Từ lâu, Tết Nguyên Tiêu là một trong những ngày lễ quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu biết rõ về ý nghĩa của ngày lễ Tết Nguyên Tiêu là gì? Rằm tháng Giêng 2023 nên làm gì?
Cùng INVERT tham khảo ngay bài viết sau để có thể biết được Tết Nguyên Tiêu là gì? Rằm tháng Giêng 2023 nên làm gì để cùng chuẩn bị đón lễ với gia đình mình nhé!
Mục lục bài viết [Ẩn]
Rằm tháng giêng là tết gì? Tết nguyên tiêu là gì?
Tết Nguyên Tiêu hay Rằm tháng Giêng là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt và Trung Quốc. Thời gian diễn ra vào đêm rằm đầu tiên của năm mới âm lịch, tức rơi đêm ngày 14 – 15 tháng Giêng theo lịch âm.
Theo TS. Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, Đại học Xã hội và Nhân văn, Tết Nguyên Tiêu đều bắt nguồn từ những sự tích của Trung Quốc và có nhiều phiên bản khác nhau.
Nguồn gốc Tết nguyên tiêu
1. Sự tích ngày Tết Nguyên Tiêu được lưu truyền
Sự tích ngày Tết Nguyên Tiêu thứ nhất
Trong nhiều tài liệu có ghi chép, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ thời Tây Hán, Trung Quốc với lễ hội rước đèn long trọng. Đây là câu chuyện được truyền tai nhiều nhất, bắt đầu từ việc các cung nữ ở trong cung thường nhớ nhà mỗi khi Xuân đến nhưng lại không thể rời khỏi hoàng thành.
Khi đó, Đông Phương Sóc – viên sủng thần của Hán Vũ Đế đã cảm động trước tấm lòng của cung nữ và quyết định giúp đỡ. Đầu tiên, ông tung tin thành Trường An sẽ bị Hỏa thần thiêu rụi khiến nhiều người dân lo sợ. Kế đến, ông hiến kế với nhà vua rằng vào ngày rằm tháng giêng này, nhà vua và người nhà nên ra ngoài cung lánh nạn. Đồng thời, trong cung sẽ cho người treo đèn lồng đầy sân, giả cảnh lửa cháy nhằm lừa Hỏa thần.
May mắn là Hán Vũ Đế đã đồng ý với kế sách này và kể từ đó vào ngày rằm tháng giêng hằng năm cả nước đều treo đèn lồng. Nhờ vậy mà các cung nữ có thể gặp mặt người thân của mình.
Qua nhiều thế kỷ, ngày lễ này vẫn được lưu truyền và lan rộng đến Việt Nam. Tuy nhiên, Tết Nguyên Tiêu tại Việt Nam đã có sự biến tấu để phù hợp với văn hóa trong nước. Do vậy, việc đón dịp Tết này trong nước cũng có đôi chút khác biệt so với Trung Quốc.
Sự tích ngày Tết Nguyên Tiêu thứ hai
Một truyền thuyết khác cũng kể rằng, thuở xa xưa có một con thiên nga được Ngọc Hoàng yêu quý từ trên trời bay xuống hạ giới nhưng bị người thợ săn bắn chết. Biết được điều đó, Ngọc Hoàng vô cùng tức giận nên đã sai Thiên Binh, Thiên Tướng phóng hoả thiêu trụi trần gian vào đúng ngày 15 tháng 1 âm lịch. Tuy nhiên, một số vị thần tiên đã không đồng ý với hành động này nên đã liều mình xuống trần để hiến kế cho chúng sinh tránh được kiếp nạn trên.
Theo mách nước của chư thần, vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, nhà nhà đều phải treo đèn lồng đỏ và bắn pháo hoa. Việc làm này để khiến cho Ngọc Hoàng khi nhìn xuống tưởng rằng trần gian đã được đốt trụi. Nhờ đó mà loài người và muôn thú mới thoát khỏi họa diệt vong.
Kể từ đó, vào ngày 15/1 hằng năm, người Trung Quốc thường treo đèn lồng, nấu cỗ, bày tiệc, sum họp bên gia đình để bắt đầu một năm mới may mắn và bình an.
2. Sự tích ngày Tết Nguyên Tiêu trong Phật giáo
Trong một số tài liệu Phật pháp, Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Trong ngày này, các vị chư tăng sẽ tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp.
Đặc biệt, những Phật tử cũng dùng ngày này để tưởng nhớ đức Phật. Bởi nhiều người tin rằng đây là đêm đức Phật giáng lâm nên rằm tháng Giêng thường là dịp người người đi chùa cầu an, cầu may, cúng sao giải hạn…
Ý nghĩa Tết nguyên tiêu
Về ý nghĩa, Tết Nguyên Tiêu chính là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Theo đó, “Nguyên” nghĩa là thứ nhất và “Tiêu” nghĩa là đêm. Đồng thời, Tết Nguyên Tiêu còn được gọi là Tết Thượng Nguyên với mục đích phân biệt với Tết Trung Nguyên (Rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng mười).
Trong Phật giáo, đây được xem là một ngày lễ quan trọng với các Phật tử. Thành ngữ “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng giêng cũng đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.
Hằng năm, vào ngày lễ này mỗi gia đình thường sẽ bày một mâm cỗ cúng để thể hiện lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với Phật, ông bà tổ tiên. Đồng thời, cũng cầu mong năm mới được nhiều bình an, may mắn, tài lộc sung túc.
Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện kinh tế và phong tục tập quán mà mỗi vùng miền sẽ có cách thể hiện mâm cỗ khác nhau. Nhưng nhìn chung, tất cả các mâm cúng đều thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và Phật tổ của mình.
Tập tục, lễ hội Tết Nguyên Tiêu ở các nước
1. Tết Nguyên Tiêu tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Tết Nguyên Tiêu được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng. Trong thời gian này, mọi người thường lên chùa cúng sao giải hạn và cầu xin những điềm lành trong năm mới. Tại một số nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống như Chợ Lớn, Hội An, Tết Nguyên Tiêu sẽ tổ chức nhiều hoạt động và lễ hội đặc biệt vào dịp lễ này.
Điển hình là ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực tập trung đông người Hoa sinh sống nhất tại Sài Gòn. Cộng đồng người Hoa tại đây sẽ tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc và phong phú tại các Hội quán, gia đình như: các nghi thức lễ, diễu hành, trình diễn ca kịch cổ truyền, múa lân sư rồng, đố chữ, thư pháp, thư họa, trình diễn âm nhạc,…
2. Tết Nguyên Tiêu tại Trung Hoa
Được biết đến là cái nôi của Tết Nguyên Tiêu, ở Trung Quốc ngày lễ này còn được gọi với cái tên là Tết Thượng Nguyên hay Tết Trạng nguyên.
Hằng năm, vào ngày này người dân sẽ cúng tế cầu an, cầu phước và ăn bánh trôi (gọi là “thang viên” – viên tròn trong nước). Đồng thời, một số hoạt động đặc sắc cũng được tổ chức như: thi đoán hình trên lồng đèn, ngâm thơ, ghi ước nguyên lên đèn lồng rồi thả lên trời vào buổi đêm.
3. Tết Nguyên Tiêu tại các quốc gia khác
Ngoài Việt Nam và Trung Quốc thì một số nước từng sử dụng lịch mặt trăng (âm lịch) như Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng đón ngày lễ này. Người dân ở những nước này cũng mong chờ mỗi khi Tết Nguyên Tiêu đếm ngược như ở Việt Nam và Trung Quốc.
Ở Hàn Quốc, ngày Rằm tháng Giêng được xem là lễ Daeboreum (대보름). Trong ngày này, mọi người sẽ cùng nhau chơi những trò chơi truyền thống là Samulnori (쥐불 놀이) đêm trước Daeboreum (còn có tên là Lễ hội lửa Jeongwol Daeboreum), leo núi để trở thành người đầu tiên nhìn thấy mặt trăng mọc, cầu may mắn,…
Ở Nhật Bản, Rằm tháng Giêng được gọi là lễ 小 正月 (Koshōgatsu). Theo đó, để cầu nguyện cho một mùa vụ bội thu người dân ở đất nước này sẽ ăn chè đậu đỏ vào buổi sáng của lễ Koshogatsu.
Ở Philippines, vào ngày rằm tháng Giêng sẽ có những chương trình diễu hành đặc sắc.
Tại sao Rằm tháng Giêng được gọi là tết Nguyên tiêu?
Theo dân gian Việt Nam, có rất nhiều giải thích về nguồn gốc của Rằm tháng Giêng – tết Nguyên tiêu. Nhiều truyền thuyết cho rằng, tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian.
Theo đó, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu sau ngày Rằm tháng Giêng hàng năm. Chính vì thế, bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Đặc biệt, trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ngoài ra, người Việt Nam coi trọng các ngày rằm, mùng 1. Đặc biệt, trong các ngày rằm thì Rằm tháng Giêng được coi trọng nhất. Bên cạnh đó, cũng có thể thấy tầm quan trọng của Tết Nguyên tiêu trong văn hóa Việt Nam qua câu thành ngữ: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.
Điều nên làm và kiêng kỵ vào dịp tết Nguyên Tiêu 2023
1. Tết Nguyên Tiêu, Rằm tháng Giêng nên làm gì?
Thông thường, vào ngày 14 hoặc 15 của Tết Nguyên Tiêu, Rằm tháng Giêng, người dân sẽ lên chùa lễ Phật để sám hối cho gia đình, bản thân và cầu mong bình an, gia tăng phúc thọ. Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ là khi đi lễ chùa vào ngày này, mọi người chỉ nên sắm lễ chay, ăn mặc nghiêm trang, kín đáo và thành tâm cầu khấn.
Bên cạnh đó, để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn vào ngày Rằm tháng Giêng, bạn nên làm nhiều việc thiện. Lúc đó, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn. Nên nhớ, làm việc thiện không nhất thiết phải làm điều gì đó quá lớn lao mà chỉ đơn giản là làm trong khả năng mình. Điển hình như việc quyên góp tiền, thăm nuôi những hoàn cảnh khó khăn hoặc đơn giản chỉ là giúp đỡ những người xung quanh,…
Ngoài ra, vào Tết Nguyên Tiêu, mọi người thường hay phóng sinh cá chép, cá cảnh, chim ri,…Tuy nhiên, bạn hãy chọn những nơi vắng vẻ, không có người săn bắt để đảm bảo những con vật này có thể sinh sống được khi bạn phóng sinh.
Song đây cũng là dịp để mọi người có thể dọn dẹp lại bàn thờ và làm lễ cúng gia tiên. Nhưng nhớ chú ý tuyệt đối không xê dịch bát hương và nên thắp một nén hương. Trước khi thực hiện, bạn phải khấn xin Thần linh, tổ tiên về việc mình sẽ lau dọn bàn thờ để cúng Rằm tháng Giêng.
Kế đến, bạn hãy chuẩn bị hoa tươi và mâm cúng gia tiên một cách chu đáo để thực hiện nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng. Lưu ý, khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, đứng đắn. Tuyệt đối không được mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm…
Đặc biệt, ngoài những việc kể trên, vào ngày tết Nguyên Tiêu, nhiều nơi còn tổ chức hoạt động thả đèn hoa đăng để cầu may mắn, an nhiên và thành công trong suốt một năm tới cho bản thân và gia đình.
2. Kiêng kỵ điều gì trong ngày Tết Nguyên Tiêu, Rằm tháng Giêng?
Bên cạnh những điều cần làm, trong ngày Rằm tháng Giêng, người dân còn kiêng kỵ một số điều sau:
- Kiêng để thùng gạo cạn đáy: Theo quan niệm của người xưa, đầu năm mà thùng gạo trong nhà cạn đáy thì quanh năm sẽ đói kém.
- Kiêng câu cá: Dân gian quan niệm, nếu câu cá vào ngày trăng tròn sẽ dễ mang đến vận đen xui rủi.
- Kiêng nói tục, chửi bậy: Hạn thị phi sẽ va vào người nếu ngày rằm mà nói tục, chửi bậy.
- Kiêng đi đến những nơi âm khí nặng: Không được đi đến những nơi âm khí nặng như mồ mả, nơi hoang vu hoặc bệnh viện, nhất là những người sức khỏe yếu kém, sẽ bị vận xui đeo bám.
Ngoài ra, khi cúng Rằm tháng Giêng, các gia đình cũng nên lưu ý một số điều sau:
- Trước khi cúng Rằm tháng Giêng: Cần lau chùi, dọn dẹp bàn thờ gia tiên cho thơm tho, sạch sẽ và nên thắp một nén nhang khấn xin thần linh, tổ tiên về việc lau dọn.
- Tuyệt đối không xê dịch bát hương trong quá trình lau dọn bàn thờ. Các vật phẩm cúng được bày biện gọn gàng, đúng thứ tự, tránh đổ vỡ.
- Hoa và trái cây dâng lễ cúng Rằm tháng Giêng: Không dùng hoa, quả giả để dâng lên bàn thờ, cũng như không dùng vật phẩm đã được sử dụng để cúng. Đây được coi là hành động bất kính, không thành tâm.
- Đặt tiền lên bàn thờ với hàm ý cầu xin tài lộc: Không sử dụng tiền giả hay không phải do mình làm ra.
Người xưa thường nói “đi lễ quanh năm không bàng ngày Rằm tháng Giêng” nhằm chỉ sự quan trọng của ngày này. Do đó, trong ngày Tết Nguyên Tiêu, bạn nên kiêng để trẻ con khóc. Lý do là bởi trẻ con khóc sẽ làm gia đình không may mắn, dễ xảy ra một số việc không mong muốn, vào ngày này cha mẹ không nên để con cái khóc nhiễu.
Ngoài ra, ngày Rằm tháng Giêng cũng được coi là thiêng liêng nhất trong năm, nên phần lớn người dân kiêng từ mồng 1 – mồng 10 không ăn những món ăn được cho là không may mắn thậm chí có thể mang lại những xúi quẩy, xui rủi, mất tài lộc..
Một số câu hỏi thường gặp về Tết Nguyên Tiêu, Rằm Tháng Giêng
1. Tết Nguyên Tiêu của người Hoa và người Việt khác nhau thế nào?
Vào thời kỳ Bắc thuộc, Tết Nguyên Tiêu được du nhập vào Việt Nam. Đồng thời, dưới sự ảnh hưởng của phong tục tập quán của Việt Nam mà có sự khác biệt với Tết Nguyên Tiêu của Trung Quốc.
- Đối với người dân Trung Hoa: Đây là ngày lễ hoa đăng, thả đèn lồng cầu nguyện cho năm mới bình an.
- Đối với người dân Việt Nam: Vào ngày lễ này các Phật tử các nơi đều kéo về viếng chùa lễ Phật cầu mong gia đạo bình an.
Thông thường, tại các chùa thường tổ chức Đàn Dược sư, tụng kinh dược sư trong suốt tháng Giêng và kêu gọi các Phật tử cùng tụng niệm mong muốn phước báo an lành đến mọi người trước thềm năm mới.
2. Cách cúng ngày Rằm tháng Giêng như thế nào?
Ngày cúng rằm tháng Giêng tốt nhất cho năm 2023 là sáng 26/02/2023 (nhằm 15/01 âm lịch). Trường hợp bạn có việc bận thì cũng có thể cúng vào ngày 25/02/2023 (nhằm 14/01 âm lịch). Lưu ý, giờ cúng tốt nhất nên là giờ Ngọ.
Cũng theo đó, để cúng rằm tháng Giêng, bạn cần chuẩn bị 1 mâm cỗ cúng Phật, 1 mâm cỗ cúng gia tiên và cần phải lau dọn bàn thờ cẩn thận, không gây đổ vỡ đồ vật.
– Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng
- Năm lạng thịt vai luộc
- Một bát canh măng
- Một đĩa xào thập cẩm
- Một đĩa nem
- Một đĩa rau xào
- Một đĩa giò
- Một đĩa xôi gấc
- Một đĩa hoa quả
- Các vật phẩm khác như: Hương hoa vàng mã; đèn nến; trầu cau; rượu
Trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
– Mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng
Ngoài cỗ mặn, một số gia đình còn chuẩn bị mâm cỗ chay cúng Phật gồm:
- Trái cây
- Chè xôi
- Các món đậu
- Canh xào không thêm nhiều hương liệu
- Bánh trôi nước
- Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món.
3. Tết Nguyên Tiêu ăn gì?
Tại Trung Quốc, Tết Nguyên Tiêu người ta sẽ ăn bánh trôi, há cảo, bánh táo đỏ, màn thầu, bánh yến mạch,… để cầu điều may, sức khỏe.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam, người dân sẽ ăn bánh ú, bánh chưng, xôi gấc, gà luộc,… vào ngày Tết Nguyên Tiêu, với mong muốn cầu điều may, hạnh phúc, ấm no cho gia đình.
4. Lưu ý khi thắp hương cúng Rằm tháng Giêng
Khi thắp hương, người ta thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Chính vì thế, bạn có thể thắp 1, 3, 5, 7 hoặc 9 nén hương trên mỗi bát hương.
Nhưng nhớ là khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm… Đồng thời, khi khấn cần phải liền mạch, thành tâm cúng bái nhằm thể hiện sự tôn trọng với các vị phật, thần linh và tổ tiên.
– Ý nghĩa của số nén hương khi thắp theo quan niệm dân gian:
- Thắp 1 nén: ngụ ý bình an.
- Thắp 3 nén: có thể linh ứng báo tin, bảo vệ người trong nhà và đánh đuổi tai ương.
- Thắp 5 nén: là cách mà các thầy pháp dự báo hung cát cho người khác hoặc mời gọi thần linh.
- Thắp 7 nén: dùng để mời gọi thiên thần, thiên binh thiên tướng, nếu không phải việc bất đắc dĩ thì không nên dùng hương này.
- Thắp 9 nén: tín hiệu cầu cứu, nếu như bất đắc dĩ, không còn nơi nào cầu giúp đỡ, nhân lực không thể cứu vãn, hi vọng Ngọc Hoàng Đại Đế và Thập điện Diêm Vương cứu giúp muôn dân, cứu khổ cứu nạn. Chín nén hương thường được bày theo ba hàng ba cột.
Tất cả những thông tin trên đều là quan niệm dân gian, được truyền miệng từ đời này qua đời khác nên chỉ mang tính tham khảo. Vậy nên cuộc sống có ra sao là do mỗi người tự quyết định, không phải chỉ phụ thuộc vào vài điều kiêng kỵ ngày Rằm tháng Giêng.
Trên đây là một số thông tin về Tết Nguyên Tiêu là gì? Rằm tháng Giêng 2023 nên làm gì mà đội ngũ INVERT chúng tôi đã tổng hợp được. Mong rằng thông qua bài viết này các bạn hoàn toàn có thể biết được Tết Nguyên Tiêu là gì? Rằm tháng Giêng 2023 nên làm gì một cách dễ dàng. Nếu có gì thắc mắc bạn cũng có thể bình luận bên dưới, chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn.