Bạn đang xem bài viếtBộ đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích (Có đáp án) 3 Đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du tại website Truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.
Bộ đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du gồm 3 đề, có đáp án kèm theo, giúp các em học sinh có thêm tài liệu ôn tập, rèn thật tốt kỹ năng trả lời các câu hỏi trong phần đọc hiểu đề thi vào lớp 10 năm 2022 – 2023 sắp tới.
Ngoài ra, có thể tham khảo bộ đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều, Cảnh ngày xuân, Mùa xuân nho nhỏ, Đoàn thuyền đánh cá, Sang thu để vận dụng cách hiểu, tư duy, nhanh chóng trả lời những câu hỏi đề đọc hiểu thi vào lớp 10 năm 2022 – 2023. Vậy mời các em cùng tải miễn phí 3 đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích trong bài viết dưới đây của truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn:
Đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du
- Đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích – Đề 1
- Đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích – Đề 2
- Đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích – Đề 3
Đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích – Đề 1
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Câu 1: Cảnh vật trong đoạn thơ được miêu tả theo những trình tự nào?
Câu 2: Từ láy được tác giả sử dụng trong đoạn trích trên là gì? Phân loại chúng.
Câu 3: Chỉ ra và nêu ý nghĩa của biện pháp điệp ngữ trong đoạn trích trên.
Câu 4: Hai câu hỏi tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên được hiểu như thế nào?
Đáp án đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích
Câu 1: Cảnh vật trong đoạn thơ được miêu tả theo trình tự từ xa tới gần.
- Từ “cửa bể chiều hôm” tới “ghế ngồi”, bốn khung cảnh khác nhau:
- Một cánh buồm thấp thoáng nơi cửa biển.
- Những cánh hoa lụi tàn trôi man mác trên ngọn nước mới.
- Nơi cỏ héo úa, rầu rầu.
- Cảnh tưởng tượng sóng quanh ghế ngồi.
→ Diễn đạt nỗi buồn dâng lên đầy ắp, càng ngày như muốn nhấn chìm Kiều trước cuộc bể dâu.
Câu 2: Từ láy được tác giả sử dụng trong đoạn trích trên là:
- Từ láy âm đầu: thấp thoáng, man mác
- Từ láy tiếng: xa xa, rầu rầu, xanh xanh
Câu 3: Điệp ngữ trong đoạn trích trên là: buồn trông
Ý nghĩa của điệp ngữ này là:
- Buồn trông là buồn nhìn xa, trông ngóng một cái gì đó mơ hồ, vô vọng.
- Điệp ngữ này được kết hợp với những hình ảnh đứng sau nó như: cửa bể, con thuyền, cánh buồm, ngọn nước, hoa trôi, cỏ nội, chân mây mặt đất, gió, sóng,… vừa gợi thân phận cô đơn, lênh đênh, trôi dạt trên dòng đời vô định, vừa diễn tả nỗi buồn ngày càng tăng tiến, chồng chất ghê gớm, mãnh liệt hơn.
- Các điệp ngữ còn kết hợp với các từ láy: thấp thoáng, xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm tạo nên nhịp điệu ào ạt của cơn sóng lòng, khi trầm buồn, khi dữ dội, xô nỗi buồn đến tuyệt vọng.
=> Phép điệp tu từ lặp lại một yếu tố diễn đạt (vần, nhịp, từ, cụm từ, câu) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, có khả năng gợi hình tượng nghệ thuật và tạo nhịp điệu cho câu thơ, tác động mạnh mẽ tới cảm xúc người đọc.
Câu 4: Hai câu hỏi tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên được hiểu như sau:
– Câu hỏi tu từ: “Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?”
Hình ảnh cánh buồm nhỏ, đơn độc giữa mênh mông sóng nước, cũng giống như tâm trạng của Kiều trong không gian thanh vắng ở hiện tại nghĩ tới tương lai mịt mù của bản thân.
=> Nàng cảm thấy lênh đênh giữa dòng đời, không biết ngày nào mới được trở về với gia đình, đoàn tụ với người thân yêu.
– Câu hỏi tu từ: “Hoa trôi man mác biết là về đâu?”
Những cánh hoa trôi vô định trên mặt nước càng khiến Kiều buồn hơn, nàng nhìn thấy trong đó số phận lênh đênh, chìm nổi, bấp bênh giữa dòng đời ngang trái.
=> Kiều lo sợ không biết số phận của mình sẽ trôi dạt, bị vùi lấp ra sao.
Đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích – Đề 2
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng
Câu 1: Sáu câu thơ trên được trích trong tác phẩm nào? Của ai? Giới thiệu đôi nét về tác giả.
Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn trích
Câu 3: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì?
Câu 4: Từ “xuân” trong hai câu thơ “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân/Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung” được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?
Câu 5: Bút pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong đoạn trích trên?
Đáp án đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích
Câu 1: Sáu câu thơ trên được trích trong tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích của tác giả Nguyễn Du
Giới thiệu đôi nét về tác giả: Nguyễn Du tên hiệu là Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu (1765), mất năm Canh Thìn (1820). Ông sinh ra ở Hà Nội trong một gia đình danh giá, tổ tiên của ông rất nổi tiếng và được mệnh danh là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. Thơ văn của ông có giá trị hiện thực sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc đời cơ cực của ông nói riêng, và xã hội đen tối, bất công nói chung.
Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích là: bức tranh tâm cảnh của Kiều những ngày cô đơn ở lầu Ngưng Bích.
Câu 3: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là: miêu tả, biểu cảm.
Câu 4: Từ “xuân” trong hai câu thơ “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân/Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung” được dùng theo nghĩa chuyển.
Câu 5: Bút pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích trên là: đây là bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.
Đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích – Đề 3
Cho đoạn thơ sau:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Câu 1: Đoạn thơ trên diễn tả tình cảm của ai với ai? Nêu nội dung chính của đoạn thơ
Câu 2: Từ “nguyệt” trong câu thơ “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng” là từ Hán Việt hay Thuần Việt? Nêu ý nghĩa.
Câu 3: Nêu dụng ý nghệ thuật của tác giả khi sử dụng từ “tưởng” và “xót” trong đoạn thơ trên.
Câu 4: Cụm từ “tấm son” có nghĩa gì?
Câu 5: Tìm hai điển cố trong đoạn thơ trên và nêu hiệu quả nghệ thuật của cách sử dụng điển cố đó?
Câu 6: Thành ngữ nào được sử dụng trong đoạn trích trên?
Đáp án đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích
Câu 1: Đoạn thơ trên diễn tả tình cảm của nàng Thúy Kiều với chàng Kim Trọng.
Nội dung chính của đoạn thơ: Đoạn trích diễn tả nỗi nhớ thương cha mẹ và người yêu của Thúy Kiều khi nàng bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.
Câu 2:
- Từ” nguyệt” là từ Hán Việt.
- Ý nghĩa: Thúy kiều nhớ về người yêu là chàng Kim Trọng, nàng nhớ về lời thề đôi lứa. ” chén đồng” là chén rượu thề nguyền, đồng lòng, đồng dạ mà Kiều và Kim Trọng đã uống dưới ánh trăng vằng vặc.
Câu 3: Dụng ý nghệ thuật của tác giả khi sử dụng từ “tưởng” và “xót” trong đoạn thơ trên là:
- Từ “tưởng” gợi lên được nỗi lòng khắc khoải, nhớ mong về người cũ tình xưa của Thúy Kiều. Trong lòng nàng luôn thường trực nỗi nhớ người yêu đau đớn, dày vò tâm can.
- Từ “xót” tái hiện chân thực nỗi đau đớn đến đứt ruột của Kiều khi nghĩ về cha mẹ. Nàng không thể ở cạnh báo hiếu cho cha mẹ, nàng đau đớn tưởng tượng ở chốn quê nhà cha mẹ đang ngóng chờ tin tức của nàng.
Câu 4: Nghĩa của cụm từ “tấm son” là: “Tấm son” là từ ngữ dùng để chỉ tấm lòng son sắt, thủy chung, khôn nguôi nhớ về Kim Trọng của Thúy Kiều. Cũng có thể Kiều đang cảm thấy tủi hờn, nhục nhã khi tấm lòng son bị vùi dập, hoen ố, không biết gột rửa thế nào cho hết.
Câu 5: Hai điển cố trong đoạn thơ trên là: “Sân Lai”, “gốc tử”
Hiệu quả nghệ thuật của cách sử dụng điển cố đó là:
- Bộc lộ được lòng hiếu thảo của Kiều với mẹ cha; ngầm so sánh Kiều với những tấm gương chí hiếu xưa.
- Khiến lời thơ trở nên trang trọng, thiêng liêng hơn, phù hợp với việc ca ngợi tình cảm hiếu thảo hiếm có của Kiều
Câu 6: Thành ngữ được sử dụng trong đoạn trích trên là: thành ngữ “Quạt nồng ấp lạnh” được sử dụng nhằm nhấn mạnh nỗi đau xót xa dày xé tâm can của Kiều khi lo lắng nghĩ về cha mẹ. Nàng băn khoăn không biết bố mẹ có được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo không?
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bộ đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích (Có đáp án) 3 Đề đọc hiểu Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du tại website Truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Xin Chân thành cảm ơn.