Trường hợp gia đình có F0 hoặc người nghi mắc bệnh, cần thực hiện cách ly như thế nào để an toàn cho gia đình? Cùng tìm hiểu bạn nhé.
Hiện nay có nhiều F0 và F1 đang phải cách ly tại nhà. Việc cách ly tại nhà cho bệnh nhân Covid-19 cần đảm bảo theo dõi diễn biến thường xuyên và nâng cao sức khoẻ cho người nhiễm bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn cho những người nhà bệnh nhân.
Để thực hiện những mục tiêu này, hãy cùng Bách hoá XANH tham khảo những hướng dẫn cách ly tại nhà, cũng như các hành động cụ thể dành cho người bệnh và người nhà khi cách ly.
Lưu các số điện thoại cần thiết
Việc đầu tiên bạn cần làm là lưu các số điện thoại quan trọng của người thân có khả năng hỗ trợ bạn và đường dây nóng của cơ quan, cơ sở trong trường hợp cấp bách. Sau đây là một số số điện thoại của cơ quan, tổ chức tư vấn, hỗ trợ người bệnh trong giai đoạn chống dịch Covid-19:
- Đường dây nóng tư vấn phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế: 19009095 và 19003228.
- Trung tâm cấp cứu 115 hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh quận, huyện, nơi bạn sinh sống.
Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố sẽ tiếp nhận cấp cứu F0 khi có triệu chứng nặng tại nhà. Trung tâm sẽ sử dụng hệ thống xe cấp cứu, xe vận chuyển người bệnh, xe taxi để chuyển người bệnh đến các bệnh viện gần nhất trong 5 cụm: Bình Tân, Bình Chánh, Quận 10, Quận 12, Thành phố Thủ Đức.
Chuẩn bị không gian riêng cho F0 hoặc người nghi nhiễm
Việc thứ 2 bạn cần làm là xác định và thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người bị nhiễm.
Ngoài ra, cũng cần phân chia riêng biệt các đồ dùng cá nhân để giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gần với người bệnh để tránh lây nhiễm cho các thành viên khác.
Phân công người chăm sóc phù hợp
Trong trường hợp người nhiễm không thể tự chăm sóc bản thân, cần phân công người phù hợp nhất để chăm sóc người bệnh. Người chăm sóc cũng cần sử dụng găng tay y tế và vệ sinh kỹ sau mỗi lần tiếp xúc với F0.
Chuẩn bị các vật dụng cần thiết
Trong quá trình chăm sóc người bị F0 hoặc nghi nhiễm thì bạn nên dự trữ, chuẩn bị các vật dụng cần thiết sau để đảm bảo sử dụng khi cần dùng đến:
- Khẩu trang y tế dùng 1 lần, với số lượng đủ để sử dụng cho cả gia đình trong vòng ít nhất 2 -3 tuần.
- Găng tay y tế, số lượng tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc bệnh nhân trong 2 -3 tuần.
- Thùng rác để đựng chất thải lây nhiễm phải có nắp đậy hoặc túi nilon màu vàng để lót bên trong thùng.
- Các vật dụng y tế như: Máy đo huyết áp, nhiệt kế thuỷ ngân hoặc nhiệt kế điện tử.
- Bộ đồ dùng trong ăn uống, xà phòng tắm, bột giặt, máy giặt (nếu có).
- Các dụng cụ vệ sinh cá nhân, dùng riêng cho người bị nhiễm như khăn tắm, bàn chải đánh răng, khăn mặt,…
- Dụng cụ phơi, sấy, tẩy trang.
- Các thuốc đang sử dụng cho người trong nhà có bệnh sẵn như cao huyết áp, đái tháo đường, gút với số lượng có thể dùng ít nhất trong 30 ngày.
- Thuốc và đơn thuốc của bác sĩ đối với người bị nhiễm (nếu có).
Những công việc cần làm khi cách ly F0 hoặc người nghi nhiễm
Công việc cần làm đầu tiên đó là cả nhà bạn không nên quá lo lắng, bình tĩnh ở yên tại nhà, không nên đổ xô đi mua đồ tích trữ quá nhiều. Bởi đã có chính quyền địa phương, người thân và các lực lượng, tổ chức sẽ giúp đỡ gia đình trong thời gian cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, bạn nên lưu ý các điều sau:
- Cách ly người nhiễm hạn chế tiếp xúc người thân: Bạn nên bố trí cho F0 một phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng. Nếu điều kiện không cho phép thì bạn có thể đánh dấu không gian riêng cho người F0 để đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
- Đảm bảo không gian sống thông thoáng: Bạn nên mở cửa sổ thường xuyên để không khí được thay đổi, thông thoáng. Không sử dụng hệ thống điều hòa chung với các phòng khác hay để luồng không khí thổi từ phòng người bệnh sang các nơi khác.
- Thực hiện “4 không”: Không ăn chung với người khác, không tiếp xúc gần với những người khác hoặc động vật nuôi, không tự ý rời khỏi khu cách ly, không dùng chung đồ với các thành viên trong gia đình.
- Rửa tay thường xuyên: Hãy rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy tối thiểu 30 giây hoặc dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây. Nên rửa tay trước và sau khi nấu ăn và ăn uống, sau khi ho, hắt hơi, xì mũi, sau khi sờ vào các vật dụng, bề mặt, sau khi đi vệ sinh hay sau khi thu dọn rác thải,…
- Đeo khẩu trang đúng cách: Người bệnh, người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình phải luôn đeo khẩu trang. Các đối tượng không cần đeo khẩu trang bao gồm trẻ em dưới 2 tuổi, những người gặp khó thở, không thể tự bỏ khẩu trang nếu không có sự hỗ trợ.
- Vệ sinh hô hấp: Bạn không nên khạc nhổ bừa bãi ở nơi sinh hoạt chung, khi ho, hắt hơi thì che miệng, mũi bằng khăn giấy. Sau đó vứt bỏ ngay khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác kín.
- Vệ sinh dụng cụ ăn uống: Cần dùng dụng cụ ăn uống riêng và nên sử dụng dụng cụ dùng 1 lần. Đối với đồ ăn thừa và rác thải nên cho ngay vào túi đựng rác trong phòng riêng. F0 nên tự rửa chén dĩa trong phòng riêng và rửa bằng nước nóng hoặc xà phòng.
- Xử lý quần áo an toàn: F0 nên tự giặt quần áo, nếu không thể tự giặt thì người thân cần mang găng tay khi xử lý. Lưu ý nên giặt riêng quần áo của người nhiễm và tránh giũ quần áo bẩn khi chưa giặt để hạn chế việc phát tán virus qua không khí.
- Vệ sinh nơi sinh hoạt ít nhất 1 lần/ngày: F0 nên tự vệ sinh khu vực sinh hoạt của mình như: Sàn nhà, tường, các vật dụng với dung dịch khử khuẩn, nước sạch. Nếu cần người thân thì người chăm sóc cần mang găng tay khi xử lý, vệ sinh.
- Xử lý chất thải đúng cách: Bạn cần dùng thùng rác có nắp kín, mở bằng chân, có lót túi nilon bên trong ở phòng riêng của người bị nhiễm.
- Sử dụng găng tay khi xử lý chất thải: Bạn cần mang găng tay và vứt bỏ ngay khi dùng xong và rửa tay sạch lần nữa.
- Đối với gia đình có vật nuôi: F0 tránh tiếp xúc với vật nuôi để tránh lây lan sang thú cưng. Đồng thời cũng không nên để vật nuôi tiếp xúc với người và động vật khác bên ngoài nhà.
- Phòng ngừa lây nhiễm khi mua hàng: Bạn nên nhận hàng tại cổng hoặc nhờ người bên ngoài nhận giúp, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người giao hàng. Rửa tay ngay sau khi nhận hàng, mở gói hàng, tuyệt đối tránh phun chất khử trùng lên thực phẩm ăn uống, kể cả phun ở bên ngoài.
Điều kiện cách ly F0, F1 tại nhà
Điều kiện cách ly tại nhà dành cho F0
Các đối tượng F0 sau sẽ được cho phép thực hiện cách ly tại nhà:
- Đối tượng mắc COVID-19 không triệu chứng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ.
- Người mắc COVID-19 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, tức nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời, không thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè.
- Người mắc COVID-19 không có bệnh nền, hoặc có bệnh nền đang được điều trị ổn định.
Điều kiện cách ly tại nhà dành cho F1
- F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin COVID-19 (với điều kiện liều tiêm lần cuối cách ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1): Cách ly tại nhà 5 ngày, xét nghiệm Covid-19 1 lần vào ngày thứ 5. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo.
- F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin COVID-19: Cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, tự theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tiếp theo.
Tham khảo thêm: Điều kiện để F0 và F1 cách ly tại nhà là gì?
Khi một người trong nhà bị nhiễm Covid-19, khả năng bạn và người trong nhà cũng bị nhiễm rất cao. Do đó, mọi người phải cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Trong quá trình cách ly bạn nên chuẩn bị sẵn các dụng cụ cần thiết và ghi nhớ những lưu ý để đảm bảo an toàn. Bách hoá XANH hy vọng những nội dung về cách trang bị cách ly tại nhà đã hữu ích cho bạn.
Có thể bạn quan tâm:
Kinh nghiệm hay Bách Hóa XANH