1. Dàn ý Phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ:
* Mở bài: Giới thiệu bối cảnh của câu chuyện
– Đêm trước khi diễn ra chiến dịch Biên giới.
– Bác đến thăm một đơn vị bộ đội và nghỉ lại trong lều trú quân của chiến sĩ.
– Trời mưa lạnh, Bác thức suốt đêm, không ngủ.
* Thân bài: Diễn biến câu chuyện
– Lần thứ nhất thức giấc: Anh đội viên thức giấc, thấy Bác ngồi suy nghĩ bên bếp lửa rồi đi dém chăn cho từng chiến sĩ. Anh mời Bác đi ngủ. Bác khuyên anh hãy yên tâm mà ngủ Đề ngày mai đánh giặc.
– Lần thứ ba thức giấc: Trời gần sáng mà Bác vẫn thức. Anh đội viên tha thiết xin Bác hãy đi ngủ để giữ gìn sức khoẻ. Bác trả lời vì thương bộ đội, dân công phải ngủ ngoài rừng nên không thể nào nhắm mắt. Cảm động, anh đội viên thức luôn cùng Bác.
* Kết bài: Tình cảm của anh đội viên đối với Bác
– Càng thêm yêu mến, kính phục Bác Hồ.
– Vui sướng, tự hào được làm người chiến sĩ chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, của Bác Hồ.
2. Phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ:
2.1. Phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ cảm xúc:
Đêm nay Bác không ngủ của tác giả Minh Huệ viết năm 1951, là một trong những bài thơ thành công nhất ngợi ca Bác Hồ và đã trở nên quen thuộc với biết bao thế hệ. Câu chuyện kể về một đêm không ngủ của Bác Hồ trên đường hành quân chiến dịch. Bài thơ thể hiện tấm lòng yêu thương bao la, vô hạn của Bác với bộ đội và nhân dân, đồng thời thể hiện sự yêu mến, kính trọng của cán bộ chiến sỹ với Bác Hồ.
Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ thể thơ năm chữ thích hợp với lối kể chuyện kết hợp miêu tả. Đây là bài thơ tự sự trữ tình có nhiều chi tiết giản dị và cảm động được viết như một câu chuyện kể người thật việc thiệt. Có khung cảnh, không gian, thời gian, con người, có diễn biến câu chuyện, có cả lời thoại của hai nhân vật (anh đội viên và Bác Hồ).
“Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ.
Lặng yên nhìn bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm.
Ngoài trời mưa lâm thâm
Mái lều tranh xơ xác.”
Hai khổ thơ đầu giới thiệu thời gian, không gian của câu chuyện, hình ảnh Bác Hồ và anh đội viên. Trong đêm khuya, trời mưa, gió lạnh, anh đội viên thức giấc, thấy Bác đang ngồi bên bếp lửa. Anh băn khoăn hỏi, sao trời đã khuya lắm rồi mà Bác vẫn ngồi một mình trước bếp lửa. Anh âm thầm dõi theo diễn biến xúc cảm trên nét mặt dõi theo từng cử chỉ ân cần của Bác. Anh xúc động biết rằng Bác đang lặng lẽ đốt lửa để sưởi ấm tâm hồn anh em.
“Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm”
Trong lòng anh đội viên dấy lên tình cảm yêu thương, kính trọng Người vô hạn.
“Rồi Bác đi dém chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng ”
Bác coi trọng giấc ngủ của chiến sĩ nên nhón chân nhẹ nhàng rồi đắp chăn chu đáo từng người một. Bác ân cần chu đáo không khác nào như bà mẹ hiền từ yêu thương, săn sóc cả đàn con. Cử chỉ nhón chân nhẹ nhàng của Bác là một chi tiết đặc sắc, hết sức giản dị mà xúc động, bộc lộ tấm lòng yêu thương tha thiết và sự chu đáo, ân cần của vị lãnh tụ với bộ đội
“Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng.”
Ngọn lửa chập chờn soi bóng Bác khi mờ khi tỏ. Anh mơ màng thấy bên ánh lửa chập chờn, bóng Bác cao lồng lộng soi trên vách nứa cheo leo, vừa chập chờn mờ ảo, vừa ấm áp thân thương. Bác như ông Bụt, ông Tiên thấp thoáng giữa chốn rừng sâu, giữa đêm khuya, dưới túp lều tranh. Thực cùng mộng đan cài với nhau, tạo nên tranh ảnh tuyệt đẹp về Bác.
“Thổn thức cả nỗi lòng
Thầm thì anh hỏi nhỏ:
Bác ơi Bác chưa ngủ
Bác có lạnh lắm không?”
Anh đội viên lo lắng tha thiết mời Bác đi nghỉ, vì đêm đã khuya rồi mà Bác vẫn chưa đi ngủ. Nỗi lo Bác ốm cứ bề bộn trong lòng anh.
“Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc”
Nhưng Bác không trả lời câu hỏi của anh mà ân cần khuyên nhủ:
“Không biết nói gì hơn
Anh nằm lo Bác ốm
Lòng anh cứ bề bộn
Vì Bác vẫn thức hoài
Chiến dịch hãy còn dài
Rừng lắm dốc lắm ụ
Đêm nay Bác không ngủ
Lấy sức đâu mà đi?”
Vâng lời anh nhắm mắt nhưng bụng vẫn bồn chồn. Nỗi lo lắng của anh thật thiết thực, bởi trong suy nghĩ của anh, Bác là linh hồn chiến dịch.
“Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc.”
Lần thứ ba thức dậy, anh đội viên hốt hoảng giật mình khi thấy Bác vẫn không ngủ mà tập trung suy nghĩ cao độ.
“Anh vội vàng nằng nặc Mời Bác ngủ Bác ơi Trời sắp sáng mất rồi Bác ơi! Mời Bác ngủ!” Anh lo lắng vì sợ Bác mệt, không tiếp tục được cuộc hành trình. So với lần trước, lần này anh đội viên năn nỉ mạnh dạn hơn, tha thiết hơn.
“Bác thức thì mặc Bác
Bác ngủ không an lòng
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn.
Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt!
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau.”
Cảm động trước nhiệt tình của người chiến sĩ, Bác thấy cần phải giải thích nguyên nhân mình không ngủ để cho anh yên tâm: Lý do Bác không ngủ vì Bác lo cho bộ đội, dân công đang ngủ ngoài rừng. Tuy không thấy tận mắt, nhưng Bác cảm nhận rất cụ thể những gian lao vất vả của họ.
“Anh đội viên nhìn bác
Bác nhìn ngọn lửa hồng
Lòng vui sướng mênh mông
Anh thức luôn cùng Bác”
Câu nói của Bác đã khiến tâm hồn anh chiến sĩ lay động và thấm thía tấm lòng nhân ái cao cả của vị Cha già dân tộc. Được nghe những cử chỉ và lời nói thấm đẫm tình thương và đạo lý cao cả của Bác Hồ, anh chiến sĩ thấy trong lòng anh tràn ngập một niềm hạnh phúc. Bác đã khơi dậy tình đồng đội, tình giai cấp trong sáng, cao cả. Khi đã hiểu rõ tư tưởng của Bác đối với các chiến sĩ: Lòng vui sướng mênh mông, Anh thức mãi cùng Bác.
“Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh”
Riêng ở đoạn cuối, chúng ta thấy có sự kết hợp hài hoà giữa cảm xúc của nhà thơ và tâm trạng người chiến sỹ. Nhà thơ đã đặt bản thân vào vị trí của anh chiến sỹ để chiêm nghiệm, suy tư về Bác. Chính vì thế mà cảm xúc của nhà thơ đạt được mức độ chân thực và sâu lắng. Bài thơ thể hiện tình cảm kính yêu của quân đội và nhân dân Việt Nam với Bác Hồ. Đồng thời là niềm kính yêu, ngưỡng mộ sâu xa và trân trọng đối với vị lãnh tụ kính yêu cao cả mà lại giản dị.
Tình cảm của nhà thơ được thể hiện xuyên suốt khổ thơ. Đêm nay không ngủ được diễn tả trong bài thơ cũng là một trong vô số những đêm không ngủ của Bác. Cuộc đời Người đã dành trọn vì đồng bào, Tổ quốc. Chúng ta nguyện sống, học và làm việc thế nào cho xứng với Bác kính yêu.
2.2. Phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ sâu sắc:
Bác Hồ vị cha già kính yêu của nhân dân, tấm lòng, tầm vóc lớn lao của Bác đã là niềm cảm hứng sáng tạo đối với bao thế hệ tác giả. Viết về Bác ta không thể không kể đến tác phẩm Đêm nay Bác không ngủ của nhà thơ Minh Huệ. Tác phẩm đã vẽ bức chân dung của người cộng sản vừa bình dị, đơn sơ mà vĩ đại, to lớn.
Bài thơ như là một câu chuyện nhỏ nhưng vô cùng cảm động thể hiện tấm lòng thương yêu vô bờ bến của Bác với đồng bào, với những người chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu. Câu chuyện mở ra ở đây vào một đêm đông giá rét khi Bác nằm trong rừng sâu với anh em chiến sĩ. Qua lời kể của anh đội viên, ta thấy Bác hiện lên vô cùng bình dị, gần gũi.
Với tư cách là một nhà lãnh đạo, một vị lãnh tụ lẽ ra Bác sẽ nhận được sự quan tâm, săn sóc chu đáo từ mọi người, dù ngủ ở một nơi an toàn, ấm cúng hay xa lạ, Bác hoà mình vào nhịp sống với bao người dân chiến sĩ. Anh đội viên hết sức ngạc nhiên, khi biết Bác tuổi đã cao nhưng vẫn xung phong lên đường hành quân giữa đêm mưa lạnh và ngay cả khi đêm đã về khuya bác cũng không ngủ:
“Lặng yên bên bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm”
“Rồi Bác đi dém chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng”
Bác ngồi lặng lẽ bên ngọn lửa lo cho những anh lính ngoài kia mà đang chống chọi với gió rét, với sự hiểm nguy, Bác lo cho đất nước, lo cho tương lai của đất nước. Những cử chỉ của Bác rất nhẹ nhàng, ấm áp, cái bước chân nhẹ khiến người đọc hình dung Bác như người cha đang lo cho từng người con của mình.
Bởi vậy mà anh thanh niên đã phải thốt lên: “Dáng bác cao vời vợi/Ấm như đốm lửa hồng”. Tình cảm yêu thương bao la của Bác còn ấm hơn ngọn lửa thật ấy, nó có sức mạnh không những sưởi ấm cơ thể còn làm sưởi ấm cả trái tim, làm sống dậy lòng yêu nước của người chiến sĩ.
Lần thứ ba thức dậy, anh giật mình khi nhìn thấy Bác đang ngủ “đinh ninh”, anh run run, thiết tha xin Bác ngủ. Giọng anh hết sức chân thành, đó là lời nói sâu thẳm từ trong lòng, bày tỏ sự lo lắng về bệnh tình của Bác. Đáp trả anh, lời nói của Bác rất ân cần, ấm áp: Chú hãy ngủ ngon/Ngày mai đi đánh giặc.
Tình cảm yêu thương, quan tâm, lo lắng của Bác cũng được bộc lộ rõ ràng thông qua lời nói: Bác thức thì mặc bác/Bác ngủ không yên lòng/Bác thương đoàn dân công/. .. Càng thương càng sốt ruột/Ước sao sáng nhanh thôi. Trong cái lạnh giá của mùa đông, những khó khăn của hiện thực Bác không bao giờ nghĩ về mình mà luôn lo lắng, quan tâm, để dành hết tình cảm yêu thương cho dân, cho nước. Tấm lòng của Bác thật bao la, rộng tựa biển cả. Trước tấm lòng của Bác, anh đội viên đã có một hành động rất giản dị, thiết thực “anh thức luôn cùng Bác”.
Bài thơ viết theo thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu, phù hợp với lối ca dao của Nghệ Tĩnh, dễ nhớ, dễ thấm vào lòng người đọc. Cùng với đó, tác giả sử dụng lớp ngôn từ, hình ảnh sinh động, phối hợp nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ: so sánh (Bóng bác cao vời vợi/Ấm như đốm lửa hồng); phép ẩn dụ (Người cha tóc bạc). Lối kể truyện theo trình tự thời gian chặt chẽ, diễn tiến tự nhiên, hợp lý, tác giả đã khắc hoạ thành công hình tượng người cha cao tuổi của mình.
Đêm nay Bác không ngủ là bài thơ nhiều xúc cảm, dễ đi vào lòng người. Qua bài thơ ta không những thấy tấm lòng yêu thương, tôn kính của anh đội viên với Bác. Mà còn thấy tấm chân dung cao đẹp của người lãnh tụ kính yêu với tấm lòng quan tâm, yêu thương đối với đồng bào, chiến sĩ.
3. Sơ đồ phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ: