tôi khá quyết tâm khi bước chân vào lĩnh vực khoa học, một phần lớn nhờ sự ủng hộ nhiệt thành từ giáo sư hướng dẫn ở đại học và từ gia đình. Các giáo sư ở trường và bố mẹ tôi luôn khích lệ tôi theo đuổi đam mê và ước mơ của mình. Họ thể hiện hoàn toàn tin tưởng vào sự kiên định và khả năng của tôi và điều đó khiến tôi cảm động và có thêm động lực để nỗ lực hơn nữa.
Tuy nhiên, tôi cũng phải thừa nhận rằng, dù gia đình tôi luôn ủng hộ, nhưng cũng có đôi lúc bố mẹ cũng lo lắng. Trong một xã hội truyền thống như Việt Nam, nhiều người vẫn tin rằng, nếu một phụ nữ học cao, có thể sẽ khó tìm được bến đỗ. Nhưng tôi tin rằng, trong thời đại ngày nay, người phụ nữ có trí tuệ sẽ không chỉ có khả năng đóng góp nhiều hơn cho xã hội mà còn biết cách tạo dựng hạnh phúc cho bản thân và những người xung quanh họ.
Một trong những thử thách lớn nhất mà tôi đã từng gặp phải, chính là việc phải liên tục cân bằng giữa công việc quản lý, nghiên cứu, học thuật mà tôi đam mê và trách nhiệm với gia đình, nhất là giai đoạn mới có con. Có đôi lúc, áp lực và mong muốn đạt được kết quả tốt trong nhiều việc khiến tôi cảm thấy như đang bị “mắc kẹt” giữa hai thế giới. Tuy nhiên, nhờ sự thấu hiểu và ủng hộ chân thành từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, tôi đã học được cách để cân bằng và vượt qua.
Đam mê và sự quyết tâm cũng là những nguồn động viên mạnh mẽ. Tôi luôn tự nhủ rằng, mỗi thách thức, mỗi khó khăn đều là cơ hội để tôi trưởng thành và phát triển. Đó không chỉ là cuộc đấu tranh với những rắc rối ngoài kia, mà còn là cuộc đấu tranh với chính bản thân mình, để không ngừng phát triển, học hỏi và vươn xa hơn.
So với giới khoa học, tôi kết hôn từ khá sớm – vào năm 25 tuổi. Tôi may mắn khi có một người chồng luôn tin tưởng và động viên tôi trong mọi công việc. Trong khi tôi chuyên về kinh tế, chồng tôi lại là một chuyên gia tài chính. Chúng tôi hiểu nhau và khích lệ nhau trong công việc. Ngày xưa tôi làm nghiên cứu học thuật, giảng dạy, anh xã rất hiểu công việc của tôi vì anh cũng từng là giảng viên ở một trường đại học lớn ở Úc, trước khi anh về Việt Nam và chuyển hướng sang doanh nghiệp. Và bây giờ khi tôi làm trong môi trường doanh nghiệp, tôi cũng hiểu rõ hơn về công việc của anh. Chúng tôi thường thảo luận cùng nhau hàng ngày về những chủ đề về kinh tế, xã hội, doanh nghiệp và sự ảnh hưởng lẫn nhau thế nào.
Trong nhà, hai vợ chồng tôi phân chia nhiệm vụ tương đối rõ ràng, cụ thể. Nói vui là, mỗi công việc trong gia đình tôi đều được vận hành như một dự án, một người là leader (lãnh đạo) thì người còn lại là supporter (hỗ trợ). Người leader sẽ là người được quyết định nhưng người supporter thì được quyền đưa ý kiến. Thường trong các vấn đề liên quan đến con cái, ví dụ như trường con học ở đâu, con ăn uống như thế nào thì tôi sẽ là người lead và anh ấy sẽ hỗ trợ. Tôi quyết định trường cho con nhưng anh ấy sẽ cùng tôi đến trường để tìm hiểu các thông tin. Còn những việc liên quan đến nhà cửa, chỗ ở thì anh ấy sẽ lead còn tôi sẽ ở vai trò hỗ trợ.
Trước khi sinh con, tôi đã nghĩ rằng, mai sau có con thì con phải thành công hơn mình, học hỏi những kinh nghiệm mình đã trải qua. Mình sẽ cho con đi học rất nhiều lớp để con được phát triển toàn diện, biết nhiều lĩnh vực. Tôi đã từng có nhiều kỳ vọng và nghĩ nhiều về việc mình sẽ giáo dục con như thế nào để con thành công hơn mình.
Nhưng khi có con rồi, suy nghĩ của tôi đã khác: tôi chỉ cần con vui vẻ, khỏe mạnh. Bây giờ, với tôi, quan trọng nhất là con khỏe mạnh, được làm điều con thấy thích để phát huy tối đa những phẩm chất, năng khiếu của bản thân, là tôi đều ủng hộ. Và chắc chắn một điều rằng, tôi sẽ không đặt nặng áp lực học hành lên con – trừ khi đó là sự lựa chọn của con.
Theo tôi, cách dạy con tốt nhất là làm gương và hành động. Tôi quan niệm, mình muốn con yêu thương mình thì mình sẽ quan tâm, yêu thương con rất nhiều. Mình thể hiện tình cảm với con thế nào thì con cũng thể hiện tình cảm lại như vậy. Muốn giáo dục con gì thì mình cần làm gương cho con. Đây là điều quan trọng nhất ở lứa tuổi này của bé. Còn mai sau khi con lớn hơn, có thể hiểu những lời dạy hay bài học sâu sắc hơn, mình sẽ áp dụng thêm những cách khác.
Khi còn là học sinh, thất bại của tôi là việc ít khi giành được những giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quan trọng. Mỗi lần thất bại, cảm giác ngay lúc đó của tôi là cảm thấy mình thiếu may mắn, hoặc nghĩ mọi chuyện xảy ra do hoàn cảnh chứ không phải do mình. Tuy nhiên, sau khi bình tâm lại, là những phút phân tích, nhìn nhận và khắc phục. Tôi nhận ra được rằng mình đã bất cẩn ở đâu, thiếu sót ở điểm nào. Trải qua nhiều lần thất bại như vậy đã thay đổi tôi rất nhiều, khiến tôi trở thành một người kỹ tính và cẩn thận trong mọi việc mình làm.
Trong công việc nghiên cứu, thất bại cũng luôn là một người bạn đồng hành. Tôi đã nhiều lần nộp bài báo khoa học hoặc đề xuất xin tài trợ nghiên cứu mà bị từ chối. Nhưng nhìn chung, những thất bại đó đã rèn luyện cho tôi tính kiên trì, bền bỉ và sự sẵn lòng đối mặt với thách thức bằng tâm thế tích cực. Mỗi lần nhận kết quả từ chối, tôi đều tự hỏi mình “Tôi đã làm sai ở điểm nào? Có phải tôi cần học hỏi và cải thiện điều gì không?”. Nói chung, “dân” nghiên cứu như chúng tôi hay động viên nhau là: “Rejection is a norm in research.” (có nghĩa là: “Bị từ chối là bình thường trong nghiên cứu!”). Và nếu ta cứ nhìn thất bại bằng con mắt nhạy cảm thì chắc sẽ chẳng nhà khoa học nào theo đuổi con đường nghiên cứu này.
Tôi tin rằng, thất bại không phải là điều tồi tệ nhất, miễn là bạn biết cách đối mặt và học hỏi từ nó. Với tôi, mỗi thất bại không chỉ là cơ hội để nhận ra khuyết điểm, mà còn là động lực để phấn đấu, nỗ lực hơn trong tương lai.
Nghe nỗi sợ thì hơi tiêu cực, nhưng tôi nhận ra kiến thức là một thứ nếu ta không liên tục trau dồi liên tục, chúng sẽ bị mất dần đi. Vậy nên, tôi sẽ khá ngại ngùng nếu đến một sự kiện nào đó mà người ta trao đổi những thứ mình không biết. Để tránh chuyện đó xảy ra, tôi nghĩ mỗi người đều nên có một thói quen cập nhật, thu thập kiến thức hàng ngày, thay vì coi đó là việc bắt buộc phải làm. Ngày xưa, để tìm một tài liệu quý ở thư viện hay một cuốn sách hay ta mới có thể chạm được vào kiến thức. Thì bây giờ, với sự phát triển của khoa học công nghệ và những phương tiện như mạng xã hội sẽ giúp chúng ta làm việc đó một cách rất tự nhiên.
Tôi bén duyên với Tập đoàn 3 lần trong đó có 2 lần lỡ duyên vì chưa muốn rời xa con đường học thuật và cuộc sống ổn định ở TP. HCM. Đến lần thứ 3 là lúc Quỹ VinFuture đã đi vào hoạt động được 1 năm, giai đoạn này thế giới cũng trải qua 2 năm đại dịch và suy nghĩ của tôi cũng thay đổi nhiều hơn, sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để đón nhận các thử thách mới. Cuộc gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ đầy tâm huyết từ Nhà sáng lập Quỹ đã khiến tôi nhận ra rằng đây là thời điểm phải thực hiện một sự “thay đổi” lớn trong sự nghiệp của mình.
Tôi quyết định thay đổi hướng đi trong sự nghiệp bởi rất trân trọng tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ – một tổ chức tôn vinh và thúc đẩy những phát minh khoa học có ảnh hưởng sâu rộng đến nhân loại. Tôi tin rằng, trong tương lai, khi các hoạt động kết nối và chuyển giao khoa học công nghệ của Quỹ cũng như Giải thưởng VinFuture đạt được sự lan tỏa và sức ảnh hưởng như kỳ vọng, sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.
Việc quyết định gắn bó với VinFuture cũng là cách tôi thử thách bản thân. Mặc dù thời điểm tôi mới gia nhập, Quỹ đã đi vào hoạt động được 1 năm, không phải là người đặt những viên gạch đầu tiên nhưng tôi vẫn đang cùng các đồng nghiệp tiếp tục nỗ lực hàng ngày để cải thiện và xây dựng thêm nhiều hoạt động vì Quỹ còn quá mới. Quá trình đặt những viên gạch tiếp theo này đầy thách thức nhưng cũng rất thú vị vì đây là cơ hội để tôi trưởng thành hơn và học hỏi thêm nhiều điều mới.
Giải thưởng VinFuture không chỉ tôn vinh và khuyến khích nghiên cứu khoa học mà còn xây dựng hình ảnh Việt Nam trên thế giới như một quốc gia dù với nền kinh tế đang phát triển nhưng vẫn sẵn sàng, tự tin theo đuổi hành trình thúc đẩy khoa học công nghệ và là một điểm đến mới cho những nghiên cứu phụng sự nhân loại và kiến tạo tương lai bền vững. Bên cạnh việc trao Giải thưởng VinFuture hàng năm để tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc, Quỹ VinFuture cũng tổ chức chuỗi hội thảo InnovaTalk và các hoạt động kết nối, thúc đẩy sự hợp tác và tài trợ cho nhiều dự án kết hợp giữa các nhà khoa học, tổ chức trong và ngoài nước. Chúng tôi kỳ vọng rằng sự hỗ trợ và hợp tác của các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới sẽ giúp xây dựng cộng đồng khoa học vững mạnh ở Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Trải qua hơn 2 năm phát triển, Giải thưởng VinFuture đang dần khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng khoa học toàn cầu. Điều này sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới, từ đó thu hút sự quan tâm và hỗ trợ từ các đối tác và nhà tài trợ quốc tế. Chúng tôi tin rằng Giải thưởng sẽ truyền cảm hứng và động lực cho các nhà khoa học của Việt Nam tự tin tham gia vào “sân chơi” khoa học công nghệ toàn cầu. Từ đó, tạo ra môi trường thúc đẩy sự đổi mới, ứng dụng khoa học vào thực tiễn, và giải quyết những thách thức chung của xã hội.
Mùa thứ ba của VinFuture sẽ xoay quanh việc củng cố và mở rộng mạng lưới kết nối giữa nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng. Chúng tôi nhận thức rằng, để những phát minh khoa học không chỉ dừng lại ở mức độ “phát minh” mà còn trở thành những sản phẩm, dịch vụ có ứng dụng thực tiễn, giải quyết các vấn đề cụ thể trong xã hội, việc tăng cường kết nối là vô cùng quan trọng.
Ở mùa thứ ba này, chúng tôi sẽ giới thiệu các sáng kiến mới để tạo ra những cầu nối mạnh mẽ hơn giữa các bên liên quan. Điều này bao gồm việc tăng cường tính mở của các sự kiện hội thảo khoa học của Quỹ, nơi mà các nhà nghiên cứu có thể trình bày công trình của mình trực tiếp tới công chúng, doanh nghiệp và những người quan tâm.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ triển khai các chương trình kết nối các nhà khoa học trẻ với những bậc thầy trong lĩnh vực của mình, giúp họ hiểu rõ hơn về quá trình chuyển giao công nghệ, từ ý tưởng, nghiên cứu đến thực tế ứng dụng.
Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một không gian mở, linh hoạt, nơi mà kiến thức và công nghệ không chỉ là quyền lợi của một nhóm người ít ỏi mà có thể được chia sẻ, lan tỏa một cách rộng rãi, ngay cả đến những nơi vốn được coi “vùng trũng” của phát triển khoa học công nghệ. Với sự tăng cường kết nối trong các hoạt động, VinFuture mùa thứ ba hứa hẹn sẽ biến những sự kiện khoa học trở thành trải nghiệm thú vị, mở cánh cửa cho những ứng dụng khoa học công nghệ mang tính cách mạng.
Triết lý và tầm nhìn của VinFuture vẫn luôn kiên định, chúng tôi tiếp tục chú trọng vào việc tôn vinh và thúc đẩy những phát minh khoa học và công nghệ mang lại lợi ích sâu rộng cho cộng đồng, góp phần xây dựng một tương lai bền vững cho nhân loại.
Dù rằng mỗi mùa giải đều mang đến những kỳ vọng và động lực mới, nhưng giá trị cốt lõi của chúng tôi không thay đổi – đó là tiếp tục tập trung vào sự sáng tạo, đổi mới và tác động thực tiễn của các công nghệ và phát minh. Chúng tôi vẫn đặt tiêu chí về sự hữu ích, tính ứng dụng và tầm vóc toàn cầu lên hàng đầu.
Ở mỗi mùa giải, VinFuture không chỉ là nơi trao giải thưởng, mà còn là nền tảng để chúng ta nhìn nhận lại, đánh giá và thấu hiểu sâu hơn về những tiến bộ khoa học, những đổi mới công nghệ đang hình thành và phát triển trên toàn cầu. Điều này không chỉ giúp cộng đồng có cái nhìn rõ ràng, đa chiều hơn về tình hình khoa học công nghệ hiện đại, mà còn mở ra cơ hội để nhận biết và hỗ trợ những tài năng, những ý tưởng sáng tạo tiềm năng.
Vì vậy, mặc dù có những điều chỉnh và cải tiến trong từng mùa giải để phản ánh đúng hơn với những thách thức và cơ hội của thời đại, nhưng triết lý cơ bản của VinFuture – tập trung vào các công nghệ và phát minh mang lại lợi ích cho cộng đồng và xây dựng tương lai bền vững – vẫn được chúng tôi giữ vững và phát huy.
Trong tương lai gần, mục tiêu chính của tôi và các đồng đội ở Quỹ là tiếp tục nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ sự kết nối trong cộng đồng khoa học không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Một môi trường nghiên cứu khoa học phát triển mạnh yêu cầu sự hợp tác và chia sẻ liên tục giữa các nhà khoa học, chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp, và các viện, trường. Chính từ những kết nối này, các ý tưởng sáng tạo và giải pháp hiệu quả nhất cho những thách thức lớn nhất của thế giới sẽ được phát hiện và phát triển.
Chúng tôi dự định triển khai một loạt các chương trình và sự kiện để tạo ra các cơ hội cho sự kết nối và cộng tác như vậy, mở rộng quy mô và đa dạng hoá các phát minh được tôn vinh và thúc đẩy. Chúng tôi cũng mong muốn đem khoa học đến gần hơn với mọi người, từ đó tạo ra sự hiểu biết và đánh giá chính xác về tầm quan trọng của khoa học trong việc hình thành và phát triển một xã hội bền vững.
Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện, phát triển và nâng tầm chất lượng cũng như quy mô của Giải thưởng VinFuture để không chỉ là nền tảng tôn vinh các nhà khoa học, mà còn trở thành cầu nối để kết nối các nhà nghiên cứu, chuyên gia, và các dự án khoa học trên toàn cầu.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu là xây dựng một mô hình hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp, viện, trường học để thúc đẩy các dự án “xanh”, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, không chỉ giúp giải quyết các vấn đề cụ thể trong ngắn hạn mà còn tạo ra một tác động tích cực và lâu dài đến toàn xã hội.
Diệp Nguyễn
Phụ nữ số
Theo Phụ nữ số
Copy link
Lấy link!
https://phunuso.baophunuthudo.vn/gap-le-thai-ha-nu-tien-si-viet-35-tuoi-giam-doc-dieu-hanh-quy-vinfuture-top-2-cac-nha-khoa-hoc-toan-cau-193231020022852368.htm
Nguồn: https://cafef.vn/gap-le-thai-ha-nu-tien-si-viet-35-tuoi-giam-doc-dieu-hanh-quy-vinfuture-top-2-cac-nha-khoa-hoc-toan-cau-188231020102129012.chn