Bài dự thi Viết về bình đẳng giới Mẫu bài dự thi viết về bình đẳng giới mới nhất

Bạn đang xem bài viếtBài dự thi Viết về bình đẳng giới Mẫu bài dự thi viết về bình đẳng giới mới nhất tại website Truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phát động cuộc thi “Viết về bình đẳng giới năm 2018″. Thông qua cuộc thi, mong muốn sẽ truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, ấn tượng, làm lay động lòng người, làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của xã hội và của chính chị em phụ nữ về bình đẳng giới.

Sau đây, truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn xin giới thiệu đến các bạn mẫu bài dự thi Viết về Bình đẳng giới hay nhất được chúng tôi tổng hợp và đăng tải ngay sau đây. Mời các bạn cùng tham khảo.

Bài dự thi Viết về Bình đẳng giới

Họ và tên:……………………………………

Năm sinh: ………………….- Giới tính:……

Đơn vị:………………………………………

Hiện nay, việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của mọi người không phân biệt một tầng lớp, giai cấp nào. Có thể nói, trong số đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về thực hiện bình đẳng giới mà chúng ta cần phải học hỏi.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng ca ngợi Bác Hồ:

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người”

Vâng, trong những “kiếp người” chung của cả dân tộc, Bác đã giành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ. Mà điều Bác quan tâm nhất là vấn đề giải phóng phụ nữ. Nếu vấn đề giải phóng phụ nữ là vấn đề cơ bản nhất trong các vấn đề của phụ nữ thì quyền bình đẳng giữa nam và nữ lại là nội dung quan trọng nhất, cốt lõi nhất của vấn đề này. Chính vì vậy mà Bác đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”, vì sao Bác lại khẳng định như vậy?

Hơn ai hết, Bác là người hiểu rõ rằng: Trong xã hội, người phụ nữ là người bị áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất: Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ không được coi trọng. Cái quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” ấy đã khiến chị em suy nghĩ thật xót xa:

“Thân em như cái chổi đầu hè

Phòng khi mưa gió cho chàng chùi chân”

Do vậy, họ là nạn nhân của chế độ “đa thê”:

“Trai thì năm thê bảy thiếp

Gái chính chuyên chỉ có một chồng”

Chế độ đa thê ấy làm cho người phụ nữ lâm vào hoàn cảnh thật éo le. Vì vậy mà Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã phải cất lên tiếng chửi: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!”. Những hiện tượng trên làm nhức nhối mỗi chúng ta. Mặt khác, người phụ nữ phải làm việc nhiều nhất là các công việc nội trợ, việc gia đình dẫn đến sự thiếu thốn về thời gian, suy giảm thể lực. Lúc này có sự mâu thuẫn giữa hai chức năng: chức năng lao động xã hội với tư cách là một công dân bình đẳng với nam giới; chức năng tái sản xuất sức lao động cho xã hội với tư cách là người vợ, người mẹ, người nội trợ trong gia đình nhưng vẫn chưa được bình đẳng với nam giới.

Quyền bình đẳng thật sự của người phụ nữ theo Bác là người đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân. Thực chất của vấn đề bình đẳng nam nữ được Bác quan tâm không chỉ ở góc độ chính trị mà còn ở cả góc độ kinh tế, không chỉ ngoài xã hội mà trong cả lĩnh vực gia đình, gia tộc; không chỉ ở góc độ nghĩa vụ mà còn là quyền lợi: quyền bầu cử và ứng cử, quyền được đào tạo, học hành, quyền được tham gia lao động xã hội, được tự do trong hôn nhân, được tham gia vào các cấp lãnh đạo quản lý Nhà nước và Đảng…

Với cương vị của một Chủ tịch nước, trong những lo lắng quan tâm chung cho đồng bào cả nước, Bác luôn quan tâm tới sự bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Rất nhiều lần Người phê phán những thái độ đối xử không tốt đối với phụ nữ như coi thường không tin tưởng chị em, tệ đánh vợ…Mỗi hội nghị, nếu có đại biểu nữ, Bác thường mời lên đầu, ân cần hỏi han đến chuyện gia đình con cái, đến cuộc sống và những khó khăn riêng của chị em.

Cần phải nói rằng không phải ai cũng có được một cái nhìn tiến bộ về phụ nữ như Bác. Suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những lời khen ngợi động viên, những đánh giá cao của người luôn là điểm tựa tinh thần lớn lao để phụ nữ nước ta hoàn thành nhiệm vụ. Tự hào thay khi Bác ca ngợi phụ nữ chúng ta:

“Phụ nữ ta chẳng tầm thường

Đánh đông dẹp bắc làm gương để đời”.

Chúng ta thật xúc động khi nghe Bác nhận xét chị Nguyễn Thị Định – một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu: “phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho Miền Nam cho cả dân tộc!” Và Bác đã thay mặt cho Đảng, Nhà nước tặng phụ nữ Miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung 8 chữ vàng: “ANH HÙNG – BẤT KHUẤT – TRUNG HẬU – ĐẢM ĐANG”.

Thái độ đối xử bình đẳng với phụ nữ của Bác không phải là cái gì khác ngoài lòng tin cậy, đánh giá cao vai trò và năng lực của người phụ nữ, động viên khơi dậy những năng lực tiềm tàng ở họ để làm tròn những trách nhiệm được giao.

Không những Bác quan tâm đến quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam mà Bác còn quan tâm đến cả phụ nữ quốc tế. Khi đến thăm tượng Thần Tự Do ở Mỹ, trong khi rất nhiều chính khách viết những lời ca ngợi Thần với những ngôn từ đẹp nhất thì Bác, lúc đó là Nguyễn Ái Quốc đã ghi một câu đại ý: Thần Tự Do toả ánh sáng khắp nơi nhưng dưới chân Thần vẫn còn những người phụ nữ bị đánh đập. Bao giờ người phụ nữ nhất là người phụ nữ da đen mới được tự do, bình đẳng? Tấm lòng của Bác mênh mông sâu thẳm biết bao!

Mỗi giới đều có vai trò riêng của mình: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, song để phụ nữ được bình đẳng với nam giới về mọi mặt, Bác cũng chỉ rõ: Giành lại quyền bình đẳng cho phụ nữ là cuộc cách mạng lâu dài, to lớn và khó nhất chứ không phải là việc: Hôm nay anh nấu cơm, quét nhà, rửa bát; ngày mai em rửa bát, quét nhà, nấu cơm; Cần có nhiều chủ trương chính sách, sử dụng biện pháp tổng hợp toàn diện về kinh tế, văn hoá xã hội để giải quyết vấn đề phụ nữ. Đặc biệt bản thân chị em phải tự lực tự cường phấn đấu để vươn lên, rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân đạo để khẳng định mình.

Kế thừa tư tưởng tiến bộ của Bác về vấn đề bình đẳng giới, đất nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thích hợp để phát huy vai trò thế mạnh của phụ nữ. Nghị quyết số 11 của Bộ chính trị – BCHTW Đảng khoá X về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đã ghi rõ: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35 đến 40%, các cơ quan đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ…”

Có thể nói rằng tư tưởng giải phóng phụ nữ, đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ của Bác có ý nghĩa hết sức lớn lao: tư tưởng ấy đã chỉ dẫn cho người phụ nữ Việt Nam, cổ vũ chị em trên con đường đấu tranh đi tới bình đẳng tự do cùng nhân loại tiến bộ. Tư tưởng ấy cũng cho mỗi chúng ta một bài học nhân văn: coi trọng con người, tất cả vì con người.

Bản thân không ngừng học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Luôn quan tâm chia sẽ với cán bộ nữ trong cơ quan cũng như mẹ, chị và em trong gia đình, góp phần xây dựng nước ta giàu mạnh, bình đẳng, tự do, tạo điều kiện đưa phụ nữ Việt Nam trở thành một trong những phụ nữ thành đạt và có bản lĩnh trên thế giới.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bài dự thi Viết về bình đẳng giới Mẫu bài dự thi viết về bình đẳng giới mới nhất tại website Truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Xin Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *