1. Bố Cục và hoàn cảnh sáng tác:
– Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ này được viết vào khoảng thế kỉ XIX, khi Bà Huyện Thanh Quan vào Phú Xuân, Huế nhận chức quan của mình, lần đầu tiên tới Đèo Ngang nên làm thơ để tả lại khung cảnh hiện ra trước mắt mình.
– Thể thơ: Thất ngôn bát cú đường luật.
– Bố cục: 4 phần (Đề, thực, luận, kết)
+ Hai câu luận: bàn luận, nhận xét
+ Hai câu thực: miêu tả cụ thể cảnh và người
+ Hai câu đề: mở ý
+ 2 câu cuối: khép lại mạch ý bài thơ. Đó chính là nỗi lòng của Bà Huyện Thanh Quan.
– Nghệ thuật
+ Sử dụng thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật một cách điêu luyện
+ Bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc.
+ Bút pháp miêu tả kết hợp với biểu cảm hấp dẫn.
+ Lời thơ trang nhã, điêu luyện; âm điệu trầm lắng.
+ Sử dụng phép đối, từ láy trong việc tả cảnh, tả tình.
– Nội dung: Cảnh đèo Ngang thoáng đãng mà cũng heo hút, hoang sơ, chỉ thấp thoáng của sự sống con người.
– Ý nghĩa: Bài thơ ngoải tả cảnh còn từ đó thể hiện nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ trước cảnh vật, thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà, nỗi buồn cô đơn thầm lặng của tác giả.
2. Dàn ý phân tích bài thơ Qua đèo Ngang:
a. Mở bài phân tích bài thơ Qua đèo Ngang:
Giới thiệu về tác giả Bà Huyện Thanh Quan và nội dung bài thơ Qua đèo Ngang.
b. Thân bài phân tích bài thơ Qua đèo Ngang:
1. Hai câu đề: Miêu tả cảnh vật thiên nhiên Đèo Ngang
Thời gian: khung cảnh của bài thơ là thời điểm bắt đầu kết thúc của một ngày thể hiện ở từ “Bóng xế tà”, giờ mà con người thường trở về nhà sau một ngày lao động vất vả. Với khung cảnh ánh sáng mập mờ, nhà thơ lại một mình tại nơi đèo Ngang càng khiến cho nỗi cô đơn trở nên tột cùng.
Không gian: Khung cảnh thiên nhiên tại Đèo Ngang lúc bấy giờ được tác giả miên tả: “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” trong đó điệp từ “chen” giữ những hình ảnh “đá, lá, hoa” thể hiện một thiên nhiên tuy hoang sơ nhưng cũng chưa nhiều sức sống của tự nhiên. Khung cảnh thiên nhiên hiện ra đầy chân thực và sinh động.
2. Hai câu thực: Miêu tả cuộc sống con người nơi Đèo Ngang
– Giữa thiên nhiên hoang sơ và rộng lớn, tác giả chấm phá một vài hình ảnh con người xuất hiện cùng với nghệ thuật đảo ngữ:
+ Lom khom – tiều vài chú: hình ảnh vài chú tiều với vóc dáng “lom khom” xuất hiện ở dưới chân núi.
+ Lác đác – chợ mấy nhà: chỉ có lác đác vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt được dựng ở bên sông.
– Nghệ thuật đảo ngữ ở đây để nhấn mạnh vào sự nhỏ bé của con người đại diện cho sự sống trước khung cảnh thiên nhiên rộng lớn. Con người xuất hiện ở đây như một chấm buồn lặng lẽ giữa một thiên nhiên rộng lớn, dường như có sự xa với nhau cách khiến cho không khí càng thêm hoang vu, tâm trạng nhà thơ càng thêm cô quạnh.
3. Hai câu luận: Miêu tả tâm trạng của nhà thơ khi đứng trước cảnh Đèo Ngang
– Hình ảnh hai loại chim là đỗ quyên và chim đa đa được tác giả sử dụng với thủ pháp nghệ thuật “lấy động tả tĩnh” bằng tiếng kêu của nó: “quốc quốc” và “gia gia” bộc lộ nỗi lòng nhớ thương, nhớ nhung sâu đậm của tác giả với đất nước, quê hương.
4. Hai câu kết: Nỗi cô đơn tột cùng của nhà thơ
– Câu thơ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” khiến ta có thể nhìn thấy hình ảnh đứng một mình đơn độc của nhà thơ, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước (có bầu trời, có núi non, dòng sông) của nơi Đèo Ngang. Mỗi một dấu phẩy ngắn câu như mộ khoảng trống trong lòng tác giả.
– Kết lại câu thơ “một mảnh tình riêng ta với ta: Một mối tình, một tâm trạng chỉ của nhà thơ, không thể chia sẻ với ai, một mình đối diện với cô đơn và lẻ loi, khẳng định lại nỗi cô đơn, trống trải của tác giả trước thiên nhiên rộng lớn.
c. Kết bài phân tích bài thơ Qua đèo Ngang:
Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Qua Đèo Ngang, qua đó nêu cảm nhận của bản thân.
3. Đoạn văn phân tích bài thơ Qua đèo Ngang:
Nhắc đến bài thơ Qua đèo Ngang là nhắc đến tên tuổi của Bà Huyện Thanh Quan hoặc ngược lại, đây là hai điều trước giờ luôn đi kèm với nhau mà mỗi chúng ta đều biết khi nhắc đến bài thơ này.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã khắc họa thiên nhiên nơi đèo Ngang tràn đầy sức sống tự nhiên mãnh liệt:
“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”
Thời điểm mà Bà Huyện Thanh Quan bước đến đèo Ngang khung cảnh của bài thơ là thời điểm bắt đầu kết thúc của một ngày, khi “bóng xế tà”. Đó là khi con người kết thúc công việc của mình, trở về nhà để nghỉ ngơi sau một ngày mệt mỏi. Trước mắt tác giả hiện lên là thiên nhiên nơi đèo Ngang rộng lớn, bao la và cũng đầy sức sống. Cách sử dụng điệp từ “chen” kết hợp với nhưng hình ảnh “đá, lá, hoa” cho thấy sự sống mãnh liệt của những thứ tự nhiên đang trỗi dậy, nhưng cũng thật hoang sơ, heo hút.
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Và trong nền bức tranh thiên nhiên rộng lớn đó, một vài hình ảnh con người được xuất hiện. Nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật đảo ngữ trong hai nhắc đến sự xuất hiện của con người này: “lom khom – tiều vài chú”, “lác đác – chợ mấy nhà” làm nhấn mạnh sự ót ỏi, hình ảnh chỉ có vài chú tiều với dáng đứng lom khom dưới chân núi, chỉ vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt, lác đác bên sông. Sự miêu tả này của hai câu thơ nhấn mạnh sự nhỏ bé của con người giữa thiên nhiên rộng lớn. Từ đó, sự cô đơn của tác giả cũng càng lớn hơn.
“Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.”
Hình ảnh “con quốc quốc” và “cái gia gia” là hình ảnh thực về hai loại chim (chim đỗ quyên, chim đa đa), nó không phải là hình ảnh tác giả ngẫu nhiên đưa vào câu thơ mà bởi tiếng kêu “quốc quốc”, “đa đa” nghe da diết đã còn bộc lộ nỗi lòng nhớ thương của mình với đất nước, quê hương.
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta”
Đến câu thơ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” khiến ta có thể nhìn thấy hình ảnh đứng một mình đơn độc của nhà thơ, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước (có bầu trời, có núi non, dòng sông) của nơi Đèo Ngang. Mỗi một dấu phẩy ngắn câu như mộ khoảng trống trong lòng tác giả.
Đối lập với cảnh vật thiên nhiên rộng lớn, còn tác giả chỉ có “một mảnh tình riêng”. Và cái mảnh tình riêng ấy cũng chỉ có “ta với ta”. Nếu trong “Bạn đến chơi nhà” của tác giả Nguyễn Khuyến được xuất hiện trong hoàn cảnh “Bác đến chơi đây ta với ta” để diễn tả tình bạn tri kỉ, thắm thiết. Thì trong bài Qua đèo Ngang, cụm từ “ta với ta” bộc lộ nỗi cô đơn ngày càng lớn của tác giả.
4. Bài văn Cảm nghĩ của em về bài thơ Qua đèo Ngang:
Việt Nam ta là một đất nước có rừng vàng biển bạc và rất nhiều danh làm thắng cảnh, trong đó có rất nhiều con đèo nổi tiếng như Đèo Hải Vân, Đèo Cả, Đèo Phượng Hoàng… nhưng nổi bật và được nghe đến nhiều nhất từ khi còn là học sinh chính là Đèo Ngang được gắn với bài thơ “Qua Đèo Ngang”, một trong sáu bài thơ Đường luật nổi tiếng còn lưu lại cho đến ngày nay của nữ thi sĩ tài – Bà Huyện Thanh Quan. Những vần thơ ấy được lưu truyền lại như sau:
“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta”
Cảnh tượng Đèo Ngang hiện lên qua thời gian và không gian trong hai câu “Đề” miêu tả cảnh vật con đèo cũng như tâm trạng của nhà thơ khi đi từ Thăng Long vào kinh đô Huế nhậm chức. Trên đường đi, nhà thơ dừng chân tại Đèo Ngang vào lúc trời đã xế tà. Việc sử dụng hình ảnh bóng chiều xế tà vào câu thơ giúp người đọc, người nghe dễ dàng mường tượng được không gian trước mặt và cảm thấy bồi hồi xao xuyến vì khi mặt trời khuất núi trước khi tắt hẳn. Bầu trời gần tối với không gian mờ mờ thường dùng để diễn tả nỗi buồn, nỗi trống vắng như nhà thơ Nguyễn Du đã viết “Buồn trông cửa bể chiều hôm” hoặc “Bóng chiều man mác có dường không” của Trần Nhân Tông đã ghi lại trong bài Thiên Trường vãn vọng. Khoảng thời gian trong bài thơ giống như tâm sự chất chứa trong lòng tác giả về một nỗi buồn hữu hữu vô vô. Nỗi buồn càng tăng lên khi cảnh vật ở đây có đá, lá, hoa “chen…chen” mọc lên mà không có bàn tay chăm sóc của con người thật hoang dã và sức sống mãnh liệt.
Trong bóng chiều, cảnh vật tại con đèo dần dần mở ra hình ảnh của con người “Lom khom dưới núi” và một vài ngôi nhà “Lác đác bên sông”. Dưới ngòi bút của nhà thơ,khung cảnh thiên nhiên cùng với hình ảnh con người hiện lên thật cụ thể, sinh động! Chi tiết vài chú tiều phu lom khom đốn củi dưới núi, còn bên kia sông là lác đác, thưa thớt vài căn nhà đơn sơ. Bà Huyện Thanh Quan đã thành công trong việc sử dụng biện pháp điệp từ ở hai câu trước và đảo ngữ ở hai câu này. Sự xuất hiện một vài sự sống nhưng lom khom, yếu ớt, vừa không thấy mặt vừa không gặp được để trò chuyện. Nhà dân lại thưa thớt vài căn nên có cũng như không. Chính điều này càng cho nỗi buồn cho nhà thơ càng tăng thêm.
Hai câu “luận” là tâm sự của tác giả. Bức tranh phong cảnh ở Đèo Ngang vừa rộng theeng thang mà heo hút, lại còn trở nên da diết hơn với âm thanh của các loài chim như con chim quốc, con chim đa đa… tác giả đưa hai hình ảnh loài chim này bằng tiếng kêu của chúng, làm người đọc nhận ra ngay được tâm sự của nhà thơ “Nhớ thương nước nhà, quốc gia quốc gia”.
Tâm trạng của tác giả khi dừng chân tại Đèo Ngang được đúc kết trong hai câu thơ cuối khi đứng trước cảnh trời cao vời vợi, núi non trùng điệp, sông nước mênh mông, bất cứ ai cũng cảm thấy nhỏ bé và nhà thơ cũng vậy. Có tâm sự riêng nhưng phải chôn giấu sự trống vắng đó trong tận cõi lòng “Ta với ta”, chẳng thể tâm sự cùng ai, thể hiện rõ cảm xúc khắc khoải của nhà thơ, nhìn cảnh nhưng lòng lại nặng trĩu nhớ về quê nhà không biết bao giờ trở lại. Tếu trong “Bạn đến chơi nhà” của tác giả Nguyễn Khuyến được xuất hiện trong hoàn cảnh “Bác đến chơi đây ta với ta” để diễn tả tình bạn tri kỉ, thắm thiết. Thì trong bài Qua đèo Ngang, cụm từ “ta với ta” bộc lộ nỗi cô đơn ngày càng lớn của tác giả. Câu kết của bài thơ như một sợi dây nối tâm trạng xuyên suốt cả bài thơ tạo cho người đọc một cảm xúc day dứt, khó quên.
Bài thơ Qua Đèo Ngang đã thành công khi chuyển tải được nỗi niềm, tâm sự u buồn của Bà Huyện Thanh Quan. Bài thơ không chỉ thành công về mặt ý nghĩa mà còn thành công miêu tả khung cảnh thiên nhiên nơi đèo Ngang một cách chân thật nhất, rất chỉnh chu trong việc dùng từ, tạo câu thật đặc sắc gây thích thú cho người đọc, người nghe.
Đọc xong và tìm hiểu về bài thơ, em hiểu được tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan qua những vần thơ não nè. Em càng cảm mến tấm lòng nhớ nước thương nhà của bà hơn.