Các cuộc đình công tại Hollywood và sự xâm lăng của AI

Các cuộc đình công tại Hollywood và sự xâm lăng của AI
Bạn đang xem: Các cuộc đình công tại Hollywood và sự xâm lăng của AI tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Những ngày vừa qua, hàng chục buổi ra mắt phim lớn nhỏ khác nhau tại Hollywood đều đã bị hủy bởi cuộc đình công kép của Hiệp hội diễn viên (SAG-AFTRA) và Biên kịch Mỹ (WGA). Đây được coi như những ngày tồi tệ nhất của điện ảnh Mỹ nửa thế kỷ qua.

ai và cuộc đình công của hollywood

Ảnh: The New York Times

Khi AI trở thành mối nguy

AI chính là “từ khóa” khơi nên cuộc đấu tranh của các diễn viên tại Hollywood. Bắt nguồn từ Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ vào tháng 5 năm nay, họ đã xuống đường phản đối khi những nhà sản xuất tại Hollywood muốn dùng các công cụ AI mới như ChatGPT, Runway… để tạo ra các kịch bản thay vì sử dụng sức sáng tạo của con người. Tuy đến hiện tại, những công cụ trên chưa thể thay thế hoàn toàn mà mới chỉ dừng lại ở vai trò hỗ trợ con người; thế nhưng, WGA cho biết AI sẽ ngày càng phát triển nhanh chóng và có khả năng tạo ra kịch bản có cấu trúc với các tuyến nhân vật hoàn chỉnh.

Fran Drescher (phải) – chủ tịch SAG-AFTRA – ủng hộ Hiệp hội Biên kịch Mỹ đình công vào tháng 5 (Ảnh: Chris-Pizzello)

Hiệp hội diễn viên cũng không đứng ngoài sự ảnh hưởng của AI, khi họ cũng bắt đầu “xuống đường” từ tuần trước để kêu gọi ngăn chặn sử dụng trái phép hình ảnh của mình. Bởi lẽ nhiều nhà sản xuất và các studio ở Hollywood trong thời gian qua đã đưa ra đề nghị mua bản scan gương mặt của các diễn viên và sử dụng dài hạn trong các dự án phim ảnh trong tương lai. Theo đó, diễn viên sẽ được trả tiền cho một ngày công, sau đó, công ty, studio sản xuất sẽ sở hữu bản scan biểu cảm, cử chỉ, thần thái để sử dụng vĩnh viễn mà không cần xin phép hay trả công cho diễn viên đó trong tương lai.

Điều này kéo theo cuộc chiến dài hơi trong việc bảo vệ bản quyền hình ảnh nhằm ngăn chặn việc hình ảnh của họ được dùng cho các mục đích không được trong sáng. Về phía Hiệp hội nhà văn cùng Hiệp hội biên kịch Mỹ, họ cũng đang lên tiếng về việc vi phạm bản quyền, khi các công ty AI sử dụng tác phẩm của họ như “chất liệu” để đào tạo cho công nghệ này. Việc này không chỉ khiến họ mất đi việc làm trong tương lai, mà còn vi phạm trắng trợn quyền sở hữu đã được bảo vệ.

Những “ngôi sao” lớn như Meryl Streep, Leonardo DiCaprio… đã thể hiện rõ sự ủng hộ với việc đấu tranh của SAG trên mạng xã hội, trong khi Lupita Nyong’o, Mark Ruffalo… cũng đã trực tiếp xuống đường biểu tình cùng dòng người đông đúc. Ở phía hậu trường, Dwayne Johnson, Jamie Lee Curtis… cũng đã quyên góp số tiền lớn, hỗ trợ cho những diễn viên bị mất thu nhập khi tham gia đình công.

mark ruffalo biểu tình AI

Diễn viên Mark Ruffalo xuống đường ủng hộ Hiệp hội diễn viên đình công (Ảnh: Variety)

jessica chastain diễn viên hollywood

Diễn viên Jesscia Chastain (Ảnh: Popsugar)

collin farrell

Nam diễn viên Collin Farrell (Ảnh: Popsugar)

đình công ai holllywood

Chloë Grace Moretz xuống đường ủng hộ Hiệp hội diễn viên đình công vào 25/7 (Ảnh: Popsugar)

Đối với những nhà làm phim, nhiều đạo diễn lớn không đứng về phe ủng hộ công nghệ mới này. Trong khi James Cameron – người đứng sau 2 phần Avatar – đã cảnh báo về sự trỗi dậy của AI 4 thập kỷ trước trong The Terminator, Christopher Nolan – “bộ óc vĩ đại” của điện ảnh ngày nay, cũng cho rằng công nghệ này là “một quả bom nguyên tử” mà người sáng tạo nên nó – những công ty công nghệ – cần có trách nhiệm, giống với thông điệp mà bộ phim tiểu sử Oppenheimer vừa được phát hành mong muốn truyền tải.

Không đưa ra những tuyên ngôn đao to búa lớn, huyền thoại của studio Ghibli – đạo diễn Hayao Miyazaki – cũng đã triệt để khước từ công nghệ này. Dù phải đảm nhận khối lượng công việc cực kỳ lớn trong khi sản xuất bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp – How do you live?, Miyazaki cũng đã từ chối áp dụng AI dù cho trong 1 tháng ê-kíp chỉ vẽ được 1 phút trên phim. Miyazaki từng nói: “Tôi cảm thấy như chúng ta sắp đến ngày tận thế. Con người chúng ta đang mất niềm tin vào chính bản thân mình mình”. Hayao Miyazaki cho biết sẽ không tích hợp AI này vào các tác phẩm của mình và nghĩ rằng việc áp dụng công nghệ một cách vô tội vạ chính là sự xúc phạm đến bản thân, khán giả và cả những ai yêu mến điện ảnh.

Vì sao AI trỗi dậy?

Một trong số nhiều nguyên nhân được SAG và WGA đưa ra trong sự phản đối của mình đó là sự bất bình đẳng về mặt thu nhập. Trong khi các nhà sản xuất có thể sử dụng hình ảnh đã được mô phỏng, tạo ra kịch bản chỉ bằng một cú click chuột… với chi phí bỏ ra là không đáng kể, thì các diễn viên và nhà biên kịch không được hưởng bất kỳ lợi ích gì. Trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu đang đối diện với những ngày khó khăn, sự lớn mạnh của AI trong lĩnh vực điện ảnh ngày càng được nhiều nhà sản xuất ủng hộ.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia trong ngành trí tuệ nhân tạo nói rằng cần rất nhiều thời gian để AI. Thế nhưng, thời gian qua, AI cũng đã chứng minh được sự hiện diện của mình trong ngành phim ảnh ở nhiều phân đoạn và nhiều vai trò. Vì vậy, còn quá sớm để kết luận sẽ không có sự “xâm chiếm” trong tương lai gần của công nghệ này.

Mới đây, mùa 6 của series phim Black Mirror từ nhà sản xuất Charlie Brooker đã cho khán giả cái nhìn toàn diện về một tương lai nơi hình ảnh người dùng xuất hiện trái phép và được biên tập cho những mục đích tiêu cực trong tập phim Joan is Awful. Trong thời đại bảo mật cá nhân yếu kém, các công nghệ mô phỏng ngày càng tinh vi…, series này của Charlie Brooker đã không còn mang tính hư cấu, mà đã khắc họa rõ nét một mối nguy cần phải loại trừ. 

tập phim joan is awful

Một phân cảnh trong tập phim Joan is Awful trong series Black Mirror trên Netflix.

Trước đó AI cũng đã bước vào giai đoạn hậu kỳ, như thể trong tác phẩm giành được nhiều đề cử nhất trong lịch sử điện ảnh Everything Everywhere All at Once của hãng A24. Bắt nguồn từ Runway AI – một công ty công nghệ sở hữu các công cụ chỉnh sửa video, nghệ sĩ VFX Evan Halleck đã dùng chính các công cụ của doanh nghiệp này để xóa phông xanh cho các cảnh quay. Anh cũng chia sẻ nếu mình biết đến nó sớm hơn thì có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian cũng như công sức.

Công cụ của công ty này cũng giúp bất kỳ người nào có thể biến hình ảnh, văn bản hoặc video clip thành cuộn phim dài 15 giây theo ý của mình. Và đây chỉ mới là một trong nhiều tính năng có thể hỗ trợ cho các chuyên gia hoặc người trong nghề. Khi đào sâu hơn, nó còn mở ra tiềm năng trong việc giảm thiểu nguồn nhân lực, không chỉ trong việc xử lý hình ảnh, mà còn trong việc sáng tạo kịch bản.

Cristóbal Valenzuela, Giám đốc điều hành của công ty nói: “Các công cụ của Runway AI (và các nền tảng khác như ChatGPT chẳng hạn) đang dân chủ hóa việc tạo nội dung và giảm chi phí sáng tạo xuống gần như bằng không”. Ông không lo lắng về việc nó sẽ lấy mất sinh kế của con người vì cho rằng còn rất lâu nữa thì công nghệ này mới trở nên thật sự hoàn chỉnh để được sử dụng. Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của những công nghệ này, liên hoan phim AI thường niên cũng được tổ chức, thu hút hàng trăm tác phẩm dự thi. Thế nhưng, điều này cũng đang gợi đến bài toán “con gà – quả trứng”, khi AI ngày càng được đào tạo để chuyên nghiệp hơn ẩn dưới lớp vỏ của những cuộc thi và thử nghiệm công nghệ.

Vì vậy, những rủi ro và mối nguy đối với những diễn viên và các nhà sáng tạo trong ngành điện ảnh đang trở nên nghiêm trọng hơn. Họ không chỉ đang đấu tranh cho bản thân mình, mà còn cho ngành sáng tạo nói chung, bởi nếu AI “nhúng sâu” vào địa hạt này, các sản phẩm trong tương lai sẽ bị rập khuôn và thiếu đi tính độc đáo. Và như vậy, thời kỳ đen tối của ngành điện ảnh như Miyazaki dự đoán sẽ xảy ra, khi không có gì xuất hiện trên màn ảnh là thật.

Cuộc chiến này sẽ cần rất nhiều thời gian để có thể tìm được một tiếng nói chung. Ít nhất là trong năm nay khi hơn 11.500 nhân sự của Hollywood đã từ chối làm việc, khiến các hãng phim và dự án phim đã phải tạm ngừng. Một trong số đó gồm các series được mong chờ như mùa cuối cùng của Stranger Things, phần tiền truyện của Trò chơi vương quyền… trong khi Dune: Part II và hàng loạt tác phẩm điện ảnh khác có khả năng sẽ phải dời sang năm sau bởi các khó khăn trong giai đoạn này.