Kiểm là một món ăn ngon và quen thuộc với các gia đình Việt trong những ngày rằm. Hãy cùng vào bếp và chế biến món chay ngon này ngay hôm nay cho gia đình mình nhé!
- Kiểm là loại canh ngọt thập cẩm (tương tự như bí, chuối hầm với dừa), được xem như một món đặc sản của miền Tây Nam bộ.
- Ngày xưa, sau mỗi vụ mùa, người dân thường dâng lễ lên chùa, vì mỗi thứ góp một ít, khó để chế biến món ăn riêng nên các vị tăng ni phụ trách nhà trù (nhà bếp) có suy nghĩ đem gom các loại rau, củ, quả… này lại và nấu thành một nồi canh tổng hợp. Món kiểm ra đời từ đó.
- Thời gian thực hiện: 1 tiếng 30 phút.
- Khẩu phần cho khoảng 4 – 5 người ăn.
1 Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ
Nguyên liệu:
- Dừa nạo: 1 kg (hoặc 6 gói bột cốt dừa hoặc nước cốt dừa lon tùy theo khẩu vị)
- Bí đỏ: 200g
- Hạt sen tươi: 100g
- Khoai mì: 200g
- Khoai cau: 200g
- Khoai lang: 200g
- Nấm mèo: 20g
- Đậu phộng: 100g
- Đường: 400g
- Bột khoai: 100g
- Bột báng: 50g
- Bột năng: 10g
- Lá dứa: 3 cây
- Đậu phộng rang: 100g
- Thịt dừa non: 1 trái
- Một chút muối
Dụng cụ: Nồi, tô chén, muỗng đũa
- Chọn khoai cau: Củ khoai cau (khoai sọ) ngon thường có dáng tròn đều hoặc hình dáng như quả trứng gà, trên vỏ sần sùi, nhiều râu, những củ mới, thường có nhiều đất bám trên vỏ. Không chọn mua những củ khoai sọ có nhiều vết thâm đen, thối rữa, đây thường là những củ khoai để lâu ngày, đang có dấu hiệu hoặc đã hư hỏng. Cũng không chọn những củ có dáng dài, to, chúng có thể là củ khoai môn, bị người bán trộn lẫn với khoai sọ để lừa người mua.
- Chọn khoai lang: Bạn nên mua những củ khoai lang có bề ngoài lành lặn, không bị nứt, sứt mẻ hoặc có những lỗ tròn (bị sâu) hoặc mọc mầm. Cầm khoai lên thấy nặng tay, cứng, không bị dập. Mua khoai củ vừa là ngon nhất, không nên mua khoai quá to vì nhiều xơ. Cẩn thận khi thấy khoai có màu đen, dập, có thể khoai lang đã hỏng.
- Chọn bí đỏ: Bí đỏ có dạng quả tròn được cắt khía tự nhiên thành các phần tương đối đều nhau, vỏ cứng khi chín có màu vàng cam hoặc pha xanh đậm, ruột vàng, vị ngọt và thơm, độ dẻo tương đối. Với bí đỏ hồ lô nên chọn quả già có da màu xanh pha vàng cam, vỏ cứng, ruột màu vàng nhạt hơn so với bí đỏ tròn. Bí đỏ hồ lô có độ dẻo mềm hơn hẳn, vị ngọt bùi nên thích hợp dùng nấu các món chè, xay nhuyễn kết hợp trong nguyên liệu làm bánh hay dùng nấu sữa bí đỏ dinh dưỡng cho cả nhà.
2 Các bước thực hiện món kiểm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Dừa nạo bạn cho vào một chén nước để vắt lấy nước cốt, sau đó cho thêm 2 lít nước nữa để vắt lấy nước dão nấu chè.
- Thịt dừa non cắt sợi.
- Hạt sen khô thì bạn ngâm nước khoảng 20 phút cho mềm. Nếu dùng hạt sen tươi thì lột bỏ vỏ, tách lấy tim sẽ ra cho khỏi đắng, không cần luộc cho mềm.
- Luộc đậu phộng khoảng 30 phút và hạt sen khô đã ngâm khoảng 15 phút trong lửa vừa.
- Bí đỏ gọt bỏ vỏ, cắt khúc vừa ăn.
- Nấm mèo ngâm nước ấm trong 20 phút cho nở, cắt bỏ chân, thái sợi hoặc miếng nhỏ vừa ăn.
- Mít tách lấy thịt, bỏ xơ và hạt, xé nhỏ thành sợi dày vừa ăn.
- Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ. Khoai cau gọt vỏ, cắt nhỏ khoai cau thành miếng vừa ăn. Khoai mì gọt bỏ 2 lớp vỏ, rửa sạch và cắt khúc vừa ăn.
- Chuẩn bị một thau nước sạch, cho vào khoảng 1 muỗng canh muối, cho khoai lang và khoai cau, khoai mì đã cắt nhỏ vào ngâm cho ra bớt nhựa, chát và không bị thâm đen. Khoai cắt đến đâu bạn cho vào thau đến đó. Ngâm khoảng 15 – 20 phút cho khoai ra hết nhựa.
Lưu ý: Cắt khoai lang, khoai mì và khoai cau nhỏ vừa ăn để khi ngâm nước muối sẽ ra nhựa nhanh hơn, không bị chát và khi nấu cũng mau chín đều hơn.
Mẹo gọt khoai cau không bị ngứa:
- Nhựa khoai khi gọt có thể làm da bị ngứa, bạn có thể đeo găng tay khi gọt hoặc sơ chế khoai trước khi gọt (luộc sơ).
- Luộc sơ khoai cau với nước muối: Cho khoai và nước (lượng nước ngập khoai) rồi cho thêm 2 muỗng canh muối. Bắc bếp đun lửa lớn đến khi nước bắt đầu sôi thì đổ khoai ra rổ, xả lại nước lạnh cho khoai nguội bớt và gọt vỏ.
- Bạn để tay và khoai thật khô rồi gọt vỏ khoai, không rửa khoai trước khi gọt.
Bước 2: Nấu bột báng và bột khoai
- Chuẩn bị một nồi nước sôi.
- Luộc bột báng, bột khoai trong nước sôi khoảng 5 phút rồi vớt ra. Nếu không, bột sẽ có vị chua, không ngon.
Bước 3: Nấu chè
- Cho vào nồi 2 lít nước dão dừa đã vắt, nấu lửa vừa cho sôi lăn tăn, cho bó lá dứa vào. Sau đó, cho khoai cau vào nồi.
- Đun nước sôi được khoảng 2 – 3 phút thì bạn cho hạt sen vào.
- Nấu khoai khoảng 10 phút thì bạn cho khoai lang, khoai mì và bí đỏ vào. Đậy nắp nấu thêm 15 phút cho mềm.
- Cho vào nồi phần nấm mèo, dừa sợi, bột khoai, bột báng và đường vào nồi, khuấy đều.
- Nêm thêm một muỗng nhỏ muối cho chè đậm đà.
- Cho nước cốt dừa vào nồi canh kiểm, khuấy đều tay.
- Pha bột năng với một ít nước rồi cho vào nồi chè, khuấy đều một lần nữa.
- Cuối cùng cho mít vào nồi. Chè vừa sôi lên thì tắt bếp.
3 Thành phẩm
Canh kiểm thế là đã ra lò. Kiểm béo ngon, thơm thơm vị mít, khoai thì dẻo bùi thật hấp dẫn đúng không nào? Bạn rắc lên một ít đậu phộng rang lên trên cho món ăn hoàn hảo nhé!
- Cách làm bánh trôi chay đậu xanh thơm ngon thanh mát, cực kì đơn giản
- 5 món chay thơm ngon dễ làm với đậu hũ
- Cách làm 5 món ăn đơn giản từ nấm, thơm ngon hấp dẫn cho mùa ăn chay
Món canh kiểm thơm ngon cho ngày hè oi ả thật dễ làm đúng không nào. Hãy cùng làm ngay món ngon này cho gia đình mình nhé. Chúc các bạn thành công!
*Tham khảo hình ảnh và công thức từ kênh YouTube Bếp Cô Minh.