1. Khái niệm về đô thị hóa:
Mở đầu trang 16 Chuyên đề Địa Lí 10: Đô thị hóa là gì? Đô thị hóa ở các nước phát triển và các nước đang phát triển khác nhau như thế nào?
Lời giải:
- Khái niệm: Đô thị hóa không chỉ là quá trình tăng quy mô dân số đô thị và mở rộng diện tích đô thị, mà còn bao gồm cả những thay đổi về phân bố dân cư, cơ cấu dân số, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và trong lối sống, văn hóa, tổ chức không gian môi trường sống.
- Đô thị hóa ở các nước phát triển và các nước đang phát triển
+ Nước phát triển là các nước có trình độ cao, đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, có công nghệ tiên tiến, thu nhập bình quân đầu người cao,… Phần lớn các nước phát triển thuộc châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương.
+ Các nước đang phát triển hầu hết đang thực hiện công nghiệp hóa, mức độ phát triển công nghiệp chưa cao, thu nhập bình quân đầu người nhìn chung còn thấp,… Đa số các nước đang phát triển thuộc châu Phi, châu Á, Mỹ La-tinh.
Câu hỏi trang 16 Chuyên đề Địa Lí 10: Đọc thông tin trong mục 1, hãy trình bày khái niệm đô thị hóa.
Lời giải:
Có nhiều quan niệm khác nhau về đô thị hóa.
- Theo nghĩa hẹp: Đô thị hóa là quá trình phát triển đô thị, với biểu hiện đặc trưng là tăng quy mô dân số và diện tích đô thị.
- Theo nghĩa rộng: Đô thị hóa không chỉ là quá trình tăng quy mô dân số đô thị và mở rộng diện tích đô thị, mà còn bao gồm cả những thay đổi về phân bố dân cư, cơ cấu dân số, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và trong lối sống, văn hóa, tổ chức không gian môi trường sống.
Câu hỏi trang 17 Chuyên đề Địa Lí 10: Dựa vào thông tin mục 2 và hình 2, hãy:
- Nêu ý nghĩa của tỉ lệ dân thành thị.
- Nhận xét sự phân hóa về tỉ lệ dân thành thị của các nước, năm 2020.
Lời giải:
* Ý nghĩa tỉ lệ dân thành thị
- Nhìn chung, tỉ lệ dân thành thị là chỉ báo về mức độ đô thị hóa của một quốc gia. Tỉ lệ dân thành thị lớn thường thể hiện mức độ đô thị hóa cao.
- Tỉ lệ dân thành thị cho biết trình độ phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia. Nhìn chung, những khu vực và các nước có tỉ lệ dân thành thị cao có hoạt động kinh tế phát triển hơn và chất lượng cuộc sống của dân cư cũng cao hơn những khu vực và quốc gia có tỉ lệ dân thành thị thấp.
* Sự phân hóa về tỉ lệ dân thành thị của các nước năm 2020
- Các nước trên thế giới có tỉ lệ thị dân khác nhau, phân hóa theo lãnh thổ.
- Các quốc gia/vùng lãnh thổ có tỉ lệ thị dân cao là châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương.
- Các quốc gia/vùng lãnh thổ có tỉ lệ thị dân thấp là châu Phi, châu Á, Mỹ La-tinh.
2. Đặc điểm đô thị hóa:
Câu hỏi trang 19 Chuyên đề Địa lí 10: Dựa vào thông tin mục 1, bảng 1 và hình 2, hãy phân tích đặc điểm đô thị hóa ở các nước phát triển.
Trả lời:
* Đặc điểm đô thị hóa ở các nước phát triển:
- Quá trình đô thị hóa diễn ra sớm, gắn liền với công nghiệp hóa
+ Vào cuối thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX, cách mạng công nghiệp diễn ra, dẫn đến đô thị hóa nhanh ở nhiều nước tư bản châu Âu và Bắc Mỹ.
+ Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa gắn liền với nhau nên các đô thị thường có quy hoạch đồng bộ về cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước,…).
+ Cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu lao động xã hội chuyển biến theo.
- Số dân thành thị tăng nhưng tốc độ tăng dân số thành thị lại giảm
+ Số dân thành thị ở các nước phát triển không ngừng tăng, đạt 1003.5 triệu người vào năm 2020.
+ Tốc độ tăng dân số thành thị ở các nước phát triển lại có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do: các nước đã hoàn thành công nghiệp hóa; đô thị hóa đã đạt trình độ cao; dân thành thị chuyển từ vùng trung tâm về các đô thị vệ tinh hoặc ra vùng ngoại ô.
- Tỉ lệ dân thành thị cao nhưng không đều giữa các khu vực, các nước
+ Tỉ lệ dân thành thị của phần lớn các nước phát triển đều cao hơn mức trung bình của thế giới và của các nước đang phát triển.
+ Các khu vực có tỉ lệ dân thành thị cao như: Bắc Mỹ, Bắc Âu, Tây Âu,… Các khu vực có tỉ lệ dân thành thị thấp hơn là Đông Á, Đông Âu.
+ Tỉ lệ dân thành thị cũng có sự khác nhau rõ rệt giữa các nước.
- Số lượng đô thị tăng chậm hơn ở các nước đang phát triển
+ Các siêu đô thị (Niu Oóc và Tô-ky-ô) ra đời đầu tiên ở các nước phát triển.
+ Năm 2020 trên toàn thế giới có 34 siêu đô thị, các nước phát triển chỉ có 6 siêu đô thị.
3. Quy mô đô thị:
Câu hỏi trang 20 Chuyên đề Địa lí 10: Đọc thông tin mục 2, hình 3 và bảng 2, hãy:
- Phân biệt quy mô đô thị ở các nước phát triển.
- Xác định vị trí các siêu đô thị của các nước phát triển.
- Nhận xét sự thay đổi quy mô dân số của các siêu đô thị ở các nước phát triển trong giai đoạn 1950 – 2020.
Trả lời:
Yêu cầu số 1:
- Phân biệt quy mô đô thị ở các nước phát triển: dựa vào quy mô dân số
+ Đô thị nhỏ có số dân từ 0,3 đến dưới 1 triệu dân.
+ Đô thị trung bình có số dân từ 1 đến dưới 5 triệu dân.
+ Đô thị lớn có số dân từ 5 đến dưới 10 triệu dân.
+ Đô thị cực lớn (siêu đô thị) có từ 10 triệu dân trở lên.
- Xác định vị trí các siêu đô thị của các nước phát triển: Tô-ky-ô, Ô-xa-ca (Nhật Bản); Niu Oóc, Lốt An-giơ-lét (Hoa Kỳ); Pa-ri (Pháp), Mát-xcơ-va (Nga).
- Yêu cầu số 2: Nhận xét sự thay đổi quy mô dân số của các siêu đô thị ở các nước phát triển trong giai đoạn 1950 – 2020: Nhìn chung quy mô dân số của các siêu đô thị ở các nước phát triển đều tăng trong giai đoạn 1950 – 2020, tuy nhiên có thể chia làm hai thời kì:
+ Thời kỳ tăng nhanh từ 1950 – 2000: quy mô dân số của các siêu đô thị ở các nước phát triển tăng nhanh. Đặc biệt như siêu đô thị Tô-ky-ô (Nhật Bản) tăng từ 11,3 triệu người (1950) lên đến 34,5 triệu người (2000), tăng 23,2 triệu người trong 50 năm.
+ Thời kì tăng chậm và ổn định từ 2000 – 2020: trong 20 năm này, quy mô dân số của các siêu đô thị ở các nước phát triển tăng chậm và giữ ổn định. Cụ thể như Tô-ky-ô (Nhật Bản) tăng từ 34,5 triệu người (2000) lên 37,4 triệu người (2020), chỉ tăng 2,9 triệu người trong 20 năm.
4. Xu hướng đô thị hóa:
Câu hỏi trang 22 Chuyên đề Địa lí 10: Dựa vào thông tin mục 3, hình 6 và bảng 3, hãy nhận xét và giải thích xu hướng đô thị hóa ở các nước phát triển.
Trả lời:
* Nhận xét và giải thích xu hướng đô thị hóa ở các nước phát triển.
- Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm. Vì tốc độ đô thị hoá của các nước phát triển sẽ duy trì ở mức thấp và chậm dần.
- Quy mô dân số đô thị, nhất là siêu đô thị ít thay đổi. Vì đô thị quá chật chội và đông đúc, số dân ở các siêu đô thị sẽ hầu như không thể tăng thêm. Xu hướng người dân chuyển ra vùng ngoài đô thị vì rộng rãi, thoải mái hơn.
- Các đô thị mở rộng ra vùng ngoại ô. Vì người dân thích sống ở vùng ven đô hơn là trong những trung tâm thành phố đắt đỏ. Ở vùng ngoại ô cuộc sống hiện đại và không chịu áp lực như ở vùng trung tâm đô thị.
- Ưu tiên phát triển đô thị nhỏ và vừa, đô thị vệ tinh xung quanh các đô thị lớn. Vì nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của các siêu đô thị, phát triển các đô thị vừa và nhỏ, đô thị vệ tinh để giảm áp lực cho đô thị lớn, mở rộng đô thị ra xung quanh.
- Tái tạo đô thị theo hướng đô thị xanh. Vì hướng tới gần gũi và bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường đô thị, sức khỏe người dân đô thị và sự phát triển đô thị trong tương lai
THAM KHẢO THÊM: