1. Dàn bài hướng dẫn phân tích 4 khổ thơ cuối bài thơ Ánh trăng:
1.1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Duy và bài thơ Ánh trăng.
– Khái quát về nội dung chính của bốn khổ thơ cuối.
1.2. Thân bài:
a. Hình ảnh vầng trăng trong hiện tại
– Trên thực tế hình ảnh thơ đã hoàn toàn thay đổi: “Vầng trăng đi qua ngõ/như người dưng qua đường”.
– Tác giả đã lý giải lí do anh ta đã thay đổi: “Từ hồi về thành phố/quen ánh điện, cửa gương”
=> Ánh sáng của trăng được thay thế bằng nguồn sáng ánh điện đường, vì vậy vầng trăng đi qua ngõ mà nhà thơ vẫn dửng dưng vì không cần đến nó nữa.
b. Khi gặp lại vầng trăng
– “Thình lình đèn điện tắt/phòng buyn đinh tối om/vội bật tung cửa sổ”: Đây là một tình huống thơ đầy bất ngờ.
– Tác giả sử dụng 3 động từ: “vội, bật, tung” đặt liền nhau nhằm diễn tả sự khó chịu và hành động khẩn trương hối hả của tác giả để tìm nguồn ánh sáng thay thế.
– Từ “đột ngột” diễn tả trạng thái bất ngờ, vầng trăng tròn bỗng nhiên hiện ra tình cờ mà tự nhiên vằng vặc giữa trời chiếu vào căn phòng tối om.
c. Cảm xúc suy nghĩ của tác giả
– Cử chỉ: Ngửa mặt lên nhìn trời – có cái gì dưng dưng
– Vầng trăng gợi nhớ cho anh quá khứ, đó là những kỉ niệm của những năm tháng gian lao.
– “Trăng cứ tròn vành vạnh” tượng trưng cho quá khứ đẹp đẽ, nguyên vẹn và tràn đầy thủy chung.
– “Ánh trăng im phăng phắc”: Đó là thái độ nhắc nhở nhà thơ, là sự trách móc nhưng lặng im.
– “đủ cho ta giật mình”: Nhà thơ thấy giật mình vì chợt nhận ra sự vô tình bạc bẽo, vô tình và sự vội vàng trong cách sống, cái giật mình của sự ăn năn tự trách mình, tự thấy mình phải thay đổi.
d. Nghệ thuật
– Bài thơ như một câu chuyện tự sự của nhà thơ, có sự kết hợp hài hòa, tự nhiên giữa tự sự và trữ tình.
– Thể thơ tự do năm chữ.
– Nhịp thơ khi thì tự nhiên nhẹ nhàng theo lối kể, khi thì ngân nga, diết da cảm xúc lúc lại trầm lắng biểu hiện suy tư.
1.3. Kết bài:
– Khẳng định lại ý nghĩa của 4 khổ thơ cuối của bài thơ Ánh trăng
– Nêu những suy nghĩ và cảm nhận của em.
2. Hướng dẫn phân tích bốn khổ thơ cuối bài Ánh trăng:
Vầng trăng đã từ lâu trở thành một biểu tượng thân thuộc, gắn bó với con người Việt Nam. Trăng rằm tháng tám, trăng tròn vành vạnh mỗi ngày rằm, hay ánh trăng chiếu sáng từ nhà ra ngõ… Đó là những hình ảnh quen thuộc, luôn thấm vào tâm trí và tình cảm của người dân Việt Nam, cũng như trở thành nguồn cảm hứng đặc biệt cho các nhà văn, thi sĩ.
Nguyễn Duy, một nhà thơ tài hoa của Việt Nam, đã tìm thấy nguồn cảm hứng cho thi ca qua hình ảnh vầng trăng, và đã sáng tác nên một bài thơ đặc sắc mang tên “Ánh trăng”, đặc biệt qua bốn khổ thơ cuối bài, hình ảnh ánh trăng với những triết lý sâu sắc:
Nếu ở khổ thơ trước, vầng trăng nghĩa tình trọn vẹn với quá khứ thủy chung, gắn bó cùng con người thì đến khổ thơ thứ hai, vầng trăng ở hiện tại đã làm thay đổi mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình:
“Từ ngày lên thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường”
Khi đất nước hòa bình, khi hoàn cảnh sống của con người đã thay đổi, đó là lúc suy nghĩ của con người cũng thay đổi. Cuộc sống hiện đại hòa mình với ánh điện, cửa gương, với những tiện nghi đủ đầy, xa rời với thiên nhiên, vầng trăng lúc này như người dưng qua đường, xa lạ không quen biết. Vầng trăng khi xưa đã trở thành dĩ vãng, trở thành những hoài niệm trôi vào quên lãng của con người. Nhưng vầng trăng vẫn thế, vẫn vẹn nguyên nghĩa tình, không thay đổi mà chính con người giờ đây đã đổi thay. Con người đã dửng dưng, lạnh nhạt đến vô tình với nghĩa tình quá khứ, với những kỷ niệm với ánh trăng.
Bỗng mạch cảm xúc của nhân vật thay đổi khi xuất hiện một tình huống bất ngờ:
“Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn – đinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn”
Một hoàn cảnh bất ngờ, con người khẩn trương, vội vàng bật tung cửa sổ. Người và trăng gặp gỡ nhau. Và mạch cảm xúc tiếp tục được thể hiện ở những câu thơ tiếp theo:
“Ngẩng mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng là bể
Như là sông là rừng”
“Mặt đối mặt” – mặt trăng với mặt người, trong một khoảng khắc, họ cùng đối diện với nhau. Con người lúc này có cảm xúc rưng rưng, xúc động, dường như những cảm xúc từ quá khứ ùa về, hay đó là sự thức tỉnh sau những quên lãng của quá khứ nghĩa tình. Đối diện với vầng trăng, con người mới nhận ra sự thờ ơ, vô cảm của mình bấy lâu nay, tất cả quá khứ chợt ùa về trong xúc cảm rất đỗi thân thương.
“Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”
Vầng trăng vẫn như vậy, với vẻ đẹp tròn vành vạch và lặng im “im phăng phắc” nhưng cũng đủ khiến cho những sai lầm, những sự vô cảm của con người phải thức tỉnh, đủ để khiến con người ta giật mình. Đó là sự thức tỉnh đúng lúc, thức tỉnh về nhân cách, về lối sống của con người.
Bốn đoạn thơ cuối nói riêng hay cả bài thơ nói chung chính là những dòng cảm xúc chân thực và là những thông điệp từ đáy lòng của nhà thơ Nguyễn Duy muốn gửi gắm đến với độc giả qu từng câu thơ và bằng hình ảnh vầng trăng nhà thơ đã nói lên được cách sống, suy nghĩ của đại đa số con người trong xã hội ngày này với sự thờ ơ, vô cảm với xung quanh, với quá khứ và hiện tại, tương lai
3. Hướng dẫn phân tích bốn khổ thơ cuối bài Ánh trăng:
Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ trẻ tiêu biểu trong thời kỳ chống Mĩ cứu nước, và ông đã tiếp tục sáng tác bền bỉ trong những năm sau đó. Trong số các tác phẩm của ông, không thể không nhắc đến bài thơ “Ánh trăng” viết năm 1978. Ở bốn câu thơ cuối cùng của bài thơ này, người đọc có thể cảm nhận được tâm trạng trữ tình của nhân vật khi đối mặt với vầng trăng hiện tại.
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
Trong hiện tại, ánh trăng đã không còn được nhìn nhận như một người bạn thân thiết như trước đây. Cuộc sống hiện đại với những tiện nghi đầy đủ đã làm cho con người xa lạ hóa với thiên nhiên và với những khoảnh khắc thăng hoa của tình cảm. Vầng trăng dường như đã trở thành một kí ức, một hoài niệm lãng quên trong tâm trí con người. Không giống như trước đây, khi mà ánh trăng được coi là một điều tự nhiên và đầy sức hấp dẫn, giờ đây nó trở thành một điều xa lạ và người ta có thể dễ dàng bỏ qua nó. Tuy nhiên, ánh trăng vẫn đó, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp và ý nghĩa của mình, chỉ là con người đã thay đổi và trở nên vô tình hơn.
Chỉ đến khi tình huống thật bất ngờ xảy ra, thành phố mất điện, chìm vào bóng tối, nhân vật trữ tình mới vội vàng “bật tung cửa sổ”, một hành động đầy mạnh mẽ, quyết liệt để tìm kiếm ánh sáng tự nhiên theo bản năng. Thì bỗng nhiên nhìn thấy hình ảnh trước mắt “đột ngột vầng trăng tròn”. Nhưng không phải hôm nay, ánh trăng mới xuất hiện, mà hôm nay khi xảy ra một tình huống thật bất ngờ, nhân vật trữ tình mới nhận ra ánh trăng. Từ láy “đột ngột” diễn tả một sự việc xảy ra không báo trước khiến nhân vật trữ tình cảm thất ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của vầng trăng – một người bạn đã từng thân quen trong quá khứ.
Trong tình huống bất ngờ ấy, con người khi xưa giờ mới có dịp đối mặt trực tiếp với vầng trăng năm xưa, để rồi bao nhiêu kỉ niệm trong quá khứ lại ùa về khiến anh cảm thấy “có gì đó rưng rưng” nỗi xúc động, nghẹn ngào. Đó là những năm tháng chiến tranh hòa mình với thiên nhiên có vầng trăng bầu bạn, những năm tháng sống ở nơi rừng núi, chiến đấu có ánh trăng sẻ chia…
Vầng trăng ấy cứ tròn vằng vặc như vậy, giống như tình nghĩa thủy chung của người bạn tri kỷ dành cho người lính năm xưa, không một chút trách móc con người kia đã quá vô tình, quên đi tình nghĩa bao nhiêu năm gắn bó trải qua gian khổ. Ánh trăng vẫn im lặng dõi theo từng bước đi của con người với cái nhìn bao dung, rộng mở, nhưng chính sự cao thượng ấy đã khiến cho “ta giật mình”. Sự giật mình của nhà thơ hay chính là sự thức tỉnh để rồi chợt nhận ra rằng bản thân đã quá vô tâm, quên đi những người bạn tri kỷ.
Bằng giọng điệu thơ tự nhiên, cùng với cách xây dựng hình ảnh thơ giàu tính biểu cảm, nhà thơ Nguyễn Duy đã gửi gắm một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị và hiền hậu.