Mùa Hè này, thể thao Việt Nam sẽ bước đến sân chơi Olympic Paris 2024. Trên sàn đấu với CÁC VĐV đẳng cấp nhất thế giới, những bóng hồng tài sắc vẹn toàn dù thi đấu ở các môn thi hay nội dung khác nhau nhưng đều cùng chung một đích đến: mang vinh quang về cho Tổ quốc, đưa hình ảnh phụ nữ Việt Nam đến gần hơn nữa với bạn bè quốc tế.
Khi ngọn đuốc Olympic cháy rực ở Kinh đô Ánh sáng của châu Âu, mùa Hè tranh tài sôi động của những VĐV hàng đầu thế giới sẽ bắt đầu. Thể thao Việt Nam nói riêng và thể thao thế giới nói chung đều đang chạy nước rút để chuẩn bị cho những mục tiêu riêng. Sau khi vượt quá chỉ tiêu 12-15 VĐV tham dự Thế vận hội do lãnh đạo Cục Thể dục thể thao đặt ra, giờ đây, thể thao Việt Nam đang hướng đến giấc mộng huy chương. Trọng trách cao quý đang đặt trên vai những ngôi sao của thể thao nước nhà, đặc biệt là những bóng hồng tài năng, khi có đến 12/16 VĐV là nữ. Trong số đó, đáng chú ý là bộ đôi tài năng Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền của môn bắn súng, cùng “ngọc nữ” cầu lông Nguyễn Thùy Linh.
BẮN SÚNG LẠI MƠ KỲ TÍCH
“Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để không có gì phải hối tiếc. Tôi tin vào học trò của mình. Với họ, chẳng có gì là không thể”, chuyên gia Park Chung Gun của đội tuyển bắn súng Việt Nam chia sẻ vào tối 8/7, ngay trước khi ông cùng hai “trò ruột” Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền lên đường tập huấn chuẩn bị cho Olympic. Trong hành lý mà thầy trò ông Park mang theo, có quần áo, vật dụng cá nhân, dụng cụ hỗ trợ tập luyện, cùng niềm tin không thể lay chuyển rằng bắn súng Việt Nam có thể một lần nữa tạo nên kỳ tích với hai nữ xạ thủ tài năng.
Bắn súng luôn là mũi nhọn của thể thao Việt Nam trong nhiều năm qua. Sau tấm HCV lịch sử của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio 2016, các học trò của chuyên gia Park lại giúp thể thao Việt Nam giải cơn khát vàng ở ASIAD 19 (Hàng Châu, Trung Quốc) khi Phạm Quang Huy vượt xạ thủ Hàn Quốc, thắng ngoạn mục ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Và rồi tại Olympic Paris, mang theo hy vọng của đội bắn súng sẽ là những tài năng trẻ sẵn sàng tiếp nối thành công của thế hệ trước.
Không như đàn anh Phạm Quang Huy, vốn là VĐV “nhà nòi” khi là con trai của xạ thủ nổi tiếng Phạm Cao Sơn, Trịnh Thu Vinh đến với nghiệp bắn súng rất tình cờ. Xuất phát điểm của Thu Vinh là VĐV điền kinh, tập luyện ở đội thể thao Công an Nhân dân từ năm 14 tuổi. Tập chạy 3 năm mà không có thành tích, Thu Vinh được luân chuyển để thử sức ở đội bắn súng. Tuy đều yêu cầu năng khiếu và sự khổ luyện, song điền kinh và bắn súng rất khác nhau. VĐV điền kinh cần sức mạnh, sức bền và năng lượng bùng nổ, còn bắn súng cần sự tập trung, thần kinh “thép” để giữ cho trái tim và khối óc tĩnh tại, không được mắc sai lầm dù là trong khoảnh khắc.
Chuyển sang môn khó và kén người chơi, Thu Vinh đã vô cùng nỗ lực. Sau 3 tháng thử sức, VĐV gốc Thanh Hóa được chọn vào đội tuyển bắn súng. Sau 7 năm, cô gái năm nào còn bỡ ngỡ trong lần đầu chạm tay vào súng giờ đã bắn phát đạn định mệnh đưa bắn súng Việt Nam trở lại đấu trường Olympic. Trịnh Thu Vinh là một trong những học trò được HLV Park Chung Gun đặt kỳ vọng nhiều nhất. Ông khẳng định, Thu Vinh có kỹ năng, độ “lạnh” cùng bản lĩnh để vượt qua nút thắt tâm lý ở thời điểm quyết định – yếu tố then chốt có tác dụng như chiếc cò súng, giúp xạ thủ có thể khai nòng chuẩn chỉ. Tài năng của Thu Vinh được thừa nhận ở giải Vô địch Thế giới 2023, khi bóng hồng của thể thao Việt Nam vượt qua hàng loạt xạ thủ, trong đó có đàn chị Kim Bo Mi (Hàn Quốc), người từng đoạt HCB giải Vô địch Thế giới 2018, để xếp hạng 5 chung cuộc nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, đồng nghĩa với suất dự Olympic. Tiếp đà chiến thắng, Thu Vinh cùng Quang Huy đoạt HCV châu Á nội dung 10m súng ngắn hơi hỗn hợp nam nữ.
Nữ VĐV sinh năm 2000 đến Olympic Paris khi đang ở độ chín nhất sự nghiệp. Dù đặt chỉ tiêu huy chương sẽ đồng nghĩa với áp lực lớn cho Thu Vinh, nhưng ở môn bắn súng, vốn đòi hỏi trí lực nhiều hơn là thể lực, cơ hội sẽ chia đều cho tất cả, thay vì có sự phân tầng rõ rệt ở những môn đặt nặng thể chất như bơi, điền kinh… Hãy nhớ câu nói “không gì là không thể” của ông Park Chung Gun trước ngày lên đường. Thu Vinh đủ sức làm nên chuyện nếu tiếp tục nỗ lực, như ngày đầu tiên cô bén duyên cùng môn bắn súng.
Đồng hành với Thu Vinh là “ngọc nữ” súng trường Lê Thị Mộng Tuyền – xạ thủ đoạt vé đi Olympic nhờ thứ hạng cao ở giải Vô địch Châu Á. Khác với Thu Vinh, Mộng Tuyền được biết đến muộn hơn, ở nội dung súng trường lâu nay không phải trọng tâm như súng ngắn. Tuy nhiên, cô gái Sài Thành có thể là nhân tố gây bất ngờ.
Cô gái trẻ của thể thao TP.HCM đã ghi lại từng khoảnh khắc được đi tập huấn, thi đấu với nụ cười tươi rói đặc trưng. Mộng Tuyền trân quý từng phút giây bắn súng mang lại cho cô. Và trên vũ đài Olympic, ở nội dung 10m súng trường, hãy tin dù có làm nên chuyện hay không, Mộng Tuyền vẫn sẽ cống hiến hết sức vì vinh quang của đất nước.
CHỜ “MỸ NHÂN CẦU LÔNG” TỎA SÁNG
Nhắc đến những bóng hồng tài sắc vẹn toàn mà bỏ qua Nguyễn Thùy Linh, chắc chắn là thiếu sót lớn. “Ngọc nữ” của làng cầu lông Việt Nam đã bền bỉ đi ngược chiều gió trong nhiều năm qua, vượt nhiều khó khăn để đến hôm nay, cô là một trong hai đại diện sáng giá mà cầu lông Việt Nam trông đợi ở Olympic.
“Tôi bén duyên với cầu lông dưới sự dẫn dắt của ông ngoại. Đến năm 10 tuổi, tôi rời quê hương Phú Thọ để lên Hà Nội tập luyện. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, tôi phải quay về vì không nhận được sự ủng hộ của mẹ. Dẫu vậy, tôi quay trở lại sân tập vào năm 14 tuổi với quyết tâm không thể lay chuyển, và bắt đầu con đường thể thao chuyên nghiệp đến bây giờ”, Nguyễn Thùy Linh trải lòng.
Câu chuyện của VĐV sinh năm 1997 không khác mô-típ chung của thể thao Việt Nam: vượt sóng, vượt gió để thành công. Nhưng còn một chi tiết khác ở Thùy Linh khiến nhiều người vừa thương, vừa nể phục. Đó là nghị lực đối chọi với nỗi cô đơn cùng tận mỗi khi thi đấu xa nhà.
Ở Việt Nam, cầu lông là môn thể thao cô đơn, khi VĐV không có HLV bên cạnh, đơn độc sang nước ngoài thi đấu, suốt từ giải này đến giải khác. Đó là những gì Thùy Linh đang chịu đựng, bởi đã trót “dâng mình” cho nghiệp cầu lông có vinh quang mà cũng đầy rẫy vất vả. Bởi vấn đề kinh phí, Thùy Linh không thể có HLV đi cùng mà phải tự tập luyện, tự điều chỉnh chiến thuật, rồi tự hồi phục chấn thương một mình. May mắn cho Thùy Linh, khi trên chặng đường chông gai ấy, có những đôi bàn tay đã chìa ra giúp đỡ cô gái Phú Thọ xinh đẹp ở đất khách quê người. Đó là Pakkawat Vilailak, chuyên gia người Thái Lan đã hỗ trợ Thùy Linh ở giải Phần Lan mở rộng năm 2023, dù khi ấy ông đang huấn luyện một tay vợt nữ Thái Lan khác. Hay ở giải Đức mở rộng hồi tháng 3/2024, Thùy Linh từng mời Lauren Lam, tay vợt bị chính cô loại ở vòng 1/8 để… ngồi vào ghế HLV. Lam đã động viên đến khản cổ và tư vấn đấu pháp cho Thùy Linh, để rồi đôi bạn VĐV – HLV bất đắc dĩ đã dìu nhau vào tới chung kết Đức trong sự thán phục của người hâm mộ.
Trên tất cả, đôi cánh nâng bước Thùy Linh leo lên hạng 22 thế giới là nghị lực phi thường. Cô nói: “Thùy Linh ở hiện tại được tạo nên bởi sự lì lợm, không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn hay cúi đầu trước thử thách. Tôi học cách đứng dậy sau mỗi lần thất bại và ít khi cảm thấy hài lòng với thành tích hiện tại của bản thân. Tôi luôn muốn biết bản thân có thể đi xa đến đâu, mà để làm được điều đó, không có cách nào khác ngoài tiến về phía trước”. 3 năm trước, tại Olympic Tokyo, Thùy Linh chỉ chịu khuất phục trước hạt giống số 2 thế giới Tai Tzu-ying (người sau đó đoạt HCB) trong trận đấu mà “ngọc nữ” Việt Nam khiến đối thủ gặp rất nhiều khó khăn trong set 1. Còn năm nay thì sao? Sẽ tiếp tục là thử thách khó, nhưng chẳng sao, bởi không còn điều gì có thể cản bước Thùy Linh.