Bối mẫu là một vị thuốc cực kì nổi tiếng trong cả Đông y và Tây y. Tuy nhiên bạn đã thật sự biết rõ về vị thuốc này chưa? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Bối mẫu là dược liệu quý, thường được sử dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền và cả trong y học hiện đại. Cùng truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn điểm qua thành phần, công dụng và cách dùng bối mẫu, bên cạnh đó là những lưu ý khi sử dụng.
Bối mẫu là gì?
Bối mẫu có tên khoa học là Bullus Fritillariae cirlosac, ngoài cái tên thường gọi bối mẫu còn được biết đến với những cái tên như Xuyên bối mẫu, Ám tử bối mẫu, Điềm Bối mẫu, Cam túc bối mẫu, Thoa sa bối mẫu, Khổ thái; Khổ hoa; Càn mẫu; Thương thảo; Không thái,…
Đặc điểm tự nhiên
Đây là phần thân hành của cây Xuyên bối mẫu (Fritillaria royiei Hook.) – hay cây Bối mẫu lá quăn (Fritillaria cirrhosa D. Don.) – đều thuộc họ Hành (Alliaceae). Cây xuyên bối mẫu cao khoảng 40-60cm. Vào tháng 3-4, hoa có hình chuông mọc xen kẽ với lá, mặt trong có màu xanh lục với những đường lưới có màu tím còn mặt ngoài có sọc cùng màu vàng nhạt.
Phân bố
Bối mẫu có xuất xứ từ Trung Quốc, chủ yếu đến từ các vùng có địa hình phức tạp như Thanh Hải, Tứ Xuyên, Vân Nam. Tại Việt Nam, vẫn chưa phát hiện cây xuyên bối mẫu mọc tự nhiên.
Thu hoạch và chế biến
Bối mẫu thường được thu hái vào mùa hạ hoặc mùa thu. Để thu hoạch bối mẫu cần đào lấy thân hành, sau đó giũ nhẹ để rơi bớt đất cát còn bám, loại bỏ vỏ thô cùng rễ con, sau cùng rửa sạch và tiến hành sấy hoặc phơi khô ở nhiệt độ thấp.
Thành phần hóa học của bối mẫu
Theo một số nghiên cứu, trong bối mẫu (Bullus Fritillariae cirrlosac) có những hoạt chất nhóm alkaloid sau đây:
- Peiminin C27H43O3N
- Peimin C27H45O4N
- Peimisin C27H43O4N
- Peimidin C27H45O2N
- Peimitidin C27H43.47O3Nß
- Fritimin C38H62O3N2
Công dụng của bối mẫu
Theo y học cổ truyền
Trong Đông y, bối mẫu có tác dụng nhuận phế, tiêu đờm và thanh nhiệt bởi bối mẫu có tính vi hàn, vị cam, khổ. Bối mẫu có công dụng lớn trong việc trị ho như ho khan, ho có đờm bị lẫn máu, áp xe vú, bướu cổ,…
Theo y học hiện đại
Bối mẫu chứa saponin và alkaloid, đây là hai thành phần có tác dụng giảm ho, khu đàm.
Bối mẫu còn có tác dụng trong việc điều trị co thắt cơ trơn như chống co giật, gây hưng phấn tử cung cô lập (thí nghiệm trên thỏ và chuột cống). Ngoài ra, bối mẫu còn có friti, hoạt chất có tác dụng hạ huyết áp.
Cách dùng bối mẫu
Trị ho đờm ở phụ nữ có thai
Bỏ phần lõi Bối mẫu rồi sao vàng, tán nhỏ, luyện với đường phèn. Sau đó, vo viên bằng hạt ngô và ngậm 5 – 10 viên mỗi ngày.
Trị tưa lưỡi ở trẻ em
Bỏ lõi 2g Bối mẫu, trộn với 2ml nước lã và 2g mật ong rồi bôi lên lưỡi, mỗi ngày dùng 4 – 5 lần. Có thể nuốt thuốc.
Trị lao hạch (chứng loa lịch)
Tán mịn các vị thuốc: Bối mẫu 10g, Huyền sâm 12g và Mẫu lệ 15g, trộn đều rồi làm thành viên hoàn. Mỗi lần uống 10g cùng nước sôi để nguội, ngày dùng 2 lần.
Trị viêm loét dạ dày tá tràng
Sắc uống các vị thuốc dưới đây, mỗi ngày dùng một thang gồm: Bối mẫu, Chi tử, Đan bì, Thanh bì, Trạch tả, Hoàng liên, mỗi vị 8g; Trần bì 6g; Bạch thược 12g; Ngô thù du 4g.
Trị động kinh
Bối mẫu 6g; Chu sa, Hổ phách, Trần bì, mỗi vị 6g; Thạch xương bồ 8g; Bán hạ chế, Cương tàm, Đởm nam tinh, Mạch môn, Viễn chí, Phục linh, Phục thần, Thiên ma, Toàn yết, mỗi vị 12g; Đảng sâm 16g. Tán tất cả thành bột, sau đó trộn cùng nước nấu từ gừng, cam thảo, trúc lịch rồi làm thành viên hoàn. Mỗi lần uống 20g, ngày uống 2 lần.
Lưu ý khi dùng bối mẫu chữa bệnh
- Tuyệt đối không dùng bối mẫu với Phụ tử, Ô đầu.
- Khi sử dụng bối mẫu cần tìm hiểu chống chỉ định và tác dụng phụ. Không nên tùy tiện sử dụng. Khi có nhu cầu sử dụng nên đến tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Trên đây là công dụng, liều dùng cũng như những lưu ý khi sử dụng bối mẫu. Hy vọng bài viết sẽ có ích và giúp bạn hiểu thêm về loại dược liệu quý này.
Nguồn: Nhà thuốc Long Châu, Dược điển Việt Nam V, Sách “Những cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập 1
truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn