Văn mẫu lớp 6: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm) 4 Dàn ý & 25 bài văn mẫu hay nhất lớp 6

Văn mẫu lớp 6: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm) 4 Dàn ý & 25 bài văn mẫu hay nhất lớp 6

Bạn đang xem bài viếtVăn mẫu lớp 6: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm) 4 Dàn ý & 25 bài văn mẫu hay nhất lớp 6 tại website Truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Đôi khi trong cuộc sống, con người sẽ rơi vào những tình huống như được khen, bị chê, gặp may rủi hay bị hiểu lầm… Qua đó, chúng ta sẽ rút ra được bài học đáng nhớ cho bản thân, có thêm kỉ niệm đáng giá. Hôm nay, truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn muốn giới thiệu Bài văn mẫu lớp 6: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm…)

Văn mẫu lớp 6: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm) 4 Dàn ý & 25 bài văn mẫu hay nhất lớp 6
Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm)

Tài liệu sẽ bao gồm 4 dàn ý chi tiết và 25 bài văn mẫu lớp 6 hay nhất, được chúng tôi tổng hợp. Mong rằng có thể cung cấp thêm ý tưởng cho các bạn học sinh khi hoàn thiện bài viết của mình. Mời tham khảo nội dung được chúng tôi đăng tải ngay bên dưới.

Kể về một kỉ niệm đáng nhớ

  • Dàn ý kể về một kỉ niệm đáng nhớ
  • Kể về một kỉ niệm đáng nhớ ngắn gọn lớp 6 (3 mẫu)
  • Kể về 1 kỉ niệm đáng nhớ (10 mẫu)

Dàn ý kể về một kỉ niệm đáng nhớ

I. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về kỉ niệm đáng nhớ: Những kỉ niệm thường đem đến cho con người nhiều bài học quý giá. Và tôi cũng đã có một kỉ niệm như vậy mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi.

II. Thân bài

1. Hoàn cảnh xảy ra kỉ niệm

  • Thời gian, Không gian: Xảy ra khi nào? Ở đâu?
  • Những đối tượng xuất hiện trong kỉ niệm: người thân, bạn bè, thầy cô…

2. Kể lại kỉ niệm

  • Diễn biến của sự việc: Việc gì đã xảy ra?
  • Suy nghĩ, tình cảm của bản thân: Trân trọng, vui vẻ, hay buồn bã, hối hận?
  • Bài học rút ra sau kỉ niệm: Trưởng thành hơn, biết yêu thương mọi người xung quanh, nhận ra lỗi lầm của bản thân và sửa sai…

III. Kết bài

Khẳng định lại ý nghĩa của kỉ niệm: Kỉ niệm chính là hành trang bước vào tương lai của mỗi người. Tôi sẽ trân trọng kỉ niệm này để có thể hoàn thiện bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.

Kể về một kỉ niệm đáng nhớ ngắn gọn lớp 6

Bài văn mẫu số 1

Kỉ niệm là điều vô cùng quý giá trong cuộc sống của con người. Đến bây giờ, em vẫn còn nhớ mãi kỉ niệm về lễ bế giảng cuối cùng dưới mái trường Tiểu học thân yêu.

Buổi sáng hôm đó, em đến trường từ rất sớm. Chào tạm biệt bố, em bước vào trường với một cảm xúc thật đặc biệt. Hôm nay, ngôi trường Tiểu học thân quen trông khác hẳn. Sân trường đã được quét dọn rất sạch sẽ. Những hàng ghế được xếp ngay ngắn. Ở phía trên khu vực sân khấu treo một tấm băng rôn màu xanh. Dòng chữ màu trắng nằm ở chính giữa vô cùng nổi bật “LỄ BẾ GIẢNG NĂM HỌC 20… – 20… ”. Phía bên dưới là tên trường “THCS….”. Hai bên sân khấu cũng được treo những lá cờ đỏ thắm.

Các thầy cô ăn mặc rất trang trọng. Còn học trò như chúng em thì mặc đồng phục. Bảy giờ ba mươi phút, buổi lễ mít tinh bắt đầu. Những tiết mục văn nghệ lần lượt được trình bày. Sau đó, thầy hiệu trưởng thay mặt các thầy cô phát biểu. Từng lời nói của thầy vang vọng khắp sân trường, in sâu vào tâm trí mỗi học trò. Sau lời phát biểu, cô tổng phụ trách chuyển sang phần trao phần thưởng cho học sinh xuất sắc của năm học vừa rồi. Em cảm thấy rất tự hào khi lên nhận phần thưởng, được bắt tay và nhận lời khen từ thầy hiệu trưởng. Lời khen đó khiến em có thêm động lực để cố gắng học tập tốt hơn trong tương lai.

Buổi lễ kết thúc trong niềm hân hoan, phấn khởi của thầy và trò. Tạm biệt mái trường tiểu học thân yêu, em sẽ nhớ mãi những kỉ niệm đẹp đẽ bên thầy cô, bạn bè.

Bài văn mẫu số 2

Trong cuộc đời, hẳn mỗi người đều đã từng mắc lỗi. Nhưng nhờ những lỗi lầm đó, mà chúng ta trở nên trưởng thành hơn.

Khi còn nhỏ, không ít lần tôi đã khiến mẹ phải lo lắng. Khi tôi bị ốm, mẹ phải thức suốt đêm để chăm sóc. Hay khi tôi mải chơi quên về nhà, mẹ đã lo lắng đi tìm. Đặc biệt, có một kỉ niệm mà tôi vẫn ấn tượng mãi. Năm học lớp sáu, tôi mải chơi nên rất lười học. Cô giáo chủ nhiệm đã phải gọi điện về cho bố mẹ để trao đổi. Những lúc ấy, mẹ đều nhẹ nhàng khuyên bảo tôi. Tôi chỉ nghe và xin lỗi mẹ, rồi cũng quên ngay sau đó.

Một hôm, sau giờ học, nhóm bạn trong lớp rủ tôi đi chơi. Do mải chơi nên đến khi nhận ra thì cũng đã khoảng chín giờ tối. Tôi cảm thấy khá sợ và nhanh chóng đạp xe trở về nhà. Đến đoạn đường tối, tôi bỗng đâm phải một chiếc xe máy. Tôi bị ngã và cảm thấy chân tay đều rất đau. Sau đó, tôi còn bị ngất đi.

Đến khi tỉnh dậy, tôi đã ở trong bệnh viện và nhìn thấy mẹ ngồi bên. Lúc đó, một cảm giác hối hận dường như bao trùm lấy tôi. Tôi rất muốn cất tiếng xin lỗi mẹ nhưng không dám. Mẹ chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng. Nhưng tôi biết trong lòng mẹ đang rất buồn. Cũng rất may mắn là do người đi xe máy kịp phanh gấp, nên tôi chỉ bị xây xát nhẹ. Chỉ sau hai, ba ngày là có thể ra viện.

Tôi được bố đưa về. Vào nhà, tôi thấy mẹ đang ở trong bếp cặm cụi nấu ăn. Tôi nhẹ nhàng đi vào, toàn những món mà tôi thích đang bày trên bàn ăn. Tôi chạy đến và ôm lấy mẹ, khẽ nói: “Con xin lỗi mẹ ạ!”. Mẹ quay lại, mỉm cười nhìn tôi và nói: “Không sao đâu con, chỉ cần con nhận ra lỗi lầm và chịu thay đổi là được!”. Lúc ấy, tôi chợt bật khóc. Tôi biết rằng mình đã khiến cho bố mẹ lo lắng rất nhiều. Kể từ đó trở đi, tôi cố gắng học tập chăm chỉ, thường xuyên giúp đỡ bố mẹ công việc nhà.

Một kỉ niệm đáng nhớ đã giúp tôi trưởng thành hơn. Từ đó, tôi cũng thêm hiểu bố mẹ, trân trọng gia đình của mình nhiều hơn.

Bài văn mẫu số 3

Ngày hôm nay, vì trời mưa to, lại không có áo mưa, nên em đành phải ngồi lại trong lớp học chờ mưa tạnh rồi mới về nhà. Trong lúc cùng lũ bạn ngồi ngắm mưa rơi, em lại chợt nhớ về kỉ niệm dưới mưa của mình vào hơn ba năm về trước.

Hồi đó, em vừa lên lớp 2, đã quen lớp, quen bạn bè rồi nên rất dạn dĩ. Giờ ra chơi nào, em cũng cùng các bạn chạy đi chơi khắp sân trường. Hôm đó, chúng em được nghỉ học sớm không báo trước, nên bố mẹ chưa đến đón kịp. Vì vậy, chúng em đành ngồi lại ở hành lang lớp để chờ người đến đón.

Tự nhiên lúc ấy, trời lại đổ mưa rào. Khiến trên sân có đầy những vũng nước to nhỏ. Thế là em cũng các bạn rủ nhau mặc áo mưa rồi ra sân chơi. Dưới cơn mưa chúng em hò reo, rượt đuổi nhau vô cùng vui vẻ. Một lát sau, chúng em rủ nhau thi nhảy qua các vũng nước đọng, xem ai nhảy qua vũng nước to hơn thì sẽ thắng. Trong lúc chơi, vì tính hiếu thắng, em quyết định thử sức với một vũng nước lớn. Và tất nhiên là em không thể nhảy qua được. Em ngã xuống giữa vũng nước, làm nước bắn tung tóe khắp nơi, còn bản thân thì ướt hết cả. Cùng lúc đó, mẹ em đến đón. Thấy em bị ướt hết như vậy, mẹ đã rất tức giận. Về đến nhà, mẹ liền đưa em đi tắm gội thay áo quần khô rồi mới mắng em một trận nên thân. Sau hôm đó, em bị cảm đến gần một tuần mới khỏi. Khiến em từ bỏ hẳn thói nghịch ngợm của mình.

Sau sự kiện lần đó, em trở nên ngoan ngoãn và nghe lời mẹ hơn. Không nghịch ngợm lung tung nữa. Và mỗi khi trời đổ mưa, thì em lại bồi hồi mà nhớ về kỉ niệm ngốc nghếch ấy của mình.

Kể về 1 kỉ niệm đáng nhớ

Bài văn mẫu số 1

Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống tôn sư trọng đạo. Hằng năm, vào ngày 20 tháng 11, các trường học lại tổ chức buổi lễ tri ân đến các thầy cô giáo. Hòa chung không khí đó, trường học của em cũng đã tổ chức một buổi lễ thật long trọng.

Buổi sáng hôm đó, em thức dậy thật sớm. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, em đạp xe đến trường. Ngôi trường đã được quét dọn sạch sẽ, trang trí cờ hoa rực rỡ. Trên sân trường, những hàng ghế được xếp ngay ngắn. Phía khu vực sân khấu có treo một tấm băng rôn màu xanh. Chính giữa đính một dòng chữ in hoa màu trắng nằm: “LỄ KỈ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20 – 11”. Bên dưới có ghi: “Trường THCS…, ngày 20 tháng 11 năm…”. Các thầy cô và học sinh đều ăn mặc rất trang trọng, lịch sự. Các thầy mặc quần âu, áo sơ mi. Còn các cô giáo thì mặc áo dài. Học sinh mặc đồng phục của trường.

Bảy giờ ba mươi phút, buổi lễ mít tinh bắt đầu. Đầu tiên, một số tiết mục văn nghệ được biểu diễn. Các bài hát “Bụi phấn”, “Người thầy” hay “Mong ước kỉ niệm xưa” vang lên như một lời tri ân các thầy cô giáo. Sau đó, toàn thể giáo viên và học sinh cùng đứng dậy làm lễ chào cờ. Sau phần giới thiệu của cô tổng phụ trách, thầy hiệu trưởng đã có lời phát biểu. Tiếp đến, em đã đại diện cho học sinh toàn trường trình bày cảm nhận và gửi lời tri ân tới thầy cô giáo. Đây là lần đầu tiên em đứng phát biểu trước đám đông nên cảm thấy vô cùng hồi hộp. Nhưng cô Hoa – cô giáo chủ nhiệm đã gửi lời động viên giúp em có thêm sức mạnh. Đứng trên sân khấu, em phát biểu thật rõ ràng, chậm rãi. Thỉnh thoảng, em lại nhìn xuống phía dưới sân trường. Mọi người đều đang chăm chú lắng nghe. Phần trình bày kết thúc, em nói lời cảm ơn và nhận được một tràng pháo tay vang lên.

Sau đó, em còn nhận được lời khen ngợi của cô giáo chủ nhiệm. Điều đó khiến em cảm thấy rất vui sướng. Không chỉ vậy, em còn tự hào khi được đại diện học sinh toàn trường phát biểu cảm nghĩ và nói lời tri ân với thầy cô giáo.

Ngày Nhà giáo Việt Nam là một dịp lễ quan trọng đối với thầy cô và học sinh. Thế hệ hôm nay cần phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bài văn mẫu số 2

Mỗi kỉ niệm đẹp đẽ luôn được con người lưu giữ lại. Tôi cũng có rất nhiều kỉ niệm như vậy. Và qua đó, tôi đã học được những bài học quý giá.

Cuối tuần này, trường tôi tổ chức một buổi tham quan cho học sinh khối lớp sáu. Các bạn trong lớp tôi đều tham gia. Chuyến tham quan đến với khu di tích Cổ Loa. Nơi đây gợi cho tôi nhớ đến truyền thuyết về vua An Dương Vương.

Khu di tích Cổ Loa nằm ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Đúng sau giờ ba phút, chúng tôi phải có mặt ở trường, lên xe và điểm danh. Bảy giờ, xe bắt đầu xuất phát. Trên xe, mọi người cùng trò chuyện rất vui vẻ. Xe đi khoảng một tiếng thì đến nơi. Sau khi xuống xe, chúng tôi tập trung theo từng lớp để đi tham quan. Mỗi lớp sẽ có một anh hoặc chị hướng dẫn viên dẫn đi tham quan.

Trước hết, học sinh toàn khối sẽ đến thắp hương ở đền thờ vua An Dương Vương. Sau đó, các lớp sẽ đến thăm lần lượt các địa điểm như đình Cổ Loa (hay còn gọi là Ngự Triều Di Quy), kế tiếp là Am Mị Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mị Châu), chùa Cổ Loa, chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự), cuối cùng là đình Mạch Tràng. Ở mỗi địa điểm, chúng tôi lại được nghe các anh chị hướng dẫn viên giới thiệu những kiến thức bổ ích.

Đến trưa, chúng tôi sẽ tập trung lại ăn trưa theo lớp rồi được nghỉ ngơi khoảng một tiếng. Buổi chiều, học sinh toàn khối sẽ tập trung lại để tham gia một số hoạt động tập thể. Đầu tiên, chúng tôi được tham gia cuộc thi “Đố vui có thưởng”. Các câu hỏi có liên quan đến khu di tích Cổ Loa mà chúng tôi vừa được tham quan. Rất nhiều bạn đã trả lời đúng và nhận được phần thưởng. Đến câu hỏi cuối cùng là câu hỏi khó nhất, phần thưởng nhận được cũng có giá trị nhất. Một số bạn giơ tay nhưng không trả lời đúng. Cô tổng phụ trách phải đưa ra các gợi ý nhưng vẫn chưa có ai trả lời đúng. Suy nghĩ một lúc, tôi đã đoán ra được đáp án, xung phong trả lời và giành được phần thưởng. Tôi còn nhận được lời khen của cô tổng phụ trách và một tràng pháo tay và ánh mắt ngưỡng mộ các bạn học sinh trong khối. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất khá tự hào.

Sau đó, chúng tôi còn được chơi các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố… Cuối cùng, chúng tôi còn được xem một tiết mục múa rối nước, và hát quan họ. Chuyến đi tham quan khu di tích lịch sử Cổ Loa đã giúp tôi học hỏi thêm nhiều điều bổ ích.

Một kỉ niệm đẹp đẽ và đáng nhớ. Tôi cũng đã học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích hơn và thêm yêu quê hương, đất nước của mình.

Bài văn mẫu số 3

Trong cuộc đời, kỉ niệm là những điều thật đẹp đẽ và đáng trân trọng. Mỗi người đều có những kỉ niệm đáng nhớ, tôi cũng vậy. Một trong đó đó là kỉ niệm về ngày khai trường đầu tiên.

Tối hôm trước, mẹ giúp tôi chuẩn bị đầy đủ quần áo, sách vở. Sáng hôm sau, tôi thức dậy thật. Đúng bảy giờ, ông nội chở tôi đến trường trên chiếc xe đạp. Cảnh vật hai bên đường đã quen thuộc mà hôm nay sao thật khác. Đường phố có vẻ đông đúc hơn mọi ngày. Rất nhiều bạn học sinh trong bộ quần áo mới. Khuôn mặt của các bạn vừa có chút lo âu, vừa có chút háo hức.

Dù đã đến trường nhận lớp và được làm quen với thầy cô, bạn bè trước đó. Nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng háo hức. Tôi mặc bộ đồng phục mới, đi đôi dép mà mẹ đã tặng cho tôi và cùng ông nội bước vào trường. Cô giáo đã đứng chờ ở đầu hàng của lớp tôi để đón các bạn học sinh. Tôi chào tạm biệt ông và ngồi vào chỗ theo sự sắp xếp của cô. Buổi lễ khai giảng diễn ra thật trịnh trọng với lời phát biểu của thầy hiệu trưởng, lời phát biểu của anh chị học sinh cuối cấp và của một bạn học sinh lớp Một. Cuối buổi lễ, thầy hiệu trưởng đã thay mặt thầy cô đánh tiếng trống khai trường. Khi nghe tiếng trống ấy, tôi cảm thấy bồi hồi và thật xúc động.

Buổi lễ khai giảng kết thúc trong niềm hân hoan của học sinh. Còn tôi cùng các bạn đi theo hàng vào lớp. Buổi học đầu tiên diễn ra với bài tập đọc. Chúng tôi chăm chú lắng nghe tiếng cô giáo giảng bài. Sau đó, cô giáo yêu cầu cả lớp đọc đồng thanh theo cô. Giọng đọc của cả lớp nghe thật to và rõ ràng. Những tiết học tiếp theo diễn ra cũng rất vui vẻ và thú vị. Tôi còn hăng hái giơ tay phát biểu và được cô giáo khen nữa. Điều đó khiến tôi rất hạnh phúc. Đến chiều về, khi gặp lại ông nội sau một ngày học, tôi hân hoan kể cho ông nghe những câu chuyện ở lớp học. Ông còn khen và thưởng cho tôi một que kem thật to vì sự cố gắng của mình.

Kỉ niệm về ngày khai trường đầu tiên thật đẹp đẽ. Đó là hành trang giúp tôi vững bước trên con đường sắp tới.

Bài văn mẫu số 4

Ai cũng đầy ắp những kỉ niệm của một thời thơ ấu. Đặc biệt, những buổi đầu cắp sách đến trường, được gặp gỡ và làm quen với biết bao thầy cô, bạn bè sẽ luôn là những kỉ niệm mãi mãi không bao giờ quên.

Những ngày đầu đi học, tôi luôn được cô giáo khen viết chữ đẹp và đều. Em học rất khá môn tập viết tuy nhiên lại không giỏi môn toán. Đây là môn học mà em sợ nhất. Cô giáo mặc dù đã giảng dạy, hướng dẫn em làm bài rất cẩn thận và tỉ mỉ tuy nhiên do bản thân sợ môn học này nên những lời cô giảng dạy em không hiểu hết. Biết vậy, nên cô đã đổi chỗ cho em ngồi cạnh Hà – một trong những bạn học giỏi toán nhất lớp – để học tập cùng nhau. Cùng nhau làm bài tập nhóm đã giúp cho em tiến bộ hơn rất nhiều. Em đã học được phương pháp học toán của bạn. Thậm chí, trong những bài toán khó, bạn còn hướng dẫn em cách tiếp cận vấn đề và phương pháp giải phù hợp. Từ một học sinh yếu môn toán, em đã bắt đầu có niềm đam mê và yêu thích với môn học này.

Có một lần trong một bài kiểm tra toán, em không làm được bài. Em ngồi loay hoay gần như cả buổi để giải. Hà thấy vậy liền viết viết ra một tờ nháp. Sau đó, bạn vo vo lại rồi nhẹ nhàng đưa cho em. Em cảm thấy rất vui khi được bạn giúp đỡ nhưng đồng thời cũng thấy bứt rứt trong lòng. Rồi em cầm tờ giấy đã vò nhét vào học bàn. Em chợt nhớ lời cô giáo dạy: “Thất bại là mẹ thành công”. Em không muốn bản thân mình cứ mãi yếu kém môn toán. Hà cũng thúc giục em giở tờ giấy ra chép. Nhưng bản thân em kiên quyết từ chối và tiếp tục ngồi suy nghĩ cách làm. Khi chỉ còn khoảng năm phút thì hết giờ làm bài, tự dưng những lời cô giáo giảng như hiện về trong tâm trí em. Một hồi viết nháp các công thức đã học, em chợt phát hiện ra mình đã bỏ quên mất một phép tính. Em vội vàng sửa lại bài làm. Khi trống báo hiệu kết thúc giờ kiểm tra cũng là lúc em hoàn thành bài thi.

Cô giáo trả bài kiểm tra và em được điểm 8 – một kết quả xứng đáng với sự nỗ lực của bản thân, Hà cũng rất vui khi thấy em đã học khá hơn trước. Đến bây giờ mỗi khi nhắc lại, tôi lại thấy hân hoan trong lòng.

Bài văn mẫu số 5

Kỉ niệm vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Đối với riêng tôi cũng vậy, những kỉ niệm đó đã trở thành hành trang để bước vào cuộc sống trong tương lai.

Trong cuộc đời, chúng ta chắc hẳn đã không ít lần mắc lỗi. Nhưng nhờ có những lỗi lầm đó mà tôi thêm trưởng thành hơn. Sự việc đó xảy ra khi tôi còn học năm lớp năm. Trong một lần ham chơi, tôi đã trốn học cùng với nhóm bạn ra ngoài chơi điện tử. Nhưng cô giáo chủ nhiệm đã phát hiện ra. Cô đã nhắc nhở chúng tôi trước cả lớp. Cô còn nói rằng sẽ đến gặp phụ huynh để trao đổi vào cuối tuần. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất lo lắng. Bố của tôi rất nghiêm khắc và khó tính.

Cuối tuần, cô đã đến nhà nhưng chỉ có mẹ ở nhà, còn bố tôi đã đi công tác. Cô nói chuyện với mẹ khoảng một tiếng rồi ra về. Tôi ngồi trên phòng mà lòng lo lắng. Sau khi cô ra về, mẹ đã gọi tôi lại để trò chuyện. Trái với thái độ nhẹ nhàng của mẹ, tôi đã tỏ ra khó chịu, còn cãi lại mẹ. Khi nghe những lời tôi nói, mẹ chỉ im lặng. Tôi thấy ánh mắt của mẹ buồn bã.

Hôm sau, tôi đi học về thì nhìn thấy một bức thư trên bàn. Tôi mở thư – một dòng chữ quen thuộc của bố hiện ra. Những lời bố viết khiến tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Tôi nhận ra những điều mà mẹ hy sinh cho mình thật lớn lao. Và tôi cảm thấy ân hận vô cùng về những lời nói vô lễ lúc đó.

Buổi tối hôm đó, sau khi ăn cơm xong, tôi đã đề nghị được giúp mẹ rửa bát. Sau đó, khi bố mẹ ngồi xem vô tuyến ở phòng khách. Tôi đã nói lời xin lỗi với bố mẹ. Lúc đầu, bố mẹ rất ngạc nhiên. Nhưng sau đó, tôi cảm nhận được bố mẹ đã rất xúc động. Cả hai cùng nói: “Không sao đâu, con gái yêu của bố mẹ!”. Tôi ôm chầm lấy bố mẹ của mình. Nước mắt rơi lúc này mà không biết.

Quả thật, gia đình luôn yêu thương chúng ta vô điều kiện. Những người thân sẽ bao dung, dạy dỗ cho mỗi người những bài học quý giá. Kỉ niệm này đối với tôi thật ý nghĩa biết bao.

Bài văn mẫu số 6

Những kỉ niệm thường đem đến cho con người nhiều bài học quý giá. Và tôi cũng đã có một kỉ niệm như vậy mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi.

Trong giờ ra chơi tuần trước, tôi đang ngồi chép bài. Bỗng nhiên, Tuấn – bạn cùng bàn của tôi tiến đến, khuôn mặt cậu tỏ ra khá tức giận. Tôi chưa kịp hỏi han gì thì Tuấn đã lớn tiếng:

– Có phải cậu đã lấy tiền của tớ không? Chỉ có cậu biết tớ có một số tiền lớn như vậy. Số tiền đã bị mất sau tiết thể dục, mà cậu đã xin nghỉ giờ đó.

Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì Tuấn đã lấy cặp của tôi, rồi lục khắp các ngăn. Tôi cảm thấy khá tức giận, nhưng chợt nhớ ra vào đầu buổi học, Tuấn có nói với tôi chuyện mang tiền đến lớp để đóng học phí. Chắc số tiền đã bị mất, tôi liền nói với Tuấn:

– Không phải tớ đâu, Tuấn ơi! Tớ không biết cậu để số tiền đó ở đâu mà!

Nhưng Tuấn không nghe. Mọi ánh mắt của các thành viên trong lớp đổ dồn về phía tôi. Ai cũng thể hiện thái độ bất bình và rất nhiều người đã lên tiếng kết tội. Tôi chỉ biết im lặng, lòng buồn bã vô cùng.

Trước tình hình lớp học như vậy, bạn lớp trưởng đã nhờ đến sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm. Cô đã yêu cầu cả lớp trật tự và hỏi tôi về chuyện vừa xảy ra. Tôi lo lắng không biết phải giải thích ra sao cho mọi người và Tuấn hiểu. Bỗng nhiên, bạn lớp trưởng đã đứng lên nói trước cả lớp:

– Thưa cô và các bạn, tôi tin rằng Hùng không lấy số tiền của Tuấn.

Bạn lớp trưởng tiếp tục:

– Đầu tiên, Hùng là người bạn rất tốt bụng. Thậm chí, Hùng còn dành dụm tiền ăn sáng của mình để ủng hộ cho quỹ từ thiện của trường. Hùng luôn sẵn lòng giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Không chỉ vậy, việc Tuấn vội vàng kết tội bạn Hùng vì nghĩ bạn đã biết về khoản tiền đó của mình, trong khi chưa có bằng chứng thuyết phục là đã quá vội vàng.

Các thành viên trong lớp đều trầm trò tán đồng. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Tôi nhìn bạn lớp trưởng, lòng đầy cảm kích. Rồi như được tiếp thêm sức mạnh, tôi liền lên tiếng:

– Thưa cô giáo, thưa các bạn. Đúng là tôi có biết về số tiền đó, nhưng tôi xin khẳng định mình không lấy cắp. Vào giờ thể dục, tôi đã xin nghỉ. Nhưng khi đó, tôi đã lên phòng y tế của trường và ở lại đó đến hết giờ vì bị đau bụng. Cô y tế có thể làm chứng cho tôi.

Nghe xong, mọi người đều tỏ vẻ tán đồng. Cô giáo yêu cầu Tuấn kiểm tra đồ dùng cá nhân của mình một lần nữa. Tuấn đã làm theo. Thật may, khoản tiền đóng học của Tuấn ở trong túi áo khoác. Cậu đã để nó ở ngăn bản học. Vì Tuấn chỉ nhớ rằng mình đã cất cẩn thận trong cặp sách, mà quên mất đã để số tiền đó vào túi áo như thế nào. Cả lớp thở phào nhẹ nhõm, tôi cũng vậy. Sau đó, Tuấn đã xin lỗi tôi. Nhưng tôi không trách bạn. Tôi động viên và nhắc nhở Tuấn lần sau nên cẩn thận hơn.

Kỉ niệm về một lần bị hiểu lầm khiến tôi rút ra được nhiều điều bổ ích. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn cũng nên bình tĩnh để xử lí mọi chuyện một cách tốt nhất.

Bài văn mẫu số 7

Trong cuộc đời của mỗi người đều có những kỉ niệm đáng trân trọng. Đó là hành trang để chúng ta vững bước vào đời. Và tôi cũng có những kỉ niệm đẹp đẽ như vậy.

Kỉ niệm mà tôi vẫn nhớ đó là buổi khai giảng cuối cùng của năm học cấp một. Một buổi lễ thật ý nghĩa đối với một học sinh. Tôi còn nhớ hôm đó là một ngày cuối thu. Bầu trời trong xanh, cao thẳm. Tôi thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị mọi thứ. Bảy giờ kém mười lăm phút, mẹ đưa tôi đến trường.

Buổi lễ khai giảng bắt đầu vào đúng bảy giờ ba mươi phút. Mở đầu là các tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khai giảng. Sau đó là phần diễu hành của các em học sinh lớp một. Khi nhìn thấy khuôn mặt bỡ ngỡ của các em, tôi lại nhớ đến hình ảnh của mình khi mới bước chân vào mái trường Tiểu học thân yêu.

Sau khi tiến hành lễ chào cờ, tất cả học sinh được yêu cầu ổn định trật tự để nghe lời phát biểu của cô hiệu trưởng. Giọng cô trầm ấm mà trang nghiêm, khiến cho tôi cảm thấy rất xúc động. Những lời dặn dò của cô hiệu trưởng về một năm học mới bổ ích khiến tôi có thêm động lực để cố gắng. Điều đặc biệt nhất, tôi sẽ thay mặt toàn thể học sinh khối năm bày tỏ cảm xúc, gửi lời tri ân tới các thầy cô. Đây là lần đầu tiên tôi đứng trước một đám đông để phát biểu. Cũng là lần đầu tiên tôi được giao một trọng trách lớn như vậy. Điều đó khiến tôi cảm thấy có chút hồi hộp, lo âu. Nhưng được sự động viên của cô tổng phụ trách, tôi thêm tự tin hơn. Trong bộ đồng phục mới tinh và gọn gàng, tôi đứng trên sân khấu trình bày bài phát biểu. Sau phần phát biểu của tôi, các thầy cô và học sinh toàn trường đã dành tặng cho tôi một tràng pháo tay. Khi trở vào, tôi cũng đã nhận được lời khen của cô tổng phụ trách. Lúc đó, tôi thấy thật tự hào, hạnh phúc.

Buổi lễ kết thúc bằng hồi trống chào mừng năm học mới. Đó là một hồi trống trang nghiêm nhất, vang vọng nhất mà tôi từng nghe. Nó vang lên trong không khí im phăng phắc, nghiêm trang và hồi hộp. Vậy là năm học cuối cùng của tôi dưới mái trường tiểu học thân yêu đã bắt đầu.

Buổi lễ khai giảng kết thúc trong niềm hân hoan của một năm học mới. Khi nhắc về những kỉ niệm ngày khai trường, trong lòng tôi lại nhớ đến những câu văn trong tác phẩm “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh mà tôi đã từng đọc: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”.

Bài văn mẫu số 8

Mỗi kỉ niệm dù vui hay buồn đều thật đáng trân trọng. Và đối với mỗi học trò, có lẽ những kỉ niệm bên bạn bè, thầy cô và mái trường là đáng nhớ nhất. Đến bây giờ, em vẫn còn nhớ về tiết học đầu tiên dưới mái trường Trung học cơ sở.

Buổi học đầu tiên vào thứ hai. Tiết học đầu tiên là Ngữ văn. Khi tiếng trống vang lên, cô giáo nhanh chóng bước vào lớp. Đầu tiên, cô giới thiệu về bản thân. Tên của cô là Nguyễn Thu Hà. Sự thân thiện, nhiệt tình của cô khiến cả lớp đều rất mong đợi, háo hức.

Bài học bắt đầu với lời giới thiệu về môn học. Sau đó, chúng em đã được học văn bản “Bài học đường đời đầu tiên”. Cô Hà cho cả lớp mười lăm phút để đọc toàn bộ văn bản. Sau đó, cô đã tổ chức một trò chơi. Chúng em sẽ phải giải các ô chữ để tìm ra từ khóa. Có tám ô chữ với tám câu hỏi khác nhau. Mỗi câu trả lời đúng sẽ nhận được một chiếc bút bi. Người giải được từ khóa sẽ nhận được một điểm mười vào điểm kiểm tra miệng. Cả lớp tham gia rất nhiệt tình. Cuối cùng, em đã là người giải được từ khóa. Cô giáo đã khen ngợi và tặng em một điểm mười như đã hứa.

Trò chơi kết thúc. Chúng em bắt đầu vào bài học. Những kiến thức về tác giả, tác phẩm được cô giới thiệu một cách ngắn gọn. Sau đó, cô hướng dẫn cách phân tích văn bản theo từng nhân vật. Cuối cùng, cô còn tổng kết lại giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản. Thỉnh thoảng, cô cũng đưa ra những câu hỏi để chúng em có thể trao đổi. Nhiều bạn đã giơ tay phát biểu, được cô khen ngợi. Tiết học diễn ra rất sôi nổi. Chúng em say sưa lắng nghe mà quên mất cả thời gian. Với riêng em, sau tiết học, em đã nắm được toàn bộ kiến thức về văn bản “Bài học đường đời đầu tiên”.

Bốn mươi lăm phút trôi qua thật nhanh. Kết thúc giờ học, cô giáo đã dặn dò cả lớp về ôn lại bài học. Tiết học đầu tiên thật vui vẻ, nhưng cũng thật bổ ích. Và kỉ niệm này chính là một nguồn động lực to lớn của em trong những ngày tháng học tập sau này.

Bài văn mẫu số 9

Kỉ niệm chính là hành trang bước vào tương lai của mỗi người. Em sẽ trân trọng từng khoảnh khắc dưới mái trường thân yêu, cũng như cố gắng học tập tốt để hoàn thiện bản thân hơn.

Năm nay tôi vào lớp sáu, còn bé Nhi thì bước sang lớp bốn. Bố mẹ Nhi cũng đã về sống với nhau sau hơn một năm sống ly thân. Tôi và Nhi tuy chẳng phải họ hàng nhưng thân thiết lắm! Tất cả bắt đầu từ lần ấy…

Năm ấy, tôi học lớp bốn còn bé Nhi học lớp hai. Tội nghiệp bé Nhi! Bố nó ham mê cờ bạc, rượu chè đi suốt từ sáng đến tối mới về lại còn hay đánh vợ chửi con.Mẹ nó không chịu được, quyết định đưa nó về bà ngoại. Nhà bà ngoại nó ở cuối xóm, cạnh nhà tôi. Thế là anh em quen nhau từ đó.

Một buổi chiều hè, tôi rủ bé đi chơi vì biết bé rất buồn. Tôi hỏi:

– Bây giờ em thích cái gì để anh làm cho?

Bé Nhi nói:

– Anh biết không! Ngày xưa em mơ ước nhà em như một con thuyền lớn. Bố là cột buồm vững chãi còn mẹ là khoang thuyền che chở nắng mưa. Con thuyền nhà em sẽ chở những ước mơ của em đến đích. Vậy mà bây giờ nó chẳng bao giờ có thể thực hiện được.

– Đừng buồn em ạ! Hãy cố gắng lên! Nào, đi! Đi với anh! Tôi dắt bé Nhi đi hái những lá tre thật to để gấp thuyền lá thả trôi sông.

Tôi chọn lá to nhất gặp một con thuyền thật đẹp tặng bé Nhi. Nhưng Nhi không giữ được, bé thả ngay xuống nước. Những con thuyền lại không trôi. Nó mắc cạn vào ngay đám rong đang bò lổm ngổm ở giữa dòng. Bé Nhi nói:

– Đấy! Gia đình em bây giờ cũng như con thuyền đó, chẳng thể nào nó đi được, chỉ có thể chìm thôi!

Tôi vừa tiếc, lại vừa thương Nhi, bèn cứ mang cả quần áo lội xuống sông vớt chiếc thuyền lên. Nước đến bụng rồi đến cổ. Bỗng “sụt” chân tôi trượt phải một hố bùn giữa sông ngay lúc tôi vừa với được chiếc thuyền. Tôi cố gắng chới với trong khi một tay vẫn dâng chiếc thuyền lên khỏi mặt nước. Mấy phút sau, tôi bò lên được tới bờ khi bụng đã uống no nước nhưng rất may con thuyền không nát. Bé Nhi mặt tái mét nhưng rất ngoan ngoãn nghe tôi nói:

– Em hãy giữ nó làm kỷ niệm và tin rằng có ngày nó sẽ được bơi thỏa thích trên sông.

Hôm đó, vì sợ mẹ mắng, tôi và bé Nhi ngồi ở bờ sông cho đến khô quần áo mới dám về.

Đêm, tôi bị sốt cao nhưng vẫn giấu chuyện ban chiều không nói. Mẹ thì cứ tưởng tôi dãi nắng nên bị sốt. Cũng may sáng hôm sau, tôi đã đỡ nhiều.

Ngay hôm bố mẹ nó hòa giải và về sống với nhau, nó rủ tôi đem chiếc thuyền ra sông thả. Những chiếc thuyền đã không còn thả được. Thế là anh em tôi mải miết gấp những chiếc thuyền tre khác. Những chiếc thuyền gấp buổi chiều hôm ấy, chiếc nào cũng trôi về tận cuối dòng sông. Điều bí mật giữa tôi và bé Nhi còn đến tận bây giờ. Đó cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất tuổi thơ tôi các bạn ạ!

Bài văn mẫu số 10

Trong đời, ai cũng từng có một lần mắc lỗi. Tôi cũng phạm phải một lỗi lầm khiến tôi day dứt mãi với một trong những người bạn thân nhất của mình.

Tôi và Nam là đôi bạn thân từ nhỏ, khi mà hai đứa mới học mầm non. Khi bước vào Tiểu học, tôi là đứa duy nhất trong xóm học ở ngoại thành, còn những bạn khác thì đều học ở trường Tiểu học Ngọc Sơn, trong đó có Nam. Bước vào năm học mới, ai cũng bận rộn hẳn lên, tôi và Nam không còn thời gian mà gặp nhau như hồi mầm non nữa.

Một hôm, cô giáo yêu cầu chúng tôi hãy viết một đoạn văn tả cảnh một bãi biển. Hôm đó, tôi ngồi cắn bút mãi mà chẳng nghĩ ra được câu nào bởi vì từ trước tới giờ, tuy là lớp trưởng nhưng tôi vẫn luôn học kém môn văn cho nên mỗi khi làm bài, tôi lại phải nghĩ nát óc mới “nặn” ra nổi một câu. Ngồi nghĩ cả buổi chiều mà tôi chẳng viết nổi một từ, bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi: “Hay là mình nhờ Nam giúp? Văn là môn “tủ” của cậu ấy mà!”. Nghĩ vậy, tôi chạy vụt sang nhà Nam, vừa đến cổng nhà bạn, tôi đang định bấm chuông thì nghe thấy tiếng nói của mẹ Nam:

– Thương đó à? Vào đây chơi đi cháu.

Tôi đẩy nhẹ chiếc cổng bằng sắt, bước vào sân. Đột nhiên, một cái bóng lao tới, tôi định thần nhìn rõ, chú chó Alaska của Nam có tên gọi là Rex, chú chó mà thường cùng chúng tôi tham gia những chuyến thám hiểm hồi trước, chú cọ cái đầu vào chân tôi và dẫn tôi vào nhà. Dù đã lâu tôi không đến nhà bạn chơi nhưng căn nhà trông vẫn vậy. Thấy tôi, mẹ Nam nói:

– Cháu đợi nhé, bạn Nam sẽ xuống ngay.

– Vâng ạ! – Tôi đáp.

Một lát sau, Nam bước xuống. Trông cậu ấy cao hẳn lên khi vào cấp 1. Thấy tôi, Nam như rất bất ngờ:

– Ô, Thương đó à, lâu lắm mới thấy cậu đến chơi. Mình cũng đang định qua nhà cậu. Có chuyện này, mình muốn nói với cậu.

Mải lo cho bài văn, tôi không thực sự chú ý đến câu nói của Nam, chỉ giục cậu ấy:

– Ừ, vào học rồi nên tớ cũng bận. Thôi, có chuyện gì nói sau, giờ cậu giúp mình bài văn này đã, mai mình phải nộp rồi.

Mẹ Nam bước vào với đĩa trái cây trên tay, nói:

– Hai đứa học đi, bác sẽ nói với mẹ Thương để cháu ở lại, nhé!

– Vâng ạ!

Phòng đọc sách của nhà bạn thật là rộng. Đối diện với tủ sách là góc học tập ngăn nắp. Đang nhâm nhi đĩa trái cây ngon tuyệt, tôi chợt nhìn thấy một cuốn sổ màu đen nằm trên mặt bàn. Tò mò, tôi cầm lên. Ngó quanh, Nam đã đi lấy sách vở, tôi bèn mở ra đọc. Khi mở trang đầu tiên, tôi nhìn thấy dòng chữ “ Những tâm sự về cuộc sống của tôi” Là nhật kí của cậu ấy. Tôi cứ phân vân không biết có nên đọc hay không nhưng vì nghĩ rằng chúng tôi là bạn thân mà cậu ấy thì đã đi ra ngoài rồi nên chắc là đọc một chút cũng không sao. Nghĩ vậy, tôi bèn hồi hộp đọc ngay trang thứ hai:

“Ngày 27 tháng 9 năm 2011

Hôm nay thật là trời lại mưa và bố mình đi công tác xa chưa về nên mình không được đi ăn kem, nhưng nếu đi thì chắc chắn mình sẽ rủ Thương -người bạn thân nhất của mình.”

Không hiểu sao, cuốn nhật kí ấy cuốn hút tôi như có một ma thuật vậy, tôi bèn mở trang tiếp theo:

“Ngày 28 tháng 9 năm 2011

Chán thật, hôm nay trời vẫn mưa nhưng điều mà làm cho mình buồn hơn cả là hôm nay bố mẹ lại cãi nhau mà mình lại không biết vì sao, cầu mong mai trời sẽ tạnh mưa và mình sẽ được đi ăn kem.”

Bỗng nhiên, tôi giật bắn mình vì Nam đang đứng ngay trước mặt. Tôi có thể thấy được sự giận dữ trên mặt bạn mình. Cậu ấy hét lên:

Sao cậu lại có thể làm như vậy.

Tôi hoảng sợ, run rẩy đánh rơi luôn cuốn nhật ký trên tay. Luống cuống, tôi chỉ biết lắp bắp:

– Mình… mình…

Rồi hấp tấp rời khỏi nhà cậu ấy. Khi đã về nhà, tôi mới định thần và tự hỏi bản thân rằng vì sao tôi lại không thể kìm nén sự tò mò như vậy? Cả đêm, tôi cứ trằn trọc không ngủ được, những câu hỏi cứ liên tục hiện ra trong tâm trí tôi: “Mình có nên xin lỗi cậu ấy hay không?”, “Nếu mình xin lỗi thì bạn sẽ còn chơi với mình nữa không?”

Hôm sau, tôi đến trường như mọi ngày và nộp bài văn dở tệ mà tối qua tôi đã làm một mình cho cô, nhưng may mắn thay, hôm đó, cô chưa thu bài. Khi tiếng trống vang lên báo hiệu sự kết thúc của một buổi học tôi về nhà mà trong lòng không yên, tôi cứ nghĩ về tối hôm qua, muốn sang nhà xin lỗi Nam. Tuy nhiên, khi bước vào phòng tôi thấy một bức thư. Sau khi đọc xong thư, tôi ngỡ ngàng! Là Nam, cậu viết thư để xin lỗi vì tối qua đã mất bình tĩnh để rồi nặng lời với tôi như vậy và để thông báo rằng sáng nay, gia đình cậu sẽ lên máy bay để sang định cư tại Canada. Hôm qua, cậu ấy định nói cho tôi biết mà chưa kịp. Tôi vội chạy qua nhà Nam nhưng căn nhà đã đóng kín cửa. Ôi, đáng ra tôi mới phải là người xin lỗi vậy mà giờ đây, tôi đã không có cơ hội để gặp lại Nam nữa. Có lẽ cuộc sống của Nam tại nơi ở mới có nhiều bận rộn nên từ đó tới nay, tôi và Nam vẫn chưa liên lạc được với nhau.

Và tôi chỉ ước rằng mình có thể quay ngược thời gian để có thể sửa lại lỗi lầm của tuổi ấu thơ.

…….. Mời tham khảo thêm tại file tải dưới đây ………

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 6: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm) 4 Dàn ý & 25 bài văn mẫu hay nhất lớp 6 tại website Truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Xin Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *