Nửa năm trước, ông Phùng, 58 tuổi, quản lý đã nghỉ hưu của một doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc, bỗng nhận được cuộc điện thoại của lớp trưởng hồi cấp 3. Người này thông báo, giáo viên chủ nhiệm cũ đang có ý định tổ chức một buổi họp mặt sau 30 năm, để những người bạn cùng lớp có dịp tề tựu với nhau. Ông Phùng đồng ý mà không suy nghĩ gì nhiều, dù gì cũng đã hơn 30 năm mọi người mới gặp lại. Sau khi nghỉ hưu, ông cũng có nhiều thời gian. Không ai ngờ rằng, sau buổi họp lớp đó, cuộc sống của ông đã thay đổi hoàn toàn.
Ảnh minh họa: Internet
01
Phùng Kiên đã làm việc cho một doanh nghiệp lớn trong suốt nửa cuối sự nghiệp của mình. Với những cống hiến của mình, ông về hưu với mức lương hưu khoảng 8.000 NDT (tương đương khoảng 24 triệu đồng), cộng với tiền trợ cấp hàng năm của công ty.
Gia đình ông Phùng có 1 con trai duy nhất, hiện đã lập gia đình và có con nên dọn ra ngoài ở riêng. Tình cảm giữa các thế hệ êm ấm mà không xảy ra quá nhiều mâu thuẫn. Mỗi tháng, ông đưa con trai 3.000 NDT coi như tiền quà bánh cho cháu.
Khi có thời gian, hai vợ chồng ông sang thăm và chơi với cháu trai một lúc. Thỉnh thoảng, họ cũng đón cháu về ở cùng vài ngày trong lúc rảnh rỗi. Từ khi nghỉ hưu, họ còn dành thời gian đi du lịch, tụ tập bạn bè, những việc mà trước kia chưa có thời gian để thực hiện. Ngày tháng hưu trí trôi qua trong vui vẻ và hạnh phúc.
Ảnh minh họa: Internet
02.
Những người bạn cấp 3 gặp lại nhau đều tay bắt mặt mừng. Năm tháng trôi qua, hầu như mọi người đều mất liên lạc với nhau. Nhưng ký ức còn đó, chỉ cần vừa nhắc lại, mọi tình cảm lại ùa về.
Trong bữa tối, giáo viên chủ nhiệm cũ đột nhiên nói: “Các em, ba mươi năm rồi không gặp, các em dạo này thế nào?”
Tất cả trò chuyện rất lâu, mỗi người chia sẻ về hoàn cảnh hiện tại và những trải nghiệm của bản thân. Chuyện sẽ không có gì nếu mọi người không nhắn tới mức lương hưu hiện tại.
Vì trò chuyện vui vẻ, tâm trạng quá thoải mái, ông Phùng thấy mọi người đều chia sẻ con số cụ thể nên cũng thẳng thắn nói rằng: “Vì từng làm cho một doanh nghiệp lớn hơn 10 năm, về hưu ở vị trí quản lý nên lương hưu của tôi là 8.000 NDT”.
Nói xong, ông Phùng nhận thấy các bạn cũ đều nhìn tôi bằng ánh mắt hâm mộ, lúc đó ông chỉ thấy vui vẻ trong lòng.
03
Sau buổi họp lớp, tình cờ, các con cháu đưa nhau về chơi. Trong bữa tối, ông kể chuyện về buổi họp lớp cho các con nghe nhưng không ngờ, phản ứng của mọi người sau đó đều khá kỳ lạ.
Ông gặng hỏi thì người con trai im lặng một lúc rồi mới nói: “Người ta nói của cải không nên lộ ra ngoài, sao bố lại thành thật như vậy? Xã hội ngày nay rất thực dụng, con sợ người khác biết chuyện sẽ bắt đầu nảy sinh lòng đố kỵ, hoặc muốn lợi dụng nhà mình.”
Vợ ông Phùng cũng trách chồng nói năng không cẩn thận, mặc phải điều tối kỵ nhất là khoe khoang tài sản. Không phải tự dưng người ta có câu: “Không sợ bị trộm một lần, chỉ sợ kẻ trộm nhớ thương quanh năm.”
Họ đều cho rằng, những người bạn cũ của ông Phùng hầu như đều làm việc ở quê, chẳng mấy ai lên thành phố kiếm sống, nên chủ yếu có gia cảnh không mấy khá giả. Trong khi đó, ông được đi học đại học, làm việc ở doanh nghiệp lớn, hiện tại về hưu lại có lương hưu cao. Bạn bè lâu năm không gặp, chẳng ai biết tính cách thay đổi thế nào, nhỡ gặp kẻ tiểu nhân tham lam, ganh tỵ, làm chuyện xấu thì không biết đằng nào mà đề phòng.
Tuy nhiên, ông Phùng cho rằng, họ toàn suy diễn vô căn cứ và có thành kiến với những người bạn cũ. Ông gạt phăng lời vợ con mà không thèm nghe vào tai.
04
Không ngờ, 2 ngày sau đó, điều mà vợ con ông Phùng lo lắng đã trở thành sự thật khi ông nhận được cuộc gọi từ Lý Lệ Trân, người bạn cũ vừa gặp hôm trước.
Sau một hồi nói chuyện vòng vo, Lý Lệ Trân mới nói: “Con trai tôi sắp kết hôn, nhưng nhà gái yêu cầu phải mua một căn hộ trong thành phố. Mà giá BĐS ở đó thì anh biết rồi đấy, nhà tôi xoay mãi chưa đủ. Anh Phùng à, có thể cho chúng tôi vay 100.000 NDT được không? Tôi sẽ trả lại cho anh ngay khi có tiền.”
Ảnh minh họa: Internet
Khi nghe điều đó, ông Phùng hơi suy nghĩ. Cách đây mấy năm, khi con trai lấy vợ, vợ chồng ông cũng đã tốn kém không ít để chuẩn bị nhà tân hôn. Sau khi nghỉ hưu, vì đi du lịch nhiều nên về cơ bản, ông cũng không tiết kiệm quá nhiều.
Bấy giờ Lý Lệ Trân đột nhiên gặng hỏi: “Lương hưu của anh cao như vậy, điều kiện sống cũng rất tốt, số tiền ấy với anh không đáng là bao đúng không? Nhưng chúng tôi lại cần gấp lắm, nếu không, chuyện cả đời của con trai tôi coi như hỏng rồi.”
Cuối cùng, ông Phùng đồng ý cho vay 50.000 NDT.
05
Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó. Nhiều ngày sau đó, ông Phùng tiếp tục nhận được nhiều cuộc gọi khác để vay tiền.
Lớp trưởng cũng gọi cho ông: “Ông Phùng này, con gái của Dương Khiết đột nhiên phát hiện bị mắc bệnh bạch cầu, việc điều trị sẽ tốn rất nhiều tiền. Mọi người đều đang quyên góp cho lão Dương đấy.”
Ông Phùng định gửi 1.000 NDT để tỏ lòng giúp đỡ, nhưng vợ ông cản lại. Bà cho rằng, nên quyên góp 600NDT như mọi người trong nhóm. Ông không nên chơi trội hơn người khác, cũng coi như nghĩ đến sĩ diện của bạn bè.
Không ngờ, lớp trưởng nhận được tiền thì gửi tin nhắn ngay trong nhóm chung của cả lớp: “Tôi nhìn nhầm anh rồi anh Phùng ạ. Trong số các bạn cùng lớp, anh là người giỏi giang nhất, gia cảnh tốt nhất, nhưng hóa ra lại keo kiệt như vậy! Con người đúng là thay đổi!”
Vừa nhìn thấy tin nhắn, nhiều người trong nhóm đều chỉ trích ông. Có người nói ông coi thường, có người bảo ông giàu mà hợm hĩnh, không nể mặt bạn bè cũ.
Ông Phùng giải thích nhưng không ai muốn nghe. Tất cả đều là những lời phàn nàn, nói móc, giống như ông đã phạm sai lầm “thương thiên hại lý”.
Mấy ngày liền, thể xác lẫn tinh thần ông đều mệt mỏi. Cuối cùng, ông quyết định rời nhóm, đổi số điện thoại và không liên lạc với mọi người nữa.
Qua chuyện này, ông hiểu rằng: Khó có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Tới tuổi trung niên, thanh danh hay mối quan hệ đều có thể buông xuống, mặc người ngoài nói gì thì nói. Bản thân chỉ nên dành thời gian trân trọng những mối quan hệ chất lượng cao.
*Nguồn: 163
Nguồn: https://cafef.vn/di-hop-lop-vui-mom-tiet-lo-luong-huu-24-trieu-sau-1-thang-toi-voi-doi-so-dien-thoai-188231030163831743.chn