Ngữ pháp của thời trang trong điện ảnh

Ngữ pháp của thời trang trong điện ảnh
Bạn đang xem: Ngữ pháp của thời trang trong điện ảnh tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Sẽ chẳng thể nào kể hết được những khoảnh khắc mà thời trang vung lên cây đũa thần của nó trên màn bạc và biến bí ngô thành cỗ xe vàng ròng – hay nói cách khác, biến những điều nhỏ nhặt thành những bài thơ vô biên về cái đẹp, khao khát, giấc mơ, niềm tin, mất mát, nỗi đau…

Bà Harris là một người giúp việc, một người cọ sàn, một góa phụ vừa mất đứa con trai trong chiến tranh. Một lần nọ, bà trông thấy một chiếc váy mới mà người chủ của mình tậu về với giá 500 bảng Anh – tương đương với khoảng 20.000 bảng Anh ngày nay – để chuẩn bị cho đám cưới của đứa con. Chiếc váy đến từ Paris, và do Christian Dior đích thân thiết kế. Kể từ đó, bà Harris – người gần như đã không còn gì đáng kể trong đời này – chỉ nuôi hy vọng về một giấc mơ: mua được một chiếc váy của Dior. Bà lau hùng hục những sàn nhà ở khắp London, cược tiền vào những cuộc đua chó, ăn tiêu dè sẻn từng đồng, để rồi khi có đủ tiền, số tiền mà bà cuộn lại thành từng bó tiền lẻ, bà đáp chuyến bay đầu tiên trong đời đến Paris, nơi đặt trụ sở nhà mốt Dior.

Câu chuyện về một người phụ nữ lao động chất phác cùng khát khao về chiếc váy thuộc BST Haute Couture của Dior trong bộ phim điện ảnh Mrs Harris Goes to Paris, với dàn diễn viên gạo cội Lesley Manville và Isabelle Huppert, có lẽ là tác phẩm điện ảnh sở hữu những khoảnh khắc thời trang xúc động nhất trong năm qua. Hình ảnh bà Harris với làn da đầy nếp nhăn, sau bao nhiêu gian khó cuối cùng cũng được khoác lên người chiếc váy dạ hội màu xanh mang tên Venus, xoay vòng vòng trong phòng thử đồ của Dior, khiến ta rưng rưng vì một giấc mơ trở thành hiện thực. Và với những khán giả dễ rơi nước mắt thì đoạn phim sau đó, khi Venus bị hỏng và bà Harris quyết định ném nó xuống sông Thames như ném đi một ảo mộng chóng vánh, lại càng trở nên cay đắng hơn.

điện ảnh phim mrs harris

Hình ảnh bà Harris khoác lên người chiếc váy dạ hội màu xanh mang tên Venus của Dior trong Mrs Harris Goes to Paris.

Những bộ đồ tráng lệ sau quá trình cắt may cầu kỳ được bà Harris ngợi ca là quá trình “chế tác ánh trăng” không chỉ là những đạo cụ thông thường. Hơn thế, chúng trở thành những mật ngữ của niềm tin kiên định vào cái đẹp và lòng khát khao về một thế giới tươi sáng hơn nơi những con người bình thường thời hậu chiến hoang tàn giữa thế kỷ 20. Những chiếc váy của Dior được ném vào những nơi chẳng lấy gì làm khang trang, như ngôi nhà trong xóm lao động của bà Harris, như hội khiêu vũ địa phương của những ông bà già, và bất kể ở đâu vẫn không thể che giấu sự tao nhã tuyệt vời của mình. Chúng không chỉ là những chiếc váy, không chỉ là sự đua đòi, chúng là kết tinh của giấc mơ. Và giấc mơ thì không thể cất trong tủ đến khi mối mọt, giấc mơ phải được hít thở, được bày ra, được chiêm ngưỡng.

Trong một tập tiểu luận mang tên Ngôn ngữ của thời trang, triết gia người Pháp Roland Barthes đã từng viết về thời trang như thể đang phân tích một cú pháp xã hội, một ngữ học của lịch sử, và “thông qua hệ thống các dấu hiệu mà thời trang thiết lập, (…) xã hội của chúng ta (…) phô bày và truyền đạt về sự tồn tại của mình, nói lên những điều nó nghĩ về thế giới”. Vai trò của thời trang trong điện ảnh cũng tương tự.

Có lẽ, thứ sẽ ám ảnh bạn nhất khi xem Jackie, tác phẩm tiểu sử về cựu đệ nhất phu nhân nước Mỹ Jackie Kennedy của đạo diễn Pablo Larraín, do Natalie Portman thủ vai chính, không phải là cảnh tổng thống John F. Kennedy bị viên đạn bắn tung sọ khi đang ngồi trên chiếc xe hơi mui trần diễu hành ở thành phố Dallas, mà chính là bộ suit hồng bằng vải bouclé với những chiếc khuy vàng của Chanel mà Jackie mặc trên người vào thời khắc ấy. Máu của người chồng bắn đầy lên Jackie, ông ngã gục vào bà, chiếc đầu nhầy nhụa nằm trọn trên lớp váy. Màu hồng là màu của sự ngây thơ, ngọt ngào, màu của tình yêu, lãng mạn, và người ta vẫn thường nói “cuộc sống màu hồng”, “giấc mơ màu hồng” để biểu thị những ảo tưởng mù quáng. Trớ trêu thay, người phụ nữ trẻ tuổi đã mặc chính màu sắc đó khi chứng kiến cái chết thảm khốc của chồng, khi ngồi bên linh cữu của ông được đưa về Nhà Trắng, khi cố gắng giữ tỉnh táo trong hoảng loạn để chuẩn bị lễ tang tráng lệ cho người đàn ông quan trọng nhất đất nước. Trường đoạn Jackie về đến nhà, thất thểu bước đi, vội vã cởi đồ và cố gắng gột rửa những lớp đỏ loang, không cần một lời nào, chỉ một bộ đồ lịch lãm rớm máu là đủ để lột tả toàn bộ nỗi bàng hoàng và suy sụp của người phụ nữ trẻ tưởng đã có cả thế giới trong tay, và rồi nhìn cả thế giới ấy tan vỡ ngay trong lòng mình.

điện ảnh phim Jackie

Phân cảnh kinh điển trong phim Jackie.

Một món đồ thời trang không biết nói, nhưng những ẩn ý của chúng là vô tận. Chúng ta làm sao có thể quên được hình ảnh công nương Diana do Kristen Stewart thể hiện trong Spencer giật phăng chiếc vòng ngọc trai trên cổ mình trong bữa tối rồi ném chúng vào bát súp, nhai ngấu nghiến như thể đó là thức ăn; Hay hình ảnh đôi giày búp bê đỏ xinh xắn treo lơ lửng của người mẹ xinh đẹp, quyến rũ, vui tươi, đầy sức sống, người đã luôn bí mật giúp đỡ những người Do Thái bị đàn áp trong Jojo Rabbit mà Scarlett Johansson thủ vai. Nếu như chiếc vòng ngọc trai biểu tượng cho một cuộc sống bóng bẩy, lộng lẫy bề ngoài nhưng bản chất thì lạnh lùng cứng nhắc mà Diana phải chịu đựng ngày qua ngày, thì đôi giày đỏ đáng yêu như lấy ra từ trong một câu chuyện cổ tích lại gợi ý rằng, dù đoàn quân phát xít có tàn nhẫn đến đâu, vẫn có một điều gì đó ngây thơ, tươi sáng không thể bị dập tắt.

điện ảnh phim Jojo Rabbit

Hình ảnh đôi giày mang nhiều ẩn ý trong phim Jojo Rabbit.

Và ngay cả khi đạo diễn Wes Anderson trong Asteroid City đã cố ý gửi đi thông điệp rằng đừng bao giờ hỏi những nhà sáng tác về ý nghĩa tác phẩm của họ, chẳng có đâu, ngay cả những chi tiết tưởng là cài cắm nhiều khi cũng chẳng có hàm nghĩa chi, thì hẳn ông cũng vẫn có những ẩn ý khi để nhân vật nàng minh tinh Midge Campbell của Scarlett Johansson mặc những chiếc váy pastel rạng rỡ. Chiếc áo sơmi cộc tay in hoa hay chiếc váy dài màu da cam nổi bật dường như chẳng liên quan gì đến tâm trạng uể oải và mỏi mệt của Midge. Ấy vậy mà, hình như chính những bộ đồ đã giúp nói lên một ngọn lửa tình, một khao khát yêu đương của tuổi trẻ đâu đó vẫn còn đang nhen nhóm trong người phụ nữ trung niên bốc lửa này.

Sẽ chẳng thể nào kể hết những khoảnh khắc mà thời trang vung lên cây đũa thần của nó trên màn bạc và biến bí ngô thành cỗ xe vàng ròng – hay nói cách khác, biến những điều nhỏ nhặt thành những bài thơ vô biên về cái đẹp, khao khát, giấc mơ, niềm tin, mất mát, nỗi đau… Nhưng một bài viết về thời trang trong điện ảnh đương đại thì không thể bỏ qua cảnh phim trong Cruella, khi nàng Estella làm cho nữ nam tước Von Hellman chiếc váy được kết từ những hạt vàng mà thực ra là kén bướm (và bạn có tin không, trên đời có một loại kén bướm mang màu sắc tựa dát vàng như thế thật, là kén của loài bướm cánh hổ Mechanitis polymnia sống ở Trung và Nam Mỹ), chiếc váy mà Von Hellman tin rằng không NTK nào có thể vượt qua vì độ công phu của nó. Bà ta giấu váy trong một chiếc tủ khóa kín để kỳ phùng địch thủ Cruella không thể đánh cắp, nhưng rồi đến khi bà ta mở tủ, một đàn bươm bướm tung bay, chúng tràn ra ngoài như một cơn cuồng phong, thứ còn lại trước sự sững sờ và thịnh nộ của Von Hellman chỉ là xác của một chiếc váy.

điện ảnh phim cruella

Chiếc váy được kết từ những kén bướm trong phim Cruella

Đó không chỉ là khoảnh khắc trêu ngươi của thời trang, mà còn là khoảnh khắc trêu ngươi con người của điện ảnh – và phải chăng thời trang đã gặp gỡ điện ảnh ở đó. Chúng đều là nghệ thuật của những vinh quang phù du, luôn dịch chuyển quá nhanh bằng đôi cánh của mình, đừng hy vọng có thể bắt được chúng. Vì chúng chỉ là ảo ảnh.