Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của Vợ nhặt

Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của Vợ nhặt
Bạn đang xem: Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của Vợ nhặt tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

1. Dàn ý phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của Vợ nhặt:

Mở bài:

Trên cơ sở những thông tin trên giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm.

Giới thiệu vấn đề đề bài yêu cầu phân tích, làm rõ

Thân bài:

* Giá trị hiện thực:

Toàn cảnh nạn đói năm 1945:

–  Ánh sáng của hoàng hôn xám xịt.

– Hình ảnh từ phố chợ đến miền quê:

  • Người chết rải rác nằm bên lề đường, người sống mặt mày xanh xám như những bóng ma
  • Những đứa trẻ ngồi ủ rũ, không buồn nhúc nhích
  • Mùi ẩm thối vấy lên
  • Tiếng quạ gào lên thê thiết.
  • Mội cõi dương có hơi ám cõi âm.

=> Sự tàn phá khủng khiếp của nạn đói phản ảnh một hiện thực thê thảm.

Người lao động:

– Người đàn bà Tràng gặp: quần áo rách tả tơi, gầy sọp vì đói, chẳng còn chút sĩ diện, danh dự. -> Một sự thật mỉa mai, đầy xót xa: con người chẳng khác gì cỏ rác.

– Mẹ con Tràng: cháo cám cầm hơi, tương lai mờ mịt, sinh mạng bị đe dọa. -> thân phận hẩm hiu của con người trước Cách mạng tháng Tám.

=> Vì sự phá hoại của nạn đói số phận con người thật rẻ mạc – sức tố cáo vẫn mạnh mẽ.

* Giá trị nhân đạo:

Trong cảnh bần cùng ấy, người dân Việt Nam vẫn yêu thương, vẫn nhân đạo. Đây là giá trị tư tưởng chính của tác phẩm.

Tấm lòng của mẹ con Tràng:

– Thấy người đàn bà đói thì cho ăn dù  Tràng không dư giả gì. -> Hành động nhường cơm sẻ áo – nghĩa cử cao đẹp.

– Đưa người đàn bà về làm vợ. -> Tấm lòng cưu mang, niềm khao khát hạnh phúc gia đình.

=> đáng trân trọng nhất là trong tình cảnh trong mỗi người vẫn có những phẩm giá tốt đẹp.

Nhân vật Bà cụ Tứ:

– Bà ngạc nhiên đến sững sờ khi Tràng lấy vợ.

– Khi hiểu sự tình, thì xót xa.

– Bà tủi thân vì không lo được cho con nên con trai mới đến nông nỗi này.

– Bà nhìn người đàn bà xa lạ với ánh mắt cảm thông

– Sẵn sàng chấp nhận nàng dâu mới.

– Cụ vẫn tin tưởng: “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”

– Người vợ nhặt bị tơi tả bởi nạn đói vẫn cố vươn lên tìm kiếm hạnh phúc.

=> Phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt Nam: sống nhân ái, luôn cưu mang nhau trong hoạn nạn, luôn khát khao tình thương gia đình, tin tưởng tương lai sẽ tốt đẹp.

Gián tiếp tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít:

– “đằng thì chúng bắt nhổ lúa trồng đay, đằng thì chúng bắt đóng thuế”, chúng đẩy nhân dân đến bước đường cùng.

– Cuối truyện, nghe tiếng trống thúc sưu thuế, bà cụ Tứ kêu lên rằng: “Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ”.

Trân trọng con người:

– Ngợi ca sự sống mãnh liệt của con người: người vợ nhặt như mất nhân cách trong cảnh đói khổ, nhưng đó lại là khát vọng sống của thị, không từ bỏ cơ hội dù là nhỏ nhoi để được sống tiếp/

– Ở Tràng là khát vọng chân thành, mong ước có một gia đình như bao người khác.

– Vẻ đẹp của tình thương người chân thành nên Tràng đã mời thị ăn, vì thương người bà cụ Tứ đón nhận người con dâu được nhặt về.

– Con người luôn có niềm tin vào cuộc sống: cảnh đoàn người phá kho thóc mang lại niềm tin cho bà cụ Tứ và Tràng và thị

Chỉ ra con đường để hướng đến cuộc sống mới:

– Hình ảnh đoàn người đi trên đê Sộp với lá cờ đỏ phấp phới hiện lên.

=> Dấu hiệu của cuộc cách mạng, khiến ta tin tưởng vợ chồng Tràng sẽ tham gia đoàn người cùng đi tổng khởi nghĩa.

Kết bài:

Khái quát chung lại giá trị hiện thực và nhân đạo của Truyện ngắn.

Khẳng định lại giá trị của tác phẩm khi ra đời và cho đến ngày nay.

2. Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của Vợ nhặt:

Truyện ngắn Vợ nhặt là một trong những tác phẩm đặc sắc của nhà văn Kim Lân, in trong tập Con chó xấu xí. Đây là tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài người nông dân làng quê Việt Nam trong thời kì cách mạng và thể hiện đầy đủ quan điểm sáng tác của tác giả về giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực.

Bối cảnh của tác phẩm Vợ nhặt là bức tranh nông thôn Việt Nam trong nạn đói năm Ất Dậu 1945. Đế quốc thực dân Pháp và phát xít Nhật bắt tay nhau buộc người nông dân phải nỗ lực sản xuất phục vụ chiến tranh. Người lao động ở đồng bằng Bắc bộ lâm vào nạn đói khiến gần hai triệu người chết. Hiện thực đó đã được phản ánh trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Khung cảnh làng quê tối tăm với những ngôi nhà lụp sụp, xác chết nằm còng queo bên đường, vẩn lên mùi ẩm thối của xác người trong không khí.

Giá trị của con người rẻ rúng khiến người ta có thể “nhặt” được vợ bên đường. Thông qua truyện lấy vợ của Tràng, Kim Lân đã nói lên sự đen tối của Việt Nam bấy giờ và thể hiện được sự đói nghèo, thân phận rẻ rúng của con người. Cảnh bữa cơm đón nàng dâu của Tràng chỉ vẹn có: giữa cái mẹt rách với lùm rau chuối thái rối, đĩa muối ăn với cháo, nồi cám nấu thành “chề khoán”. Cuối truyện, những con người nghèo khó ấy khao khát về sự đổi thay của số phận. Đó là niềm dự cảm của tác giả về cách mạng thông qua hình ảnh lá cờ đỏ và đoàn người đi phá kho thóc.

Bên cạnh khoảng trầm của hiện thực, còn thấy được giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Nhà văn đã miêu tả những phẩm chất của người lao động nghèo. Mặc dù đang ở mấp mé cái chết, nhưng họ vẫn cưu mang, chia sẻ miếng cơm, manh áo cho nhau. Đó là cảnh bà cụ Tứ chấp nhận nàng con dâu mới dù gia đình rất khó khăn. Tràng có tấm lòng yêu thương con người chỉ làm việc tạm thời nhưng sẵn sàng mua đồ ăn cho người đàn bà xa lạ. Tràng cảm thương cho dáng tiều tụy hẳn đi của thị, Tràng còn đồng ý mang người đàn bà xa lạ ấy về làm vợ của mình dù co chút lo âu. Quyết định bất ngờ đó vừa là khát khao hạnh phúc vừa là nghĩa cử cao đẹp mà Tràng dành cho người bất hạnh hơn mình. Hành động mua hai hào dầu là ánh sáng được thắp lên với hi vọng về tương lai. Đặc biệt, Tràng có sự thay đổi hoàn toàn, thấy trong người có niềm vui khó tả. Từ đó Tràng dấy lên trách nhiệm với gia đình về vai trò trụ cột để xây dựng cuộc sống mới.

Bên cạnh đó giá trị nhân đạo còn được nhìn từ góc của người vợ nhặt. Người vợ ấy bị dồn đuổi đến bước đường cùng, nhưng đã cố bám víu đến cùng, dù phải thành người vợ nhặt. Khát khao sống cho thấy một trái tim nghị lực kiên cường bền bỉ.  Nhà văn thể hiện sự trân trọng với khát vọng hạnh phúc của người nông dân. Bà cụ Tứ cùng các con luôn hướng tới cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Cuối cùng giá trị nhân đạo thể hiện ở hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trong s nuối tiếc của Tràng. Với tinh thần khát khao sống, lòng tin vào tương lai ấy Tràng và người vợ nhặt sẽ cùng nhau tham gia hoạt động cách mạng.

Tác phẩm Vợ nhặt là một thành công lớn của nhà văn Kim Lân khi viết về cuộc sống của người dân nông thôn Việt Nam, với tấm lòng gắn bó sâu nặng và niềm tin tưởng vào những người lao động sẽ đi theo ngọn cờ, ánh sáng của Cách mạng.

3. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt:

Vợ nhặt được rút ra từ tập Con chó xấu xí, xuất bản năm 1945. Đây là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, đồng thời cũng là một những tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài người nông dân và thể hiện đầy đủ quan điểm sáng tác của tác giả. Tác phẩm thấm đẫm giá trị hiện thực và nhân đạo.

Trước hết giá trị hiện thực của tác phẩm được thể hiện trong việc Kim Lân đã tái hiện thành công nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nạn đói năm 1945 phần lớn người dân đã bị đẩy tới cái chết. Kim Lân đã tập trung tất cả bút lực của mình để tạo dựng bối cảnh, không khí nạn đói ấy. Trong văn ông cái đói, cái chết đã hiện hình, nổi cộm sắc nét tạo nên những ám ảnh ghê rợn. Ấn tượng về cái đói cái chết đã được Kim Lân tạo dựng từ nhiều yếu tố, nhưng ấn tượng nhất là thị giác, khứu giác và thính giác. Ở thị giác, ông đã hai lần sử dụng hình ảnh đầy sức ám ảnh: bên cạnh những người chết như ngả rạ, là những người còn sống vật vờ như những bóng ma. Ở đây cái đói đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực, giữa sự sống và cái chết là ranh giới vô cùng mong manh. Nạn đói đã vắt kiệt toàn bộ sự sống của con người để hiện hình thành những bóng ma dật dờ. Ở khứu giác, cái đói cái chết trong văn Kim Lân không chỉ nhìn thấy mà còn có thể ngửi thấy đó là mùi gây của xác người và mùi khét lẹt của các nhà đốt đống rấm. Còn thính giác cũng là những ấn tượng ghê rợn. Âm thanh của những đàn quạ liên thanh cất lên, là tiếng hờn khóc tỉ tê của những gia đình có người chết.

Không chỉ dừng lại ở đó, giá trị hiện thực còn được thể hiện trong thân phận rẻ rúng của những người nông dân nghèo. Người đàn bà chết đói, người gầy sọp đi, hai mắt trũng sâu vào, vì cái đói, vì miếng ăn đã đồng ý lấy Tràng một cách nhanh chóng. Chính cái đói đã khiến người đàn bà ấy mất đi danh dự, sự e thẹn vốn có của một người con gái, mà trở thành một kẻ chỏng lỏn, vì miếng ăn sẵn sàng đánh mất lòng tự trọng của mình. Chỉ với vài bát bánh đúc và một lời nói vu vơ, thị đã chạy đến híp mắt cười tình, đánh mất đi sự e lệ, kín đáo và chấp nhận về làm vợ của Tràng khi không hề biết đến tính cách, con người của Tràng ra sao. Trong hoàn cảnh bị cái đói, cái chết dồn đuổi, thị sẵn sàng bám víu vào bất cứ thứ gì đảm bảo sự sống cho thị. Những chi tiết mà Kim Lân miêu tả đã cho thấy, người vợ nhặt là một người nông dân khốn khổ, bị đẩy đến bước đường cùng nên nhân cách và lòng tự trọng đã bị tha hóa.

Đám cưới với mỗi người là một nghi thức quan trọng nhất trong cuộc đời, nhưng đám cưới của Tràng và người vợ nhặt lại diễn ra hết sức sơ sài, sơ sài đến mức đáng thương. Bữa cơm đầu tiên của nàng dâu mới là nồi cháo cám đắng ngắt mà mọi người ngồi ăn không ai nói với nhau một câu.

Nhưng bên cạnh những mảng màu xám ngắt của hiện thực, ta còn thấy tác phẩm ánh lên giá trị nhân đạo sâu sắc. Trong tăm tối, khi cái đói đeo đuổi tất cả mọi người, tưởng chừng như người ta chỉ quan tâm đến sự sống chết của mình, thì người nông dân Việt Nam vẫn sẵn sàng dang tay cứu vớt những con người có số phận bất hạnh hơn mình. Nó thể hiện rất rõ truyền thống yêu thương đùm bọc “lá lành đùm lá rách” của nhân dân ta.

Tấm lòng nhân đạo của nhà văn trước hết thể hiện trong sự bao dung, tình yêu thương mẹ con Tràng dành cho người vợ nhặt. Tràng mặc dù có ngoại hình xấu xí nhưng lại có tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người. Dù chỉ làm công việc tạm thời, không có ruộng đất nhưng Tràng sẵn sàng mua đồ ăn cho người đàn bà không quen biết. Tràng thương cảm cho người đàn bà khi nhìn thấy hình dáng tiều tụy hẳn đi của thị. Và nhất là Tràng còn đồng ý đem người đàn bà ấy về nhà làm vợ của mình, dù trong Tràng lúc ấy cũng thoáng chút lo âu. Việc lấy vợ của Tràng không phải là một chuyện ngẫu nhiên mà đó là cả một mạch vận động hợp lý. Lần đầu gặp gỡ, Tràng lần đầu tiên nhận được sự quan tâm, đó là cái híp mắt cười tình của một người con gái. Đến lần thứ hai, Tràng xót xa khi người đàn bà phốp pháp lần trước đã biến mất, thay vào đó là một kẻ quần áo rách như tổ đả, gầy hẳn đi. Sự thay đổi bất ngờ nhanh chóng ấy đã dấy lên trong Tràng lòng thương cảm, với bản chất lương thiện và sự đồng cảm của những người đồng cảnh ngộ, Tràng đã nhanh chóng quyết định đưa người phụ nữ đó về nhà để làm vợ của mình. Quyết định nhanh chóng, bất ngờ đó vừa thể hiện khát khao hạnh phúc của Tràng, vừa là sự cưu mang, nghĩa cử cao đẹp mà Tràng dành cho người phụ nữ khốn khổ, bất hạnh hơn mình.

Lấy vợ là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Tràng, bằng những cử chỉ hết sức đơn giản, nhưng cũng đủ cho thấy sự trân trọng của Tràng với người vợ nhặt. Anh cho chị ăn một bữa thật no, mua một cái thúng con và mua ít dầu về đốt cho sáng. Hành động mua hai hào dầu đó còn như thắp lên một tương lai, hi vọng mới cho hai vợ chồng. Đặc biệt, sáng hôm sau khi lấy vợ, Tràng đã có những sự thay đổi hoàn toàn. Tràng thấy trong người lửng lơ, một niềm vui khó tả, khi lần đầu tiên được sống và cảm nhận niềm hạnh phúc gia đình. Và niềm hạnh phúc đó đã dẫn đến những biến chuyển trong nhận thức của Tràng, Tràng dấy lên tinh thần trách nhiệm với gia đình. Ý thức được vai trò trụ cột của mình, cùng tham gia với vợ và mẹ để xây dựng cuộc sống mới.

Còn với bà mẹ của Tràng, có con dâu trong hoàn cảnh éo le này làm bà vô cùng ngỡ ngàng, nhưng sau giây phút bất ngờ, bà đã hiểu ra mọi chuyện. Bằng tình yêu thương với người con trai, sự cảm thông với người vợ nhặt bất hạnh, bà hiểu rằng người ta chỉ dựng vợ gả chồng khi ăn nên làm ra, chứ không ai lấy vợ trong cái đói. Nhưng cùng với tình yêu thương con bà còn tự trách mình, thân phận làm mẹ nhưng lại không lo nổi hạnh phúc cho con. Thương con, lo lắng cho con bao nhiêu bà lại càng ngậm ngùi, xót xa cho thân phận người đàn bà kia bấy nhiêu. Bà không nhìn người con dâu mới bằng ánh mắt cay nghiệt, phán xét mà là cái nhìn đầy cảm thông, bao dung: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ”. Như vậy, bà cụ không chỉ là hiện thân của tình mẫu tử cao cả thiêng liêng mà còn là hiện thân của tình người ấm áp, bao dung, bà đã đưa bàn tay yêu thương để nâng đỡ bao bọc cho những thân phận khốn khổ dù cuộc sống của mình còn muôn vàn khó khăn.

Không dừng lại ở đó, giá trị nhân đạo của tác phẩm còn được nhìn nhận từ góc của người vợ nhặt. Người phụ nữ này bị cái đói dồn đuổi đến bước đường cùng, nhưng với lòng ham sống, cô đã cố bám víu đến cùng, cho dù phải biến thành thân phận vợ nhặt. Khát khao được sống đó cho thấy một trái tim khỏe mạnh, một nghị lực sống kiên cường và bền bỉ ở người phụ nữ này. Như vậy, qua ba nhân vật Tràng, bà mẹ và cô vợ nhặt Kim Lân đã một lần nữa khẳng định lối sống nhân ái, giàu tình cảm và lòng vị tha của nhân dân ta. Không chỉ vậy, trong họ còn tồn tại sức sống mãnh liệt, sẵn sàng vượt qua mọi đói khổ, khó khăn.

Cuối cùng giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện ở cuối bài với hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trong sự tiếc rẻ của nhân vật Tràng. Chắc chắn với tinh thần lành mạnh, lòng yêu cuộc sống Tràng và vợ sẽ tham gia hoạt động cách mạng. Hình ảnh lá cờ đó như một gợi mở về tươi lai tương sáng đang đón đợi họ ở phía trước.

Bằng nghệ thuật miêu tả bậc thầy, Kim Lân đã vẽ ra bức tranh hiện thực tàn khốc về nạn đói năm 1945, khi mạng người bị rẻ rúng đến cùng cực. Nhưng đằng sau bức tranh hiện thực đen tối ấy là ánh sáng của lòng nhân đạo, tình yêu thương, sự bao bọc, chở chở lẫn nhau giữa những con người khốn khổ. Sự hòa quyện giữa hai giá trị hiện thực và nhân đạo đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm.