[Gới thiệu sách hay] Sống mãnh liệt

[Gới thiệu sách hay] Sống mãnh liệt
Bạn đang xem: [Gới thiệu sách hay] Sống mãnh liệt tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

“Sống mãnh liệt” của tác giả người Đức Rainer Zitelmann đã tái hiện câu chuyện cuộc đời của những người phụ nữ nổi tiếng, qua đó cho thấy vẻ đẹp tính nữ không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong khát vọng sống và cống hiến, để biến nỗi đau thành chất liệu cho quá trình sáng tạo.

Trong tác phẩm điện ảnh Frida đoạt 2 giải Oscar vào năm 2002, khung cảnh Salma Hayek hóa thân thành nữ họa sĩ tài danh nằm trên chiếc giường 4 cọc để đến buổi triển lãm cuối cùng của cuộc đời mình đã để lại rất nhiều ấn tượng. Bởi lẽ, Frida không chỉ là một biểu tượng nghệ thuật, bà còn là người dám sống, dám làm và dám đấu tranh cho cuộc đời mình. Không chỉ có Frida Kahlo, Helen Keller – tác giả, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Mỹ – hay Margarete Steiff – người đã biến gấu Teddy trở thành hiện tượng văn hóa mang tính toàn cầu, cũng sở hữu câu chuyện tương tự. Dù không được số phận ưu ái, thế nhưng, bằng tất cả nỗ lực, họ đã tồn tại một cách mãnh liệt và ghi tên mình như những tấm gương vượt qua nghịch cảnh.

SỨC MẠNH NỘI TẠI

Với hơn 20 tấm gương người khuyết tật đã làm đổi chiều số phận, đây là tác phẩm truyền nhiều cảm hứng, mang đến bài học về tinh thần bất khuất, không ngừng vươn lên làm chủ cuộc đời. Rất nhiều nghệ sĩ trong tác phẩm này đã bị số phận “đánh cắp” sự vẹn toàn, để rồi trả lại một nghị lực sống phi thường và sức sáng tạo có thể thay đổi thế giới.

Đơn cử như 3 nhân vật đã được nhắc đến ở trên, họ đều gặp biến cố từ khi còn trẻ và phải mang theo di chứng suốt cả cuộc đời. Frida Kahlo phải hỗ trợ cột sống, Helen mất đi khả năng nghe nói còn Margarete có cánh tay yếu ớt, hầu như không thể sử dụng cho mục đích nào. Hành trình khắc phục những điểm yếu này trải qua vô vàn khó khăn, nhưng bằng ý chí kiên cường cùng sự trợ giúp của mọi người xung quanh, họ đã tái sinh để khẳng định giá trị của chính mình.

Đối với họ, sức mạnh nội tại và khát vọng sống là động lực lớn hơn cả. Tuy bị khuyết tật về mặt thể chất, thế nhưng, chính những thách thức không được chọn lựa đã khiến họ càng thêm mạnh mẽ. Nếu Margarete không phải nuôi sống gia đình sau khi chị gái đi lấy chồng, nếu Frida không phải sáng tạo để có thu nhập… thì hẳn là gấu Teddy hay những bức chân dung tự họa vô cùng đặc sắc đã không xuất hiện.

tác phẩm sống mãnh liệt của đức

TẦM VÓC CỦA SỰ SÁNG TẠO

Là những phụ nữ hoạt động trong ngành nghệ thuật, chính trí tưởng tượng và sự sáng tạo đã làm chỗ dựa tinh thần cho bản thân họ. Như Albert Einstein từng nói, “trí tưởng tượng quan trọng hơn cả tri thức, vì tri thức có hạn còn trí tưởng tượng thì không”. Cả 3 nghệ sĩ đã dùng sự sáng tạo để biến nhược điểm thành ưu điểm và đạt được nhiều thành tựu để đời.

Với Helen Keller, bà đã tự tạo ngôn ngữ ký hiệu và gửi đi thông điệp về sự cố gắng, nỗ lực. Trong khi đó, trí tưởng tượng lại đưa Margarete Steiff đến với chú gấu Teddy đeo khuyên tai, dẫu những ngày đầu, công xưởng của bà chỉ may quần áo. Còn với Frida, tâm trí rộng mở đã giải phóng bà ra khỏi nỗi đau về mặt thể xác do tai nạn xe buýt năm 18 tuổi gây nên. Di chứng để lại đã góp phần tạo nên những bức tự họa có sự kết hợp giữa nét thô cứng và mềm mại, nơi xương sống bà giờ đã biến thành cột Ionic (The Broken Column), trong khi bi kịch sảy thai dẫn đến khung cảnh bệnh viện – nơi bà tự giải phẫu mình như cách để giải tỏa những ẩn ức (Henry Ford Hospital). Trong mối quan hệ với người chồng cũ là danh họa nổi tiếng Diego Rivera, việc thường xuyên vẽ những đứa bé mang khuôn mặt của chồng cũng là cách phơi bày rất nhiều ước muốn về mặt tình cảm (The Love Embrace of the Universe) nhưng không bao giờ có thể đạt được của bà.

Với những bước đi táo bạo, sức sáng tạo phong phú và sự hậu thuẫn của định mệnh, Margarete, Frida, Helen nói riêng hay những phụ nữ khuyết tật nói chung đã không ngừng nỗ lực để vượt thoát khỏi số phận hay những khuôn mẫu định sẵn cho mình. Họ đã sống mãnh liệt, với nghị lực sống và sức sáng tạo luôn ngùn ngụt cháy, để lại những giá trị bất diệt cho đời.


Sách: Sống Mãnh Liệt