Cứ 3 người thì có tới 1 người từ độ tuổi 25 trở lên mắc bệnh giãn tĩnh mạch. Hãy cùng Bách Hoá XANH tìm hiểu về căn bệnh này nhé.
Căn bệnh này càng phổ biến hơn ở những người từ độ tuổi 25 trở lên đặc biệt là ở nữ giới. Nếu bạn là bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch hay có người thân bị mắc phải thì hãy đọc bài này để hiểu rõ hơn về bệnh nhé!
Suy giãn tĩnh mạch là gì?
Suy giãn tĩnh mạch xảy ra khi ta ngồi nhiều hoặc đứng lâu quá gây ra sự ứ trệ máu ở dưới chân, không lưu thông được. Về lâu dài, tĩnh mạch sẽ bị viêm, suy giảm chức năng và có dòng ngược trào máu trong tĩnh mạch. Khi đó tĩnh mạch sẽ dần mất chức năng mà đưa máu trở lại về tim.
Triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch?
Khi bị suy giãn tĩnh mạch, các triệu chứng liên quan sẽ bao gồm đau nhức chân, sưng tấy chân, đau mỏi, tê chân và nặng chân. Cẳng chân bị chuột rút nhất là vào ban đêm, trên bề mặt da có thể xuất hiện các mạch máu mạng nhện, da bị thay đổi sắc tố, thậm chí là bị lở loét da.
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch
Căn bệnh suy giãn tĩnh mạch không phải ai cũng có thể bị mắc, tuy nhiên bạn nên chú ý tới những yếu tố sau bởi rất có thể chúng là nguyên nhân của bệnh giãn tĩnh mạch:
- Tuổi tác: Thực tế khi tuổi càng cao thì nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch càng lớn.
- Nguyên nhân tới từ nghề nghiệp: Các nghề nghiệp có yêu cầu phải ngồi lâu hoặc đứng lâu như văn phòng, giáo viên, công nhân nhà máy,… dễ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch hơn nhiều.
- Giới tính: Theo các nhà nghiên cứu, nữ giới có khả năng mắc bệnh này cao hơn gấp 3-4 lần nam giới do sự ảnh hưởng nội tiết tố bên trong cơ thể hay sự ảnh hưởng đến từ mang thai,…
- Cân nặng: cân nặng quá khổ cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tĩnh mạch của phần chân khi phải đi đứng lại nhiều.
- Di truyền: Nghiên cứu cho thấy những người bị bệnh suy giãn tĩnh mạch có khả năng mắc phải là do di truyền từ những người trong gia đình mà đã bị bệnh.
Cách điều trị suy giãn tĩnh mạch
Vớ áp lực
Vớ áp lực được làm từ vải dệt kim đàn hồi, là một trong những công cụ y khoa có chức năng hỗ trợ lưu thông máu tốt hơn, ngăn ngừa nhiều bệnh như suy giãn tĩnh mạch, búi giãn tĩnh mạch.
Lột bỏ tĩnh mạch (phẫu thuật Stripping)
Stripping là kĩ thuật lột bỏ tĩnh mạch, đây là phương pháp y khoa phổ biến từ những năm 1950. Phẫu thuật Stripping sẽ diễn ra trong vòng 1-3 tiếng, tĩnh mạch sẽ được rút hết ra bởi dụng cụ tuốt bỏ tĩnh mạch và được khâu lại bằng chỉ.
Loại bỏ tĩnh mạch giãn bằng laser hoặc sóng cao tần nội mạch
Thường để chữa trị suy giãn tĩnh mạch, các bác sĩ thường thực hiện các ca phẫu thuật Stripping hoặc Ligation, nhưng theo nghiên cứu tỉ lệ tái phát sau các ca phẫu thuật này rất cao. Bởi vậy ngày nay, y học đã nghiên cứu thêm một phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch nữa là bằng laser và sóng cao tần nội mạch.
Loại bỏ tĩnh mạch bằng hệ thống VenaSeal
Keo sinh học VenaSeal là một phát minh tiến bộ mới vượt bậc trong ngành y học, khoa học kỹ thuật. Hệ thống VenaSeal đem lại sự bảo đảm, an toàn, và hiệu quả về điều trị hơn so với các cuộc phẫu thuật truyền thống.
Điều trị tĩnh mạch mạng nhện bằng laser
Các tĩnh mạch mạng nhện mà nhỏ hơn 3mm và gần bề mặt của da, các bác sĩ sẽ có thể dùng laser để loại bỏ các tĩnh mạch đó. Ưu điểm hàng đầu khi dùng laser chữa trị là vì nó không để lại sẹo trên da do không có sự tác động dao kéo trên bề mặt da.
Sống cùng suy giãn tĩnh mạch
Không phải lúc cũng cần điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch. Nếu trong trường hợp căn bệnh ảnh hưởng tới việc đi lại quá nhiều, bạn nên lập tức đến gặp bác sĩ để điều trị.
Cách ngăn ngừa và chăm sóc người bệnh suy giãn tĩnh mạch
Chế độ sinh hoạt
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cho lưu thông máu tốt hơn. Các bạn có thể bắt đầu chơi những môn thể thao nhẹ nhàng như chạy bộ, bơi, chơi cầu lông, xe đạp, khiêu vũ,… Tránh việc tập thể dục quá sức như tập tạ, nhảy cao, nhảy xa,…
- Tập đi lại: Đi lại nhiều cũng sẽ giúp máu lưu thông hơn là đứng một chỗ, nếu bạn đang là giáo viên, bác sĩ, dược sĩ,… nên tập thói quen đi lại, đi dạo để chân không bị chịu áp lực nhiều.
- Giày dép: Nếu bạn được chẩn đoán bị suy giảm tĩnh mạch, bạn nên tránh đi giày cao gót và chọn đi những đôi giày bệt thoải mái mà nhẹ chân.
- Tránh mang vác nặng: Mang vác nặng có thể khiến áp lực chân tăng cao vậy nên bạn nên tránh mang vác nặng thường xuyên.
- Ngồi đúng tư thế: Bạn nên tránh các tư thế ngồi sai như ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân khiến cho tĩnh mạch ở chân không lưu thông được. Ngồi sai tư thế cũng ảnh hưởng nhiều tới xương cột sống nên bạn hãy chú ý nhé.
Chế độ ăn uống
Người bệnh suy giảm tĩnh mạch cần được bổ sung các loại thực phẩm dinh dưỡng, đủ vitamin và chất xơ như hoa quả, ngũ cốc, các loại rau. Người bệnh cũng cần tiết chế khẩu phần ăn nếu có dấu hiệu béo phì, bởi béo phì ảnh hưởng nhiều tới bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Bài viết trên là thông tin về bệnh suy giãn tĩnh mạch. Hãy theo dõi Bách hoá XANH thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích nhé!
Nguồn: Bệnh viện FV
Chọn mua các loại trái cây tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn để bồi bổ sức khỏe nhé:
truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn