Bệnh đậu mùa khỉ là gì, nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh này và làm cách nào để phòng tránh? Hãy cùng Bách Hóa XANH tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Theo Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Vậy bệnh đậu mùa khỉ là gì? Căn bệnh này có nghiêm trọng hay không? Bài viết này sẽ giải đáp các thắc mắc đó, cũng như đưa ra giải pháp để bạn có thể phòng bệnh hiệu quả.
Cùng xem thêm video tìm hiểu về bệnh đậu mùa khỉ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh:
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Đậu mùa khỉ là căn bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là căn bệnh có tính di truyền từ động vật sang người. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây từ người sang người.
Bạn có biết vì sao bệnh lại được đặt tên là “bệnh đậu mùa khỉ”? Thực tế, các nhà nghiên cứu đã phát hiện căn bệnh này xuất hiện ở loài khỉ từ năm 1958. Sau đó, căn bệnh này lần đầu xuất hiện ở người vào năm 1970.
Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Bạn có thể nhận biết căn bệnh đậu mùa khỉ thông qua một vài triệu chứng sau đây: Đau đầu, sốt cao, đau mỏi cơ, mệt mỏi, nổi hạch, phát ban,…
Sau khi có biểu hiện sốt, người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban sau đó từ 1 đến 3 ngày. Các dấu phát ban có thể xuất hiện ở: Vùng mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Ngoài ra, các tổn thương da cũng có thể xuất hiện ở mắt, miệng và cơ quan sinh dục.
Ban đầu, các nốt tổn thương da có thể không rõ ràng hoặc tiến triển thành mụn nước có dịch ở trong, sưng to rồi sau đó khô lại, đóng vảy và dần dần xẹp xuống. Các triệu chứng của bệnh thường tự hết sau khoảng 2 – 4 tuần mà không cần điều trị.
Bệnh đậu mùa khỉ lây lan như thế nào?
Bệnh đậu mùa khỉ có khả năng lây từ động vật sang người và lây giữa người với người. Theo các chuyên gia, người mắc bệnh sẽ có nguy cơ lây nhiễm cho người khác trong thời gian có triệu chứng của bệnh, thông thường là từ 2 đến 4 tuần.
Câu hỏi được đặt ra là, bệnh đậu mùa khỉ sẽ lây như thế nào? Bạn có thể bị lây bệnh nếu tiếp xúc gần với nước bọt, nốt ban, vết viêm loét hoặc dịch cơ thể (mủ hoặc máu từ những vùng phát ban) của người mắc bệnh.
Virus cũng có thể làm lây bệnh từ mẹ sang con khi người mẹ mắc bệnh trong quá trình mang thai hoặc trong và sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.
Ngoài ra, các vật dụng và đồ dùng cá nhân như: Quần áo, chăn ga gối đệm, khăn mặt hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn uống bị nhiễm virus từ người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác. Hiện nay, vẫn chưa rõ người không có triệu chứng có thể làm lây bệnh hay không.
Bên cạnh đó, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở loài gặm nhấm và loài linh trưởng cũng có thể lây sang người. Theo các bác sĩ và chuyên gia, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ động vật bằng cách tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang dã, đặc biệt là động vật bị ốm hoặc đã chết. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, bạn có thể mặc đồ bảo hộ cá nhân.
Ngoài ra, khi ăn các loại thịt động vật, chúng ta cũng cần lưu ý nấu chín trước khi ăn. Đặc biệt là tại các vùng nơi có dịch bệnh diễn ra, người dân được khuyến cáo không nên ăn sống thịt động vật khi dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Đối tượng dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ
Bất kì ai có tiếp xúc với người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hay động vật bị nhiễm bệnh đều có nguy cơ cao bị lây nhiễm. Người đã tiêm vaccine sẽ được bảo vệ ở một mức độ nhất định.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn so với trẻ vị thành niên và người trưởng thành. Các triệu chứng xuất hiện ở trẻ cũng thường nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý, bệnh có thể lây từ mẹ sang con, khi người mẹ mắc bệnh trong thời khi mang thai, trong hoặc sau khi sinh nở qua quá trình tiếp xúc trực tiếp da với da.
Phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ
Thực tế, bệnh đậu mùa khỉ có khả năng tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý hạn chế chạm hoặc tác động mạnh vào vùng phát ban để tránh bị nhiễm trùng. Chúng ta nên để chúng tự khô và xẹp xuống. Nếu có thể, hãy băng chúng lại bằng gạc ẩm để bảo vệ vùng da bị tổn thương.
Nếu bị phát ban hay nổi mụn ở vùng mắt, miệng thì bạn có thể súc miệng và nhỏ mắt. Nhưng cần lưu ý không sử dụng sản phẩm có chứa cortisone. Ngoài ra, đối với các ca bệnh nghiêm trọng, có thể sử dụng huyết thanh Globulin miễn dịch ở người, điều này tùy thuộc vào sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ
Để phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ, bạn cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người mắc bệnh và động vật mắc bệnh. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, hãy nhớ đeo khẩu trang, sử dụng găng tay và mặc đồ bảo hộ.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn. Giữ gìn vệ sinh nhà cửa và không gian sống, thường xuyên làm sạch các vật dụng cá nhân, thay vệ sinh ga gối định kỳ.
Tóm lại, để phòng tránh căn bệnh này, bản thân mỗi người cần có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh không gian sống của mình. Hạn chế tiếp xúc với các nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tuyên truyền để mọi người xung quanh có nhận thức đúng về bệnh.
Một số câu hỏi về bệnh đậu mùa khỉ
Có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ không?
Hiện nay trên thế giới đã có một số loại vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ được phê duyệt và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên vaccine này chưa được phổ biến rộng rãi. WHO hiện đang làm việc với nhà sản xuất để nâng cao khả năng tiếp cận ở nhiều nơi trên thế giới.
Trẻ em có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ không?
Câu trả lời là có. Thậm chí, trẻ em là đối tượng dễ mắc các triệu chứng đậu mùa khỉ nghiêm trọng hơn so với người trưởng thành.
Cần làm gì khi nghĩ rằng mình đã bị bệnh đậu mùa khỉ?
Nếu nghi ngờ mình mắc bệnh, hãy liên hệ với cán bộ y tế gần nhất để được nhận các tư vấn và chăm sóc y tế phù hợp. Ngoài ra, nếu có thể, bạn cũng nên tự cách ly và hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Cuối cùng, bạn cần giữ gìn vệ sinh cá nhân và luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Trên đây là những thông tin cơ bản và cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ do Bách Hóa XANH tổng hợp. Hãy lưu ý các triệu chứng cũng như các biện pháp phòng tránh hiệu quả để bảo vệ bản thân và gia đình bạn nhé.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y Tế (MOH)
truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn