Vừa qua, Khoa Nội tiết và Thận của Bệnh viện 363, Trung Quốc, đã tiếp nhận 2 bệnh nhân đặc biệt chỉ trong vòng một tuần.
Theo Sohu cho biết, bệnh nhân đầu tiên nhập viện cách đây 3 ngày. Ban đầu, người này có biểu hiện đau cả hai chi dưới sau khi tập các bài tập kỵ khí. Đây là các bài tập bộ phận, tác động lên một số nhóm cơ, nhịp tim, nhịp thở không đều, lúc tập sẽ nhịn thở nhưng lúc nghỉ tập sẽ tăng bù trừ. Các bài tập kỵ khí có thể kể ra như: tập cơ tay, tập nâng tạ, tập kéo xà, tập chống đẩy, tập kéo giãn lò xo, tập kéo tạ nặng…
Thấy cơn đau nhiều ngày không thuyên giảm, bệnh nhân này mới đến phòng khám ngoại trú Bệnh viện để khám.
Bệnh nhân thứ hai nhập viện cách đây 4 ngày. Người này bị đau cơ ở cả hai chi dưới sau khi đạp xe đạp, nhưng lúc đó không để ý đến. Chỉ khi cơn đau cơ ở chi dưới bên phải dần trở nên trầm trọng hơn trong 2 ngày sau đó, người này mới vội vàng đến bệnh viện cấp cứu để điều trị.
Theo bác sĩ, kết quả xét nghiệm của cả hai bệnh nhân đều cho thấy creatine kinase (chỉ số nhạy cảm nhất về tổn thương tế bào cơ) tăng cao đáng kể. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, các bác sĩ ngoại trú và cấp cứu đã ngay lập tức chẩn đoán hai bệnh nhân bị tiêu cơ vân và cấp giấy nhập viện. Bệnh nhân chưa bao giờ biết về các triệu chứng và nguyên nhân của bệnh trước khi nhập viện, nhưng tiêu cơ vân không phải một căn bệnh hiếm gặp. Một trong những nguyên nhân phổ biến là do tập thể dục quá mức.
Bệnh tiêu cơ vân là gì? Có nguy hiểm hay không?
Hội chứng tiêu cơ vân là một hội chứng lâm sàng, sinh học làm huỷ hoại các tế bào cơ vân, làm giải phóng vào máu các thành phần của tế bào như: myoglobin, kali, photpho,… làm cho người bệnh bị rối loạn điện giải, toan chuyển hoá, sốc giảm thể tích và suy thận cấp.
Hình ảnh cơ vân. Ảnh minh họa: Vinmec.com
Tiêu cơ vân có nhiều nguyên nhân và có thể được chia thành 2 loại: mắc phải và di truyền. Nguyên nhân mắc phải có thể là do chấn thương vì gắng sức, chấn thương do thiếu oxy, nhiễm trùng, do tác dụng bởi nhiệt, thuốc và chất độc. Nguyên nhân di truyền bao gồm thiếu hụt enzym (enzym liên quan đến chuyển hóa carbohydrate hoặc lipid) và bệnh cơ. Nguyên nhân gây tiêu cơ vân cũng có thể khác nhau tùy theo độ tuổi. Ở người lớn, nguyên nhân thường gặp nhất là chấn thương và thuốc, còn ở trẻ em, nhiễm trùng chiếm 1/3 số trường hợp.
Sự xuất hiện tiêu cơ vân ở hai bệnh nhân nhập viện kể trên có liên quan đến việc tập luyện cường độ cao. Khi con người vận động gắng sức, một số tế bào cơ sẽ không chịu được, bị tổn thương nhưng không thể tự chữa lành, dẫn tới hoại tử. Từ đó, một lượng lớn myoglobin và creatine kinase bị phân hủy, gây ra các triệu chứng như đau cơ, yếu cơ (thường là các cơ ở vùng đùi, quanh khớp vai, eo dưới), nước tiểu có màu trà đậm.
Tiêu cơ vân có thể dẫn đến một số biến chứng, trong đó biến chứng nguy hiểm nhất là suy thận. Suy thận xảy ra do ống thận bị tắc bởi các protein của cơ giải phóng vào máu và bài tiết qua ống thận.
Cơ vân bị tiêu làm thay đổi màu nước tiểu. Ảnh minh họa: Vinmec.com
Các biến chứng khác của tiêu cơ vân gồm: hội chứng khoang do tế bào cơ tổn thương dẫn đến sưng nề và gây tăng áp lực ở giữa các khoang của cơ. Hội chứng khoang thường gặp nhất sau tổn thương, chấn thương cẳng chân, thành bụng. Tiêu cơ vân cũng gây ra các rối loạn điện giải gây tăng kali và phospho máu.
May mắn thay, sau khi điều trị kịp thời, nồng độ creatine kinase của hai bệnh nhân đã giảm đáng kể, không xảy ra tổn thương gan, thận và được xuất viện khi tình trạng ổn định.
Cần lưu ý gì khi tập thể dục?
Trước tình huống này, Khoa Nội tiết và Thận của bệnh viện 363 tại Trung Quốc đã đưa ra lời nhắc nhở mọi người không nên tập thể dục một cách mù quáng.
Cần lưu ý:
1. Tránh tập thể dục cường độ cao trong thời gian dài và nên có kế hoạch khoa học, phù hợp điều kiện thể chất của mình.
Ảnh minh họa: Internet
2. Cố gắng tránh tập luyện cường độ cao dưới ánh nắng trực tiếp hoặc trong môi trường nóng ẩm.
3. Bổ sung nước và chất điện giải đúng cách trước và sau khi tập luyện. Một khi bạn có triệu chứng tim đập nhanh, đau cơ và yếu cơ, đi tiểu thường xuyên, khó chịu khi đi tiểu, đau thắt lưng sau khi tập thể dục, đặc biệt nếu bạn có nước tiểu màu đậu nành hoặc tiểu máu, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
*Nguồn: Sohu
Nguồn: https://cafef.vn/tap-the-duc-theo-cach-nay-nguoi-dan-ong-suyt-lam-hong-2-chan-bac-si-neu-gap-trieu-chung-nay-dung-tap-ngay-188231026201937822.chn