1. Đoạn văn số 1:
Việt Nam được biết đến là một đất nước với những con người có đức tính tốt đẹp và cao quý. Một trong số những đức tính cao quý đó là tinh thần đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ nhau được thể hiện thông qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”. “Lá lành đùm lá rách” là hình ảnh những chiếc lá không còn nguyên vẹn được lá lành đùm bọc để trở nên lành lặn hơn, có thể chống chọi với những khắc nghiệt của thiên nhiên. Đây còn là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho vẻ đẹp nhân cách của dân tộc ta: Những người có điều kiện hơn giúp đỡ, chở che cho người có hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ, lan tỏa yêu thương, đất nước cũng ngày một phát triển hơn. Cuộc sống này dù ở bất cứ thời đại nào cũng vẫn có nhiều mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh. Việc chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ, san sẻ yêu thương đến họ sẽ giúp cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, xã hội phát triển. Khi nhiều con người trong một cộng đồng đều biết san sẻ với người khác, những thông điệp cao cả sẽ được lan tỏa mạnh mẽ, đức tính tốt đẹp cũng vì thế mà được nhân lên, mọi người ai ai cũng giúp đỡ người khác. Một tấm gương lá lành đùm lá rách mà ai trong chúng ta cũng biết đến hoặc nghe qua đó chính là vợ chồng doanh nhân Mailisa. Anh chị thường xuyên tổ chức những buổi phát quà từ thiện rất lớn cho người dân ở các tỉnh trên cả nước, hành động của họ vô cùng cao đẹp, truyền rất nhiều cảm hứng cho mọi người. Nhưng bên cạnh những người có lòng cao quý đó, trong cuộc sống vẫn còn nhiều người vẫn giữ thói thói ích kỉ, vô cảm, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, không quan tâm những đau khổ, bất hạnh mà người khác đang phải trải qua. Có những người khi được người khác giúp đỡ thì trở nên ỷ lại, dựa dẫm vào họ mà không chịu vươn lên… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán. “Lá lành đùm lá rách” là một nghĩa cử cao đẹp của con người trong đời sống. Vậy nên hãy đối xử với người khác bằng cả tấm lòng chân thành, giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình để cuộc sống này tốt đẹp hơn.
2. Đoạn văn số 2:
Người Việt Nam cứ mỗi lần cùng vượt qua khó khăn của giặc ngoại xâm, bão lũ, hoả hoạn, mất mùa, đói kém,… nhân dân ta lại nhắc nhở nhau cách sống thấm đượm tình nhân văn: Lá lành đùm lá rách. Câu tục ngữ nói lên một bài học về đạo lý làm người, về quan hệ giữa con người với nhau. Người ta ở đời, có người, có lúc gặp phải khó khăn, thiếu thốn, hoạn nạn. Sự đùm bọc lẫn nhau, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn là một cách sống cần thiết đầy nhân ái. Lá lành đùm lá rách hiểu nôm na là việc nhường cơm xẻ áo giữa những người có điều kiện cho những người còn khó khăn trong cùng một cộng đồng, trên cùng một đất nước. Đây là chia sẻ, là thông cảm, khi gặp hoạn nạn thì những người không bị hoạn nạn cùng nhau giúp đỡ, đó là lá lành đùm lá rách. Có thể sự giúp đỡ là không nhiều, nhưng nhiều người hợp lại thì sự giúp đỡ lại trở nên rất có ý nghĩa, có thể giúp cho người hoạn nạn vượt qua khó khăn. Lá lành đùm lá rách là cách sống nhân văn đã có tự ngàn xưa của nhân dân Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm xây dựng và phát triển đất nước, truyền thống lá lành đùm lá rách đã được nhân dân ta phát huy một cách mạnh mẽ. Những năm gần đây, bão tàn phá miền Trung, rồi lũ lụt ở đồng bằng Nam Bộ…, làm cho đồng ruộng bị tàn phá, lúa, hoa màu bị mất sạch, nhà cửa,… bị phá huỷ. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của cả nước, dần dần các vùng này đã trở lại cuộc sống bình thường. Khi đất nước đối diện với cơn đại dịch Covid-19, những nhà hảo tâm ra sức quyên góp ủng hộ chống dịch cho các bệnh nhân, đưa đón bệnh nhân miễn phí… Đó là những biểu hiện cao đẹp của một dân tộc bé nhỏ mà giá trị đạo đức vô cùng vĩ đại, khó cường quốc nào có thể sánh bằng. Ở khía cạnh khác, hành động lá lành đùm lá rách không phải chỉ có ý nghĩa giúp đỡ người khác, mà còn chính là tự giúp đỡ mình. Khi gói bánh, lá lành nằm bên ngoài, lá rách nằm bên trong để gói. Gói như vậy thì chiếc bánh mới kín và cứng. Giúp người khác, chia sẻ với người khác để vượt lên khó khăn, đứng vững, chính là góp phần cho đất nước phát triển. Câu tục ngữ lá lành đùm lá rách cũng gợi cho em nhiều suy nghĩ. Đây là cách nói đầy sáng tạo và sâu sắc của người xưa, tục ngữ không chỉ là văn chương mà còn là triết lí. Sống là phải quan tâm đến người khác, phải chia sẻ khó khăn cùng người khác. Đạo lý sống ấy thật là tốt đẹp mà ngày nay ta cần nuôi dưỡng, phát huy.
3. Đoạn văn số 3:
Tình yêu thương, đùm bọc là một trong những sợi dây gắn kết mối quan hệ giữa những con người Việt Nam cùng chung dòng máu. Ông cha ta đã khẳng định điều này thông qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”. Câu tục ngữ nói về về tình yêu thương con người, về sự sẻ chia và giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn. “Lá lành” là lá còn nguyên vẹn, tươi xanh, khi liên hệ đến cuộc sống của con người, nó trở thành hình ảnh ẩn dụ cho những người có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy, may mắn. “Lá rách” là những chiếc lá không còn nguyên vẹn do tác động của thời tiết hoặc do côn trùng gây ra. Chiếc lá rách tượng trưng cho những con người có cuộc sống bất hạnh, thiếu thốn và kém may mắn. Trên cành cây, những chiếc lá xanh tươi, nguyên vẹn và những chiếc lá xấu xí luôn đan cài vào nhau. Trong cuộc sống, bên cạnh những người có cuộc sống may mắn, đủ đầy vẫn luôn có những mảnh đời bất hạnh và kém may mắn hơn. Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” đã thể hiện một bài học mang tính nhân văn cao cả về mối quan hệ giữa người với người: Khi có cuộc sống may mắn, hạnh phúc cần phải biết đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ những con người bất hạnh, khó khăn hơn mình. Sự đùm bọc giữa người với người được thể hiện qua rất nhiều hành động khác nhau. Đó có thể là những việc làm, nghĩa cử hết sức cao đẹp như cứu sống tính mạng của người khác hay giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn,… Dù khác nhau ở hành động nhưng những điều đó đều hết sức cao đẹp và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, cho thấy sức mạnh kì diệu của tình yêu thương. Nhiều phong trào quyên góp, ủng hộ đang diễn ra rộng khắp nơi như “Tết yêu thương”, “Quỹ vì người nghèo”,… đã giúp đỡ rất nhiều cho những hoàn cảnh khó khăn, làm cho khoảng cách giữa người với người xích lại gần nhau hơn. Nhưng bên cạnh những con người giàu lòng nhân ái, sẵn sàng dang rộng đôi tay để nâng đỡ, đôi vai để san sẻ cùng người khác thì trong xã hội hiện nay, vẫn có những con người tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỉ, chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân và thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau, bất hạnh của người khác. Lối sống này cần lên án, phê phán, bởi đó chính là nguyên nhân khiến cho cuộc sống của con người mất đi nhiều ý nghĩa. Để phát huy sức mạnh của tình yêu thương, chúng ta cần biết quan tâm, đồng cảm, sẻ chia và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, nguy hiểm. Chúng ta cần tích cực tham gia và các phong trào quyên góp, ủng hộ và cùng nhau cụ thể hóa, hiện thực hóa giá trị nhân văn cao đẹp.