Bạn đang tìm kiếm bản đồ Huyện Nhà Bè khổ lớn hay bản đồ hành chính các xã, thị trấn tại Nhà Bè nhằm tra cứu thông tin quy hoạch nhà đất, ranh giới địa lý tại khu vực.
Chúng tôi truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn tổng hợp chia sẻ về bản đồ Nhà Bè phóng to năm 2023. Ngoài ra, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu vườn tầm cao mới tại huyện Nhà Bè chi tiết”.
Giới thiệu sơ lược về Nhà Bè
Huyện Nhà Bè nằm ở phía Đông Nam của Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), án ngữ trên đoạn đường thủy huyết mạch từ Biển Đông vào Sài Gòn, tiếp giáp với rừng Sác, cách trung tâm TPHCM khoảng 12 km.
Huyện Nhà Bè tổng diện tích tự nhiên khoảng 100,41 km² chia theo đơn vị hành chánh gồm 7 đơn vị hành chính, gồm 01 thị trấn Nhà Bè và 6 xã. Dân số năm 20229 trung bình 206.837 nhân khẩu. Dân số tại Thị trấn có số dân cao nhất, ít nhất là xã Phước Lộc.
Huyện Nhà Bè có 7 đơn vị hành chính, gồm 01 thị trấn Nhà Bè và 6 xã: Hiệp Phước, Long Thới, Nhơn Đức, Phú Xuân (huyện lỵ), Phước Kiển, Phước Lộc. Trong đó, trụ sở chính của huyện Nhà Bè đặt tại Số 330, Nguyễn Bình, ấp 1, xã Phú Xuân.
Huyện Nhà Bè với lợi thế về biển và nằm ở Đông Nam của TPHCM, có vị trí địa lý:
- Phía Nam giáp huyện Cần Giuộc tỉnh Long An
- Phía Đông giáp huyện Cần Giờ và huyện Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai
- Phía Tây giáp huyện Bình Chánh và phía Bắc giáp Quận 7 thuộc Thành phố Hồ Chí Minh
Ca dao về địa danh Nhà Bè: Sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa, đến Nhà Bè thì có thêm phụ lưu là sông Sài Gòn. Vì vậy ca dao có câu:
“Nhà Bè nước chảy chia đôi, Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về…”
Bản đồ hành chính huyện Nhà Bè khổ lớn năm 2023
PHÓNG TO
Tìm hiểu VƯƠN TẦM CAO MỚI của huyện Nhà Bè
Hòa chung với không khí sôi nổi của Thành phố và cả nước lập thành tích chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2010); 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; kỷ niệm lần thứ 124 ngày Quốc tế lao động và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, chúng tôi giới thiệu bài viết “ Nhà Bè vươn tầm cao mới” của tác giả Lê Nguyễn nhìn lại một cách tổng quát những thành tựu mà huyện Nhà Bè đã đạt được trong 35 năm xây dựng và phát triển Huyện.
35 năm đã trôi qua, nhưng khí thế hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn in sâu trong lòng mỗi chúng ta. Đây là thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc xâm lược.
Trong 2 cuộc kháng chiến, Nhà Bè từng giữ vị trí quân sự hết sức quan trọng. Thời kỳ chống thực dân Pháp, Nhà Bè là căn cứ địa kháng chiến của Sài Gòn, Gia Định, Khu 7 và khu Sài Gòn – Chợ lớn. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Nhà Bè là căn cứ bàn đạp, căn cứ lõm ven đô Sài Gòn, vùng tranh chấp ác liệt và đây cũng là nơi bố trí cơ sở hậu cần chiến tranh của địch.
Quân và dân Nhà Bè đã kiên cường bám trụ, chịu đựng muôn vàn gian khổ, hy sinh, đấu tranh giằng co quyết liệt với địch, hoàn thành xuất sắc vai trò bàn đạp, tiêu diệt và phá hủy một bộ phận lớn sinh lực và vô số kho tàng dự trữ chiến tranh của chúng.
Mùa xuân năm 1975, quân và dân Nhà Bè cùng với nhân dân Thành phố và cả nước bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đã lập nên bao chiến công vang dội, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Ngược dòng lịch sử về với những ngày tháng 4 năm ấy lịch sử Đảng bộ huyện Nhà Bè chép lại:
- Đêm 28/4/1975, một đoàn cán bộ đã về xã Phứơc Lộc, nắm tình hình phát động quần chúng chuẩn bị lực lượng.
- Sáng 29/4/1975, du kích đột nhập đánh địch ở Phứơc Lộc.
- Sáng 30/4/1975 lực lượng vũ trang Nhà Bè và nhân dân xã Long Hậu chiếm trụ sở xã Nhơn Đức. Nhân dân Phứơc Long, Phứơc Lộc, Long Kiểng đã nổi dậy chiếm các trụ sở xã.
Tại 3 công ty Shell, Esso, Caltex khi bọn chủ hãng bỏ chạy, binh lính tan rã, công nhân đã thu gom vũ khí, tự lập ra Ủy ban công nhân để bảo vệ hãng, chờ cách mạng đến. Nhân dân Tân Thuận nổi dậy chiếm bót cảnh sát, tước vũ khí địch và lập Ban tự quản.
Nhân dân các ấp 2, ấp 6, ấp 7 xã Phú Xuân đã huy động xuồng, ghe chở bộ đội Đoàn 10 sang sông Soài Rạp phối hợp cùng Trung đoàn 88 chiếm giữ cảng và hệ thống kho tàng dự trữ chiến tranh của địch lúc 13 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Nhân dân cũng đã chủ động đưa ghe, xuồng đón lực lượng cách mạng từ căn cứ về tiếp quản Nhà Bè.
Đến 17 giờ 15 phút ngày 30/4/1975, cờ cách mạng được kéo lên trên nóc dinh Quận Trưởng. Chính quyền về tay nhân dân. Ta đã tiếp quản toàn bộ khí tài, bảo vệ nguyên vẹn được các kho tàng, đặc biệt là Tổng kho xăng dầu; ổn định đời sống nhân dân ngay trong những ngày đầu giải phóng.
Chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã kết thúc một chặng đường đấu tranh hết sức quang vinh nhưng cũng nhiều đau thương mất mát. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, có hàng ngàn người con ưu tú của Nhà Bè và mọi miền đất nước đã chiến đấu anh dũng hy sinh.
Cho đến nay, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Nhà Bè đã truy tìm được hàng ngàn liệt sĩ, trong số đó, có 1.391 liệt sĩ là người con của mảnh đất Nhà Bè anh hùng. Vẫn còn nhiều anh hùng liệt sĩ chưa tìm được hài cốt hoặc chưa biết tên. Toàn Huyện có 41 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 101 thương binh, 132 tù chính trị, 1242 gia đình có công.
Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Nhà Bè mãi mãi biết ơn và ghi nhớ những cống hiến, hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình thương binh-liệt sĩ, gia đình có công đã không tiếc máu xương công sức cho độc lập, tự do hôm nay.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, tuy ta tiếp quản gần như nguyên vẹn, nhưng cơ sở vật chất chủ yếu phục vụ cho bộ máy chiến tranh của Mỹ, gồm: 3 Hãng dầu, 01 công xưởng hải quân, Kho 18, 02 nhà máy cán thép và một vài cơ sở sản xuất, đóng tàu thuyền. Nông nghiệp manh mún, lạc hậu. Điện, nước sinh hoạt chỉ tập trung dọc trục lộ Trần Xuân Soạn và Liên tỉnh 15.
Có hai trường trung học công lập, hơn 5 trường tiểu học và một số lớp sơ học ở nông thôn. Cả Huyện chỉ có một cơ sở y tế tại Phú Xuân ( nay làm Trạm y tế Thị trấn). 70% dân Nhà Bè làm nghề nông, nghèo, ít học, con đông. Bên cạnh đó, hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề. Trước những bề bộn khó khăn đó, với tinh thần đoàn kết, vượt khó, Đảng bộ và nhân dân Huyện ta đã ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa cứu đói, xoá mù chữ, vừa tìm cách khôi phục và phát triển sản xuất, chăm lo đời sống.
Phát huy truyền thống anh hùng, quân và dân Nhà Bè ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và kiến thiết lại quê hương. Trong những năm đầu, Nhà Bè đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
Đặc biệt, khu vực phía Bắc của Huyện có tốc độ đô thị hóa khá cao, cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – thương mại dịch vụ phát triển nhanh. Trong đó, Khu Chế xuất Tân Thuận đầu tiên và thành công nhất nước được hình thành, đi vào hoạt động chưa đầy 5 năm đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng đất nhiễm phèn mặn Nhà Bè. Đến tháng 4/1997, một phần phía Bắc của Huyện được tách ra để thành lập quận mới.
Nhà Bè còn lại gồm 6 xã nông thôn và một phần thị trấn, diện tích 10.040 Ha, với khoảng 60.000 nhân khẩu, tương đương số dân Nhà Bè lúc mới giải phóng (ngày 30/4/75). Cơ sở vật chất vừa thiếu, vừa yếu, đường giao thông nông thôn xuống cấp, toàn Huyện chỉ có vài km đường nhựa. Nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt chưa đầy đủ. Nông nghiệp chưa tìm được hướng đi vững chắc. Mặt bằng dân trí thấp. Đời sống một bộ phận diện chính sách và dân nghèo còn thấp so với mặt bằng chung của Thành phố.
Tiếp tục sự nghiệp cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Nhà Bè bắt tay vào xây dựng một Huyện gần như mới hoàn toàn. Đến nay, huyện Nhà Bè đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, đời sống nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng và ngày càng khang trang đẹp đẽ hơn.
Kinh tế của Huyện trong 5 năm gần đây đã có bước chuyển biến khá tích cực: Tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành kinh tế do Huyện quản lý đạt trên 26,67%, trong đó ngành CN-TTCN là 24,75%, TM-DV là 29,77% và nông nghiệp đạt 1,44%.
Khu công nghiệp Hiệp Phước tiếp tục thu hút đầu tư mạnh mẽ, việc Cảng container Trung tâm Sài Gòn đi vào hoạt động với hệ thống cầu cảng hiện đại đã phát huy thế mạnh và hiệu quả, tác động tích cực đến sự phát triển chung của Huyện, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho hơn 7000 lao động, trong đó phần lớn là con em Nhà Bè và các vùng lân cận.
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện, tạo thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội, tác động mạnh đến sự thay đổi bộ mặt nông thôn Huyện. Thu ngân sách Nhà nước tăng cao, năm sau cao hơn năm trước, riêng trong giai đoạn 2005 – 2010 thu đạt hàng ngàn tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với gia đoạn 5 năm trước đây.
Chương trình nâng cấp, mở rộng đường hẻm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tiếp tục được triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.
Chỉ trong 5 năm từ 2005 – 2009, Huyện đã thực hiện hoàn chỉnh 70 công trình, với tổng số vốn gần 205 tỷ, trong đó nhân dân và doanh nghiệp đóng góp bằng các hình thức ngày công lao động, tiền mặt và chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất, với tổng trị giá hơn 94 tỷ đồng.
Đến nay, toàn Huyện có 451/475 tuyến đường được trải nhựa hoặc bê tông hoá, đan hoá chiếm tỷ lệ 94,95%. Tổng số hộ sử dụng điện đạt 96,65% /tổng hộ dân, trong đó có 90% hộ có điện kế. Nước sạch được phủ gần kín các vùng dân cư, phục vụ trên 99,5% hộ dân, trong đó hệ thống mạng lưới nước máy đã được lắp đặt ở địa bàn thị trấn Nhà Bè và xã Phú Xuân và đang tiếp tục đầu tư mở rộng để khi nhà máy nước BOO Thủ Đức phát nước có sẵn điều kiện đưa nước về phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. 7/7 xã – thị trấn đều có trạm y tế, với đầy đủ trang thiết bị, y, bác sĩ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Hệ thống trường lớp và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được tiếp tục đầu tư hoàn thiện, đảm bảo ngày càng tốt hơn yêu cầu giáo dục toàn diện. Đến nay, tại địa bàn các xã – thị trấn đều có trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở; 5/7 xã – thị trấn có trường đạt chuẩn quốc gia; gần 100% các trường tiểu học và trung học cơ sở thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Số lượng học sinh tăng lên theo từng năm, từ 13.218 học sinh với 311 lớp năm 2006 đến nay có 14.968 học sinh với 388 lớp ở các cấp, bậc học.
Công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở được củng cố, 100% xã – thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục bậc trung học từ năm 2008. Mặt bằng học vấn được nâng từ mức lớp 5,19 vào năm 2005 lên mức lớp 7 vào năm 2010. Công tác dạy nghề bước đầu được mở rộng, gắn liên kết dạy nghề với giải quyết việc làm.
Hàng năm giới thiệu gần 1800 lao động có việc làm mới, ổn định trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Cơ cấu lao động của Huyện đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện nay có 90% lao động trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ và các nghề phi nông nghiệp, lao động nông nghiệp còn lại khoảng 10%.
Nhà Bè đã xuất sắc hoàn thành chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2 theo tiêu chí của Thành phố, đến nay không còn hộ nghèo thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm và đang triển khai giai đoạn 3 theo mục tiêu giảm hộ nghèo, tăng hộ khá. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6,47 triệu đồng/người/năm năm 2005 lên 15 triệu đồng/người/năm trong năm 2010. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 35 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Nhà Bè luôn quan tâm chăm lo gia đình chính sách, có công cách mạng.
An ninh quốc phòng luôn được tăng cường – giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, chuyển hoá được các địa bàn trọng điểm phức tạp; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xuất hiện nhiều gương điển hình trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công tác quốc phòng – quân sự địa phương từng bước được nâng cao về chất, sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, ngày càng có nhiều thanh niên tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Hệ thống bộ máy Đảng, chính quyền và đoàn thể từ huyện đến cơ sở không ngừng được củng cố, xứng đáng là người lãnh đạo, là chỗ dựa đáng tin cậy của quần chúng nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Nhiều phong trào do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động mang lại kết quả thiết thực, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc cũng như quê hương Nhà Bè anh hùng.
Nhà Bè đang chuyển mình mạnh mẽ và vươn lên tầm cao mới. Với lợi thế nằm trên hướng của Thành phố tiến ra Biển Đông, Nhà Bè đã và đang được mở ra nhiều cơ hội phát triển và trong tương lai không xa sẽ trở thành một khu vực công nghiệp – đô thị – cảng và là một vùng kinh tế năng động của Thành phố.