Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, đường đua phim nội Việt Nam trở nên sôi động và bùng nổ với hàng loạt bộ phim ăn khách, được bảo chứng bởi tên tuổi của các nhà làm phim có thương hiệu hàng đầu như Trấn Thành, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng… Dẫn đầu phòng vé là những bộ phim đậm chất bình dân, tình tiết gần gũi, những câu thoại “đời”. Thị hiếu bình dân chính thức lên ngôi, trở thành nhân tố “hốt bạc” cho làng điện ảnh nhưng cũng tạo nên thách thức đối mặt với sự bão hòa trong chủ đề.
Điện ảnh Việt thắng lớn nhờ chất bình dân
Theo dữ liệu từ của Box Office Vietnam – đơn vị theo dõi phòng vé độc lập tại Việt Nam, chỉ trong 5 tháng đầu của năm 2023, doanh thu phim Việt đã vượt qua con số 1.000 tỷ đồng với tổng số 10 phim ra rạp. Thống kê này minh chứng cho sự bứt phá doanh thu ngoạn mục của điện ảnh Việt sau hai năm lao đao vì đại dịch và một năm 2022 khủng hoảng với hàng loạt bộ phim được kỳ vọng nhưng lần lượt nếm trái đắng.
Trong số các bộ phim làm nên thành tích hơn 1.000 tỷ kể trên, bốn bộ phim chiến thắng giòn giã lần lượt gọi tên Nhà bà Nữ (gần 500 tỷ đồng), Lật mặt 6 – Tấm vé định mệnh (gần 300 tỷ), Đất rừng phương Nam (hơn 140 tỷ), Siêu lừa gặp siêu lầy (hơn 120 tỷ), Chị chị em em 2 (gần 120 tỷ). Thành công vượt trội của các bộ phim “cộp mác” Trấn Thành, Lý Hải, Nguyễn Quang Dũng và đặc sản mang tên “chất liệu bình dân” trong cách khai thác cốt truyện đã tạo nên một xu hướng làm phim mang tính “bình dân hóa” điện ảnh. Dễ dàng bắt gặp nhiều bộ phim khác có chung tham vọng kể những câu chuyện triết lý, xúc động, khai thác tính nhân văn từ những điều bình thường như Con nhót mót chồng, Tro tàn rực rỡ, Đất rừng phương Nam, Người vợ cuối cùng…
Đầu năm 2024, thị trường phim nội địa vẫn sôi động với số lượng phim cùng chung xu thế ra mắt đều đặn. Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2024, phim Việt có thành tích doanh thu đầu năm ấn tượng với trên 700 tỷ đồng. Trong đó phim Mai của Trấn Thành là tác phẩm thắng đậm nhất không chỉ trong năm 2024 đến nay mà còn trong lịch sử của điện ảnh Việt Nam. Câu chuyện về một người phụ nữ tuổi trung niên với cuộc đời đầy biến động và thăng trầm khao khát tìm thấy tình yêu đích thực đã giúp Mai dẫn đầu danh sách tác phẩm Việt ăn khách nhất mọi thời đại với doanh thu lên tới 551 tỷ đồng trong nước. Phim kinh dị Quỷ cẩu của đạo diễn Lưu Thành Tuân được công chiếu vào cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 vẫn thu hút đông đảo khán giả và đạt hơn 108 tỷ đồng doanh thu phòng vé. Gặp lại chị bầu của đạo diễn Nhất Trung dù chưa thể chạm mốc trăm tỷ với con số hơn 91 cũng là doanh thu khấm khá khi khai thác câu chuyện bình dị về tình yêu, cuộc sống và sự trưởng thành.
Ngoài ra, các bộ phim mang đề tài văn hóa thị dân cũng được khai thác rất sôi nổi trên nền tảng YouTube dưới hình thức phim chiếu mạng (web drama). Trước đó, có thể kể đến nhiều cái tên như Hẻm cụt và Bố già của Trấn Thành; Chuyện xóm tui và Thập tam muội của Thu Trang và mới nhất bao gồm Cậu Út Cậu Con Cúc 3 của Huỳnh Lập, Gia Đình Cục Súc của Võ Tấn Phát, Chuyện Nhà Tí của Minh Dự… Khi hàng loạt phim về đề tài bình dân gặt hái khoản doanh thu “khủng” đi kèm sự nảy sinh của vấn đề ăn theo, mối lo về mặt chất lượng, sự bão hòa trong đề tài lại trở nên cấp thiết.
Thách thức trước sự “bão hòa” các đề tài
Thực tế cho thấy, đề tài văn hóa thị dân, chuyện gia đình Việt vẫn luôn là mảnh đất mỡ màng cho các nhà làm phim nhưng để có những sản phẩm hay, chinh phục và đáp ứng nhu cầu của khán giả là điều không hề đơn giản. Phát biểu về bộ phim Con Nhót mót chồng trước đó, diễn viên/nhà sản xuất Thu Trang cũng cho rằng, chính vì phim khai thác chất liệu bình dân nên yêu cầu người làm phim phải biết quan sát, cảm nhận đời sống thường nhật xung quanh mình, phải nắm bắt chuẩn xác những suy tư, tình cảm của con người và chuyển hóa thành những cái nhìn vi tế, lắng đọng, câu chuyện chân thực; nếu làm phim đời mà không giống đời, khán giả sẽ quay lưng ngay. Nhìn thì tưởng dễ nhưng làm ra một bộ phim có thể đại diện cho tiếng nói chung, chạm được vào nỗi đau chung, cái khổ chung và tủi thân chung của người xem là không hề dễ.
Nguyên Lê – nhà phê bình phim/phóng viên điện ảnh chia sẻ các đề tài từ văn hóa thị dân, hành động, hài vẫn cách điểm bão hòa một khoảng xa nhưng “cách thức thì đang dần thay đổi”: “Tôi có thể nói cảm giác này đến từ bao lâu nay về điện ảnh nước mình: Thứ nhất, những rào cản vẫn chưa được tháo gỡ để nhà làm phim có thể sáng tạo, tung cánh nhưng vẫn giữ những điều cốt lõi. Thứ hai, sự trợ giúp vẫn chưa đủ để các nhà làm phim sáng tạo lúc rào cản không còn… Nếu xem mọi yếu tố điện ảnh là một bánh xe, mình chỉ có thể quay nó bấy nhiêu chiều thôi, tương tác với nó chừng ấy thôi nhưng khi cho cái bánh xe ấy thêm yếu tố gì đó nữa – thời tiết khác, một cái bánh xe nữa, địa hình khác chẳng hạn – thì chúng ta sẽ có khả năng làm cái quen thành cái mới” – Anh phân tích.
Cho đến thời điểm hiện tại, Trấn Thành vẫn là cái tên hàng đầu trong làng bảo chứng doanh thu phim Việt với hàng loạt dự án thu trên trăm tỷ. Tuy nhiên, các đề tài trong phim Trấn Thành vẫn đang dừng chân ở vùng an toàn. Đây vừa là dấu ấn, lãnh địa riêng của nam đạo diễn trên bản đồ điện ảnh nhưng nếu không có nỗ lực bước ra khỏi vùng an toàn, những con người với hàng loạt câu chuyện bạo liệt và tăm tối hơn sẵn sàng soán ngôi bất chấp kinh phí sản xuất và danh tiếng cá nhân. Minh chứng cho điều này, tác phẩm Đào, Phở và Piano dù “không kèn không trống”, không có chiến dịch quảng bá rầm rộ vẫn tạo nên một cơn sốt phòng vé và phủ kín khắp các rạp chiếu. Đây là trường hợp điện ảnh có một không hai trong lịch sử phòng chiếu phim Việt. Với sự khởi động đầy hứa hẹn của các dự án chung nguồn cảm hứng lịch sử như Chiến bào của Bá Cường, Địa đạo của Bùi Thạc Chuyên… phần nào cho thấy sự manh nha trỗi dậy của một thế hệ làm phim can đảm và khát khao kể những câu chuyện lịch sử thuần Việt.
Tuy nhiên, trên thực tế, Đào, Phở và Piano vẫn hoàn toàn lép vế Mai về mặt doanh thu. Là bộ phim được đầu tư 20 tỷ đồng, phim cũng chỉ hồi vốn với con số 21 tỷ doanh thu trong khi bộ phim chung bối cảnh Hồng Hà nữ sĩ thất thế hoàn toàn về cả doanh thu lẫn độ phủ sóng. Bên cạnh loạt phim thắng đậm, không thiếu những bộ phim có chung đề tài chịu cảnh ngã ngựa. Đơn cử như Đóa Hoa Mong Manh của Mai Thu Huyền, Sáng đèn của Hoàng Tuấn Cường đều ngậm ngùi rời rạp sau vài tuần công chiếu. Trong tương lai gần, thị hiếu bình dân vẫn tiếp tục đổ bộ rạp chiếu phim Việt với nhiều cái tên đầy tiềm năng chinh phục các cột mốc doanh thu lớn như Lật Mặt 7: Một điều ước, Ngày xưa có một chuyện tình, Kính Vạn Hoa, Làm giàu với ma…
Nhìn vào thị trường phim nước ngoài, vào danh sách phim ngoại ăn khách tại Việt Nam, chúng ta có thể cảm nhận một dòng chảy chủ đề phong phú, đa dạng và nỗ lực tiên phong rất sôi nổi. Sẽ là điểm yếu chí mạng cho điện ảnh Việt nếu chỉ mãi theo đuổi công thức, đề tài phim trăm tỷ. Việc loanh quanh các câu chuyện về gia đình hay thuần giả trí chỉ để chinh phục các cột mốc doanh thu tạm thời, về lâu dài sẽ là nỗi lo cho một nền điện ảnh đang khao khát hội nhập.
Xem thêm
• 8 bộ phim Hàn có điểm IMDb cao nhất trong những tháng đầu năm 2024
• Phim Hàn tháng 4: Xem gì ngoài “Nữ Hoàng Nước Mắt”?
• 37 bộ phim Hàn tình cảm lãng mạn đáng xem nhất 2024
Đi tìm giải pháp “phá trend” bình dân và lối rẽ khác cho điện ảnh
Ngày 12/04, B4S: Trước giờ yêu chính thức ra rạp. Thuộc thể loại tâm lý xã hội được đạo diễn bởi bốn tên tuổi nổi bật: Michael Thái, Huỳnh Duy Anh, Tùng Leo, Phan Gia Nhật Linh. B4S sở hữu một ý tưởng kịch bản độc đáo khi dám dấn thân vào đề tài khó về vấn đề tình dục của giới trẻ hiện đại. Trước đó, Live – Phát trực tiếp, bộ phim thứ ba của đạo diễn Khương Ngọc, được kể bởi hai câu chuyện độc lập, lấy cảm hứng từ trào lưu Mukbang để phơi bày sự khốc liệt trong cộng đồng streamer – những người phát trực tiếp. Cùng loạt tác phẩm như Fanti, Người Mặt Trời, Cù lao xác sống, Maika – cô bé đến từ tương lai… đều có chung tham vọng tiên phong mở đường cho các đề tài mang tính độc đáo và mới lạ.
Chưa tính tới chuyện hay dở, doanh thu cao hay thấp và thành công hay thất bại, việc các nhà làm phim quyết tâm theo đuổi các chủ đề sáng tạo và tái hiện bằng một câu chuyện thuần Việt minh chứng cho thấy nỗ lực khước từ chạy theo các đề tài gia đình, văn hóa thị dân vốn là mẫu số chung của những bộ phim trăm tỷ hiện nay. Việc khai thác các mảng đề tài sáng tạo, độc đáo để đa dạng hóa thị trường phim Việt là điều luôn được ủng hộ nhưng khi quá chú tâm vào cái mới lạ mà không tạo ra được một cốt truyện đủ hay, đủ chạm, xây dựng tâm lý nhân vật rõ ràng sẽ để lại những cú ngã ngựa tiếc nuối.
Sau gần hai tuần trình làng, B4S đang có dấu hiệu thất thu dù trụ rạp với hơn 800 suất chiếu trong ngày. Phim thu được hơn 3,4 tỷ đồng tính đến tối 23/4. Bộ phim bị chỉ trích dữ dội bởi hệ thống câu chuyện thiếu kết nối và các nhân vật mang tính chức năng. Phim đứng giữa hai lằn ranh khen và chê, táo bạo và phản cảm, khá tương tự với trường hợp của Live trước đó, trong câu chuyện mang tính thời sự về hiện tượng mukbang và cũng hoàn toàn lép vế về mặt doanh thu.
Theo nhà phê bình Nguyên Lê, ý tưởng độc đáo nhưng cũng cần những câu chuyện đủ sức chạm và mãn nhãn thị giác để thành công chinh phục những lối đi riêng thay vì chạy theo lối mòn: “Chúng ta nên khám phá nhiều phương thức kể chuyện khác. Nhiều lúc chỉ cần thay đổi phong cách, màu sắc, ánh sáng… mà một câu chuyện quen thuộc ít nhiều cũng sẽ mới mẻ, ‘xem được’. Đừng sợ ‘bỏ rơi’ khán giả, đừng nghĩ khán giả quá yếu ớt để cảm thụ, cứ để họ khám phá cùng nhân vật, đừng giải thích quá nhiều mà quên mất yếu tố ‘ảnh’ trong điện ảnh.”
Nhìn chung, có thể cảm nhận một dòng chảy đề tài đang thôi thúc sự đổi mới, mang đến phong vị mới cho điện ảnh Việt Nam. Dù chưa thực sự gặt hái nhiều thành công trong việc theo đuổi các chủ đề phim mới lạ nhưng ít nhiều cho thấy sự thay đổi trong cách tư duy thực hành, tiếp cận đề tài của cộng đồng nhà làm phim Việt. Bên cạnh đó, việc Live! Phát trực tiếp và B4S: Trước giờ yêu an toàn vượt qua vòng kiểm duyệt của cục điện ảnh cũng là tín hiệu mừng cho các nhà làm phim can đảm thử nghiệm các thể loại mới lạ, bạo liệt hơn hay những đề tài mang tính phản biện xã hội – vốn là lỗ đen của vòng kiểm duyệt phim Việt bấy lâu.