Trong hơn một thế kỷ, giải Goncourt danh giá của Pháp chỉ mới trao cho 13 phụ nữ, trong đó, Marguerite Duras là người thứ 7, chiến thắng vào năm 1984 với tác phẩm “Người tình”. Thế nhưng, giới phê bình cho rằng lẽ ra bà phải chiến thắng từ năm 1950 với cuốn “Đập chắn Thái Bình Dương”.
TÁC PHẨM “BỊ BỎ QUÊN”
Dẫu không được ca ngợi đúng với tầm vóc ngay khi ra đời, thế nhưng, giá trị của Đập chắn Thái Bình Dương vẫn vẹn nguyên cho đến ngày nay. Cũng thuộc truyền thống viết tự truyện của các nhà văn đến từ nước Pháp, bộ đôi Đập chắn Thái Bình Dương và Rạp Eden có nhiều chi tiết bắt nguồn từ cuộc đời của mẹ tác giả – một người phụ nữ đi theo tiếng gọi: “Hãy đầu quân vào binh đoàn thuộc địa!” để đến sinh sống tại Réam, một thị trấn biển trên đất Campuchia thuộc Pháp. Lấy bối cảnh vào những năm 1930 của thế kỷ 20, nhân vật chính Dufresne, một giáo viên người Pháp góa chồng, quyết định đến Đông Dương lập nghiệp cùng hai đứa con. Bà gác lại việc dạy học và đánh dương cầm thuê ở rạp Eden. Sau một thập kỷ dành dụm, bà đã đủ tiền để nhận mảnh đất nhượng với hy vọng mình sẽ trồng trọt được ở nơi đây. Nhưng không điều gì xảy ra theo ý muốn của bà.
Nước biển hằng năm cứ thế tràn vào, phá hủy đồng lúa và những nỗ lực của Dufresne. Đứng trước tình cảnh khắc nghiệt, bà đã quyết định xây đập chắn biển ngăn mặn. Thế nhưng, quyết định lần này không giúp ích gì mà còn phá nát cả cuộc đời bà. Đập chắn Thái Bình Dương là tiếng kêu khóc không những cho số phận của những người Pháp “tay không tất sắt” mà còn đại diện cho những người bản xứ bị mất quê hương – những người bị bứng gốc rễ khỏi chính mảnh đất thiêng liêng mà mình đã sống suốt cả cuộc đời bằng súng bằng đạn.
TÒA THÁP CỦA NHỮNG HÌNH TƯỢNG
Bằng khả năng hình tượng hóa đặc biệt, cuốn tiểu thuyết này đã xây dựng nên một hệ thống ẩn dụ độc đáo, đa nghĩa và rất sâu sắc. Thực chất, vùng biển phía Nam Campuchia, nơi tác giả từng sinh sống và lấy làm bối cảnh cho cuốn sách này, chỉ thuộc vịnh
Thái Lan, rồi vịnh biển này mới giáp với Thái Bình Dương. Việc Duras khuếch trương về mặt địa lý không chỉ để “giật tít” mà còn thể hiện sự bất lực trước hiện thực là đại dương bao la này.
Nỗ lực của Dufresne từ việc mặc kệ thiên nhiên (điên cuồng trồng lúa) cho đến nhận ra thực tại (xây dựng đập chắn) để rồi cuối cùng chỉ đành buông xuôi… cho thấy sự thua cuộc của cái nhỏ bé – nhân tạo (đập chắn) trước cái hùng vĩ – hệ thống (biển Thái Bình Dương). Cái “hệ thống” ấy cũng hàm chứa hình ảnh của chế độ thuộc địa, là bộ máy đã cướp đi món tiền dành dụm suốt 10 năm trời và chỉ để lại cho bà mảnh đất vô sinh, trở thành tù nhân của sự hy vọng. Chúng lừa những người như bà để bỏ túi riêng những khoản tích góp khó khăn. Chính thực tại ấy đã vắt kiệt Dufresne, khiến bà buồn khổ và rồi điên loạn khi mất tất cả, không còn lại gì trong tay.
Bằng cách phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc và xây dựng cảm giác chênh vênh giữa 2 bến bờ – là người Pháp nhưng đã tiếp xúc với Đông Dương ngay từ rất nhỏ, tác giả Duras cũng tạo nên thế lưỡng nan sâu sắc. Cảm xúc của các nhân vật được bà tái hiện vô cùng phức tạp, khi họ không chỉ bị những người đồng hương giàu xổi xem thường mà còn bị xúc phạm bởi cả những người bản xứ bỗng chốc giàu lên. Và rồi, việc những đứa con dần dần đi khỏi mảnh đất ấy chính là cái kết cho sự sụp đổ nơi đập chắn tinh thần của người mẹ.
Với tiểu thuyết này, Duras đã khắc họa sâu thêm bản lai diện mục phức tạp của mình, đồng thời tố cáo hệ thống thuộc địa tham lam, vắt kiệt con người đến tận cùng. Có thể nói, Đập chắn Thái Bình Dương là một bản cáo trạng ở chính giai đoạn mà nó ra đời, nhưng ở thời điểm này, nó cũng là khúc tráng ca về nghị lực mạnh mẽ của con người, dẫu chờ đón họ là một kết cục không thể khác đi.