1. Điều kiện hình thành và phát triển của lịch sử tư tưởng Triết học Việt Nam:
Trên phương diện địa lý, Việt Nam là một nước nằm phía đông – nam châu Á. Vị trí địa lý đó đã tạo lập cơ sở tự nhiên cho khả năng giao lưu, thông thương về kinh tế, chính trị, văn hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và Ấn Độ trong nhiều thế kỷ trước thời cận đại, đặc biệt là với Trung Quốc. Đến thời cận đại và hiện đại còn có sự tiếp xúc với nền tư tưởng và văn hóa thế giới.
Trên phương diện kinh tế, lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm qua là lịch sử của nền kinh tế nông nghiệp, căn bản dựa trên nông nghiệp thiên về trồng trọt, đặc biệt là nông nghiệp lúa nước. Điều này xuất phát từ đặc điểm địa lý Việt Nam.
Trải qua hàng ngàn năm, nền nông nghiệp trồng trọt Việt Nam căn bản dựa trên trình độ lao động thủ công và kinh nghiệm truyền đời của người nông dân, hầu như không có một cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất. Chỉ vào cuối thế kỷ XX mới có cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất nông nghiệp nhưng còn hết sức hạn chế.
Về chế độ sở hữu các tư liệu sản xuất, căn bản dựa trên sở hữu pháp lý của nhà nước về đất đai và các tài nguyên, có sự phân cấp quyền sở hữu thực tế cho các tổ chức làng xã quản lý và sử dụng.
Lịch sử Việt Nam từ thời Lý (1010 – 1225) trở về trước, căn bản thuộc về phương thức sản xuất châu Á và đồng dạng nhiều hơn với đặc điểm kinh tế xã hội của các nước phía nam châu Á: Chỉ từ cuối thời Lý, trải qua các triều đại Trần, Lê, Nguyễn và cận đại mới có sự phát triển nhất định của chế độ tư hữu về ruộng đất. Chính thực tế đó đã làm xuất hiện giai cấp địa chủ trong xã hội, nhưng cũng rất hạn chế.
Do căn bản dựa trên chế độ công hữu về đất đai dưới hình thức sở hữu pháp lý của nhà nước và sở hữu hiên thực làng xã nên về căn bản trong lịch sử Việt Nam không diễn ra sự phân hóa giai cấp sâu sắc. Chỉ khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị thuộc địa mới dẫn tới sự phân hóa giai cấp có phân khốc liệt. Vì vậy, về cơ bản lực lượng thống trị trong xã hội Việt Nam truyền thống là đẳng cấp phong kiến cấu kết với lực lượng giai cấp địa chủ trong các cơ sở làng xã nông thôn. Trong những thời kỳ Bắc thuộc và Pháp thuộc, các lực lượng thống trị đó thường trở thành công cụ cai trị của các thế lực ngoại xâm. Một bộ phận cấp tiến và có tinh thần dân tộc tổ chức dân cư đấu tranh, khởi nghĩa chống lại các thế lực thống trị đó để giành độc lập dân tộc.
Với một lịch sử thành văn trên hai ngàn năm đã có hơn một ngàn năm luôn phải đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bởi vậy, lịch sử chính trị Việt Nam trước hết thể hiện ra trong hiện thực là lịch sử chống giặc ngoại xâm để xây dựng, bảo vệ và củng cố nền độc lập dân tộc. Đây là đặc điểm có liên quan mật thiết với nội dung các tư tưởng triết học Việt Nam.
Về tổ chức xã hội, cơ cấu xã hội truyền thống Việt | Nam là một hệ thống kép mà hệ thống dưới là cơ cấu các | làng xã khép kín của các nhóm cư dân nông nghiệp. Mỗi làng xã Việt Nam là một cơ cấu kinh tế – chính trị, văn hóa hoàn chỉnh khép kín và được duy trì gần như bất biến qua nhiều thế kỷ.
Trong xã hội phong kiến độc lập tự chủ Việt Nam (từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII), nhà nước quan liêu đó luôn có hai nhiệm vụ cơ bản là tổ chức dân cư các làng xã chống giặc ngoại xâm và xây dựng, bảo trì hệ thống thuỷ lợi, tức là thực hiện chức năng kinh tế và an ninh của nhà nước phong kiến Việt Nam.
Cơ cấu xã hội Việt Nam truyền thống đó bắt đầu có những thay đổi nhất định từ khi thực dân Pháp áp đặt nền cai trị theo chế độ thuộc địa (kiểu cũ). Cơ cấu này đã tiếp tục có những thay đổi rất cơ bản trong thời kỳ cách mạng thành công và công cuộc đổi mới hiện nay.
Với cơ sở kinh tế là một nền nông nghiệp lạc hậu tồn tại hàng ngàn năm, lại được bảo tồn bằng một cơ cấu xã hội khép kín của các làng xã đã trở thành cơ sở hiện thực của một nền văn hóa dân dã” hay “văn hóa làng mạc”.
Tri thức là cơ sở trực tiếp cho sự ra đời và phát triển của triết học. Vốn tri thức cơ bản của các cư dân nông nghiệp Việt Nam truyền thống là các tri thức kinh nghiệm được hình thành một cách tự phát nhờ quan sát và tổng kết các hiện tượng của giới tự nhiên có liên quan trực tiếp tới kỹ thuật trồng trọt và đánh bắt. Những tri thức như vậy không đủ để hệ thống hóa thành các khoa học tự nhiên. Một số tri thức về nghề thủ công với tư cách là nghề phụ trong các làng xã không đủ để đạt tới trình độ của công nghiệp và sản xuất hàng hóa phổ biến. Nó thường được phát hiện ngẫu nhiên và trở thành bí quyết của các làng nghề truyền thống. Các tri thức về xã hội của người Việt Nam truyền thống căn bản bị giới hạn ở các hiểu biết mang tính quy phạm giao tiếp trong tổ chức làng xã. Thêm vào đó là những hiểu biết về truyền thống dân tộc mà chủ yếu là qua truyền khẩu.
Khi có sự giao lưu tri thức với các học thuyết lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ, một tầng lớp trí thức không lớn đã có điều kiện tiếp thu theo tinh thần thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, những tri thức từ các học thuyết này chủ yếu là các tri thức về chính trị – xã hội. Toàn bộ những điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội được khái quát vắn tắt trên đây đã trở thành cơ sở hiện thực trực tiếp cho quá trình phát sinh và phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam, trong đó có tư tưởng triết học.
2. Những đặc điểm chủ yếu của lịch sử tư tưởng Triết học Việt Nam:
– Đặc điểm của quá trình hình thành và phát triển các tư tưởng triết học Việt Nam
Quá trình phát triển của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam là quá trình phát triển song trùng hợp nhất giữa hai xu hướng là xu hướng tự thân và xu hướng tiếp biến các tư tưởng triết học được du nhập từ bên ngoài. Cả hai xu hướng này đã bắt đầu diễn ra với một lịch sử khoảng hai ngàn năm từ đầu Công nguyên, đặc biệt là từ thế kỷ X đến nay.
Trong quá trình tiếp biến các hệ tư tưởng triết học được du nhập từ bên ngoài, Nho giáo từ Trung Quốc và Phật giáo có gốc từ Ấn Độ đã đóng góp một vai trò đặc biệt quan trọng. Ở thế kỷ XX và hiện nay, triết học Mác – Lênin và chủ nghĩa Mác – Lênin là các nhân tố chủ đạo.
Rất nhiều quan điểm triết học của các học thuyết nói trên đã trở thành nhân tố hữu cơ của tư duy triết học, quan điểm triết học của người Việt Nam. Nhiều nội dung của các quan điểm đó đã được biến đổi cho phù hợp tư duy triết học truyền thống của người Việt Nam.
Như vậy, lịch sử hình thành và phát triển của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam có đặc điểm khác biệt khá căn bản với lịch sử hình thành và phát triển triết học Trung Hoa, Ấn Độ và nhiều quốc gia dân tộc khác.
– Đặc điểm về nội dung tư tưởng triết học Việt Nam
Có hai nhu cầu đã trở thành “hằng số” của lịch sử Việt Nam. Một là, nhu cầu cố kết cộng đồng dân cư làng xã và cộng đồng quốc gia dân tộc. Chính từ đó đã làm xuất hiện xu thế hướng nội mạnh mẽ. Hai là, nhu cầu học tập người nước ngoài để chống lại sự xâm lược nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Cũng chính vì vậy, ý thức về cộng đồng, về độc lập chủ quyền đã nảy sinh từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam và thường xuyên được nuôi dưỡng, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử. Ý thức đó dần dần được nâng lên thành tư tưởng yêu nước. Có thể gọi tư tưởng ấy là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bởi vì đó là tư tưởng ở chiều sâu của nhận thức và là tư tưởng xuất phát của sự nảy nở và phát triển của cả ý thức hệ lịch sử Việt Nam. Hầu như tất cả những suy tư chiều sâu ở tầm các triết lý Việt Nam đều có ngọn nguồn từ tư tưởng cố kết cộng đồng và độc lập chủ quyền quốc gia dân tộc. Có thể nói, toàn bộ ý thức hệ Việt Nam trong lịch sử đều xoay quanh hai tư tưởng cốt lõi đó.
Do vậy, trong cấu trúc ý thức hệ Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước với nội dung cơ bản là tư tưởng về cố kết cộng đồng và độc lập chủ quyền quốc gia đã thường được xác định ở vào vị trí trung tâm của lịch sử tư tưởng và văn hóa.
– Đặc điểm về hình thức thể hiện các tư tưởng triết học Việt Nam
Các tư tưởng triết học ở tầm hệ thống các quan điểm, thường được trình bày dưới hình thức trước tác của các triết gia và theo phương thức lý luận. Xuất phát từ đặc điểm đó, từ lâu đã có một số nhà nghiên cứu quan niệm rằng không thể nói tới lịch sử triết học Việt Nam ngay cả ở phạm vi chỉ là các tư tưởng triết học.
Thực ra, trước tác lý luận của các triết gia chỉ là một hình thức thể hiện của những tư tưởng triết học. Điều này đặc biệt rõ khi nghiên cứu về lịch sử triết học các nước phương Tây. Đối với lịch sử triết học phương Đông và lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, hình thức thể hiện các tư tưởng triết học không bị giới hạn ở các trước tác, đặc biệt không chỉ theo phương thức lý luận.
Những tư tưởng triết học Việt Nam, ngoài các trước tác của các nhà tư tưởng còn được thể hiện qua rất nhiều hình thức phong phú. Ngay cả hoạt động của các phong trào dân tộc cũng là một hình thức và là một phương thức thể hiện tư tưởng ở chiều sâu của tư duy triết học. Vì vậy, nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam cần đến phương pháp của các khoa học liên ngành, mà trước hết là liên ngành các khoa học xã hội và nhân văn. Cho đến nay đã có nhiều công trình theo phương pháp đó và đã đi tới những kết luận về tư tưởng triết học Việt Nam.