Bộ máy Nhà nước, các vị Vua Triều đại nhà Đinh (968-980)

Bộ máy Nhà nước, các vị Vua Triều đại nhà Đinh (968-980)
Bạn đang xem: Bộ máy Nhà nước, các vị Vua Triều đại nhà Đinh (968-980) tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

1. Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh (968 – 980):

Năm 968, sau khi thống nhất xong đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt (nghĩa là “Nước Việt to lớn”), đóng đô ở Hoa Lư, tổ chức triều chính và cai trị nước nhà.

Về sự kiện trên, Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ: “Năm Mậu Thìn (968). Vua lên ngôi, đặt niên hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp đến động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp luỹ đào hào, đắp luỹ, đặt niên hiệu. Quan thần dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế “.

Vị trí dựng đặt kinh đô Hoa Lư có diện tích khoảng 300 ha, là vùng đồng trũng được bao quanh bởi những ngọn núi đá cao, phong cảnh hùng vĩ, núi non hiểm trở. Với tầm nhìn của nhà quân sự, Đinh Tiên Hoàng đã triệt để tận dụng địa thế thiên nhiên để dựng thành, đắp luỹ, chia cắt những khoảng trống giữa các núi thành một hệ thống khép kín. Mặc dù chức năng quân sự được thể hiện rõ ràng trong kiến trúc cảnh quan của kinh thành Hoa Lư, song về bản chất nó vẫn thể hiện toàn vẹn chức năng là kinh đô chính trị, văn hoá của vương triều Đinh buổi đầu lập quốc. Kinh đô Hoa Lư được Đinh Tiên Hoàng cho xây là một công trình kiến trúc lớn nhất của Việt Nam sau ngàn năm Bắc thuộc.

Năm 970, Đinh Tiên Hoàng bỏ việc lấy niên hiệu của các Hoàng đế Trung Hoa, đặt niên hiệu mới là Thái Bình. Như vậy, với việc lên ngôi, đặt quốc hiệulập kinh đô, đặt niên hiệu, Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định sự độc lập, thống nhất của quốc gia Đại Cồ Việt và bắt tay vào tạo dựng một mô hình nhà nước với thiết chế mới: Nhà nước phong kiến quân chủ thống nhất.

2. Tổ chức bộ máy nhà nước nhà Đinh:

2.1. Về cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước:

Đinh Tiên Hoàng đã hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý đất nước từ hình thức “Vương quyền”, chuyển sang hình thức “Đế quyền”, với 3 cấp: Triều đình Trung ương – Đạo (trung gian) – Giáp, Xã (cơ sở).

Triều đình Trung ương tại Kinh đô Hoa Lư do Đinh Tiên Hoàng đứng đầu, con trai cả là Đinh Liễn được phong làm Nam Việt Vương, có quyền hành lớn chỉ sau Hoàng đế và được giao đặc trách công việc bang giao. Năm Thái Bình thứ 2 (971), vua bắt đầu quy định cấp bậc văn, võ, tăng đạo. Đến năm 975, quy định áo mũ của các quan văn, võ.

Vua lập cho mình 5 Hoàng hậu, đặt ngôi Thái tử. Sử cũ cho biết, năm 968, sau khi lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng đã phong tước cho các Hoàng tử và bầy tôi thân cận: Năm 969, nhà vua phong con trưởng là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương.. Năm 978, nhà vua lập con nhỏ là Đinh Hạng Lang làm Hoàng Thái tử, phong con thứ là Đinh Toàn làm Vệ Vương.

Nhìn chung, về tổ chức chính quyền Trung ương thời Đinh, từ quan chế, nghi tiết, phần lớn đều phỏng theo các triều đại Đường, Tống của Trung Quốc. Tuy bộ máy hành chính thời Đinh là bộ máy chính quyền quân chủ thời kỳ mới độc lập, tự chủ, nên còn khá sơ sài, đơn giản, chưa thật hoàn bị; nhưng việc củng cố bộ máy chính quyền Nhà nước quân chủ của Đinh Tiên Hoàng đã được lịch sử ghi nhận. Sử gia thế kỷ XIII, Lê Văn Hưu nhận định: “…Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ…”.

Ở các địa phương, vua Đinh chia nước làm nhiều đạo, dưới đạo là giáp và xã. Đến nay, địa bàn của từng đạo và hệ thống quan chức các cấp chính quyền chưa xác định được rõ ràng.

2.2. Về quân đội:

Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh về cơ bản là một nhà nước võ trị. Quân đội thời Đinh đông và mạnh. Điểm nổi bật nhất trong tổ chức quân sự phòng giữ đất nước thời nhà Đinh là tổ chức “Thập đạo quân”.

Năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong cho Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân, đứng đầu quân đội. Bên dưới đạo có các loại: Quân, lữ, tốt, ngũ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Đinh Tiên Hoàng, năm Thái Bình thứ 5 (974), định ngạch quân 10 đạo, một đạo 10 quân, một quân 10 lữ, một lữ 10 tốt, một tốt 10 ngũ, một ngũ 10 người”. Quân thường trực thời Đinh bắt đầu được trang bị quân phục thống nhất. Binh lính đều đội mũ “Tứ phương bình đinh” (bốn góc vuông, phía trên phẳng) bằng da. Và quân túc vệ đều thích trên trán ba chữ “Thiên tử quân” để phân biệt với các loại quân khác. Quân đội được trang bị các loại bạch khí, kết hợp giữa giáo, kiếm, côn với cung, nỏ…

2.3. Về luật pháp:

Cùng với việc từng bước xây dựng và kiện toàn bộ máy quản lý từ Trung ương đến địa phương, xây dựng củng cố lực lượng quân sự, nền pháp chế thời kỳ này cũng bắt đầu được để ý đến. Đinh Tiên Hoàng đã đặt chức Đô hộ phủ sĩ sư coi việc hình án – một chức quan tư pháp và giao cho Lưu Cơ giữ chức này. Mặc dù vậy, dưới chế độ võ trị, luật pháp thời Đinh còn nghiêm khắc và tùy tiện, dựa theo ý muốn của nhà vua. Vua Đinh cho đặt vạc dầu và cũi hổ ở sân triều để trừng phạt phạm nhân.

2.4. Về kinh tế:

Thời Đinh, kinh tế nông nghiệp được chú trọng. Nhà vua nắm tất cả đất đai trong nước, vừa nhằm củng cố quyền lực vừa để giành lại đất đai, thu tô thuế, nuôi quân lính. Bên cạnh đó, nhà nước cũng quan tâm tới việc khai hoang, lập ấp, mở mang diện tích nông nghiệp ở khu vực đồng bằng và ven biển. Một số ngành nghề thủ công cũng được chú trọng phát triển như: Nghề đan lát, thợ dệt, rèn, đan lát, làm gốm. .. chủ yếu nhằm phục vụ triều đình và quân lính. Trong xã hội, những nghề thủ công như trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải lanh, sản xuất tơ lụa tiếp tục tăng trưởng. Khoảng năm 970, Đinh Tiên Hoàng cho lưu hành đồng tiền đầu tiên của đất nước: Đồng Thái Bình Hưng Bảo. Sự xuất hiện của đồng tiền “Thái Bình Hưng Bảo” thúc đẩy việc trao đổi mua bán vật phẩm trong dân chúng; việc trao đổi mua bán hàng hoá cũng được tiến hành với Trung Quốc và với các thuyền buôn nước ngoài.

2.5. Về văn hóa:

Cùng với việc xây dựng một chính quyền nhà nước có chủ quyền, vua Đinh Tiên Hoàng cũng chú ý đến phát triển văn hóa; những mầm mống đầu tiên của một nền văn hóa mang tính dân tộc được manh nha hình thành.

Đạo Nho tuy đã xâm nhập vào Việt Nam từ đầu thời Bắc thuộc, nhưng đến lúc này vẫn không tạo được những ảnh hưởng đáng kể. Nổi trội trong đời sống tâm linh vẫn là những tín ngưỡng dân gian hòa trộn với những tôn giáo như Phật giáo, Đạo giáo. Đạo Phật là chỗ dựa tinh thần và có vị trí lớn trong đời sống xã hội Đại Cồ Việt cũng như trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước thời Đinh. Ở Kinh đô Hoa Lư đã xây dựng nhiều chùa chiền (chùa Tháp, chùa Bà Ngô…) và các cột kinh Phật. Nhiều nhà sư đã trở thành cố vấn cho vua Đinh về đường lối đối nội và đối ngoại. Năm 971, vua phong cho Tăng thống Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt Đại sư (Khuông Việt nghĩa là phò giúp nước Việt) chứng tỏ các tăng sĩ đã có vai trò rất lớn trong việc phò giúp Đinh Bộ Lĩnh.

Thời kỳ này, nhiều loại hình văn hóa dân gian đã hình thành như ca múa nhạc (thể hiện qua truyền thuyết bà Phạm Thị Trân ở Hồng Châu, tỉnh Hưng Yên dạy quân sĩ hát, đánh trống, được phong chức và được suy tôn là Huyền Nữ, Ưu Bà), một số môn xiếc đã điêu luyện được biểu diễn trên lầu Đại Văn…

2.6. Về đối ngoại:

Ngay sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ ngoại giao với nhà Tống. Theo những bộ chính sử của Việt Nam như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì năm 970, vua sai sứ sang nhà Tống cầu viện. Chuyến đi sứ sang nhà Tống vào khoảng năm Thái Bình thứ 1 (970) dưới thời Đinh là chuyến đi sứ đầu tiên, mở đầu mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc trong thời kỳ Bắc thuộc. Tiếp đến, năm 972, vua sai con trai thứ là Nam Việt Vương Đinh Liễn sang nước Tống, đến năm 973 mới được về nước. Chuyến đi sứ sang nhà Tống của Đinh Liễn thành công, sau khi Đinh Liễn về nước, vua Tống đã sai sứ sang Kinh đô Hoa Lư sắc phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ quận vương, còn Đinh Liễn làm Kiểm hiệu Thái sư, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ.

Năm Thái Bình thứ 6 (975), mùa xuân, Đinh Tiên Hoàng sai Trịnh Tú mang sản vật địa phương như vàng, tơ lụa, sừng tê giác, ngà voi sang nước Tống triều cống. Năm 977, Đinh Tiên Hoàng tiếp tục sai sứ sang nhà Tống mang phương vật mừng Tống Thái Tông lên ngôi. Như vậy, dưới thời Đinh, tính từ năm 970, vua Đinh Tiên Hoàng lần đầu tiên sai sứ sang nhà Tống kết giao hiếu, nhưng chuyến xuất ngoại cuối cùng năm 977, sai sứ sang mừng Tống Thái Tông lên ngôi, trong quan hệ ngoại giao giữa Đại Cồ Việt và Trung Quốc không xảy ra tranh chấp. Nhà Tống đối với triều Đinh nói chung và vua Đinh Tiên Hoàng nói riêng, luôn tỏ thái độ thân thiện. Điều này cho thấy, Đinh Tiên Hoàng đã có một chính sách ngoại giao khôn khéo, mềm mỏng nhằm gìn giữ hoà bình cho đất nước.

3. Các vị vua triều đại nhà Đinh:

3.1. Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh 968-979)

Đinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (Hoa Lư, Ninh Bình), con trai ông Đinh Công Trứ, một nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Châu Hoan. Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở, thường đi chăn trâu, bắt lũ trẻ khoanh tay làm kiệu để ngồi cho chúng rước và lấy bông lau làm cờ bày trận giả đánh nhau. Lớn lên rất thông minh, có khí phách và có tài thao lược. Thấy nhân dân khổ sở vì loạn 12 sứ quân, Ông dựng cờ nghĩa, mong lập nghiệp lớn. Đinh Bộ Lĩnh theo về dưới cờ của Trần Minh Công (Trần Lãm) ở Bố Hải Khẩu, được Trần Lãm nhận làm con nuôi. Khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh thay quyền đem quân về giữ Hoa Lư, chiêu mộ hào kiệt để dẹp loạn 12 sứ quân.

Năm Mậu Thìn (968) sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Tiên Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.

Đinh Tiên Hoàng phong cho Nguyễn Bặc là Định Quốc công, Lê Hoàn làm Thập đạo Tướng quân và phong cho con là Đinh Liễn là Nam Việt Vương.

Năm Kỷ Mão (979) Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị tên thái giám là Đỗ Thích giết chết trong khi uống rượu ngủ say. Đinh Tiên Hoàng làm vua được 11 năm, thọ 56 tuổi.

3.2. Đinh Phế Đế (Đinh Toàn 979-980):

Đinh Toàn mới lên 6 tuổi, được triều thần đưa lên ngôi vua. Nhân cơ hội đó nhà Tống cho quân sang xâm lược nước ta.

Vì lợi ích của dân tộc, Thái hậu Dương Vân Nga (vợ của Đinh Tiên Hoàng, mẹ đẻ của Đinh Toàn), thể theo nguyện vọng các tướng sĩ, đã trao áo “Long Cổn” (biểu tượng của ngôi vua) cho Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, tức là Lê Đại Hành.

Chỉ trong vòng một tháng, dưới sự chỉ huy tài giỏi tuyệt vời của vua Lê Đại Hành, quân và dân Đại Cồ Việt đã phá tan được quân Tống trên cả hai mặt trận thủy và bộ.

Khúc sông Chi Lăng (sông Thương chảy qua xã Chi Lăng, Lạng Sơn), quân ta bắt sống tướng giặc là Hầu Nhân Bảo đem chém đầu.

Mặt trận Tây Kết, Trần Khâm Tộ cũng bị quân ta phá vỡ, bắt sống tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư.

Năm 981 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho tổ quốc ta.